Thông tín viên Nhân Khánh có bài tìm hiểu sau.
Nghi thức lễ hội
Ngày xưa, lễ hội đền Kinh Dương Vương có quy mô vào loại lớn nhất vùng Kinh Bắc, được tổ chức trong 9 ngày, từ ngày 16 đến 24 tháng Giêng hàng năm. Để tưởng nhớ các vương tổ, dân làng Á Lữ mở hội rước nước, hay còn gọi là hội Phục Ruộc, có nghĩa là hội tắm gội. Mở đầu là màn trống khai hội, rồi đến lễ dâng hương tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sau đó là nghi thức rước kiệu. Người có vị trí cao trong làng sẽ mang chóe xuống thuyền bơi ngược về phía thượng nguồn, đến chỗ dòng nước trong và sạch, vừa múc nước đầy chóe vừa đọc thần chú. Thuyền cập bờ, mọi người lại phất cờ, nổi chiêng trống, rước chóe về đình làm lễ. Đến khi tan hội, dân làng mang nước đó tưới cho cây cối quanh làng.
Năm nay làm sẽ lớn hơn bởi vì những người đứng đầu của nước Việt Nam thì có về đây.
Một người dân làng Á Lữ
Sau này lễ kính Kinh Dương Vương vẫn được duy trì, mở chính hội vào ngày 18 tháng Giêng (tức ngày mất của Kinh Dương Vương). Thuận Thành là vùng đất cổ nằm ở phía Nam sông Đuống. Ngày nay, đền thờ Kinh Dương Vương thuộc làng Á Lữ xã Đại Đồng Thành. Cách đền thờ vài trăm mét, ra ngoài đê là khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm trên gò đất cao ráo ven sông Đuống. Nhận xét về lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức năm nay, một người dân làng Á Lữ có ý kiến như sau:
“Năm nay tổ chức lớn. Nếu mà anh biết năm ngoái thì năm nay sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái, lớn hơn rất nhiều so với các năm. Năm nay làm sẽ lớn hơn bởi vì những người đứng đầu của nước Việt Nam thì có về đây.
Năm nay có sự đầu tư, với lại cái khai mạc lễ hội nó to hơn để công nhận những cái gì nó to lớn hơn, chẳng hạn. Thì mình làm nó lớn hơn chút xíu, so với năm trước.”
Truyền thuyết
Tương truyền năm Nhâm Tuất (2879 Tr. CN), thái tử Lộc Tục lên ngôi vua, hiệu là Kinh Dương. Thời điểm này, được nhiều sử gia các triều đại xưa lấy làm mốc kỷ nguyên lập quốc cho sử Việt. Sự có mặt của Kinh Dương Vương đánh dấu một quốc gia đã hình thành trên đồng bằng sông Hồng, truyền lại cho Lạc Long Quân và các triều đại vua Hùng sau này.
Khi được hỏi về sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương tại lễ hội Kinh Dương Vương làng Á Lữ, Nhân Khánh được Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh là ông Lê Đắc Thuật cho biết:
“Tất cả tỉnh ngày mai xuống làm lễ dâng hương và làm lễ khai hội, vào sáng ngày mai.”
Cho đến nay vẫn chưa có nguồn tư liệu đáng tin cậy nào cho biết niên đại xây dựng ngôi lăng ở làng Á Lữ, ngoài sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép vào năm 1840 thời vua Minh Mệnh, lăng được trùng tu và khắc bia mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng”. Liên quan đến thời điểm tôn tạo, có một câu đối trong lăng ghi nhận rằng: trên núi Nghĩa Lĩnh (vùng Phú Thọ) có kinh thành cổ, bên bờ sông Thiên Đức (tức sông Đuống) có lăng miếu mới.
Thực ra Kinh Dương Vương thì đấy là theo sử chép như thế, chứ còn trong thực tế thì cái thời vua Hùng là một cái thời đại mà chúng ta biết nó là nửa lịch sử nửa huyền thoại mà.
TS sử học Vũ Duy Mền<br/>
Vậy lăng Kinh Dương Vương có thực chứa hài cốt của vị vua đầu tiên của nước Việt không và nên hiểu như thế nào về ngôi mộ này. Nhân Khánh đã đặt câu hỏi trên trong cuộc nói chuyện cùng Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Duy Mền, phụ trách Phòng Nghiên cứu lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam thuộc Viện Sử học và được biết như sau:
“Cái lăng là do đời sau họ dựng lên. Cái đó thật ra là tượng trưng thôi, chứ còn nếu gọi là xác thực có chất lịch sử và chất khoa học thì cái việc đó còn phải khảo cứu. Nhưng mà theo thiển nghĩ của tôi thì có lẽ đấy là cái nó mang tính tượng trưng, do dân mình mến mộ ông vua đầu tiên, thế họ dựng lên thôi.”
Thời đại Hồng Bàng xa xôi đã đặt một dấu ấn trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn huyền sử mang dáng dấp của những truyền thuyết, tương tự như lịch sử khai thiên lập địa của các dân tộc khác trên thế giới này. Đành rằng huyền sử kia có những nét mông lung mà khoa học khó có thể kiểm chứng xác thực, nhưng toàn bộ câu chuyện xưa không hề là một tác phẩm được dựng đứng lên chỉ để thỏa thói bông phèng. Huyền thoại là ước vọng của con người xuất phát từ thực tế, không đợi khắc lên đá hay chạm vào gỗ, lịch sử Hồng Bàng được giữ gìn và lưu truyền trong lòng dân tộc Việt Nam.
Vị trí của Kinh Dương Vương cần được nhìn nhận như thế nào, dưới góc độ khoa học lịch sử, Tiến sỹ sử học Vũ Duy Mền phát biểu rằng:
“Thực ra Kinh Dương Vương thì đấy là theo sử chép như thế, chứ còn trong thực tế thì cái thời vua Hùng là một cái thời đại mà chúng ta biết nó là nửa lịch sử nửa huyền thoại mà. Vừa có thật mà vừa không có thật.
Cho nên là bây giờ thì cứ cho Kinh Dương Vương là mở đầu thời đại Hùng Vương như thế thì cứ cho ông vua đầu tiên theo truyền thuyết như thế, cũng được. Còn trong thực tế, có lẽ còn phải nghiên cứu. Truyền thuyết thì bao giờ cũng phản ánh lịch sử, nhưng mà để tìm ra chứng tích lịch sử thì đó là một chặng đường rất dài đối với các nhà sử học.”
Nhìn chung, những nỗ lực nghiên cứu của ngành khoa học lịch sử Việt Nam về thời đại trước các vua Hùng cần được triển khai mạnh hơn. Dẫu sao trong lòng tâm thức nhiều người Việt, Kinh Dương Vương vẫn là ông vua đầu tiên có danh vị của quốc gia Việt Nam, đánh dấu sự ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử một dân tộc. Sau nhiều ngàn năm thăng trầm, vượt qua bao điêu linh để dựng lên một quốc gia, tất trải nhiều gian khó. Vị vua Kinh Dương Vương đã gắn liền những năm tháng hào hùng và bi tráng của chủng tộc Bách Việt, công lao của vị anh hùng lập quốc này đáng được nhìn nhận một cách trọng vọng hơn.