Một tháng sau thảm họa ở Nhật

Thảm họa kép động đất - sóng thần và sự cố các lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima tại Nhật Bản đến hôm nay tròn một tháng.

0:00 / 0:00

Thông tín viên Đỗ Thông Minh của Ban Viêt Ngữ Đài Á Châu Tự Do từ Tokyo, Nhật Bản, người theo dõi mọi diễn biến liên quan kể từ khi xảy ra thảm hoạ cho đến nay, tổng hợp các sự kiện đáng chú ý.

Phóng xạ hạt nhân

Tác động lớn nhất gây quan ngại cho nhiều người, không chỉ đối với dân chúng Xứ Phù Tang mà còn đối với những người khác tại các quốc gia trong khu vực, là phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân bị sự cố rò rĩ ra ngoài không khí, đi vào đất, nước biển và các loại lương thực- thực phẩm.

Cơ quan chức năng Nhật bản khắc phục những sự cố tại các lò phản ứng hạt nhân ra sao? Ông Đỗ Thông Minh cho biết một số thông tin liên quan:

Suốt tháng qua xảy ra những vụ nổ, lần thứ nhất vào ngày 12 tháng ba rồi ngày 14 tháng ba, sau đó cuối cùng nổ cả lò số hai nữa. Tuy nhiên cho đến giờ những gì đã xảy ra gây tác hại đã xảy ra và không tiếp tục gây thêm tác hại nữa.

Tác động lớn nhất gây quan ngại là phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân bị sự cố rò rĩ ra ngoài không khí, đi vào đất, nước biển và các loại lương thực- thực phẩm.<br/>

Người ta đã lấp được những chỗ rò rĩ nước có chất phóng xạ cao ra biển; đồng thời cho thoát 15000 tấn nước nhiễm phóng xạ thấp để lấy chỗ chứa chừng 50000-60000 tấn nước biển nhiễm phóng xạ cao.

Đây là nước lấy từ những lò, hầm nhằm giúp nhân viên có thể tiến gần thêm, giúp làm việc dễ dàng hơn. Sắp tới làm sao phải vận hành được hệ thống giải nhiệt. Từ đó mới có thể giúp cho lò phản ứng có ôn độ dươí 100 độ, đó là ôn độ an toàn.

Để tránh trường hợp bị nổ như ở lò số 1 và số 3 do hơi hydrogen bốc lên gặp oxygen; cách đây hai ngày họ cho bơm 6000 mét khối nitrogen vào bên trong.

Về mặt nguyên tắc, sau này những lò này phải ‘đóng’, tức ‘phế thải’. Phí tổn từ bốn đến sáu tỷ đô la, chưa kể tiền phải bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi phóng xạ lên đến hằng chục tỷ đô la.

Ảnh hưởng môi trường

Và phải mất bao lâu mới có thể kiểm soát được tình hình? Câu hỏi này được thông tín viên Đỗ Thông Minh giải đáp:

Thứ nhất vấn đề môi trường nói chung làm thế nào để có thể phục hồi nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại…rất khó khăn, bởi thiên tai quá lớn. Phải nhất nhiều thơì gian.

Chính phủ đã đưa ra những chương trình tài trợ, gíup đỡ; ví dụ mỗi gia đình có người chết hay mất tích sẽ nhận được mỗi người 350 ngàn Yen, tương đương hơn bốn ngàn đô la.

Nếu nhà cửa bị phá huỷ hoàn toàn cũng nhận được số tiền như thế; còn bị một nửa thôi, được 180 ngàn Yen, tương đương hơn 2000 đô la.

Có được khoản tiền đó vì đến nay Cơ quan Hồng Thập Tự của Nhật và những cơ quan chính đã quyên góp được khoảng 1,6 tỷ đô la Mỹ…

Còn vấn đề phóng xạ là công việc lâu dài. Vấn đề canh tác sắp tới, rồi nước phóng xạ thải ra biển… cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nặng cho nông nghiệp và ngư nghiệp.

Các chất phóng xạ như I-131 hay I-134 thì tuổi thọ ‘half life’ chừng 8 ngày thôi sẽ tan loãng và mất đi sau một thời gian; tuy nhiên những loại khác như cesium, trung tính tử hay plutonium nguy hại hơn ( nhưng may là những loại này ít hơn).

Trước đây có một số vùng do phóng xạ cao nên rau, sữa, cá không xuất ra ngoài được. Ngoài ra do tin đồn cũng khiến ngươí ta e ngại.

Tuy nhiên đến nay, do phóng xạ thấp ở một số vùng nên chính phủ cũng giải toả lệnh cấm, nên cũng có một chút khả quan, nhưng trong tương lai biến chuyển thế nào không thể dự đoán trước được.

Mức sóng thần cao nhất đo được là 15,9 mét; tuy nhiên ở những chỗ theo sườn núi có thể cao đến 37,8 mét. Nhân loại trong thế kỷ này nhận thấy một trận sóng thần khủng khiếp như thế.

Đỗ Thông Minh

Tổn thất

Sau một tháng, tổn thất về nhân mạng và kinh tế cho những vùng bị tác động bởi thiên tai động đất- sóng thần ở mạn đông bắc nước Nhật được tổng kết như sau qua thông tín viên Đỗ Thông Minh từ Tokyo:

Nhật báo lớn nhất của Nhật, Youmeri, hôm nay 10/4 có tổng kết sau một tháng động đất 9 độ Richter hôm ngày 11 tháng ba, và vào ngày tháng tư có một hậu chấn mạnh 7,4 độ Richter.

Trong thời gian qua có 100 dư chấn từ 4 độ Richter trở lên. Mức sóng thần cao nhất đo được là 15,9 mét; tuy nhiên ở những chỗ theo sườn núi có thể cao đến 37,8 mét.

Số người chết hôm nay ghi nhận được 12915; số mất tích 14921; 4660 người bị thương.

Trong thiên tai này có điều đặc biệt: vùng đất liền tỉnh Miyagi bị nặng nhất độ chấn động ở mức 7 mà thôi. Ở 7 độ Richter có thể có nhà cửa bị đổ nhưng không nặng lắm mà tai hoạ lớn nhất là sóng thần.

Nhân loại trong thế kỷ này nhận thấy một trận sóng thần khủng khiếp như thế: nước biển xâm nhập từ 3 đến 5 kilômét…

Thiệt hại tài chính trực tiếp ước tính 200 tỷ đô la, còn gián tiếp có thể lên đến 300 tỷ đô la.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.