Kế hoạch kinh tế và môi trường trong Tiểu vùng sông Mekong

Vấn đề quản trị nguồn lương thực thực phẩm, nguồn nước và các nguồn năng lượng tại khu vực các nước tiểu vùng Sông Mê kong sẽ là thách thức lớn nhất trong thập niên đến.

Các nước tiểu vùng sông Mê Kông
Các nước tiểu vùng sông Mê Kông. RFA (RFA)

Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị mang tên Cân bằng tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của môi trường vừa kết thúc hôm qua tại Bangkok, Thái Lan, sau hai ngày làm việc.

Các phái đoàn đại diện từ sáu quốc gia gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan, và Việt Nam cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á- ADB, cùng tham gia hội nghị bàn về các vấn đề liên quan.

Ông Dương Đức Ưng, chuyên gia tư vấn từ Việt Nam cho biết một số thông tin về nội dung hội nghị như sau:

Tập trung nói về những vấn đề quan trọng như an toàn lương thực. Việt Nam hiện nay đã có an toàn lương thực cho mình rồi và xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực ra thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan. Người ta còn đặt vấn đề mạnh hơn nữa là phải an toàn lương thực, an toàn thực phẩm vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm phải gắn kết với nhau.

Lãnh đạo của các quốc gia thuộc khu vực Tiểu vùng Mê kong hồi tháng 12 năm ngoái đã ký kết khung hợp tác chiến lược 10 năm; theo đó trọng tâm được nhấn mạnh vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên.

ADB cho biết trong năm 2010, định chế tài chính này đã chuẩn thuận 50 dự án với tổng giá trị chừng 4 tỷ 800 triệu đô la cho việc duy trì môi trường bền vững.