Lời cảnh báo về tình trạng yếu kém và sai lầm

Bà không muốn trong nhà bà có “chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”, mà theo cảm nhận nghệ sĩ Kim Chi, “đó là điều rất tổn thương và bị xúc phạm”.

0:00 / 0:00

Hơn cả lời từ chối

Trong mấy ngày nay, dư luận tiếp tục xôn xao trong chiều hướng ca ngợi, khâm phục việc diễn viên điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Chi gởi thư cho Hội Điện Ảnh VN bày tỏ rằng bà không muốn trong nhà bà có “chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”, mà theo cảm nhận nghệ sĩ Kim Chi, “đó là điều rất tổn thương và bị xúc phạm”.

Lên tiếng mới đây với phóng viên Mặc Lâm của đài ACTD chúng tôi, nghệ sĩ Kim Chi giải thích:

“Phản ứng vừa rồi của chị vì chị nghĩ là một ông Thủ tướng mà ông ấy làm ra bao nhiêu vụ như Vinashin rồi thứ nọ thứ kia, tỷ này tỷ kia bây giờ ký một cái bằng để khen chị thì chị cảm giác tổn thương nên chị từ chối vậy thôi chứ không phải là thái độ chống đối hay gì cả.Cuộc đời này “sắc sắc không không” lắm nhưng dẫu như vậy thì cũng không nên để cho người dân khổ. Chị đa cảm lắm, khi nhìn thấy ngày ngày những chuyện người ta bị mất đất mất đai, bị tranh giành bởi một nhóm người nào đó thì nhiều khi chị ngồi chị khóc ngon lành. Chị nghĩ nếu người điều hành đất nước mà để xảy ra những việc đó thì đâu có giỏi, đâu có hay mà nắm quyền làm gì?”

GS Trần Kinh Nghị

Qua bài “Hơn cả lời từ chối”, blogger Trần Kinh Nghị nhận thấy chuyện từ chối giải thưởng không có gì lạ, mà vấn đề ở đây là lý do từ chối, khi nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi “không muốn trong nhà có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”, nghe thật “bi, hùng” và cả “hài” nữa. GS Trần Kinh Nghị nhận xét:

“Lời từ chối như vậy mạnh hơn cả một lời tuyên bố. Có người đã ví nó như một tiếng sấm làm chấn động dư luận trong và ngoài nước trong những ngày qua…Sự từ chối giải thưởng của nữ nghệ sĩ Kim Chi là một lời cảnh báo về tình trạng yếu kém và sai lầm của quá trình công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh tình hình những năm gần đây. Lời cảnh báo đó phát ra bởi chính một trong những thành viên xuất sắc nhất của đội quân tuyên truyền của Đảng, chứ không phải kẻ địch hoặc ai xa lạ.”

GS Trần Kinh Nghị nhân tiện lưu ý về “chất lượng công tác tuyên huấn” bắt nguồn từ cấp cao và về “đường lối chính sách”, khẳng định rằng một khi nội dung đường lối chính sách này chưa ổn thì nhà nước “càng tuyên truyền bao nhiêu sẽ càng bộc lộ điểm yếu và càng mất lòng tin từ phía người nghe bấy nhiêu”. GS Trần Kinh nghị nhấn mạnh “Hiện tượng nghệ sĩ Kim Chi từ chối phần thưởng là một giọt nước tràn ly của lòng kiên nhẫn mà nhân dân đang chịu đựng”.

Nữ nghệ sĩ Kim Chi khi còn trẻ, hình do nghệ sĩ Kim Chi cung cấp.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi khi còn trẻ, hình do nghệ sĩ Kim Chi cung cấp.

Theo blogger Bùi Công Tự, hiện tượng nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi vốn được dư luận ca ngợi, khâm phục đã “phản ánh việc bất tín nhiệm cao độ của nhân dân đối với một lãnh đạo trọng yếu của nhà nước”, chẳng khác nào “Cái mặt không chơi được” – nói theo tên của truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao. Và blogger Bùi Công Tự nêu lên câu hỏi rằng “Các văn nghệ sĩ có theo gương nghệ sĩ Kim Chi (không)?”.

Qua bài “Các văn nghệ sĩ có theo gương nghệ sĩ Kim Chi?”, tác giả Bùi Công Tự lưu ý về “cảm xúc nhạy bén khác thường” của giới văn nghệ sĩ khiến họ dễ dàng rung động trước cái đẹp, rơi lệ trước nỗi bi thương và cũng dễ giận dữ trước cái độc ác, phi nhân, phi lý; trực giác đó giúp họ “cảnh báo sớm nhất về những vấn nạn, những nguy cơ cho đất nước” vốn thường là “sự đồi bại của những người cầm quyền” và “sự suy vong của một thể chế”. Vì vậy, theo tác giả, giới cầm quyền độc tài thường căm ghét, trả thù, trừng phạt những văn nghệ sĩ nào dám lên tiếng phản đối họ, mà trường hợp Nhân văn-Giai phẩm trước kia là một thí dụ điển hình. Nhưng, theo blogger Bùi Công Tự, trong khoảng 20 năm nay, việc khen thưởng của nhà nước VN ngày càng mất giá trị khi diễn ra lắm cảnh chạy danh hiệu, chạy huân chương, mở đường cho “ kẻ đồi bại được phong danh hiệu anh hùng”, khiến không ít người chính trực từ chối khen thưởng, giải thưởng vì sợ thanh danh của họ bị “vấy bẩn” – như trường hợp “nói không” của nghệ sĩ Kim Chi bây giờ.

Chuyện “xưa nay hiếm”

Blogger Nguyễn Văn Thiện

Khi bày tỏ sự kính phục đối với nghệ sĩ Kim Chi, blogger Nguyễn Văn Thiện “nói thật, xưa nay, trong mắt của nhiều người, vẫn coi văn nghệ sĩ là nhóm háo danh, nhiều khi chỉ vì cái danh hão mà khom lưng quỳ gối trước mọi thứ, đặc biệt là trước quyền lực. Người ta vẫn kể cho nhau nghe nghệ sĩ nọ chạy vạy để được giải thưởng, nhà thơ kia luồn lách bằng đầu gối để được kết nạp vào hội kia”. Nhưng trường hợp nghê sĩ Kim Chi, theo blogger Nguyễn Văn Thiện, “quả là chuyện ‘xưa nay hiếm’ ”. Qua bài “Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, tôi kính phục chị”, tác giả Nguyễn Văn Thiện khẳng định:

"Trong bối cảnh giả dối tràn lan, cái ác tràn lan, sự vô liêm sỉ tràn lan như một căn bệnh trong xã hội thì hành động của chị chẳng khác nào một lời tuyên chiến… Quả thật, cuộc đời vẫn còn có người tốt và vẫn còn những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta phía trước, miễn là chúng ta dám đứng thẳng trước cường quyền."

Qua hiện tượng nghệ sĩ Kim Chi, blogger Gocomay ngợi ca rằng những tâm hồn và khí phách lớn như thế đâu cần phải “đi nhẹ, nói khẽ, cường duyên” để được nhà nước ban phát những “nắm xôi chùa ngọng miệng” để rồi không tránh khỏi hổ thẹn với biết bao đồng đội can trường đã bỏ mạng mà cho đến bây giờ vẫn chưa được trở về, dù chỉ là nắm xương tàn.

Nữ nghệ sĩ Kim Chi
Nữ nghệ sĩ Kim Chi (Nữ nghệ sĩ Kim Chi)

Trong khi đó, blogger Cánh Cò cảm thấy sự từ chối nhẹ nhàng, đầy tính nhân văn nhưng “chát chúa tiếng kèn xung trận” của nghệ sĩ Kim Chi chứng tỏ trong số những người từng vào sinh ra tử ấy, vẫn còn nhiều người can đảm. Blogger Cánh Cò phân tích:

“Họ can đảm vì biết rằng chế độ chỉ toàn những kẻ theo đóm ăn tàn, không ai trong những người này từng chịu bom đạn như bà Kim Chi và đồng đội của bà ngày xưa. Bà đứng trên cao nhìn xuống những kẻ cầm quyền với tâm thế của người lãnh đạo. Bà cho mọi người thấy sự sợ hãi cũng có thể bị khống chế. Nếu những anh hùng khi xưa là anh hùng thật, là can đảm thật thì ngày nay họ phải hiên ngang đứng lên đòi chế độ này những câu trả lời thích đáng. Khi xưa họ chiến đấu không phải vì "hòa bình ổn định khu vực" mà vì họ muốn đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi vậy thì tại sao bia ghi công chiến sĩ chống giặc Tàu lại ghi là chiến đấu cho hòa bình ổn định khu vực? Những thứ ngôn ngữ xảo trá này đang bôi đen toàn bộ lịch sử…”

Blogger Cánh Cò không dằn được sự phẫn nộ khi nêu lên câu hỏi rằng họ là ai mà vung tiền như rác trong những đề án dốt nát, phá hoại đất nước như Dung Quất, như Sông Tranh, như Bauxit Tây Nguyên, như Vina các loại trong khi đồng bào không có áo mặt, cơm ăn, trẻ con đu dây đi học, moi móc thịt chuột để ăn? Tình cảnh như vậy, theo blogger Cánh Cò, không phải do tội nghèo của các nạn nhân này hay gia đình, mà chính là các quan chức cầm quyền để cho “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Qua bài “ Còn ai nữa như bà Kim Chi (không)?”, blogger Cánh Cò quả quyết:

"Nhiều tiếng nói, hành động như Kim Chi sẽ làm cho bọn sai nha run sợ. Hãy tự thử nghiệm mình xem có đúng khi xưa mình chiến đấu vì yêu nước hay không, hay chỉ vì bị xúi giục, lôi kéo, thậm chí cưỡng bức nên ngày nay không thể nói tiếng nói đúng đắn và mạnh mẽ của một chiến sĩ chính hiệu? Chiến sĩ thôi cũng đủ, chưa cần đến anh hùng."

Nữ nghệ sĩ Kim Chi khi còn trẻ, hình do nghệ sĩ Kim Chi cung cấp.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi khi còn trẻ, hình do nghệ sĩ Kim Chi cung cấp.

Theo nhận xét blogger Jeffrey Thái thì câu trả lời “KHÔNG” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát xuất từ sự mộc mạc và chân thật đúng theo cái nghĩa chân chính và thiêng liêng của hai từ “sự thật”; tiếng “KHÔNG” ấy nó nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, không một chút do dự, không một giây ngập ngừng, như vang vọng từ “một cõi lòng đã chán ngán đến tận cùng”, như phát xuất từ “một sự khinh bỉ cực kỳ nhất đối với người mà nó hướng đến”. Qua bài “Người đàn bà mà tôi ngưỡng mộ”, tác giả Jeffrey Thái bày tỏ tâm trạng của mình:

“Tôi đã sững sờ khi nghe tiếng "Không!" dứt khoát ấy cất lên và vang vọng trên toàn thế giới. Ngay tại thời khắc ấy, xuất hiện trước mặt tôi là hình ảnh của một "ai đó" đang loay hoay tìm kiếm trên mặt đất mình đang đứng, một vết nứt đủ lớn để mà chui tọt vào đó, cố giấu che đi nỗi nhục quá "phũ phàng" này. Khó mà có thể tìm thấy ở một dân tộc nào khác, một đất nước nào khác, lại có một vị lãnh đạo thuộc cấp tối cao "được" công dân của mình đối xử với một cung cách "làm tái tê" như thế.”

Rồi khi đề cập tới cả chế độ khi liên tưởng đến "người trong cuộc" là ông Hạ Đình Nguyên vốn từng vạch rõ rằng "Họ đều là người không có học thì làm sao yêu nước được, căn cơ là ở chỗ đó. Họ không yêu nước, không lương tâm, không xấu hổ... Nước nào người lãnh đạo cũng đặt tổ quốc lên trên, còn họ thì đặt quyền lợi giai cấp lên trên thì làm sao?", tác giả Jeffrey Thái nhận xét rằng toàn dân Việt, nếu ý thức được ý nghĩa thật sự đằng sau những lời mô tả "thẳng thắng, trần trụi và rất trung thực này" về những người lãnh đạo VN mà người dân đang "răm rắp cúi đầu tuân phục" cũng như phó thác quốc sự để cho "nhà nước lo", thì họ chẳng khác nào "giao trứng cho ác" khiến trước sau gì, chuyện "không mất nước, nhà tan mới là chuyện lạ!".

Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang kính chúc quý vị mọi điều như ý.

Theo dòng thời sự: