Khmer Krom kỷ niệm 65 năm Pháp bàn giao Nam Kỳ cho Việt Nam

0:00 / 0:00

Sáng ngày 4 tháng 6, khoảng một ngàn người Khmer Krom đang làm ăn, học tập và sinh sống tại Campuchia đại diện cho người bản địa Khmer Krom sống ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm 65 năm, ngày thực dân Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam (4/6/1949-4/6/2014) và phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm các quyền cơ bản của người Khmer Krom.

Chia sẻ thông tin, ôn lại lịch sử

Khác với mỗi năm, hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức Khmer Krom tại Campuchia và quốc tế, những người Campuchia ủng hộ phe đối lập cùng người Khmer Krom đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau nhằm kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao khu vực Nam Kỳ cho Việt Nam.

Trên trang Facebook, nhiều người đã thay đổi giao diện profile mới bằng lá cờ ba màu của Khmer Krom ‘xanh, vàng, đỏ’ cùng với chữ ‘kỷ niệm 65 năm ngày vong quốc Kampuchia-Krom’.

Còn các thanh thiếu niên Campuchia và Khmer Krom thì mặc chiếc áo có lá cờ Kampuchia-Krom đến tham dự lễ kỷ niệm 65 năm, vào ngày 4 tháng 6, với các sư sãi và tổ chức Khmer Krom tại một ngôi chùa Khmer Krom Samaki Rainsey, thuộc thủ đô Phnom Penh của Campuchia do Công Chúa Sisowath Pongneary Monipong chủ tọa để đánh dấu kỷ niệm ngày mà họ cho là Campuchia mất Kampuchia-Krom, một vùng lãnh thổ lớn.

Mục đích của buổi lễ nhằm chia sẻ thông tin, ôn lại lịch sử và tuyên truyền những hình ảnh chính phủ Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân lương thiện, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ cũng như can thiệp vào nội bộ Phật Giáo Khmer tại Nam Bộ.

Chính phủ Việt Nam đang Việt hóa người Khmer Krom bằng cách cấp họ quốc tịch Việt Nam; gây khó khăn không để họ tu hành, học tập, tín ngưỡng tôn giáo. <br/> -Ông Thạch Sêtha

Ông Thạch Sêtha, Giám đốc Hiệp hội Cộng đồng Khmer Kampuchia-Krom tại Campuchia, trưởng Ban tổ chức phát biểu rằng mục đích chính của ngày lễ là muốn các nước trên thế giới biết 4/6/1949 là ngày lịch sử mà chính quyền Pháp đã chuyển giao Nam Kỳ cho Việt Nam. Theo ông, nhiều báo cáo mà các tổ chức ông có được là chính quyền Việt Nam đang làm khó các hoạt động lễ hội truyền thống, nhiều khu vực, địa phương bị cấm sử dụng mạng Internet, xem truyền hình phát đi từ Campuchia và cấm nghe Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Ông Thạch Sêtha phát biểu: "Chính phủ Việt Nam đang Việt hóa người Khmer Krom bằng cách cấp họ quốc tịch Việt Nam; gây khó khăn không để họ tu hành, học tập, tín ngưỡng tôn giáo; không xây dựng các công ty, xí nghiệp tại khu vực họ sinh sống mà khuyến khích họ đi lao động xa nhà. Ngoài ra, chính quyền còn cấm cửa và đe dọa những người dám đấu tranh phản đối."

Tại buổi lễ, nhiều đại diện người Khmer Krom ở Campuchia, Thái Lan, thậm chí đến từ Việt Nam lên diễn đàn phản đối chính phủ Việt Nam trong việc trấn áp các thể hiện ôn hòa về quan điểm bất đồng và ngăn cấm các ấn phẩm về nhân quyền, báo chí của người Khmer Krom.

Theo họ, chính quyền giám sát chặt chẽ hơn đối với các nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom, chùa chiền có mối quan hệ với người Khmer Krom ở ngoài nước, đồng thời giới hạn và kiểm soát mọi sinh hoạt, ngăn cấm các ấn phẩm, và kiểm soát điện thoại của họ.

Công Chúa Sisowath Pongneary Monipong chủ tọa lễ kỷ niệm 65 năm ngày Campuchia mất Kampuchia-Krom, ngày 4/6/2014. RFA PHOTO/QUỐC VIỆT.
Công Chúa Sisowath Pongneary Monipong chủ tọa lễ kỷ niệm 65 năm ngày Campuchia mất Kampuchia-Krom, ngày 4/6/2014. RFA PHOTO/QUỐC VIỆT.

Sư Sơn Hải, từ tỉnh Trà Vinh nói với RFA tại buổi lễ: "Ngày 4 tháng 6 là ngày lịch sử của Khmer Krom mà chính quyền Pháp chuyển đất nước Kampuchia-Krom cho Việt Nam quản lý. Kể từ đó tới giờ, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do phát biểu ý kiến, quyền tự do phát triển truyền thống văn hóa của Khmer Krom đều không được phép thực hiện đầy đủ. Mình không phải muốn độc lập hay khủng bố Việt Nam nhưng mình chỉ cầu xin cho người dân Khmer Krom có quyền bình đẳng như những người Việt Nam."

Ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại và người phát ngôn của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nói những phát biểu của các tổ chức Khmer Krom đều là luận điệu xuyên tạc, vu khống vì ở Việt Nam tất cả 54 dân tộc đều có quyền sống bình đẳng trước pháp luật, và được tạo điều kiện học tập, xây dựng cuộc sống và có chức vụ cao trong Nhà nước.

Ông Thông cho biết thêm liên quan vùng đất Nam Kỳ: "Khi thực dân Pháp vào Đông Dương (Việt Nam-Campuchia-Lào) để cai trị, khi Pháp vào thì Nam Kỳ [Nam Bộ Việt Nam] vẫn nằm trong lãnh thổ của Việt Nam rồi, do Việt Nam quản lý rồi. Nhưng Pháp vào thì Pháp chia Việt Nam làm 3 Kỳ, gồm Nam Kỳ, Trung Kỳ, và Bắc Kỳ. Khi các phong trào nhân dân nổi dậy đấu tranh giành độc lập thì Pháp rút. Họ rút thì họ trả vùng đất đó cho Việt Nam vì của Việt Nam. Vì khi Pháp vào, Nam Bộ Việt Nam vẫn do chính quyền phong kiến Triều Nguyễn cai quản, quản lý vùng đất đó thì phải trao trả lại cho Việt Nam."

VN không nên tránh né sự thật?

Trước đó, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gọi những người Việt lưu vong và các tổ chức Khmer Kampuchia-Krom là thế lực thù địch, ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận người Khmer trong nước. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng mục đích của người Khmer Krom ở ngoài nước tập trung vào kích động tư tưởng ly khai tự trị, đòi thành lập nhà nước Khmer Kampuchia-Krom độc lập.

Nếu mà đòi cho Việt Nam tôn trọng quyền của Khmer Krom thì chuyện đó Khmer Krom đã đòi hỏi lâu lắm rồi nhưng Việt Nam không bao giờ đáp lại cái quyền đòi hỏi của Khmer Krom. <br/> -Bà Hang Thyda

Bên cạnh đó, phía Việt Nam còn cáo buộc các tổ chức Khmer Krom lợi dụng tranh chấp khiếu kiện, những vấn đề do lịch sử để lại, vấn đề dân sinh, dân chủ để kích động tập hợp lực lượng, móc nối lôi kéo người trong nội địa, tạo dựng ngọn cờ, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ chính phủ.

Trong khi đó, bà Hang Thyda một người Khmer Krom đến từ Việt Nam trao đổi với RFA tại buổi lễ rằng Việt Nam không nên tránh né sự thật và những cáo buộc của các tổ chức Khmer Krom cũng như nhân quyền quốc tế vì nay Việt Nam đã và đang bịt tiếng của người bất đồng quan điểm.

Bà Hang Thyda nói: "Từ khi đảng đối lập của ông Sam Rainsy có nhiều người ủng hộ, dân chúng biết nhiều thông tin về Kampuchia-Krom, biết nhiều theo trang mạng xã hội Facebook, ngoài ra người dân cũng có ý thức nữa.

Nếu mà đòi cho Việt Nam tôn trọng quyền của Khmer Krom thì chuyện đó Khmer Krom đã đòi hỏi lâu lắm rồi nhưng Việt Nam không bao giờ đáp lại cái quyền đòi hỏi của Khmer Krom. Bởi vậy, chỉ có một cách tốt nhất là Khmer Krom phải độc lập, tự mình giải quyết vấn đề của mình.”

Nhưng ông Trần Văn Thông nói: "Tôi nghĩ đây là một nhóm người gốc Khmer Nam Bộ, hay nói đúng ra người Khmer Nam Bộ họ lưu vong ra nước ngoài, họ lưu vong từ Nam Bộ của Việt Nam đi sang Campuchia có thể họ không được hiểu lịch sử một cách đúng đắn. Họ nhầm lẫn ngày 4/6/1949, họ cứ nghĩ rằng ngày thực dân Pháp cấp vùng đất đó cho Việt Nam. Thứ hai, cũng có người có thể bị kích động, bị xúi giục, tham gia các hoạt động này. Thứ ba, có trường hợp người ở bên Việt Nam nhưng không chấp hành luật pháp, vi phạm luật pháp của Việt Nam thế họ trốn tránh luật pháp bằng cách chạy sang bên này. Họ muốn tỵ nạn, họ muốn được nước này nước kia, tổ chức này tổ chức kia giúp đỡ thì họ bắt đầu xuyên tạc tình hình sự thật ở Việt Nam để có cớ, có lý do xin tỵ nạn ở nước ngoài. Do đó, những hoạt động tuyên truyền, sản xuất ra cái cờ, tuyên truyền vu khống nhà nước Việt Nam thì tôi nghĩ những hoạt động đó có thể là có ý đồ cá nhân, có thể bị lợi dụng, bị kích động, bị xúi giục… Còn thực tế, đại đa số nhân dân Việt Nam, đại đa số Khmer Nam Bộ đều có tinh thần đoàn kết."

Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có khoảng 1,3 triệu người bản địa Khmer Krom đang sống ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo các tổ chức Khmer Krom, khu vực Nam Bộ hiện là nơi sinh sống của hơn 14 triệu người bản địa Khmer Krom, trên tổng diện tích 68,965km2.