Kế hoạch đó diễn ra thế nào? Gia Minh tường trình trong phần sau.
Quyết tâm của hai phía: biểu tình và cơ quan chức năng
Hà Nội hôm nay thời tiết không thuận lợi,trời mưa nên đến lúc 7:15, một số người có kế hoạch đi biểu tình vẫn còn ở nhà chưa xuống đường đến địa điểm tập trung. Tuy nhiên một số đã chuẩn bị vẫn có quyết tâm như phát biểu của blogger Phương Bích sau đây:
“Trời mưa quá, nhiều người từ xa, từ sớm đã về Hà Nội mà mưa quá. Mình cũng chẳng chuẩn bị gì đâu; mình nghe lời kêu gọi trên mạng mà mình nhất trí đi thì mình đi thôi. Nói chung ‘tùy cơ ứng biến’ thôi; nhưng theo tôi mình đã hẹn nhau thì dù mưa gió vẫn phải đi.Tôi nghĩ bà con ở những nơi khác họ về được tại sao mình ở Hà Nội mà không đi, nên tôi cứ quyết tâm tôi đi.”
Blogger Phương Bích
Blogger Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn vào lúc 7 giờ sáng cho biết ông bị theo dõi chặt trong ngày 1 tháng 7, ngoài ra ông được biết một số blogger khác như Huỳnh Thục Vy cũng bị phường mời đi làm những việc như thông cống…
“Tôi bị canh cửa hai đầu, hôm qua từ sáng đến 8 giờ tối tôi đi đâu cũng có 3 xe đi theo. Những người đó tôi biết họ làm việc với tôi nhiều lần rồi. Họ cố tình lộ cho tôi biết họ đi theo. Hôm nay có nhiều người nhận giấy đi làm việc, riêng tôi không có mời, vì tôi có nói thẳng mời làm việc đàng hoàng, chứ làm việc ‘bá vơ’ tôi không có làm nữa. Có 10 người bị mời đi làm việc vào ngày chủ nhật.”
Tuy vậy blogger Huỳnh Công Thuận cũng nói sẽ cố tìm cách để thoát sự theo dõi của những người theo ông và ra trung tâm thành phố Sài Gòn hôm nay.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một biểu tình viên chống Trung Quốc hồi năm ngoái và bị đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà cả nửa năm vì lý do gây rối trật tự được biết sáng nay khi đến Ga Hòa Hưng ở Sài Gòn đã bị lực lượng an ninh bắt giữ và đưa về lại nhà ở Vũng Tàu. Một biểu tình viên khác là anh Nguyễn Chí Đức, người từng bị công an đạp vào mặt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái cũng bị bắt khi vào Sài Gòn trong dịp này. Một số blogger khác như Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Châu Văn Thi cũng bị bắt.
Tin cho biết tại Hà Nội vào lúc 6:30 sáng gần khu vực Đại sứ quán Trung Quốc cơ quan chức năng cho bố trí 5 xe tải, trên đó có cảnh sát cơ động. Khu vực từng diễn ra biểu tình chống Trung Quốc hồi năm ngoái là Hồ Gươm cũng được bố trí một số xe cảnh sát giao thông và một xe cảnh sát phường.
Nhiều người theo dõi tình hình tại Sài Gòn cho biết các lực lượng chức năng được huy động nhằm chặn đứng kế hoạch biểu tình ở đó trong ngày 1 tháng 7. Theo tiết lộ của một số người bị cơ quan an ninh mời đi làm việc trong mấy ngày qua thì lý do mà phía chính phủ Việt Nam không muốn để cuộc biểu tình tuần hành chống những hành động gây hấn của Trung Quốc ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển xảy ra vào ngày 1 tháng 7 vì đó là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tất cả những diễn biến trong ngày 1 tháng 7 cho thấy diễn ra hầu như đúng với những nhận định mà một số biểu tình viên chống Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái cho biết: Đó là sự ngăn chặn mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.
Ý chí bất khuất
Tuy có những cản trở mạnh mẽ của lực lượng chức năng, đến giờ đã hẹn vào khoảng 8:15 một số người tại Hà Nội tập trung tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, gần Hồ Gươm. Blogger Phương Bích mô tả tình hình tại khu vực ấy vào lúc đó:
“Chúng tôi đang ở trên Tượng Đài Lý Thái Tổ, trời chỉ còn lác đác mưa thôi. Mọi người bắt đầu đông dần lên rồi. Hôm nay có nhiều nhân sĩ trí thức xuống đường, như giáo sư Hoàng Xuân Phú, tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Ngô Xuân Thọ… Những người biểu tình có mang theo biểu ngữ. Phía công an theo tôi biết hôm nay họ sẽ không đàn áp, và có ý là chỉ giữ gìn trật tự thôi.
A…, có một lá cờ rất to cỡ 3-4 mét vuông gì đó đang được đưa lên. Mọi người đang vỗ tay. Lá cờ rất to. Lực lượng phóng viên rất nhiều. Khẩu hiệu đưa lên nói ‘Phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc’, ‘Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam’…
Chỗ này lúc này có chừng trăm người mà phân nửa là phóng viên. Mọi người đang đưa cụ Lê Hiền Đức lên chân tượng đài, cụ đi đến bằng xe lăn.”
Ông Andre Hồ Cương Quyết
Vào lúc 9:20, blogger Nguyễn Tường Thụy trong đoàn biểu tình lúc đó lên đến chừng vài trăm người đang đến khu Cửa Nam hướng đến Đại sứ quán Trung Quốc cho biết khí thế cuộc tuần hành vào lúc đó:
“Khẩu hiệu bốn người đang giăng ‘Hãy hành động xứng đáng với tiền thuế của dân’, ‘Đầu hàng Trung Quốc thì cạp đất mà ăn’, ‘Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo xây dựng đất nước’, ‘Nhân dân Việt Nam ủng hộ thủ tướng cho xây dựng luật biểu tình’, ‘Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam’.
Từ lúc khởi sự biểu tình đến giờ lực lượng công an không có biểu hiện gì. Đây là một tín hiệu vui, báo hiệu sự thành công của cuộc biểu tình hôm nay.
Hôm nay có nhiều người mặc áo đỏ với dòng chữ 'Ủng hộ Luật Biển và Hải đảo năm 2012'."
Tại Sài Gòn, những người biểu tình cũng đã tập trung được và tuần hành. Tin nói số tham gia lên đến vài trăm người, và trong số đó có một số khuôn mặt được nhiều người biết đến như giáo sư Tương Lai, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt Trận tổ quốc Tp Hồ Chí Minh, ông Andre Hồ Cương Quyết, một người Pháp mang quốc tịch Việt Nam…
Khi cuộc tuần hành kết thúc, vào lúc 9:45, ông Lê Hiếu Đằng cho biết lại tình hình cuộc tuần hành hôm nay:
“Lúc đầu lực lượng cảnh sát cũng rất cương quyết ra tay giải tán cuộc biểu tình. Lúc đầu có bắt nhiều người, nhưng chúng tôi can thiệp còn lại 4-5 người bị bắt đưa lên xe. Và chúng tôi đấu tranh quyết liệt cuối cùng họ cũng phải để cho đoàn đi.
Nói chung anh em chủ yếu là lực lượng thanh niên sinh viên thôi. Khí thế rất dữ. Tuần hành từ Nhà Thờ Đức Bà, qua Duy Tân, rồi ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng, đến bên cạnh lãnh sự Trung Quốc ở đường Hai Bà Trưng, gặp barrier dừng lại hô khẩu hiệu. Dọc đường hô khẩu hiệu rất khí thế, có cờ, có khẩu hiệu. Sau đó quay trở lại theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tức Công Lý trước đây và đến Dinh Độc Lập, công trường 30 tháng tư thì giải tán.”
Ông Andre Hồ Cương Quyết cũng nói lên ý chí của những người tham gia biểu tình:
“Ban đầu lực lượng công an đã cố gắng ngăn chặn, muốn sử dụng bạo động; nhưng cuối cùng thấy người ta kiên quyết một cách bất bạo động nên phải để tiếp tục biểu tình.”
Xin được nhắc lại, trong những ngày qua, sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển và phía Trung Quốc đã có phản đối với việc triệu hồi đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến, rồi Quốc hội Trung Quốc cũng yêu cầu Quốc hội Việt Nam phải thay đổi Luật Biển vừa thông qua.
Tiếp đến là Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC đưa 9 lô dầu khí nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam ra mời thầu cho năm nay; trên các trang mạng cũng như một số nhân vật như Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã có kêu gọi người dân Việt Nam vào ngày 1 tháng 7 xuống đường để bày tỏ thái độ của nhân dân Việt Nam trước những hành động bị cho là ngang ngược vi phạm chủ quyền của Việt Nam như thế. Một lý do khác nữa mà những người kêu gọi biểu tình vào ngày 1 tháng 7 là nhằm bày tỏ ủng hộ của người dân đối với Luật Biển mà Quốc hội thông qua hôm ngày 21 tháng 6 vừa rồi.
Video: Biểu tình Sài Gòn - Truyền Thông Chúa Cứu Thế
Video: Biểu tình chống Trung Quốc ngày 01/07/2012
Theo dòng thời sự:
- Phỏng vấn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ về Lời kêu gọi biểu tình ngày chủ nhật 1.7.2012
- Biểu tình chống Trung Quốc: Tất cả họ đã có nhiều kinh nghiệm hơn
- Biểu tình chống TQ một năm nhìn lại
- Trung Quốc mở thầu nhiều lô dầu khí ngay trong thềm lục địa Việt Nam
- Việt Nam trao Trung Quốc công hàm phản đối vụ CNOOC
- Việt Nam chuẩn bị thông qua luật biển
- Quốc hội Việt Nam khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa