Gốm sứ Lái Thiêu thời thị trường đóng băng

0:00 / 0:00

Gốm sứ Lái Thiêu là một sản phẩm đã có tên tuổi trên thị trường và là món hàng thuộc vào tốp hàng có giá trị thẩm mỹ cao trong làng gốm khu vực. Phần lớn các công đoạn sản xuất sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu đều bằng thủ công.

Thế nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế đình trệ, mọi thứ hàng hóa chậm lưu thông, nghề gốm sứ Lái Thiêu cũng buộc phải thay hình đổi dạng để thích ứng và tồn tại với thị trường. Và, để trụ được với thị trường hiện tại, cũng có lắm chuyện nhiêu khê, khó khăn cho người lao động.

Thời đại công nghệ thay thế thủ công

Anh Trần Trung, chủ một lò gốm sứ tương đối lớn ở Lái Thiêu, Bình Dương, chia sẻ với chúng tôi rằng để đuổi kịp thị trường hiện tại, anh buộc phải thay đổi phương cách sản xuất, thay vì sản xuất thủ công như trước đây, bây giờ anh phải sản xuất bán thủ công, nghĩa là một nửa làm thủ công, một nửa làm bằng công nghệ.

Giải thích rõ hơn về phương cách sản xuất bán thủ công mà mình đã chọn, anh Đoàn nói rằng nếu như trước đây, tất cả mọi công đoạn làm nên một bộ sản phẩm gốm sứ đều là thủ công, từ khâu nặn đất sét, lên mâm nắn sản phẩm, cắt tỉa và sửa nguội trước khi đưa sản phẩm vào lò cho đến đốt lò bằng than củi, nhóm lửa bằng rơm hoặc mùn cưa rồi bốc sản phẩm ra, làm đẹp trước khi đưa ra thị trường cũng bằng thủ công thì bây giờ, nói là bán thủ công chứ hơn hai phần ba qui trình đã làm bằng công nghệ.

Nếu như trước đây, tất cả mọi công đoạn làm nên một bộ sản phẩm gốm sứ đều là thủ công, từ khâu nặn đất sét, lên mâm nắn sản phẩm, cắt tỉa và sửa nguội trước khi đưa sản phẩm vào lò cho đến đốt lò... thì bây giờ, nói là bán thủ công chứ hơn hai phần ba qui trình đã làm bằng công nghệ

anh Đoàn

Ví dụ như làm một chiếc bình gốm da men, gồm hai giai đoạn, tạo bình gốm và tráng men sứ, giai đoạn tạo bình gốm gồm nhào đất sét, cao lanh, đặt đất lên bàn xoay định vị và cho bàn xoay để người thợ hoặc nghệ nhân nặn nên hình thù chiếc bình. Trước đây, công đoạn này làm hoàn toàn bằng thủ công, một người dùng chân xoay bàn định vị, một người nặn hình cho chiếc bình. Còn bây giờ, việc dùng chân xoay bàn xoay định vị không phù hợp nữa vì nó rất chậm cho ra sản phẩm, năng suất thấp mà tốn thêm một công lao động. Người ta thay thế vào đó một chiếc mô-tơ điện cho việc kéo bàn xoay định vị, sản phẩm sẽ tăng gấp ba, gấp bốn lần so với trước đây.

Sản phẩm gốm sắp vào lò nung. RFA
Sản phẩm gốm sắp vào lò nung. RFA (RFA)

Nhưng nếu như trước đây, người thợ, nghệ nhân làm thủ công, đạp chân xoay bàn định vị sẽ cho ra những bộ sản phẩm cùng chủng loại nhưng khác nhau về mẫu mã bên ngoài vì nó tùy thuộc vào cảm hứng của người nặn và người xoay điều khiển tốc độ nhanh chậm, thì bây giờ, mọi sản phẩm đều có hình thể na ná giống nhau bởi nó được sản xuất cùng một qui trình và cùng quĩ thời gian. Yếu tố cảm hứng sáng tạo được thay thế bằng năng suất và tốc độ ra sản phẩm, tính riêng biệt của từng sản phẩm được thay thế bằng tính đồng bộ, hàng loạt.

Và khi vào lò, thay vì nung bằng củi than, bằng các lò gia truyền như trước đây sẽ cho ra nhiều hình thù sản phẩm khác nhau bởi nhiệt lượng phân phối không đều giữa các lớp sản phẩm trong lò thì bây giờ, với lò nung tuynen, việc cho ra hàng loạt sản phẩm giống nhau bởi nhiệt độ phân phối đều ở các lớp đã khiến cho sản phẩm hoàn toàn mất đi tính dị biệt, cái nào cũng giống cái nào.

Yếu tố sáng tạo đã bị mất dấu bởi tính thủ công bị triệt tiêu để thay vào đó là mọi công đoạn công nghiệp, máy móc. Tính khác biệt giữa các sản phẩm cùng chủng loại không còn nữa

Ông Trương Văn Bình

Công nhân, nghệ nhân nói gì?

Ông Trương Văn Bình, nghệ nhân lâu năm của làng gốm sứ chia sẻ với chúng tôi rằng với phương cách sản xuất hiện tại, gốm sứ Lái Thiêu sẽ cho ra chất lượng sản phẩm tốt và đều tay hơn nếu như xét về mặt công nghiệp. Nhưng xét về yếu tố sáng tạo, vẻ đẹp tâm hồn và tính nhân văn trong sản phẩm thì hoàn toàn thiếu vắng.

Những loại đất sét đặc biệt để nhào nặn làm gốm. RFA
Những loại đất sét đặc biệt để nhào nặn làm gốm. RFA (RFA)

Giải thích thêm về vấn đề vừa nêu, ông Bình nói rằng yếu tố sáng tạo đã bị mất dấu bởi tính thủ công bị triệt tiêu để thay vào đó là mọi công đoạn công nghiệp, máy móc. Tính khác biệt giữa các sản phẩm cùng chủng loại không còn nữa. Ví dụ như một chiếc bình gốm sứ trong lò này, đem so với chiếc bình gốm sứ trong lò khác, có khi na ná nhau và khó phân biệt là của lò nào nếu không nhìn vào nhãn mác khắc trên bình.

Còn với qui trình thủ công, tính sáng tạo, yếu tố tâm hồn và cả tâm trạng lúc vui, buồn, giận ghét hay thương cảm của người thợ, nghệ nhân đều kí thác vào tác phẩm gốm sứ, nó sẽ có vẻ đẹp riêng mặc dù cùng chủng loại.

Giới chủ buộc lòng phải tạo ra bộ mặt thủ công nhằm thu hút khách du lịch và tạo thương hiệu, nhưng đằng sau bộ mặt ấy, vẫn là dây chuyền sản xuất công nghiệp

Thường thì làm thủ công dễ cho ra tác phẩm, làm công nghiệp chỉ cho ra duy nhất sản phẩm, khó mà có tác phẩm. Mà yếu đố độc đáo của bất kì làng nghề nào cũng nằm trong tác phẩm nhiều hơn là sản phẩm.
Ông Bình nói thêm về yếu tố nhân văn trong sản phẩm gốm sứ thời công nghệ đua nhau chen chân thị trường rằng nếu như trước đây, công việc chỉ dừng ở mức người chạy đua giữa người với người trong sản xuất thì bây giờ, người lao động phải chạy đua với máy móc, làm theo tốc độ máy móc. Và hơn hết là sự chia sẻ trong công việc cũng như yếu tố cảm hứng, tính tự tin về ngày công lao động đã không còn, thay vào đó là nỗi lo của người lao động vì có thể, đến một ngày nào đó, giới chủ sẽ mang về những chiếc máy nắn sản phẩm, như vậy, người lao động sẽ rơi vào thất nghiệp.

Đồng cảm với ông Bình và những người làm công cho mình, một chủ lò yêu cầu giấu tên trong làng gốm Lái Thiêu nói với chúng tôi rằng anh và các đồng nghiệp của anh đang rất trăn trở về vấn đề tính nhân văn trong ngành nghề. Vì hiện tại, nếu không nhập các dây chuyền sản xuất theo hướng công nghiệp, số lượng sản phẩm sẽ không đuổi kịp đơn đặt hàng cũng như không đuổi kịp các làng gốm sứ khác trong nước.
Bởi vì hiện nay, mọi làng gốm sứ cho dù là làng nghề cổ, để đảm bảo đời sống người lao động và phát triển lợi nhuận, giới chủ buộc lòng phải tạo ra bộ mặt thủ công nhằm thu hút khách du lịch và tạo thương hiệu, nhưng đằng sau bộ mặt ấy, vẫn là dây chuyền sản xuất công nghiệp nhằm tìm năng suất cao và có đủ sản phẩm để chạy đua trên thị trường, hơn hết là vấn đề tiền thuế và khả năng vay tiền, nếu như dây chuyền công nghệ tốt, có thể thế chấp để vay vốn dễ dàng hơn.

Chính vì cơ chế quản lý nửa nạc nửa mở, vừa cố tạo làng nghề như lại không ưu tiên cho thủ công của nhà nước nên người làm công và cả giới chủ các làng nghề gốm sứ luôn trong tình trạng điêu đứng, nếu không làm liều thì phá sản. Để tạo được sự ổn định và tính văn hóa trong các làng nghề Việt Nam hiện nay, e rằng vô cùng khó.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.