Công tác bảo trợ tư pháp cho người nghèo tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Người nghèo và những đối tượng được xếp vào nhóm kém may mắn trong xã hội Việt Nam được trợ giúp về tư pháp khi họ gặp phải những vấn đề cần pháp luật giải quyết.

Trong thực tế những đơn vị trợ giúp pháp lý như thế hoạt động ra sao lâu nay?

Gia Minh hỏi chuyện bà Tạ thị Minh Lý, chủ tịch Hội Bảo trợ Tư Pháp cho Người nghèo Việt Nam, nhân dịp bà đến Bangkok tham dự hội nghị Phụ nữ Liên hiệp Quốc hổ trợ tư pháp trong lĩnh vực bình đẳng giới vào hai ngày 4 và 5 tháng 9 vừa qua. Trước hết bà cho biết:

Bà Tạ thị Minh Lý: Quyết định 734 của thủ tướng chính phủ ngày 6 tháng 9 năm 1997 cho phép thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Có Cục trợ giúp pháp lý ở Bộ Tư Pháp, ở các địa phương có các trung tâm trợ giúp pháp lý nằm ở Sở Tư pháp. Khi đó tôi được giao nhiệm vụ xây dựng đề án này trình thủ tướng ký ban hành và tổ chức thực hiện trong toàn quốc. Tôi có đi hướng dẫn cho các địa phương để mỗi địa phương thành lập một trung tâm. Trung tâm này có trách nhiệm giúp đỡ pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách, những người thuộc các dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người già cô đơn, những người khuyết tật- trong đó bao gồm những người bị nhiễm chất độc dioxin, những trường hợp bị nhiễm HIV … Sau đó có mở rộng thêm ra cho các cựu chiến binh, lao động di cư.

Riêng đối với phụ nữ, chúng tôi có thành lập một hệ thống 5 trung tâm chuyên vấn đề giúp đỡ pháp luật cho phụ nữ. Trong đó có những vấn đề như buộc thôi việc trái pháp luật, ly hôn chia tài sản hay các trường hợp bị bạo lực gia đình hoặc các nạn nhân bị mua bán...

Gia Minh: Năm trung tâm đó ở đâu?

Bà Tạ thị Minh Lý: Năm trung tâm tư vấn pháp luật đó ở tại: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay vi trò giúp cho phụ nữ được giao thêm cho các trung tâm của nhà nước; tức những trung tâm của nhà nước có thêm nữ cán bộ để họ có thể giúp đỡ pháp lý cho phụ nữ. Về phía hội, từ năm 2012 tôi nghỉ việc Nhà Nước đi ra lập Hội Bảo trợ Tư Pháp cho Người nghèo Việt Nam chúng tôi cũng lập ra được 11 trung tâm tư vấn pháp luật và trong 11 trung tâm tư vấn pháp luật đó có hai trung tâm chuyên giúp cho phụ nữ: một ở Hà Nội, và một ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh chưa đăng ký xong. Ở Khánh Hòa hiện nay cũng có một văn phòng giúp cho phụ nữ.

Chúng tôi đang muốn liên kết với hội phụ nữ ở các tỉnh tìm luật sư nữ để thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật cho phụ nữ. Số luật sư ở Việt Nam hiện nay chưa được đông, chỉ trên dưới 6 ngàn mà tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; thế cho nên ở các tỉnh khi phụ nữ khi đi xa họ cũng ngại, chúng tôi muốn liên kết với các hội phụ nữ và cả hội nông dân để thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật cho cả phụ nữ và cho người nghèo. Sẽ có tập huấn cho cán bộ và luật sư tại những nơi đó. Trong năm 2012 vừa rồi tôi được Tòa án Tối cao giảng cho hai lớp thẩm phám ở hai miền về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, kinh nghiệm và kỹ năng xét xử trong những vụ án như thế.

Sau đó có phân tích việc Việt Nam đã ký CEDAW rồi, thế thì cần làm thế nào để tất cả các qui định của CEDAW mà Việt Nam không bảo lưu phải được đưa vào trong pháp luật quốc gia. Và có những nghiên cứu về qui trình thủ tục tố tụng để bảo đảm những gì có trong luật được tổ chức thi hành. Đặc biệt phải có luật sư nữ trong những vụ án mà người bị hại hay người phạm tội là nữ; qua đó mới có thể giúp cho phụ nữ. Đó là vấn đề mà bộ chúng tôi đang đặt ra để có thể làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như với trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam.

Gia Minh: Khi đã có những trung tâm như thế, việc thông báo tuyên truyền cho phụ nữ biết để có thể liên hệ với những nơi đó ra sao?

Bà Tạ thị Minh Lý: Thực ra việc truyền thông cho người dân và phụ nữ biết về việc được giúp đỡ pháp luật cũng đã làm tương đối nhiều qua tờ gấp pháp luật rồi qua loa phát thanh. Vì có nhiều người không đọc được báo hay không có thời gian để đọc báo hay xem TV, qua loa phát thanh họ có thể biết.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người dân ai cũng quan tâm, chỉ khi người ta có vướng mắc mới thấy cần; chứ bình thường nghe chung chung những điều đó người ta cũng không để tâm, không có gì cần phải lưu ý. Chỉ khi nào họ bị vướng mắc thật sự như tranh chấp đất đai, nhà ở, lao động, việc làm hay miễn phí cho con cái ăn học… lúc đó người ta mới đến hỏi. Thế cho nên, chúng tôi cố gắng rà soát nhu cầu thực tế của người dân để đưa vào nội dung câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Gia Minh: Ý thức của người dân đến đâu trong việc hiểu và nhận thức được quyền được giúp đến đâu rồi?

Bà Tạ thị Minh Lý: Thực ra hồi năm 2001, UNDP có khảo sát đưa ra con số có 6% người dân biết về trợ giúp pháp lý; đến năm 2006 tỷ lện này nâng lên đến 60%. Bản thân tôi làm trong lĩnh vực này, tôi có kiểm tra lại. Tôi hỏi họ có biết được giúp đỡ về pháp lý hay không, họ nói biết; nhưng được giúp đỡ những gì; có người biết rất rõ được tư vấn pháp luật, rồi được yêu cầu xó đại diện trong trường hợp người khuyết tật hay được theo dõi đến cùng vụ việc. Tuy nhiên, cũng có người chỉ biết tôi được yêu cầu cung cấp thông tin, được yêu cầu cung cấp địa chỉ giải quyết vụ việc của bản thân thôi. Nên hiểu biết của người dân về việc được giúp đỡ pháp luật cũng không phải đồng đều. Và việc vận dụng điều đó vào trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ cũng không phải đầy đủ.

Gia Minh: Cám ơn bà về cuộc nói chuyện này.