Nhiều vấn đề cấp bách
Thư ngỏ ngày 6/8/2012 được mô tả là bổ sung ý kiến trước tình hình mới, tiếp theo kiến nghị ngày 10/7/2011 về “Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” và bản ý kiến về “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” ngày 8/9/2011.
GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội phát biểu về những động lực thúc đẩy cần có kiến nghị ngày 6/8. Ông nói:
“Chúng tôi thấy tình hình càng ngày càng có những vấn đề bức xúc cấp bách thành ra chúng tôi gởi thêm kiến nghị nữa.”
Bản kiến nghị 6/8 hoan nghênh và đánh giá cao Luật Biển vừa được ban hành. Các nhân sĩ trí thức cảnh báo nguy cơ từ phương bắc theo đó “Nhiều khả năng những hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ còn tăng mức độ quyết liệt đi đôi với việc chuẩn bị dư luận và điều kiện cho bước leo thang nguy hiểm hơn, kể cả gây chiến.” Bản kiến nghị nhấn mạnh rằng Việt Nam có chính nghĩa nhưng cần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược vì lợi ích của dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Về vấn đề sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược, nhất là vai trò của Hoa Kỳ hiện nay. GS Chu Hảo phát biểu:
“Chúng tôi nghĩ là đã cân nhắc viết câu đó một cách rõ ràng đầy đủ ý, không ai có thể hiểu lầm được. Chúng tôi nhận xét thấy về phía Hoa Kỳ đã có những động thái, những phát biểu cũng như hành động tương đối rõ ràng quan điểm của chính quyền Obama và của nước Mỹ đối với vấn đề Biển Đông. Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố và hành động đó. Chúng tôi nghĩ chính quyền Việt Nam cũng phải xem xét đến vấn đề đó một cách nghiêm túc.”
Thư ngỏ ngày 6/8/2012 gởi Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ và Bộ Chính Trị Trung ương Đảng, đã mạnh mẽ kêu gọi tiến hành cải cách sâu sắc toàn diện về chính trị, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực khác, trước hết là cải cách kinh tế và giáo dục. Nội dung cải cách chính trị nhằm trước hết đổi mới căn bản thể chế lãnh đạo và quản lý của bộ máy công quyền, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ của dân đã được hiến pháp qui định. Bản kiến nghị nhấn mạnh tới nguyện vọng của người dân sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở cải cách thể chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền. Bản kiến nghị kêu gọi Nhà nước bảo đảm các quyền hiến định về tự do, dân chủ như tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tư do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là những yêu cầu mang tính toàn diện như thế dễ được hiểu là thay đổi cả chế độ chính trị. GS Chu Hảo phát biểu:
“Sự thay đổi thể chế chính trị thì đấy cũng là một trong những mục tiêu của chính Đảng Cộng sản đề ra từ những Đại hội 8,9,10. Điều đó chúng tôi chỉ có nhắc nhở để thực hiện một cách ráo riết hơn và nghiêm túc hơn. Mục tiêu của chính Đảng Cộng sản đề ra là thay đổi thể chế chính trị đồng thời thay đổi thể chế kinh tế...thế nhưng chắc cũng phải có những bước đi, chứ không phải là thay đổi một cách đột ngột và chắc là Đảng Cộng sản chủ trương nếu có thay đổi thì thay đổi từng bước dần dần. Nhưng chúng tôi thấy cái từng bước dần dân đấy chưa thật là thỏa đáng cho nên chúng tôi mong muốn thúc đấy quá trình đó tiến nhanh hơn.”
Theo lời GS Chu Hảo, Quốc hội Nhà nước và Đảng Cộng sản đã không trả lời hai bản kiến nghị năm 2011. Nhưng ông theo dõi thì thấy cũng có một số chuyển biến nhất định.
Nguyện vọng người dân
Một nhân sĩ ở miền Nam, Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, một người ký tên trong hai kiến nghị trước cũng như thư ngỏ ngày 6/8/2012 phát biểu với Đài ACTD:
“Chúng tôi làm nghĩa vụ của người trí thức, nói tiếng nói của lương tâm, đứng trước tình hình đất nước không thể im lặng được thì chúng tôi có những ý kiến như vậy. Còn nhà nước có nghe hay không là chuyện của nhà nước, nhưng chúng tôi cũng nói với đồng bào là chúng tôi ở Việt Nam cũng như anh em trí thức ở hải ngoại có những ý kiến như thế này… để đồng bào trong nước và hải ngoại biết những chuyện đó.
Riêng cá nhân tôi không tin lắm về việc trả lời của nhà nước, nhưng nghĩa vụ của mình thì mình phải làm vì không thể yên trí với tình hình hiện nay và đó là trách nhiệm công dân, chứ cũng không nghĩ là sau thư ngỏ đó thì sẽ có được những chuyển biến tích cực. Nhưng chúng tôi tiếp tục đấu tranh để xây dựng một nước Việt Nam thực sự dân chủ và tiến bộ xã hội, trong đó các quyền của người dân được đảm bảo.”
Có thể nói 71 người ký tên trong thư ngỏ là thành phần nhân sĩ trí thức có lòng ưu tư tới vận mệnh đất nước, chưa kể họ cũng là thành phần ưu tú nhất của xã hội. Những tên tuổi lớn như TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Quang A, GS Tương Lai, GS Chu Hảo, GS Hoàng Tụy nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu…Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều vị khác đã tích cực tham gia. Ngoài ra còn có một số trí thức hải ngoại trong đó phải kể đến GS Hà Dương Tường, GS Nguyễn Văn Tuấn, GS Phạm Xuân Yêm, chuyên gia Vũ Quang Việt…
Theo lời GS Chu Hảo, nhóm chủ trương đã soạn thảo thư ngỏ và chọn mời được 71 nhân sĩ trí thức trong ngoài nước, rồi gởi văn bản qua mạng để những vị này tham khảo trước và nếu đồng ý thì ký tên. GS Chu Hảo nhấn mạnh hiện nay không có chủ trương mở rộng vận động ký tên vào kiến nghị như các lần trước, nhưng có mong muốn là được càng nhiều người ủng hộ càng tốt, bằng phương thức thích hợp cho mỗi người, như phát biểu, tuyên truyền rộng rãi cho mọi người cùng biết.
Theo dòng thời sự:
- Phiên toà kết tội lòng yêu nước
- Người Sài Gòn đề nghị chính quyền tổ chức biểu tình
- Vụ án blogger Điếu Cày sắp được xét xử
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Lời nói của Thủ tướng có đi đôi với việc làm?
- Cuộc bố ráp gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn
- Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?
- Dân xã Liên Hiệp nấu cháo biểu tình
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn
- Người dân nghĩ gì về những cuộc biểu tình chống TQ?
- "Quần chúng tự phát" – Hình thức đàn áp mới?
- Giới trẻ hy vọng về một xã hội tốt đẹp
- Để có một xã hội trung thực và ngay thẳng
- Tính trung thực, ngay thẳng có còn tồn tại?