Vì sao thú sắp tuyệt chủng vẫn bị giết dã man?

Cả truyền thông Nhà Nước cũng như nhiều trang mạng xã hội Việt Nam trong tuần qua đều đưa tin và bình luận về vụ giết voọc dã man để mua vui bởi vài thanh niên trẻ là bộ đội nghĩa vụ ở Tây Nguyên.

0:00 / 0:00

Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường cách đây một kỳ, chúng tôi trình bày về tình trạng báo động về nạn săn bắt các loài khỉ rừng đưa về làm vật nuôi hay làm thức ăn ở Việt Nam, dù rằng Việt Nam đã có luật cấm săn bắn, vận chuyển động vật hoang dã. Song song đó cơ quan chức năng cũng như nhiều tổ chức quốc tế cũng tham gia tuyên truyền cho người dân về vấn đề đó.

Vậy sao một vụ việc như vừa nêu lại vẫn diễn ra, và người tham gia trong cuộc không thấy sai, tự khoe hình ảnh giết voọc trên mạng và rồi còn phản bác lại những bình luận chỉ trích hành động bị cho là dã man đó.

Đây là đề tài của chuyên mục kỳ này, mời quí vị theo dõi.

Thủ phạm

Thủ phạm tung hình giết voọc lên mạng được phó giám đốc công an tỉnh Quảng Nam, đại tá Phan Ngọc Ngự vào ngày 19 tháng 7 vừa qua xác định là Nguyễn Văn Quang, người thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Và theo tấm hình có người mặc quân phục đứng trước một chiếc xe quân đội mang biển số AC-4990, nên có nhận định: vào thời điểm giết voọc những người tham gia là binh sĩ thuộc quân đoàn 3, binh đoàn Tây Nguyên.

GS Võ Quý

Việc truy tìm thủ phạm giết voọc không mấy khó khăn vì chính bản thân đưa hình ảnh lên trang facebook cá nhân. Dù thông tin từ cơ quan chức năng không nói rõ, thanh niên Nguyễn Văn Quang trình độ học vấn đến lớp mấy, nhưng việc được gọi nhập ngũ và biết sử dụng vi tính lập trang facebook chứng tỏ thanh niên Nguyễn Văn Quang không phải là người hoàn toàn mù chữ, sống tại một vùng xa xôi, hẻo lánh chưa bao giờ được nghe hay đọc các thông tin không được săn bắt động vật hoang dã như con voọc đang mang thai mà Nguyễn Văn Quang và các bạn hành hạ trước khi giết thịt vừa qua.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn các loài động vật hoang dã sắp tuyệt chủng được các cơ quan chức năng cho là một trong những biện pháp được tiến hành lâu nay nhằm giúp chặn đứng tình hình đáng báo động đó.

Thực tế công tác tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã được một bạn trẻ ở Hà Nội cho biết:

“Thực ra việc này khi em còn ngồi trên ghế nhà trường thì các thầy cô nói nhiều về việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ động vật hoang dã mà có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Nhưng sau khi ra trường, em thấy tuyên truyền đó ít đi. Ngay cả các công cụ tuyên truyền đến người dân như loa phát thanh, hay những hình ảnh bảo vệ động vật cũng rất hiếm… Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các đường phố họ vẽ các bảng quảng cáo chứ không có những tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên hay động vật hoang dã. Trên truyền hình thì đến một ngày nào đó, họ cho chạy vài phút nói về vấn đề đó thôi chứ không nhiều…

Trên thực tế các bậc ‘đại gia’ vẫn săn thú rừng, và các loại động vật quí hiếm vẫn diễn ra và như vậy công tác tuyên truyền không được triệt để cho lắm.

Xử lý thì cũng vậy, làm một lần cho mọi người thấy có xử lý rồi thôi. Làm cho có đấy ạ!”

Giáo sư Võ Quý, người hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng có ý kiến về vấn đề giáo dục tuyên truyền tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã:

Kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa trong một lần bắt được những người săn trộm thú rừng. Photo courtesy of Vườn quốc gia Núi Chúa.
Kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa trong một lần bắt được những người săn trộm thú rừng. Photo courtesy of Vườn quốc gia Núi Chúa.

“Tôi nghĩ việc làm này chưa đủ, có lúc làm mạnh nhưng cũng có lúc chưa mạnh; nên phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Bấy lâu không chỉ loài voọc vá mà nhiều loài quí hiếm khác của Việt Nam cũng suy thoái một cách nhanh chóng.

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều tổ chức phi chính phủ cố gắng làm công việc này, thứ nữa là cố gắng đưa vào các trường học cả nước vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là ở những vùng có các loài động vật đó, nhất là những khu bảo tồn thiên nhiên, phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục nhân dân ở trong vùng đó. Và lúc nào đó làm cho người dân ở những vùng đó trở thành người bảo vệ thì công việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Chứ không chỉ là những cảnh sát, kiểm lâm làm việc đó thôi.Vấn đề nghèo đói là một khó khăn trong công việc này.Chính phủ phải làm công tác xóa đói giảm nghèo, làm cho người dân trong vùng giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên không hợp lý.”

Loài sắp tuyệt chủng

Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Nam đưa ra nhận định: qua hình ảnh được trưng trên mạng thì có thể xác định nạn nhân bị giết là loài voọc chà vá chân xám thuộc nhóm 1B theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của chính phủ về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Bạn trẻ ở Hà Nội

Giáo sư Võ Quý trình bày về loài động vật mà chính ông khẳng định là đặc hữu ở Việt Nam mà thôi:

“Con đó là đặc biệt của Việt Nam, loài đặc hữu của Việt Nam.

Con chà vá đó ở Việt Nam có ba loài khác nhau, theo màu sắc chân của nó. Loài mà tôi thấy trong báo là loài chà vá chân xám ở miền Trung, nhiều nhất là ở Quảng Nam và Kom Tum. Đó là một trong ba loài có số lượng ít nhất. Trong sách đỏ Việt Nam đó là loài hết sức nguy cấp, dễ bị tiêu diệt vì số lượng ít và vùng phân bố hẹp. Chúng là loài nằm trong danh sách của chính phủ được bảo vệ nghiệm nhặt.

Theo nguyên tắc loài ngày cấm săn bắn, buôn bán loại này. Nhưng hình thức phạt bao nhiêu tiền, ở tù bao nhiên năm vẫn chưa được qui định; nên theo tôi phải nghiêm túc hơn nữa.”

Phản ứng từ cộng đồng

Trong khi còn trong quá trình nghi vấn, blogger Mai Thanh Hải đặt tựa cho bài viết hôm ngày 17 tháng 7 ở thể nghi vấn ‘Họ không thể là bộ đội?’. Bài viết này có một số bình luận lên án hành động dã man giết voọc của bộ đội Nguyễn Văn Quang, và một bình luận của người ký tên biên thùy ghi rõ:

Nam thanh niên cho Voọc hút thuốc trước khi giết. Nguồn FB.
Nam thanh niên cho Voọc hút thuốc trước khi giết. Nguồn FB.

"Cũng là một người lính đang công tác trên địa bàn biên giới này, mình biết nói gì đây? Một sự thật trớ trêu trước mắt chẳng cho lấy một cơ may để căn ke bao biện? Tất cả đó là sự thật, cái sự thật từng diễn ra đã nhiều và còn ghê gớm hơn thế nữa…

Cạnh cái sự thật đau đớn nêu trên là một sự thật lớn lao mà mấy ai nói đến?... Sự vô trách nhiệm của những người cán bộ, sĩ quan (kể cả những sĩ quan chỉ huy và cán bộ chính trị tư tưởng). Tất cả hầu như không thể nào vượt qua nổi căn bệnh thành tích và dấu dốt đã ngầm thẩm thấu vào trong quân ngũ bấy lâu."

Bản thân giáo sư Võ Quý nói về vai trò của giới khoa học và mức độ tiếng nói của họ được cơ quan chức năng nghe ngóng:

“Tất nhiên các nhà khoa học luôn luôn nói về việc đó; tuy nhiên tiếng nói của các nhà khoa học không thể một lúc nói cho tất cả mọi người được.”

Có thể nói hầu hết những lời bình dưới các bài viết trên blog hay trên báo chí trong nước về vụ giết voọc chân xám ngũ sắc được chính tác giả tung lên facebook đều lên án hành động bị cho là vô nhân tính đó.

Mạng VnExpress đăng bình luận của độc giả tên Long dưới bài 'Trò giết khỉ tàn bạo của nam thanh niên' bày tỏ lo lắng: "Một bộ phận người dân Việt Nam có tư duy 'sống hôm nay, không cần biết ngày mai và gây nhiều hậu quả xấu cho đất nước; làm tuyệt chủng loài tê giác và nhiều loài động vật có trong sách đỏ, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản và những hành động tàn phá thiên nhiên khốc liệt, dã man khác trong khi pháp luật còn quá sơ hở, không có tính răn đe. Cứ đà này thì thế hệ trẻ Việt Nam sau này sẽ không còn biết gì về thế giới tự nhiên của Việt Nam và sẽ phải hứng chịu những hậu quả do thế hệ trước để lại rồi!"

Theo chúng tôi đó là một lời cảnh báo từ người trong nước; nhưng người này không thuộc nhóm đa số; mà ngược lại ‘một bộn phận người dân Việt Nam’ theo như độc giả Long viết lại là một số đông và trong họ là những người đang giữ những chức vụ điều hành ở các cấp chính quyền.

Tạp chí Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: