Kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2014

0:00 / 0:00

Trong báo cáo ra ngày 7/4, Ngân hàng Thế giới kết luận rằng các nền kinh tế trong khu vực Đông Á sẽ có mức độ tăng trưởng ổn định trong năm 2014, cải cách thể chế vẫn là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, đồng thời, khu vực này vẫn gánh chịu những rủi ro tiềm tàng. Để có góc nhìn đầy đủ, mời quí vị cùng theo dõi cuộc phỏng vấn với ông Bert Hofman, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới của khu vực Châu Á – TBD.

Nới lỏng định lượng tác động kinh tế Đông Á

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn ông đã dành thời gian cho đài RFA, xin ông một lần nữa có thể cho biết những điểm chính yếu trong báo cáo mà Ngân Hàng Thế giới mới phổ biến nói về mức tăng trưởng trong khu vực Đông Á?

Bert Hofman: Báo cáo mà Ngân hàng Thế giới mới phổ biến cách đây ít ngày cho thấy tăng trưởng của các nước trong vùng Đông Á khá ổn định trong năm 2014 với mức 7.1%. Nước lớn trong khu vực là Trung Quốc giảm chút ít so với năm trước là 7.6%, còn các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam hay Philippines nhìn chung tương đối ổn định, mặc dù có đôi chút giảm sút. Tuy nhiên, vì những quốc gia này đã đạt đến ngưỡng sản xuất tối đa, nên dù nhu cầu có tăng thì nguồn cung ứng cũng không thể tăng thêm được nữa và do đó, tốc độ tăng trưởng thêm khó đạt được. Riêng về Việt Nam, thì tôi thấy rằng vẫn còn những vấn đề riêng liên quan đến cải cách hệ thống ngân hàng hay hệ thống doanh nghiệp quốc doanh nên đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm nay.

Chính sách nới lỏng định lượng (easing quantitative) của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ có 2 tác động cơ bản đến các nền kinh tế trong khu vực Đông Á. <br/> -Ô. Bert Hofman

Điểm thứ hai đáng chú ý trong bản báo cáo này là nguồn cầu ngoài Đông Á là động lực cho khu vực này phát triển chứ không phải là nguồn cầu nội địa. Cụ thể là lần đầu tiên trong vòng 5 năm, cả 3 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng, vì thế các nước trong khu vực có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang 3 thị trường lớn trên. Cũng bởi vì có thể xuất khẩu được, nên các nguồn lực trong nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, từ đó khiến thâm hụt tài chính được cải thiện, làm chậm tiến trình tăng trưởng tín dụng và tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động nội địa.

Vũ Hoàng: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới có nói nhiều đến việc nới lỏng định lượng trong chính sách của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ ảnh hưởng đến khu vực Đông Á, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Bert Hofman: Chính sách nới lỏng định lượng (easing quantitative) của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ có 2 tác động cơ bản đến các nền kinh tế trong khu vực Đông Á.

Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Trước hết, là dòng vốn thay đổi. Kể từ mùa hè năm ngoái khi mà chính sách nới lỏng định lượng của Fed bắt đầu thắt chặt lại thì dòng vốn vào khu vực Đông Á cũng giảm xuống, nói chính xác là dòng vốn nước ngoài bắt đầu chảy ra khỏi các nước này, tạo ra một số biến động trong đó khiến đồng nội địa của các nước như Indonesia bị giảm giá.

Tuy nhiên, tác động thứ hai tôi nghĩ quan trọng hơn là hiện tượng bình thường hóa lãi suất toàn cầu, cụ thể là lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ 10 năm đã tăng từ 1.5% lên 2.7%. Thông thường thì lãi suất trái phiếu này nằm ở mức 4.5%, vì thế lãi suất sẽ dần dần quay lại mức này trong tương lai. Nói một cách ngắn gọn, khi lãi suất tăng thì các khoản đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, các nước trong khu vực Đông Á trong vài năm qua đã “nhập khẩu” các khoản vốn đầu tư và đương nhiên những khoản này cũng không còn rẻ nữa. Về quy luật thì có thêm vốn sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng trưởng, nhưng vì vốn đắt đỏ hơn nên để duy trì được mức tăng trưởng và công ăn việc làm thì buộc những nước trong khu vực phải thay đổi cơ cấu kinh tế để làm sao biến các khoản đầu tư được hiệu quả hơn.

Đổi mới cơ cấu tại Việt Nam

Vũ Hoàng: Thưa ông Hofman, báo cáo cũng đề cập đến vấn đề đổi mới cơ cấu là nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng dài hạn, vì sao lại vậy thưa ông?

Bert Hofman: Đổi mới cơ cấu thực sự là một khái niệm rộng lớn, sử dụng các nguồn lực sản xuất sao cho có hiệu quả. Tại Việt Nam, vấn đề cải cách thể chế cũng có thể hiểu là cải cách hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đó ở Indonesia là đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng, còn ở các quốc gia như Malaysia hay Philippines thì lại là hệ thống giáo dục tốt hơn.

Tuy vậy, ở góc độ kinh doanh thì cải cách thể chế có thể hiểu là tăng cường hoạt động cấp phép, mở rộng hoạt động kinh doanh hay bảo vệ các nhà cung cấp tín dụng và làm sao để vay tiền ngân hàng dễ dàng hơn…

Trên thực tế, người ta có thể đổi mới cơ cấu thông qua việc cải cách nền kinh tế thí dụ khuyến khích thành lập nhiều hoạt động kinh doanh ở những địa điểm mới mà sinh lợi nhiều hơn ở những địa điểm cũ, từ đó tạo ra sự tăng trưởng. Nói chung là sự đổi mới cơ cấu không nhất thiết chỉ diễn ra ở Đông Á, mà diễn ra ở những khu vực khác nhau ở những quốc gia khác nhau.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ giảm dần lượng mua công trái trong chính sách nới lỏng cung tiền sẽ có tác động đến dòng vốn và lãi suất toàn cầu và các nước Đông Á cũng không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng. <br/> -Ô. Bert Hofman

Vũ Hoàng: Chúng tôi muốn biết vì sao vẫn còn những rủi ro tiềm tàng ở khu vực Đông Á trong thời gian tới?

Bert Hofman: Như chúng ta đề cập đến việc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giảm dần lượng mua công trái trong chính sách nới lỏng cung tiền sẽ có tác động đến dòng vốn và lãi suất toàn cầu và các nước Đông Á cũng không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng. Thứ nhất, các giới chức ngân hàng cần phải cảnh giác với các biện pháp phòng ngừa đảm bảo hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động hiệu quả và có đủ vốn để có thể đáp ứng trong trường hợp các cú sốc xảy ra, các khoản dự trữ quốc gia cũng cần sẵn có để đối phó với những tác động có thể xảy đến từ tỷ giá hối đoái thay đổi hay dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia mình… Đó là khía cạnh rủi ro đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến.

Khía cạnh rủi ro thứ hai là nhân tố Trung Quốc. Như chúng ta biết trong khu vực Đông Á, từ lâu, Trung Quốc đã dựa rất nhiều vào đầu tư, có thể nói, đầu tư tại Trung Quốc chiếm đến gần 50% GDP nước này. Trong đó, rất nhiều khoản đầu tư lại được xuất phát từ tiền đi vay và đòn bảy đầu tư trên GDP rất cao trên 200%. Sau giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế nội địa thông qua ngân hàng, nói đúng hơn là đi vay từ tiền của ngân hàng để phát triển. Điều này kéo theo tỷ lệ nợ trên GDP hay tín dụng trên GDP cao có khả năng dẫn đến những rủi ro. Chính phủ Bắc Kinh đã nhìn thấy điều đó và họ muốn thay đổi, nhưng việc thay đổi ngay tức thì khiến đầu tư sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước. Đồng thời, nó cũng tác động đến các nước khác trong khu vực, những nước đang kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ bị chịu những hệ lụy kéo theo ngay khi có sự thay đổi đột ngột trong chính sách đầu tư của Hoa Lục.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng thưa ông, đánh giá chung của ông về viễn cảnh của khu vực Đông Á trong dài hạn là gì ạ?

Bert Hofman: Quan điểm của chúng tôi là khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong khu vực Đông Á, với những minh chứng cho thấy các quốc gia có tiềm năng phát triển. Bởi như anh thấy, nhìn chung là kinh tế trong khu vực này vẫn còn khá nghèo vì thế họ vẫn còn nhiều đường để có thể tăng trưởng với điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định cũng như có những chính sách về đổi mới cơ cấu hiệu quả như tôi vừa trình bày thì khả năng tăng trưởng và phát triển trong khu vực Đông Á sẽ vẫn còn mở rộng trong tương lai dài.

Vũ Hoàng: Một lần nữa, cám ơn ông rất nhiều đã dành thời gian cho đài chúng tôi.