Việt Nam và đầu tư Nhật Bản

0:00 / 0:00

Căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc có góp thêm vào việc thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật rời Trung quốc hay không? Trong bối cảnh đó Việt Nam có hy vọng gì trong việc thu hút các nhà đầu tư Nhật hay không?

Từ khi Việt Nam mở cửa, Nhật Bản luôn là một nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam. Hiện nay nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng và đô thị lại được Nhật bản giúp đỡ. Gần đây chúng ta nghe nói đến những dự án rất lớn được Nhật Bản tài trợ ở VN như dự án đường Metro từ tỉnh Bình Dương đi Tp HCM. Có phải Nhật mong muốn có mặt ngày càng nhiều ở VN? Giáo sư Ueda cố vấn đặc biệt của cty xúc tiến thương mại Việt Nhật tại TP HCM cho biết:

Dĩ nhiên rồi, các cty Nhật như Toyota, Honda, và Panasonic đã đầu tư ở VN từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận năm 1994. Nay Nhật đứng đầu trong đầu tư nước ngoài cũng như viện trợ phát triển ở VN. Có dự án metro ở Hà Nội và thậm chí tàu điện hiện đại nhất thế giới Shinkansen thường gọi là tàu điện viên đạn, cũng đang được bàn đến.

Ngòai ra, những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật quan tâm cũng có những điểm mới:

Khuynh hướng mới là các công ty bán lẻ. Các chuỗi cửa hàng tiện ích, các siêu thị, trung tâm thương mại cho đến tiệm ăn, tiệm bánh ngọt,…của Nhật đang đến VN. Người Nhật không chỉ nhìn VN như 1 trung tâm sản xuất mà còn là một thị trường tiêu thụ. Anh có nghe đến Starbuck tháng rồi không? Các cty Mỹ có thể là cũng suy nghĩ cùng kiểu như các cty Nhật.

Đó là cái nhìn từ phía người Nhật, và không phải Việt Nam đã sẳn sàng để đón nhận đầu tư và sự thay đổi đó

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Văn từ đại học kinh tế TP HCM cho biết ý kiến về khuynh hướng thay đổi này như sau:

"Các chuỗi siêu thị Nhật hình như vẫn chưa hiểu Việt Nam Không khéo, các người Nhật làm bước đệm cho các cty lớn khác”

Về sự sẵn sàng của phía Việt nam ông Khoa Văn nói:

“ Đồng ý, nhưng tôi nhìn thấy VN chưa sẳn sàng. Sản xuất có nhiều giá trị thặng dư thì phải có các ngành công nghiệp hỗ trợ, và đội ngũ nhân lực cho công nghệ cao nữa, mà ở VN chưa thấy đâu.”

Khi được hỏi tiếp rằng các nhà đầu tư Nhật có lo ngại gì về vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam không ông Ueda nói:

Tôi lại nghĩ đó là cơ hội để tạo nên các liên doanh chiến lược Việt Nhật. Ví dụ như ngân hàng Nhật khổng lồ Tokyo Mitsubishi đã nắm 20% Viettin Ngân hàng.

Lễ ký kết hợp đồng đầu tư chiến lược và Hợp đồng hợp tác toàn diện giữa VietinBank và BTMU hôm 27/12/2012 tại Hà Nội. Photo courtesy of viettin.vn
Lễ ký kết hợp đồng đầu tư chiến lược và Hợp đồng hợp tác toàn diện giữa VietinBank và BTMU hôm 27/12/2012 tại Hà Nội. Photo courtesy of viettin.vn (Lễ ký kết hợp đồng đầu tư chiến lược và Hợp đồng hợp tác toàn diện giữa VietinBank và BTMU hôm 27/12/2012 tại Hà Nội. Photo courtesy of viettin.vn)

Tiến sĩ Văn thì nhìn chuyện này như sau:

“Cơ hội lớn nhưng thị trường Việt nam rất đặc thù mà hình như người Nhật chưa hiểu. Không khéo thì anh sụp bẫy bởi các đại gia đứng sau các ngân hàng thương mại cổ phần Việt nam. Phải am hiểu các thế lực ngầm các nhóm lợi ích đứng sau lưng rất khủng khiếp”

Câu chuyện các đại gia và nhóm lợi ích chính là minh họa cho mô hình kinh tế chính trị xã hội theo kiểu tư bản cánh hẩu hiện nay. Mô hình đó phải được sửa để VN có thể tận dụng hết nguồn vốn đầu tư nước ngòai mà phát triển. Trong một phát biểu gần đây ông Thiam Hee, chuyên viên ngân hàng phát triển châu Á cảnh báo,

Nguồn vốn đầu tư nước ngòai không chắc là có thể biến thành các tài sản bên trong quốc gia, nó có thể ra đi. (Bloomberg)

Gần đây khi quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng do tranh chấp lãnh hải, nhiều người dự đóan là vốn Nhật Bản sẽ được chuyển ra khỏi Trung Quốc. Khi được hỏi về vấn đề này Ông Ueda nói:

Vấn đề đó tái đi tái lại hoài thôi. Tôi cũng không biết nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế dài hạn như thế nào, nhưng hai nền kinh tế ấy hiện gắn với nhau nhiều lắm, tôi không nghĩ là chuyện chính trị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế.

Có hay không có Senkaku thì Nhật cũng đầu tư vào những nước khác để tránh rủi ro Trung Quốc. Có những thị trường mới nổi là Cambodia và Miến Điện. VN cũng đã nắm thời cơ và sẽ tiếp tục thế, kinh tế VN đã trưởng thành, và Nhật sẽ sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ lắp ráp. Và nếu VN tham gia tổ chức đối tác xuyên Thái Bình Dương thì sẽ có lợi hơn Trung Quốc, nhất là sỡ hữu trí tuệ ở VN được bảo vệ nhiều hơn Trung Quốc.

Như vậy, hiện nay hay về lâu dài, trong công cuộc phát triển quốc gia, Việt Nam có cơ hội lớn đến từ Nhật Bản, một quốc gia có tương đồng văn hóa nhưng khác nhau về mô hình kinh tế xã hội. Vấn đề đặt ra là tận dụng cơ hội đó. Phải chăng đó chính là việc Việt nam phải sửađổi môhình kinh tế chính trị xã hội, thóat khỏi sự ngự trị của chủ nghĩa tư bản cánh hẩu, để tuân theo luật chơi chung của tòan cầu hóa.

Khi được hỏi, liệu sự hợp tác kinh tế dài lâu giữa VN và Nhật bản có thể gợi ý cho VN một mô hình chính trị kinh tế dân chủ hơn để phát triển kinh tế hơn nữa không, ông Ueda dè dặt:

"Đây là câu hỏi khó, tôi không chuyên về chính trị. Tôi cũng không biết liệu Nhật Bản có phải thực sự là một mô hình dân chủ không. Đúng là VN có chế độ độc đảng, ở Nhật đảng dân chủ tự do cũng cầm quyền rất lâu năm, nhưng sỡ dĩ như vậy là vì đảng dân chủ tự tự do biết lắng nghe các chỉ trích từ công luận. Câu chuyện của đảng dân chủ tự do Nhật bản có thể là một bài học cho Việt nam"

Có thể ông Ueda đã nói một cách ngọai giao vì ai cũng biết Đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản không phải một mình một chợ như Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng ông cũng nói đến việc lắng nghe và sửa đổi của Đảng này. Một trong những Thủ Tướng xuất thân từ Đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản là ông Koizumi từng tuyên bố nếu phải phá tan Đảng Dân Chủ Tự Do để cứu nước Nhật thì ông cũng làm.