Tái cơ cấu nền kinh tế - phần 3

Trong loạt bài về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh tế Việt Nam để tìm hiểu thêm một vài khía cạnh khác của vấn đề thời sự này.

Nhiều yếu tố bất lợi

Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, ông đã khẳng định là nền kinh tế Việt Nam đang trong thời gian tồi tệ nhất kể từ năm 1991. Theo ông thì những lý do khách quan và chủ quan nào đã làm nên bức tranh này ạ?

TS Lê Đăng Doanh : Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng khó khăn nhất từ 20 năm nay và trong đó có yếu tố của bên ngoài là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư, và những biến động giá các nguyên liệu đầu vào trong nền kinh tế, là các yếu tố rất là bất lợi.

Mặt khác, các thiếu sót chủ quan là những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình lạm phát tăng cao. Nợ công và nợ nước ngoài tăng nhanh chóng và kéo theo đó là lãi suất ngân hàng tăng cao. Hiệu quả đầu tư công của chính phủ cũng như đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm rất thấp, dẫn đến những hệ quả nhiều mặt khác đối với nền kinh tế.

Mặc Lâm : Theo chúng tôi được biết thì Tiến Sĩ là người cổ vũ cho một đợt "Đổi mới" lần thứ hai, theo ông thì lãnh vực nào ông cho là quan trọng và cần phải làm trước nhất?

TS Lê Đăng Doanh : Theo tôi thì Đổi mới lần thứ hai này phải bao gồm đổi mới bản thân chính phủ, bộ máy nhà nước, và đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước mà trước hết là tập trung đổi mới các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty nhà nước. Điều này đã được TBT Nguyễn Phú Trọng kết luận vào ngày 10 tháng 10 khi bế mạc Hội Nghị 3 của BCH TW Đảng CSVN. Tôi đánh giá cao kết luận của ông Tổng Bí Thư về việc tái cơ cấu 3 lãnh vực: Tái cơ cấu đầu tư trong đó tập trung vào đầu tư công. Tái cơ cấu khu vực tài chính, tiền tệ, trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngân hàng thương mại, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước.

Nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng khó khăn nhất từ 20 năm nay và trong đó có yếu tố của bên ngoài là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư ... là các yếu tố rất là bất lợi.

TS Lê Đăng Doanh

Đó là các nội dung rất là quan trọng. Nhưng để cải cách và đổi mới được thì bộ máy nhà nước phải thay đổi, nếu không thay đổi bộ máy nhà nước, không thay đổi chức năng và nhiệm vụ của chính phủ thì rất khó có thể cải cách được các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc Lâm : Vâng. Thưa Tiến Sĩ, ông cũng đã tỏ ra nghi ngờ rằng tình hình kinh tế hiện nay có vẻ chưa đủ đau đớn để chính phủ thấy việc cải tổ tận cốt lõi là điều cần thiết. Tiến Sĩ thấy có gì để nói trong trường hợp chính phủ chỉ cải tổ có giới hạn thôi, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh : Chính phủ nếu chỉ cải tổ có giới hạn và cải tổ một cách nhỏ giọt thì không giải quyết được gốc rễ những căn nguyên gây ra bệnh hiện nay. Đó là những căn nguyên mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ rõ là đầu tư kém hiệu quả, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, là nguồn gốc gây ra những mất cân đối. Lạm phát, bội chi ngân sách, và không cải cách được các doanh nghiệp nhà nước vì những lợi ích nhóm, cho phép tôi nghĩ rằng những căn bệnh của Việt Nam có thể sẽ giảm bớt một ít nhưng không chữa được một cách cơ bản và nếu có dịp sẽ tái phát trở lại. Điều này cũng sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục rơi vào tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp và kinh tế kém hiệu quả. Đấy là điều mà tôi nghĩ rằng rất cần phải tránh.

Vấn đề lợi ích nhóm

Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, lợi ích nhóm là điều mà ai ai cũng đồng ý là tác nhân làm cho kinh tế Việt Nam rơi tự do, không thể kiểm soát. Theo ông, nếu tích cực tiêu diệt nó thì chế độ hiện hành sẽ bị ảnh hưởng như thế nào cả về hai phương diện chính trị và kinh tế ?

000_Hkg4825895-250.jpg
Người dân buôn bán tạm trên một khu đất đang quy hoạch. AFP (Người dân buôn bán tạm trên một khu đất đang quy hoạch. AFP)

TS Lê Đăng Doanh : Lợi ích nhóm thì trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng đều có cả. Cả trong nền kinh tế Hoa Kỳ chúng ta đều biết là có hiện tượng "lobby" – vận động hành lang vào các chính sách¬ – nhưng ở Việt Nam thì cái khung pháp lý cho việc vận động hành lang và cho các lợi ích nhóm được hình thành do sự kết nối giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân với những người có quyền lực thì hiện nay chưa được kiểm soát. Tôi nghĩ là động tác đầu tiên rất quan trọng là cần phải thực hiện công khai minh bạch các quá trình quyết định. Công khai minh bạch các quá trình phân bổ vốn. Công khai minh bạch việc đấu thầu cũng như việc giao các dự án đầu tư của nhà nước cho các doanh nghiệp nào. Những mối quan hệ của những người có liên quan rất cần được công bố công khai ra. Trên các cơ sở đó thì giới truyền thông mới có thể đóng góp vào việc đưa ra ánh sáng những góc khuất mà chúng ta đang muốn kiềm chế và kiểm soát.

Mặc Lâm : Mới đây chính phủ vừa giao cho các bộ tự tái cơ cấu trong phạm vi trách nhiệm của mình, mà trên thực tế thì nhiều bộ đang bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, chẳng hạn như Bộ Tài Chính thì cải tổ doanh nghiệp nhà nước, Ngân Hàng Nhà Nước thì cải tổ ngân hàng, còn Bộ Kế Hoạch Đầu Tư thì lại cải tổ các đầu tư công. Dựa trên yếu tố nào mà người ta có thể tin là các bộ sẽ cải tổ hiệu quả chính trên cơ thể của mình mà không bị mất quyền lợi, thưa Tiến Sĩ?

TS Lê Đăng Doanh : Vâng. Hiện nay thì mọi người đều nghĩ rằng không có ai tự vác đá ghè chân mình cho nên người nào có liên quan đến lợi ích nhóm đang hưởng lợi ở lợi ích nhóm thì rất ít có khả năng là tự mình vác đá ghè chân mình. Vì vậy cho nên chính Trung Ương Đảng (CSVN) đã có yêu cầu là Trung Ương Đảng và Quốc Hội cần phải tăng cường vai trò giám sát. Hiện nay đã có các đề nghị là phải lập một ủy ban cải cách kinh tế của Trung Ương Đảng hay là của Quốc Hội để tác động một cách tích cực hơn nữa vào việc xem xét các đề án cũng như giám sát việc thực thi mà chính phủ sẽ phải thực hiện.

Mặc lâm : Thưa, quay trở lại một chút về vấn đề đầu tư công, thưa Tiến Sĩ, các khu vực kinh tế nhà nước tuy chỉ chiếm 40% nhưng lại nhận được gần như hầu hết các nguồn đầu tư, đây là kẽ hở quan trọng nhất để nuôi những lợi ích nhóm, trong đó có cả sự chia chác cho quyền lợi của từng địa phương nữa. Theo ông thì chấn chỉnh tình trạng này bằng cách nào cho có hiệu quả ạ?

TS Lê Đăng Doanh : Chính việc đầu tư công lãng phí, đầu tư công cho phép người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, xã đầu tư, trường tiểu học đầu tư, và mỗi người tìm cách chia chác phần của mình vào cái phần đầu tư đó đã dẫn đến tình trạng đầu tư rất kém hiệu quả. Hậu quả là nợ nần tăng lên, tiền đưa ra thì nhiều nhưng hàng hóa sản xuất ra được từ tiền đầu tư đó thì ít. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng việc cải cách đầu tư và cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải kết hợp với nhau và có những bước đi thực sự có hiệu quả.

Hiện nay thì mọi người đều nghĩ rằng không có ai tự vác đá ghè chân mình cho nên người nào có liên quan đến lợi ích nhóm đang hưởng lợi ở lợi ích nhóm thì rất ít có khả năng là tự mình vác đá ghè chân mình.

TS Lê Đăng Doanh

Mặc Lâm : Theo ông thì vai trò truyền thông có thể thực hiện được chức năng báo động cũng như là đánh giá cho nền kinh tế hiện nay hay không, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay ạ ?

TS Lê Đăng Doanh : Theo tôi thì các cơ quan truyền thông của Việt Nam hiện nay đã đóng góp một cách rất là tích cực vào việc báo động và nêu vấn đề. Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng đã có sự tham gia một cách tích cực vào quá trình đặt vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Vấn đề sắp tới đây là phải đề xuất được các giải pháp có tính khả thi, và hai nữa là cổ vũ được sự đồng thuận của quần chúng. Điều cơ bản là hạn chế và kiểm soát được lợi ích nhóm cũng như là kiềm chế được tư duy nhiệm kỳ và cả hai điều này đều có liên quan đến bộ máy nhà nước.

Mặc Lâm : Xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Opens in new window

Video: Những con số trong tuần 15-11-2011

Theo dòng thời sự: