Vào thời điểm mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi đang nằm bên xác mẹ trên Đại lộ Kinh Hoàng đã được một người lính Việt Nam Cộng Hòa nhặt lên đặt trong chiếc nón lá và trao cho một Thiếu úy Thủy quân Lục chiến người Việt đang giúp dân chúng di tản tại cầu Mỹ Chánh. Em bé 4 tháng tuổi nay là Trung tá Hải quân gốc Việt ở Hoa Kỳ. Cô đã gặp lại người cứu mạng mình sau 41 năm.Hôm nay Trung tá Kim. Mitchell chia sẻ với quý vị về cuộc hội ngộ đặc biệt này:
Tìm về quá khứ
Hòa Ái: Xin chào Trung tá Kim. Mitchell. Trước hết, cảm ơn Trung tá dành thời gian với quý khán thính giả để chia sẻ câu chuyện của cuộc đời cô. Thưa cô Kim, trong hoàn cảnh nào cô gặp được vị ân nhân cứu mạng mãi tận 41 năm sau?
Kim. Mitchell: Tôi được kể cho biết là tôi được tìm thấy và đưa đến trại trẻ mồ côi nhưng các sơ không biết ai là người tìm thấy và đưa tôi đến.
Chuyến thăm trại trẻ mồ côi là một kỷ niệm rất xúc động đối với tôi, khi các sơ có thể cho tôi thấy cuốn sách của trại trẻ với tên tôi còn trong đó. <br/> -Kimberly Mitchell
Tôi được nhận làm con nuôi bởi một người lính Mỹ đang đóng tại Đà Nẵng lúc đó. Sau đó tôi được đưa sang Mỹ vào năm 1972. Tôi không biết gì về ông Báo Trần cho đến khi ông ấy liên hệ với tôi, cách nay 5 tháng.
Hòa Ái: Thật bất ngờ khi nghe cô nói là chính vị ân nhân liên lạc với cô. Không biết là Thiếu úy Trần Khắc Báo làm sao biết về cô chính là em bé năm xưa mà ông đã cứu mạng?
Kim. Mitchell: Tôi đến Việt nam vào tháng 8 năm 2011 và đó là chuyến đi để kết nối với quá khứ của tôi, để biết về người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Chuyến thăm đến trại trẻ mồ côi là một kỷ niệm rất xúc động đối với tôi, bởi vì điều mà tôi đã không trông đợi trước đó là khi các sơ có thể cho tôi thấy cuốn sách của trại trẻ với tên tôi còn trong đó.
Đã có thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ ở Hà nội về chuyến về thăm Việt Nam của tôi và ông Báo đã đọc thông cáo đó được đăng trên tạp chí tại Mỹ. Tôi không biết ông Báo mãi cho đến khi ông ấy liên hệ với tôi và tôi rất cảm kích vì ông đã làm điều đó.
Hòa Ái: Cô Kim có thể chia sẻ về cảm xúc khi cô gặp được Thiếu Úy Trần Khắc Báo, người đã cứu cô và đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích?
Kim. Mitchell: Cảm xúc thật không thể miêu tả được để có thể giải mã một phần trong cuộc đời tôi, có thể tìm thấy một người đã đóng góp một phần vào cuộc đời tôi, trước khi vào trại trẻ mồ côi. Đó là một điều mạnh mẽ đối với một người vì ai cũng muốn biết toàn bộ các khía cạnh cuộc đời mình như họ đến từ đâu, sinh ra ở đâu, lúc nào, ai đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của một con người. Với tôi, được gặp ông Báo và gia đình ông, để được nói lời cảm ơn với người đáng ra không cần phải mất nhiều công sức, thời gian để cứu một đứa trẻ vào lúc đó. Để cứu một đứa trẻ mà ông không biết lúc đó là do lòng tốt và với lòng tốt đó ông đã cứu sống tôi. Với tôi, ông đã làm thay đổi cả thế giới theo một cách rất có ý nghĩa.
Luôn nhớ ơn
Hòa Ái: Được biết là trong cuộc hội ngộ với cô, Thiếu úy Báo đã mặc lại bộ quân phục và còn có chiếc nón lá để kể lại cho cô nghe ông đã nhìn thấy cô 41 năm về trước như thế nào. Và Thiếu úy Báo mong muốn cô làm gì để trả ơn ông?
Kim. Mitchell: Ông ấy bảo tôi gọi ông là "Tía". Và đó là cách tôi gọi ông ấy. Con gái của ông là Cindy cố gắng dạy tôi tiếng Việt.
Hòa Ái: Cô Kim cảm thấy như thế nào sau khi gặp gỡ gia đình ân nhân và cô sẽ nói gì với những người Việt Nam đã lạc mất người thân hay được nhận nuôi trong thời chiến tranh?
Nỗ lực của ông Báo Trần để đưa tôi vào trại trẻ mồ côi có ý nghĩa lớn. Tôi biết ơn ông về điều này. <br/> -Kimberly Mitchell
Kim. Mitchell: Mọi cái xảy ra đều có lý do của nó. Tôi đã rất may mắn khi có một cuộc sống dễ chịu ở Mỹ. Tôi tin là bất cứ ai được nhận làm con nuôi từ Việt Nam rồi sau đó sang Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác, có được cuộc sống thành đạt là điều may mắn. Tôi tin là những người giúp cho việc nhận con nuôi đó, đặc biệt là với gia đình ông Báo Trần và nỗ lực của ông để đưa tôi vào trại trẻ mồ côi có ý nghĩa lớn. Tôi biết ơn ông về điều này.
Hòa Ái: Và câu hỏi sau cùng, nếu trong cuộc hành quân của cô, mà cô gặp được tình cảnh giống như của Thiếu úy Báo 41 năm về trước, cô sẽ làm gì khi nhìn thấy 1 em bé trong cảnh hỗn loạn như vậy?
Kim. Mitchell: Bạn biết không, con người nhìn chung là tốt, tôi nghĩ mỗi người tận sâu thẳm đáy long mình đều mong muốn có thể cứu được một đứa trẻ, cho nên tôi cũng sẽ làm như vậy.
Hòa Ái: Cảm ơn cô Trần Thị Ngọc Bích đã kể lại câu chuyện thật xúc động và đậm chất nhân văn của tình người. Và cảm ơn Trung tá Kim. Mitchell chia sẻ với khán thính giả của đài RFA.