Phúc trình này cho thấy hãy còn nhiều triệu phụ nữ Châu Á và Thái Bình Dương chưa thể tiếp cận và không được bảo vệ bởi công lý.
Dịp này, bà Laksmi Puri, phó giám đốc điều hành UN Women, dành cho Thanh Trúc một cuộc phỏng vấn như sau:
Phúc trình mang tên Theo Đuổi Công Lý
Thanh Trúc:
Xin chào bà Laksmi Puri, trước hết xin bà cho biết thông điệp chính yếu mà UN Women muốn trình bày với phụ nữ thế giới qua việc công bố phúc trình Theo Đuổi Công Lý này?
Laksmi Puri:
UN Women, một cơ chế mới của Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm cổ vũ bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ, công bố báo cáo Theo Đuổi Công Lý trong mục đích khẳng định nữ quyền và làm thế nào để quyền phụ nữ được thể hiện trong các lãnh vực chính trị , xã hội, gia đình, cộng đồng, và xa hơn là vai trò của nữ giới trên bình diện quốc tế. Tóm lại, tiến tới thực hiện những quyền căn bản của phụ nữ chính là liên tục theo đuổi và đòi hỏi công lý cho nữ giới của từng vùng miền từng quốc gia từng khu vực, qua đó pháp luật hoặc cải tổ luật pháp đóng một vai trò rất lớn.
Hiến pháp của một trăm ba mươi chín quốc gia đã công nhận và khẳng định về bình đẳng giới tính, bên cạnh đó cũng phải nói đến thực trạng là còn rất nhiều phụ nữ trên thế giới thường xuyên đối diện với sự thiếu công lý, nạn bạo hành trong gia đình và trong chỗ làm việc.
công bố báo cáo Theo Đuổi Công Lý trong mục đích khẳng định nữ quyền và làm thế nào để quyền phụ nữ được thể hiện trong các lãnh vực chính trị , xã hội, gia đình, cộng đồng, và xa hơn là vai trò của nữ giới trên bình diện quốc tế.
bà Laksmi Puri
Thanh Trúc:
Phải chăng đó là lý do mà trong phần về Châu Á và Thái Bình Dương, phúc trình nói còn nhiều triệu phụ nữ chưa thể tiếp cận và không được bảo vệ bởi công lý bởi luật pháp:
Laksmi Puri:
Là vì có sự vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ, hậu quả là nữ giới không biết và không hiểu rằng chiếu theo luật pháp thì quyền sống, cơ hội và khả năng của họ phải được đặt ngang với nam giới, kể cả quyền tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực. Tất cả những điều đó phải được nêu ra với đầy đủ chi tiết, toàn cầu cũng như khu vực, để chứng minh rằng luật pháp cần được cải thiện, những qui tắc về bình đẳng giới phải được thực thi, và mục tiêu nâng cao năng lực cho phụ nữ phải được phát huy đúng như qui định và sự công nhận trong hiến pháp của những quốc gia đó.
Thanh Trúc:
Theo báo cáo thì chỉ 5% từ số tiền, do các quốc gia và các nhà tài trợ đóng góp, được chi cho những chương trình gọi là cải thiện công lý cho phụ nữ và trẻ em của UN Women. Làm thế nào để có thể tăng thêm ngân sách cho chi phí này?
Laksmi Puri:
Con số chỉ 5% chứng tỏ một điều là công lý của phụ nữ chưa được giới tài trợ đặt lên hàng ưu tiên. Mặt khác, một số nước đang phát triển trong khu vực mà đã cam kết bảo vệ nữ quyền cũng không thực sự đặt nặng vần đề này. Chính vì thế UN Women phải nêu tình trạng tiêu cực này, để qua đó nhấn mạnh rằng những gì liên quan đến phái nữ trên thê giới là ưu tiên là quan trọng và phài nằm trong chính sách của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, nơi mà đa số phụ nữ và em gái nhỏ thường là những đối tượng bị lạm dụng bị chà đạp, còn đối tượng vi phạm là phái mạnh trong một xã hội vốn vẫn còn giữ quan niệm đàn bà lệ thuộc đàn ông sở hữu, phái yếu là phụ thuộc, nam trọng nữ khinh, mà đến giơ này vẫn còn tồn tại. Cần rõ những tệ nạn, mà phụ nữ và các em gái là nạn nhân, như kỳ thị giới tính, phân biệt đối xử, sách nhiểu tình dục, bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm vân vân… phải được coi là vấn đề toàn cầu và phải được giải quyết rốt ráo.
Cần rõ những tệ nạn, mà phụ nữ và các em gái là nạn nhân, như kỳ thị giới tính, phân biệt đối xử, sách nhiểu tình dục, bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm ... phải được coi là vấn đề toàn cầu và phải được giải quyết rốt ráo
bà Laksmi Puri
Tiêu chí của UN Women là tìm mọi cách tăng cường vai trò và khả năng của mình về hai mặt chiến lược và tài chính, làm việc chặt chẽ hơn với từng quốc gia trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam chẳng hạn, thành lập hạ tầng hoạt động, quảng bá và yểm trợ các tổ chức xã hội dân sự dân sự có cùng mục đích, tôi muốn nói những tổ chức ngoài chính phủ NGO, để đạt mục tiêu tối hậu đề ra là công lý và công lý cho phụ nữ toàn cầu nói chung và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói riêng.
Đã đến lúc phải hành động
Thanh Trúc:
Bà nhắc đến vấn đề toàn cầu liên quan tới phụ nữ, hẳn bà cũng đồng ý, đây là nói riêng về Việt Nam, vấn đề buôn phụ nữ núp dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động, rồi chuyện buôn đàn bà con gái xuyên biên giới vào đường mãi dâm, mà phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới của Bộ Ngoại Giao Mỹ đặt Việt Nam vào bậc hai tức quốc gia đang có vấn đề. UN Women sẽ làm gì để thúc đẩy và giúp Việt Nam giải quyết?
Laksmi Puri:
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng buôn người dưới bất cứ hình thức nào cũng là vấn nạn vô cùng nghiêm trọng. Chuyện buôn người hiện hữu và phổ biến ở Đông Nam Á, Nam Á, những nơi chốn mà thân phận đàn bà con gái luôn là những đối tượng có nguy cơ cao.
Buôn người là vấn đề UN Women luôn phải lên tiếng chống lại. Tôi cũng đồng ý đến lúc này không còn là giai đoạn cảnh báo nữa mà phải là giai đoạn hành động dù như cảnh báo phòng chống vẫn luôn là điều quan trọng cơ bản
bà Laksmi Puri
Buôn người là vấn đề UN Women luôn phải lên tiếng chống lại. Tôi cũng đồng ý đến lúc này không còn là giai đoạn cảnh báo nữa mà phải là giai đoạn hành động dù như cảnh báo phòng chống vẫn luôn là điều quan trọng cơ bản, vạch mặt chỉ tên những tổ chức buôn người và làm cho chúng bối rối xấu hổ cũng quan trọng không kém. Và nữa, trên hết là phải làm việc phải thúc đẩy chính phủ của nước đó hành động cụ thể cách này cách khác.
Phần lớn những vụ buôn người nói tới ở đây là buôn người xuyên biên giới. Tình trạng phụ nữ trẻ em Việt Nam bị buôn sang Kampuchia, sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia là một vấn đề xuyên biên giới. Chúng tôi ở UN Women có hẳn một chương trình hành động, trong đó bao gồm những biện pháp phòng chống buôn người xuyên biên giới. Trọng tâm của chương trình là làm việc thẳng với chính phủ của nước đang có vấn đề.
Theo tôi hiểu thì ASEAN tức Tổ Chức Các Nước Đông Nám Á, mà Việt Nam là một thành viên, cũng có một bộ phận hay cơ quan phòng chống buôn người trong khu vực nói chung, phải không? Vậy thì UN Women có thể kết hợp với cơ quan đó, kết hợp với các tổ chức ngoài chính phủ, kể cả các phong trào phụ nữ đang gióng lên tiếng nói hoặc đang thực hiện những hành động phòng chống buôn người. Với sự cộng tác như vậy, UN Women sẽ giúp Việt Nam chiến đấu và đẩy lùi tệ nạn buôn người, được gọi là nạn nô lệ của thời đại mới.
Thanh Trúc:
Xin cảm ơn bà Laksmi Puri.