Tàn nhẫn như thời trung cổ
Bài báo có tựa đề “Luật tàn nhẫn ở lò đào tạo trẻ ăn xin” theo Thắng Trần (Người Đưa Tin) được đăng tải trên báo mạng 24 Giờ và trên một số báo báo mạng khác được xem như là tiếng chuông báo động về tình trạng trẻ em ăn xin ngày càng tinh vi và gian xảo. Phóng viên bài báo cho rằng thật sự kinh hoàng khi phát hiện ra các “lò” đào tạo trẻ em ăn xin như thời trung cổ.
Trong một lần quan sát một đường dây chăn dắt hơn 15 trẻ ăn xin ở TP. HCM, phóng viên tận mắt chứng kiến cảnh những em từ 10 đến 13 tuổi bị đánh bằng roi da cho đến khi các em phải phải van nài xin đừng đánh nữa vì chân đã bị gãy. Các em cho biết thường bị đánh đập bằng dây nịt, bị cho nhịn đói, thậm chí còn bị cạo đầu, đánh vào bộ phận sinh dục, bắt ăn muối trộn ớt nếu không xin được nhiều tiền. Nhiều nạn nhân trẻ em của những đường dây chăn dắt trẻ ăn xin cho phóng viên biết mỗi khi các em xin không “đạt chỉ tiêu”, các em bị đánh đập cho đến khi chân bị mất cảm giác, đi khập khiểng, bị bẻ chân tay thành tàn tật để xin tiền được dễ dàng hơn nhờ vào lòng trắc ẩn của những người đi đường.
Phóng viên tận mắt chứng kiến cảnh những em từ 10 đến 13 tuổi bị đánh bằng roi da cho đến khi các em phải van nài xin đừng đánh nữa vì chân đã bị gãy.
Ông Huỳnh Văn Bình thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM đưa ra nhận xét trước thông tin bài báo “Luật tàn nhẫn ở lò đào tạo trẻ ăn xin” là các đường dây chăn dắt trẻ em quá tàn nhẫn, ác độc, bóc lột thậm tệ các em còn quá nhỏ. Ông Bình cho biết ông thật sự bị sốc trước những thông tin này và kêu gọi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc giải quyết thật quyết liệt.
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em, người phụ trách Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang, thì theo quyết định 267 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2011,
tất cả các cơ quan thuộc cơ quan Bảo vệ Trẻ em trên toàn quốc cùng với các ban ngành chức năng phối hợp đi tìm các trẻ em để giúp đỡ và hỗ trợ cho các em rất tích cực và có hiệu quả.
Theo ông Tiến thì khái niệm “trẻ em lang thang” ở Việt Nam bao gồm các trẻ em tự bỏ nhà đi, hay có người lớn đi cùng hoặc có một số người thu gom các em bỏ học để đi bán báo, đánh giày…Do đó trẻ em lang thang đường phố không chỉ là trẻ em ăn xin mà thôi. Vì vậy theo ông Tiến thì rất khó khăn để tìm hiểu và xác định được đối tượng trẻ ăn xin. Ông cho biết:
“Cũng có một số những hiện tượng có những kẻ lợi dụng bọn trẻ lang thang đường phố, tập trung thành một nhóm, sau đó bắt đi ăn xin để về phục vụ cho quyền lợi cho những những người này. Điều này rất khó khăn cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam, kể cả bên cơ quan công an. Ở Việt Nam vẫn xác định đây là một dạng lợi dụng trẻ em để trục lợi. Nếu phát hiện và bắt được thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”
Xã hội cần chung tay phát hiện tệ nạn lạm dụng trẻ em
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, người luôn song hành bảo vệ cho trẻ em cho đài RFA biết luật pháp sẽ rất nghiêm minh đối với những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin. Luật sư Hồng Liên nói:
“Vấn đề chăn dắt trẻ em thì luật pháp xử lý rất là nghiêm. Họ chăn dắt và họ lợi dụng trẻ em, sức lao động
của các cháu thì sẽ bị xử lý. Hay đánh đập, gây thương tích cho các cháu thì sẽ bị xử lý theo tội cố ý gây thương tích. Hoặc là tội bắt cóc trẻ em.”
Cũng có những kẻ lợi dụng trẻ lang thang đường phố, tập trung thành một nhóm, sau đó bắt đi ăn xin để về phục vụ cho quyền lợi cho những những người này.
Ông Hoàng Văn Tiến
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em-Hoàng Văn Tiến cho biết với dự án thí điểm ở 50 địa phương do Châu Âu viện trợ thực hiện từ năm 2008 đến 2011 đã giúp đỡ được 800 em lang thang đường phố. Với mức tổng kinh phí 1.755,5 tỷ đồng theo nghị quyết 267 của chính phủ để thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em trong giai đoạn 5 năm, các cơ quan trực thuộc cơ quan Bảo vệ Trẻ em ở khắp tỉnh thành đã và đang tích cực hoạt động để giúp đỡ cho các em. Theo chủ trương đề ra là tất cả các địa phương khi phát hiện ra bất cứ trường hợp nào thì phải nhanh chóng giúp các em trở về với gia đình và hỗ trợ tại gia đình cho các em. Trong trường hợp các em không còn gia đình thì sẽ tìm gia đình khác thay thế đồng thời nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu trường hợp không còn ai nhận để chăm sóc thay thế cha mẹ của các em thì mới đưa vào các trung tâm tập trung, đây là giải pháp sau cùng do xu hướng chỉ đạo không nên đưa các em vào các trại tập trung.
Chính sách nhà nước đề ra là một khi phát hiện ra các em thì các em sẽ được tư vấn về quyền trẻ em, về nguy cơ thảm họa gặp phải khi sống lang thang; động viên tìm thân nhân, hỗ trợ tiền cho phương tiện liên lạc cũng như phương tiện đi lại để trở về với gia đình; hỗ trợ cho đi học nếu ở độ tuổi đến trường; về y tế được hỗ trợ mua bảo hiểm sức khoẻ; các em quá tuổi đi học sẽ được cho học nghề; gia đình em nào khó khăn thì hỗ trợ bằng vay vốn để phát triển sản xuất và kinh doanh, tạo nguồn lực kinh tế nuôi nấng các em. Hỗ trợ cho các em tham gia các hoạt động vui chơi cộng đồng ở các câu lạc bộ trẻ em địa phương để các em hòa nhập với các bạn bè cùng trang lứa. Chính sách chỉ đạo mở rộng thêm hình thức đào tạo nghề nghiệp thay thế cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà các em lại quá nhỏ tuổi: Ông Hoàng Văn Tiến cho biết:
Vấn đề chăn dắt trẻ em thì luật pháp xử lý rất là nghiêm. Họ chăn dắt và họ lợi dụng trẻ em, sức lao động của các cháu thì sẽ bị xử lý. Hay đánh đập, gây thương tích cho các cháu thì sẽ bị xử lý.
LS Nguyễn Thị Hồng Liên
“Như trong học nghề ở Việt Nam có mở rộng ra thêm nữa, tức là nếu các em nhỏ quá mà gia đình không có nghề nghiệp, không có việc làm thì cho đi học nghề thay thế, không vi phạm các luật lao động của Việt Nam và của quốc tế. Nghĩa là cho bố mẹ hoặc anh chị của các em trên tuổi các em, đủ tuổi lao động mà thích học nghề nào đó thì cho đi học nghề. Cho gia đình chọn nghề, cho tiền và thuê người dạy nghề cho. Cần phải chọn nghề trên thị trường lao động có việc làm. Việc làm đó phải có thu nhập thì lúc đó sẽ được đồng ý cho họ học nghề.”
Theo như những thông tin từ đại diện của Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em thì chính sách, chủ trương của nhà nước đề ra tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp đỡ và hỗ trợ cho các em trở lại cuộc sống lành mạnh trong xã hội. Về các biện pháp xử lý những kẻ bất lương trục lợi từ các em nhỏ cũng được luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết công khai đối với công chúng. Luật Sư Hồng Liên nói:
“Theo tôi thì thông tin công khai. Khi báo chí phát hiện thì đăng tải trên báo, hướng điều tra của nhà nước như thế nào, và xử lý những hành vi ra sao thì những vụ án đó thường là xử lưu động. Nghĩa là cho tất cả mọi người đều thấy để có tính cách răn đe, phòng ngừa chung. Việc này là công khai.”
Một biện pháp được nêu ra là xã hội cần chung tay phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những kẻ chuyên chăn dắt trẻ ăn xin… Hiện trạng trẻ em ăn xin vẫn còn tồn tại tràn lan. Dư luận không phủ nhận những cố gắng hết mình của các cơ quan ban ngành trong quá trình cứu giúp những em nhỏ thoát khỏi những mạng nhện độc hại bao trùm cuộc đời các em.