Bầu cử Hạ viện Nhật Bản có ảnh hưởng quan hệ Trung – Nhật?

Những động thái cương quyết của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku của Nhật đã ảnh hưởng nặng nề đến bang giao, kinh tế cũng như quan hệ xã hội giữa hai nuớc Trung – Nhật.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên có nhiều cảnh báo của giới quan sát quốc tế cho rằng sau cuộc bầu cử Hạ Viện Nhật Bản vào ngày 16 tháng 12 này sẽ có những thay đổi khác nữa trong chính sách ngoại giao mà Nhật sẽ áp dụng đối với Trung Quốc. Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo Đỗ Thông Minh tại Tokyo để có thêm chi tiết.

Quan hệ căng thẳng

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Thông Minh, trong thời gian hiện nay cuộc tranh chấp trên quần đảo Sensaku ngày càng đi sâu hơn vào các động thái có thể xem là nguy hiểm, đặc biệt Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn và áp đảo Nhật Bản một cách rõ rệt. Xin anh cho biết thái độ dư luận dân chúng, báo giới cũng như các nhà chính trị Nhật Bản trong vấn đề này ra sao?

Đỗ Thông Minh

Đỗ Thông Minh: Vào tháng 9 vừa rồi khi chính phủ Nhật quyết định mua lại 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Nhật Bản gọi là Kim Các và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư thì có thể nói là tình hình quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng tột độ. Về phía Trung Quốc gần như nhà cầm quyền bật đèn xanh để cho dân chúng biểu tình đưa đến một số những vụ bạo động phá hoại tài sản của người Nhật và đồng thời tạo nên phong trào bài Nhật hoặc là tẩy chay hàng hóa Nhật, do đó tất nhiên cũng gây thiệt hại khá nặng cho Nhật Bản.

Tuy nhiên sự mất mát lớn nhất mà phía Trung Quốc khó có thể lấy lại được đó là cảm tình mà người dân Nhật đã dành cho Trung Quốc. Trước đây thì Nhật đô hộ Trung Quốc thành ra Nhật Bản cũng có một cái lỗi rất nặng trong lịch sử, nhưng sau đó Thủ tướng Nhật Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký kết hiệp ước quan hệ, và ông Đặng Tiểu Bình qua Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước cho nên Nhật Bản đã viện trợ rất nhiều cho Trung Quốc từ năm 1978 cho đến năm 2008 thì số tiền viện trợ lên đến 40 tỷ đô la, tương đương với hiện nay là 100 tỷ đô la.

Đồng thời khoảng 20 ngàn công ty Nhật đầu tư tại Trung Quốc và giúp cho Trung Quốc có được bộ mặt ngày hôm nay. Có thể nói là Nhật Bản đã giúp từ lãnh vực môi sinh cho tới lãnh vực kỹ thuật cao, cho nên hầu có thể nói là tất cả đều nhờ Nhật Bản giúp đỡ. Nhưng một khi Trung Quốc đã mạnh lên, giống như Đặng Tiểu Bình đã nói vấn đề tranh chấp đảo rằng ngày nay chúng ta chưa đủ mạnh để giải quyết thì hãy để cho thế hệ sau, và phải chăng bây giờ Trung Quốc đã mạnh và đó chính là "thế hệ sau" như Đặng Tiểu Bình đã nói, tức là trước đây Đặng Tiểu Bình muốn mua thời gian để chờ Nhật Bản giúp đỡ canh tân thì bây giờ Trung Quốc đã mạnh lên nên đã tỏ thái độ cứng rắn?

Bản đồ khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và TQ. AFP PHOTO.
Bản đồ khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và TQ. AFP PHOTO.

Thật ra vấn đề tranh chấp đảo thì nó có tính cách nặng về vấn đề tâm lý chiến và coi như tranh thủ lòng yêu nước của dân chúng thôi chứ thật sự vẫn không giải quyết được bởi vì Nhật Bản đang kiểm soát những đảo này. Với hiệp ước An ninh hỗ tương quân sự với Hoa Kỳ ở điều 5 có ghi là một trong hai quốc gia mà bị tấn công thì quốc gia kia có nghĩa vụ hỗ tương về quân sự, cho nên tuy Trung Quốc có mạnh lên về hải quân nhưng cũng không thể nào có sức, có khả năng chiếm đảo giống như đã từng có hành động quân sự đối với Việt Nam Cộng Hòa cũng như đối với cộng sản Việt Nam hiện nay .

Mặc Lâm: Thưa, anh vừa nhắc đến điều 5 trong Hiệp ước Hỗ tương An ninh hai nước gợi lại cho chúng tôi về một động thái của Thượng Viện Hoa Kỳ khi thông qua điều luật bổ sung trong Ngân sách Quốc phòng của năm tài chánh 2013. Đạo luật này thừa nhận sự quản lý Senkaku thuộc về quyền của Nhật Bản cũng như khẳng định một lần nữa Mỹ sẽ thi hành Hiệp ước này một cách triệt để. Xin anh cho biết dư luận Nhật Bản ra sao về vấn đề này?

Đỗ Thông Minh: Vâng, từ khi Nhật Bản thất trận Thế Chiến II thì bài học về vấn đề vũ trang đã đem lại những kết quả có thể nói rất là tiêu cực cho Nhật Bản. Trong Thế Chiến II thì Nhật Bản đã chết trên 3 triệu người cho nên chính người Nhật cũng là nạn nhân của chế độ quân phiệt và họ rất là sợ chiến tranh.

Tuy nhiên, trước quốc gia láng giềng mạnh và hung hăng như là Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên thì người Nhật phải dựa vào sự hỗ tương về quân sự của Hoa Kỳ. Với chính quyền hiện tại của Đảng Dân Chủ do Thủ Tướng Noda lãnh đạo thì khuynh hướng của Đảng Dân Chủ nói chung là hơi cởi mở và dễ dãi, trong khi đảng cầm quyền trước đây bị mất quyền là Đảng Tự Do Dân Chủ và hiện tại do ông Abe làm chủ tịch thì đảng này có khuynh hướng bảo thủ nhiều hơn.

Theo quan điểm của ông Abe thì sẽ đưa người lên cai quản quần đảo Senkaku và đồng thời có sự hỗ tương chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, thay vì như Đảng Dân Chủ hiện nay.

Sẽ cứng rắn hơn với TQ

Mặc Lâm: Ngày 16 tháng 12 này thì Nhật sẽ tổ chức bầu cử Hạ Viện, anh có thể nói sơ qua ai là khuôn mặt sáng giá nhất có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong chính phủ Nhật hay không?

Đỗ Thông Minh

Đỗ Thông Minh: Như chúng ta biết là ngày 16 tháng 12 này sẽ bầu lại Hạ Viện và có nhiều phần chắc là Đảng Dân Chủ đang cầm quyền sẽ yếu thế rất nhiều. Theo thống kê thì Đảng Tự Do Dân Chủ sẽ lên hợp tác với lại đảng truyền thống tức là Đảng Komei (Đảng Công Minh), mà hai bên đã từng hợp tác với nhau trong thời gian dài, có thể họ sẽ đủ quá bán, hoặc họ hợp thêm với một hai đảng nhỏ nữa, thành ra kết quả của cuộc bầu cử Hạ Viện sắp tới theo nhiều dự đoán thì ông Abe sẽ lên làm thủ tướng.

Ông Abe đã từng là chủ tịch và thủ tướng kế nhiệm ông Koizumi, nhưng vì lý do sức khỏe và nhiều khó khăn nên đã từ chức và bây giờ thì ông quay trở lại. Với khuynh hướng tương đối bảo thủ thì có thể là Nhật Bản sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Mặc Lâm: Còn ông Ichihara thì sao thưa anh? Ông này đựơc xem là diều hâu trong các chính sách đối phó với Trung Quốc, có cơ hội nào cho ông ấy không?

Đỗ Thông Minh: Ông Ichihara là một người trước đây thuộc Đảng Tự Do Dân Chủ và ông đã từng là một bộ trưởng nhưng sau đó ông từ chức để ra tranh cử chức Đô Trưởng Tokyo và ông đã đắc cử tới lần thứ tư với mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, và đang ở nhiệm kỳ thứ tư thì ông từ chức để quay lại chính trường.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (thứ 2 bên phải) của Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản vận động tranh cử ở Iwaki, tỉnh Fukushima vào ngày 04 tháng 12 năm 2012. AFP photo.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (thứ 2 bên phải) của Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản vận động tranh cử ở Iwaki, tỉnh Fukushima vào ngày 04 tháng 12 năm 2012. AFP photo.

Năm nay ông đã 80 tuổi rồi. Ông Ichihara chính là người đưa ra đề án mua lại 3 đảo của nhóm Senkaku nhưng cuối cùng thì chính phủ Nhật đứng ra mua cho nên coi như tòa đô chính đã nhường, và ông này cũng chủ trương là phải có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Ichihara đã từng với ông Morihita (giám đốc công ty Sony) viết cuốn "Nhật Bản có thể nói không với Hoa Kỳ", thành ra với sự xuất hiện của ông Abe và một phần nào với sự hỗ trợ của ông Ichihara là người đã liên kết với Nhật Bản Duy Tân Hội của ông Hashimoto ở Osaka, thì họ có thể hình thành một thế lực có thể gọi là thế lực thứ ba hoặc là thứ tư. Và với những thế lực này xuất hiện trong Quốc Hội Nhật Bản thì trong những ngày sắp tới thái độ của chính phủ Nhật sẽ cứng rắn hơn.

Mặc Lâm: Nguyên Thủ tưóng Abe có được kỳ vọng là sẽ trở lại vai trò Thủ tướng lần này hay không, thưa anh?

Đỗ Thông Minh: Việc bầu lại Hạ Viện lần này có thể đưa tới sự thay đổi thủ tướng, tức là theo chế độ đại nghị, nếu đảng nào hoặc liên minh các đảng nào nắm đa số tại Hạ Viện thì coi như sẽ nắm chức vụ thủ tướng, cho nên có nhiều phần ông Abe sẽ lên. Thành ra với sự xuất hiện của ông Abe và sự trở lại chính trường trung ương của ông Ichihara thì có phần chắc là Nhật Bản sẽ có thái độ cứng rắn hơn là chính phủ hiện tại của Thử Tướng Noda.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo.

Opens in new window

Quốc tế đòi Trung Quốc làm rõ các hành động ở Biển Đông. http://www.rfatiengviet.net

Theo dòng thời sự: