Hội thảo khu vực về định chế đào tạo tư pháp về thực hành tốt trong công tác tăng cường quyền phụ nữ diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 10 vừa qua.
Việt Nam có một đoàn tham dự và Gia Minh nói chuyện với một thành viên trong đoàn là bà Lê thị Thanh Hằng, chuyên viên Ban Hợp tác Quốc tế của Học viện Tư Pháp về một số thông tin liên quan. Trước hết bà Lê thị Thanh Hằng cho biết công tác của đơn vị bà trong vấn đề nâng cao bình đẳng giới.
Bà Lê thị Thanh Hằng: Học viện Tư pháp mong muốn phổ biến, giảng dạy và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chương trình đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư Pháp nhằm nâng cao nhận thức của những chức danh tư pháp đối với luật sư, thẩm phán nhằm bảo đảm hơn nữa việc thực hiện CEDAW ( Công ước Liên hiệp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ), mang lại cho phụ nữ những quyền bình đẳng.
Gia Minh: Việt Nam cũng tham gia CEDAW rồi, vậy việc như bà nói đưa vào đào tạo thì ra sao rồi?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Cho đến nay tại Học viện Tư pháp, nội dung liên quan bình đẳng giới hầu như chưa được chú trong lắm. Tiến tới đây trong tương lai dự kiến chúng tôi cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của cơ quan trao quyền cho phụ nữa và bình đẳng giới, viết tắt là UN Women, hổ trợ chúng tôi trong việc chú trọng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chương trình đào tạo hiện nay của Học Viện Tư Pháp. Thông qua một số hoạt động như hội thảo, tọa đàm, viết sách- những sách tình huống, sách hướng dẫn; làm sao để giúp cho những đối tượng chức danh tư pháp chú trọng và xem xét vấn đề bình đẳng giới khi đưa ra quyết định.
Tại Học viện Tư pháp, nội dung liên quan bình đẳng giới hầu như chưa được chú trong lắm. Tiến tới đây trong tương lai dự kiến chúng tôi cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của cơ quan trao quyền cho phụ nữa và bình đẳng giới (UN Women), hổ trợ chúng tôi trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chương trình đào tạo của HVTP
bà Lê thị Thanh Hằng
Gia Minh: Ở các thành phố thì dễ dàng rồi, nhưng để có đội ngũ đến các vùng miền thì ra sao?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Học viện Tư Pháp có hai cơ sở đào tạo, một ở Hà Nội và một ở thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng được đào tạo đến từ các vùng miền khác nhau. Có những đối tượng do cơ quan cử đi học như thẩm phán thì phải bố trí thời gian học tập trung tại Hà Nội. Cho nên có thể nói tất cả những đối tượng trên các vùng, miền của tổ quốc sẽ được học và đào tạo.
Gia Minh: Sẽ như vậy bây giờ còn khuyết nhiều?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Vâng, tất nhiên, trong tất cả các hoạt động cũng sẽ có những khiếm khuyết chưa được hoàn thiện thì phải dần dần nâng cấp, cải thiện chất lượng sẽ cao.
Gia Minh: Là người hoạt động trong lĩnh vực này thì theo bà để đạt được những mục tiêu của CEDAW và Liên hiệp quốc thì cần phải làm gì?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Từ khía cạnh cơ sở đào tạo thì việc đào tạo những chức danh tư pháp liên quan đến giới, và nâng cao bình đẳng giới là quan trọng; nên phải chú trọng làm sao để cùng với sự trợ giúp của UN Women trong tương lai sẽ thiết kế được những chương trình phù hợp để có thể giảng dạy nâng cao nhận thức của đối tượng học viên về bình đẳng giới. Đó cũng là một trong những cách để thực hiện CEDAW.
Gia Minh: Nhưng có những khó khăn lớn nhất mà cần phải giải quyết hiện nay?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Tôi thấy khó khăn là trong khi học nhận thức được như thế rồi nhưng vào thực tế làm việc sẽ có những khó khăn mà do bối cảnh; ví dụ như một thẩm phán biết phải xem xét, bảo vệ người phụ nữ, bảo vệ bình đẳng giới. Tuy nhiên khi mà xảy ra một vấn đề chồng bạo hành vợ, cơ quan công quyền đã đến và có biện pháp ngăn chặn, giải quyết nhưng bẵng sau vài năm người chồng lại tìm đến người vợ đó và tiếp tục bạo hành thì việc chấm dứt tình trạng đó là yếu tố khách quan.
Việc đào tạo những chức danh tư pháp liên quan đến giới, và nâng cao bình đẳng giới là quan trọng; nên phải chú trọng làm sao để cùng với sự trợ giúp của UN Women trong tương lai sẽ thiết kế được những chương trình phù hợp
bà Lê thị Thanh Hằng
Gia Minh: Hệ thống tư pháp giúp cho mọi người hiểu được phải có sự bình đẳng và bình đẳng đối với các giới ra sao?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Tôi thấy là được rồi và người dân cũng nhận được sự tuyên truyền ví dụ ở các nhà sách, tại các xã có phòng học, nhà văn hóa bao giờ cũng có sách tuyên truyền về pháp luật và nhiều tài liệu được các dự án hổ trợ in ra cho những đơn vị như Bộ Tư Pháp…để tuyên truyền phổ biến pháp luật. Vấn đề này ở Việt Nam tốt rồi, nơi nào cũng có tài liệu pháp luật và người phụ nữ biết có quyền gì khi ly hôn và phải làm gì khi bị bạo hành.
Gia Minh: Ở Việt Nam có những trung tâm hỗ trợ tư pháp thì việc phối hợp với những nơi đó thế nào vì trung tâm ngoài hệ thống công quyền có thể giúp dễ hơn?
Bà Lê thị Thanh Hằng: Học viện có một đơn vị gọi là Trung tâm Thực hành nghề luật. Ngoài việc hỗ trợ cho học viên thực hành tại Học viện Tư pháp, nhiều khi cũng tham gia đi tư vấn. Có những tư vấn viên. Nếu cần thì chúng tôi sẵn sàng hổ trợ cung cấp tài liệu, kiến thức, chuyên gia đối với hoạt động tuyên truyền pháp luật như thế. Cũng có thể có tổ chức những lần đi đến những vùng sâu, vùng xa để phổ biến pháp luật đến cho người dân.
Gia Minh: Cám ơn bà đã dành cho cuộc nói chuyện hôm nay.