Đã có 11 tổ chức nhân quyền Khmer Krom tại xứ này vừa ký chung một bức thư gửi lên Đại sứ quán Việt Nam nhằm kêu gọi chính phủ tôn trọng nhân quyền, đồng thời cho phép họ thành lập Hiệp hội độc lập. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây.
Vi phạm nhân quyền
Theo thư kiến nghị mà chúng tôi nhận được vào chiều thứ Sáu, 7/9, có ít nhất 11 đại diện của các Hiệp hội và Tổ chức nhân quyền Khmer Krom tại Campuchia đã đồng loạt cùng ký tên yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh chuyển đơn yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền, quyền sở hữu đất đai, đặc biệt là việc cho phép người Khmer Krom sống ở Đồng bằng sông Cửu Long thành lập Hiệp hội, Tổ chức một cách độc lập.
Nội dung thư kiến nghị, các Hiệp hội và Tổ chức nhân quyền Khmer Krom yêu cầu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phải có biện pháp can thiệp kịp thời đối với những hành động của chính quyền cấp dưới về việc vi phạm nhân quyền Khmer Krom.
Ban thường trực của Hội đoàn Kết Sư sãi yêu nước là một nhóm người do đảng Cộng sản Nhà nước tạo ra, chứ không phải của đồng bào Khmer Krom, nhà sư Khmer Krom.
Ô. Trần Manh Rinh
Qua việc giám sát của các Hiệp hội Khmer Krom thì hiện nay sư sãi, chùa chiền và cộng đồng người Khmer Krom sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ lạm quyền nhiều hơn như việc hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer nằm dưới sự quản lý của hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tất cả các chùa Khmer phải sử dụng con dấu bằng tiếng Việt; việc học hành tiếng Khmer đang bị hạn chế; sư sãi và người dân không được phép học môn lịch sử, văn hóa dân tộc Khmer, đặc biệt là việc cấm họ tụ tập và khiếu nại ôn hòa…
Điều phối viên tổ chức Nhân quyền và Phát triển Khmer Krom ông Sơn Chum Chuôn cho biết đại diện của các Hiệp hội và Tổ chức Khmer Krom đã có đến Đại sứ quán Việt Nam vào chiều ngày 7/9 để gửi thư kiến nghị mà phía Sứ quán Việt Nam phủ nhận, tuy nhiên sau đó các Hiệp hội Khmer Krom gửi thư theo một nhân viên làm việc trong Tòa Đại sứ.
Các Hiệp hội Khmer Krom yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy cho phép người dân và sư sãi Khmer Krom có quyền giữ gìn hiện vật điêu khắc và hội họa của dân tộc Khmer tại nhà chùa; người dân có quyền tổ chức Hiệp hội độc lập; có quyền truyền đạt tiếp cận thông tin; có quyền nghe nhạc tiếng Khmer bằng điện thoại. Đồng thời, yêu cầu chính phủ Việt Nam ngưng các hoạt động cưỡng chế lấy đất và hăm dọa người tham gia khiếu nại bất cứ theo hình thức nào.
Ông Sơn Chum Chuôn nói, "mình yêu cầu chính phủ Việt Nam cho quyền người dân và sư sãi ở Kampuchia Krom (Đồng bằng sông Cửu Long) thành lập các Hội và cơ quan của người Khmer Krom độc lập. Quan trọng hơn, là đòi hỏi chính phủ Việt Nam cho người Khmer Krom được tự do trong việc học hành, và tín ngưỡng tôn giáo…"
Trưởng Ban kế hoạch của Liên Minh Khmer Kampuchia Krom tại Hoa Kỳ là ông Trần Manh Rinh nói rằng trong năm qua chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, nhắm vào những nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, đấu tranh vì quyền sở hữu đất đai. Ông cho rằng Việt Nam đang bước thụt lùi về nhân quyền và tự do tôn giáo. Trong khi đó có rất nhiều người Khmer Krom và sư sãi sống ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng họ không được phép thành lập một Giáo hội thống nhất.
Ông cho nói thêm, "đến bây giờ, Khmer Krom hàng triệu, hàng chục ngàn nhà sư, hàng trăm chùa chiền vẫn không có một Giáo hội thống nhất. Ban thường trực của Hội đoàn Kết Sư sãi yêu nước là một nhóm người do đảng Cộng sản Nhà nước tạo ra, chứ không phải của đồng bào Khmer Krom, nhà sư Khmer Krom.
Những nhà sư đó là những cán bộ, đảng viên của đảng Cộng sản. Cho nên Nhà nước Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam đã xúi giục, đã làm xấu đi hình ảnh Phật giáo Khmer Krom bằng cách đưa những cán bộ của đảng Cộng sản vào len lỗi trong cộng đồng sư sãi, làm hoen ố đi bản sắc thuần túy của các nhà sư.”
VN – thông tin thiếu cơ sở
Liên quan vấn đề trên, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ứng từ phía Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh. Trước đó, phát ngôn viên Lê Minh Ngọc nói rằng tất cả những thông tin nói Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng tôn giáo là những thông tin thiếu cơ sở. Chính sách dân tộc nhất quán của Nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Các nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Ngày nay, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam tham gia vào bộ máy Nhà nước ngày càng cao. Còn riêng đối với người Khmer Krom thì Việt Nam tôn trọng quyền tự do và tín ngưỡng như những các dân tộc khác.
Không ở trong nước mà biết người ta không tạo điều kiện, không lo lắng là nghe ai nói. <br/>
HT Đào Như
Còn Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Cần Thơ, kiêm cố vấn Hòa Thượng Lý Sân Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước TP. Cần Thơ là Hòa thượng Đào Như thì nói rằng việc thành lập Hội đoàn kết sư sãi yêu nước là nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp giải quyết vấn đề xây dựng chùa chiền và nâng cao trình độ giáo dục.
Hòa thượng Đào Như gọi các Hiệp hội Khmer Krom gửi thư kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia là người nắm bắt thông tin thiếu xác đáng, đồng thời không phải là người trực tiếp sống ở Việt Nam. Hòa thượng nói, "họ đâu phải là người trực tiếp ở trong nước mà họ biết? Không ở trong nước mà biết người ta không tạo điều kiện, không lo lắng là nghe ai nói. Bây giờ ai muốn biết cứ qua Việt Nam hỏi. Cứ tối ngày không biết gì hết. Cứ nói những lời đâm thọc hoài, vậy là sao? Ai mà có thời gian nghe mấy cái vụ này."
Văn hóa thiểu số
Tuy nhiên, Vị Trụ trì chùa Kiên Giang bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm của các Hiệp hội Khmer Krom, "theo mình nhận xét Hội đoàn kết sư sãi yêu nước làm việc mục đích chính là giúp cho đảng Cộng sản Việt Nam, chứ còn nói đem lại lợi ích thì mình chưa thấy. Đồng thời, nếu mình ở đây gởi đơn yêu cầu giải quyết này nọ thì mấy ông ở trên Hội, thậm chí còn khuyến khích đừng cho gởi đơn, đừng cho thưa kiện làm mất lòng này nọ. Kêu mình mất nhiêu bỏ nhiêu đi. Còn bao nhiêu làm giấy chủ quyền là yên tâm rồi.
Về Tôn giáo, đúng ra mình là Giáo hội Phật giáo Khmer bên Nam Tông. Từ ngày gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo nhưng càng có sự bức xúc mạnh hơn. Nếu mình muốn lãnh đạo bên Bộ nào, ngành nào, tôn giáo nào thì phải hiểu rõ nguồn gốc của tôn giáo đó. Đặc biệt những người lãnh đạo đó là phải đi sâu hơn, hoặc học hỏi những bên đó để cho mình hiểu bên đó, rồi mình mới lãnh đạo người ta dễ. Còn cái này, có khi cho mấy cô bên phái nữ lên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bên cấp huyện thì đâu có hiểu gì về luật tôn giáo bên Khmer đâu.”
Người dân tộc thiểu số, đúng ra người ta phải biết chữ thiểu số của người ta, biết rõ những nét văn hóa dân tộc của người ta nhưng bây giờ ông cho học toàn là chữ Việt Nam không.
Vị Trụ trì chùa Kiên Giang
Ông còn bảy tỏ sự quan ngại về việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết và bản sắc dân tộc thiểu số tại Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam làm sao bảo tồn ngôn ngữ, chữ việt, cộng với bản sắc dân tộc cho các dân tộc thiểu số. Muốn cho đất nước phát triển nhưng phải phát triển mọi mặt chứ không phải làm được mặt này mà mất mặt kia.
Bây giờ người dân tộc nghèo, mấy ông cho tiền xài, cất nhà tình thương nhưng ngược lại ông có cho cái đầu óc đâu. Người dân tộc thiểu số, đúng ra người ta phải biết chữ thiểu số của người ta, biết rõ những nét văn hóa dân tộc của người ta nhưng bây giờ ông cho học toàn là chữ Việt Nam không. Từ đô thị đến thôn quê, không có trường nào gọi là chuyên dạy tiếng Khmer.”
Còn các Hiệp hội và tổ chức nhân quyền Khmer Krom tại Campuchia cũng cho rằng đến giờ này chính phủ Việt Nam vẫn chưa có thiện chí thật sự tôn trọng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cho dù Việt Nam ký kết với Liên Hiệp Quốc. Trong khoảng thời gian một tuần lễ, nếu Đại sứ quán Việt Nam không có phúc đáp, thì cộng đồng người Khmer Krom tại Campuchia sẽ tổ chức gặp mặt nhau một lần nữa nhằm tìm biện pháp gây áp lực lên chính phủ Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Người Khmer Krom kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền
- Công an Trà Vinh bắt giữ người tùy tiện?
- HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một người Khmer Krom
- Hai năm tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng
- Tù nhân khiếu kiện đất đai đang trong tình trạng nguy kịch
- Mời lên bổ sung hồ sơ hộ khẩu nhưng bị giam giữ hai ngày
- Hết thời hạn tạm giam 3 tháng nhưng vẫn bị tù
- Việt Nam gia tăng đàn áp người sắc tộc thiểu số
- Việt Nam cấm xem truyền hình cáp Campuchia?