“Chạy” trường mầm non cho trẻ

Còn hơn 5 tháng nữa mới đến năm học mới nhưng các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi học mẫu giáo đã tất bật tìm trường cho con.

0:00 / 0:00

Trường công quá tải

Đối với nhiều vị phụ huynh để các bé được vào học ở một ngôi trường tốt và an toàn, thật sự là điều quá khó cho họ.

Khi các thành phố lớn là nơi mà nhiều gia đình trẻ di cư hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn với cơ hội tìm được việc làm dễ dàng hơn tại quê nhà của họ, thì có lẽ một trong những rào cản là rất khó tìm được một nơi giữ trẻ an tâm cho con nhỏ.

Hiện nay, các trường mầm non công lập có những quy định rõ ràng ưu tiên cho các gia đình trong khu vực địa phương trước tiên, được gọi là “trong tuyến”, sau đó mới xét đến những trường hợp “khác tuyến”. Đồng thời, cũng có quy định xét theo diện có hộ khẩu rồi mới xét đến các diện tạm trú. Thực tế do tình trạng quá tải học sinh, các bé có hộ khẩu ở thành phố còn khó có cơ hội được nhận vào học dù phụ huynh đã nộp đơn từ rất sớm. Gia đình chị Thanh có hộ khẩu ở phường 14, quận Gò Vấp, TP. HCM rất vất vả tìm trường mầm non cho con, chia sẻ:

“Trường ở phường 13 thì nói mình ở trường phường 14 thì về phường 14, chứ không được đi những phường khác, là không có nhận. Còn trường ngay phường 14 thì nói không có chỗ nhận bé vô được.”

Không “trong tuyến” được, chị Thanh cũng như rất nhiều phụ huynh khác phải đôn đáo tìm trường “khác tuyến” cho con. Dù phải nhờ vào các mối quan hệ, dù phải bỏ phong bì nhưng cũng không phải là có lời hứa chắc chắn con mình sẽ được nhận vào học. Cô giáo Nguyệt dạy trẻ nhiều năm ở trường mẫu giáo công lập nói với đài RFA:

“Khác tuyến thì phụ huynh phải chờ hoặc là phải hỗ trợ cho trường một ít, một khoản tiền cơ sở vật chất cho trường thì sẽ được học.”

Trường ở phường 13 thì nói mình ở trường phường 14 thì về phường 14, chứ không được đi những phường khác, là không có nhận. Còn trường ngay phường 14 thì nói không có chỗ nhận bé vô được.

Chị Thanh, TPHCM

Nhiều phụ huynh từ đầu tháng 4 đã nộp hồ sơ ở tất cả các trường mầm non trên địa bàn quận nhưng đều bị từ chối. Có phụ huynh chia sẻ rằng chỉ có một trường duy nhất nhận hồ sơ sau khi đã nộp đến hơn 10 trường và phải chờ đến giữa tháng 8 mới biết được nhận vào hay không. Trả lời câu hỏi khoản tiền cơ sở vật chất mà phụ huynh phải đóng cho trường khác tuyến là do mỗi trường có những qui định cụ thể hay sao. Cô Nguyệt cho biết:

“Không phải là ra quy định như vậy, chỉ là sự tế nhị thôi.”

Hiện có một phần không nhỏ các phụ huynh “chạy” trường cho con vào những trường điểm hay những trường “khác tuyến” cho thuận tiện với sinh hoạt của gia đình. Các bậc phụ huynh này sẵn sàng tìm mọi cách để con mình được nhận vào học ở trường khác tuyến. Về phía nhà trường, dư luận cũng phản ánh rằng các trường nhận học sinh khác tuyến từ những gia đình có quyền thế hoặc có điều kiện kinh tế vì những phụ huynh này thường rất hào phóng đóng góp tiền ủng hộ cho nhà trường cũng như rất “quan tâm” đến đời sống của thầy cô giáo. Trái lại, đa phần các gia đình thuộc diện tạm trú hoặc công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thì không trông mong gì con mình được nhận vào học ở trường mầm non công lập.

Trường tư cũng thiếu

1319158733-tre-mam-non-250.jpg
Các em học sinh tại một trường mầm non tư thục ở TPHCM, ảnh minh họa. Photo courtesy of giaoduc.net (Các em học sinh tại một trường mầm non tư thục ở TPHCM, ảnh minh họa. Photo courtesy of giaoduc.net)

Trường công lập quá tải, phụ huynh tìm giải pháp cho con học ở các trường tư thục. Đa số các trường tư thục có quy mô tương đối lớn với sân sơi thoáng mát rộng rãi, có phòng học tách biệt với phòng ăn, phòng ngủ thì mức học phí lại quá cao, từ 1,8 triệu đồng cho đến trên 3 triệu đồng/tháng. Với mức học phí này thì đa phần phụ huynh không đáp ứng được so với đồng lương thu nhập hằng tháng.

Còn những trường mầm non tư thục nhỏ, có đầu tư khiêm tốn với kiến trúc nhà ở nhiều tầng, sân chơi, chỗ học, nơi ăn và ngủ cho trẻ đều chật hẹp có mức học phí tương đối phù hợp với khả năng của nhiều gia đình nhưng cũng không phải dễ dàng để các trẻ được nhận vào học ở những ngôi trường này. Những phụ huynh sau khi chờ đợi kết quả thông báo con mình không được nhận vào ở các trường công lập “trong tuyến” và “ngoài tuyến” thì tìm đến những ngôi trường tư thục qui mô nhỏ vào giờ chót. Và cuối cùng các trường cũng không nhận vì học sinh đã quá đông. Chị Thanh nói:

“Đi tìm những trường tư thục thì trường cũng nhỏ, không nhận ngang. Hiện tại chị không gởi được, cho nên chị nghỉ làm luôn tính từ ngày sinh con đến giờ.”

Hầu hết phụ huynh phải gửi con vào các nhóm trẻ gia đình vì không còn lựa chọn nào khác. Chất lượng của các trường này không đảm bảo và mỗi ngày đưa con đi gửi, phụ huynh phải phập phồng lo sợ đến sự an toàn của con mình. Các bé gửi ở nhóm trẻ gia đình chỉ được cho ăn và được cho ngủ. Không có sân chơi và cũng không có cơ sở vật chất cho việc dạy dỗ giáo dục, không được học theo những trường tư thục khác. Các bé phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi phải học ở nhóm trẻ gia đình.

Tìm những trường tư thục thì trường cũng nhỏ, không nhận ngang. Hiện tại chị không gởi được, cho nên chị nghỉ làm luôn tính từ ngày sinh con đến giờ.

Chị Thanh, TPHCM

Với tâm huyết của một cô giáo yêu nghề, cô Nguyệt ước mong sẽ có thêm nhiều trường mầm non công lập để phụ huynh được yên tâm trong công tác và các trẻ thật sự được thụ hưởng một môi trường học tập đúng nghĩa trong những ngày đầu chập chững đến trường. Cô Nguyệt chia sẻ:

“Nếu như có điều kiện thì nên mở thêm những trường công lập dành cho dân nhập cư vào thành phố để họ vẫn có thể gửi con họ đi học và họ yên tâm hơn. Trường công lập và trường tư nhân bây giờ cũng không có sự khác biệt nhau nhiều lắm. Nhưng mà nếu trường công lập mở để ưu tiên cho những người có hoàn cảnh khó khăn thì nhà nước nên quan tâm đến vấn đề này hơn.”

Với chính sách khuyến khích mở rộng ngành giáo dục mầm non hiện nay được xem là tích cực với nhiều trường quốc tế, nhiều trường tư thục, nhiều nhóm trẻ gia đình nhưng thực tế vẫn không đáp ứng được nhu cầu quá tải học sinh mầm non ở các thành phố lớn. Tất cả các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi đi học mẫu giáo cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực này đều mong muốn chính phủ cần phải chú trọng nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề quá tải hiện nay. Họ trông chờ con em mình được học ở những ngôi trường công lập cùng với đội ngũ giáo viên yêu nghề mến trẻ-là những “mầm non” của hôm nay nhưng sẽ là “hy vọng” của ngày mai.