Quyền lợi đất đai và bất ổn chính trị

Hơn 672.000 đơn thư khiếu nại tố cáo trong vòng 4 năm, trong đó 70% liên quan tới đất đai, những vụ nông dân mất đất đối đầu công an tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị xã hội. Điều gì đang thực sự diễn ra tại Việt Nam.

0:00 / 0:00

Diễn biến phức tạp

Những con số nóng vừa nói được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến nối mạng toàn quốc diễn ra hôm 2/5. Thời điểm diễn ra hội nghị được mô tả là nhạy cảm vì một tuần trước đó, ngày 24/4 đã xảy ra vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang Hưng Yên gây chấn động dư luận. Trong vụ này vài trăm người dân mất đất đã quyết bám đất trong vô vọng bất chấp lựu đạn cay, trái khói và một lực lượng cưỡng chế hàng ngàn công an, bộ đội và những thành phần được cho là xã hội đen.

Chúng tôi không thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trực tiếp về vụ Văn Giang Hưng Yên nhưng qua tường thuật của Thời báo Kinh tế Việt Nam Thủ tướng đã phát biểu rằng: “Cưỡng chế phải phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế.” Theo các báo điện tử Tuổi Trẻ, Đất Việt, Thanh Niên, Thủ tướng chính phủ nhìn nhận, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến hết sức phức tạp và 528 vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết chính là mầm mống gây mất ổn định chính trị.

Tuổi Trẻ Online trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển đất nước, không thể không thu hồi đất để phát triển hạ tầng. Nhưng trong thu hồi thì các quyết định từ công tác qui hoạch, đền bù, tái định cư, cho đến hỗ trợ đời sống nhân dân…làm sao phải hài hòa lợi ích để không phát sinh khiếu kiện mới.”

Cưỡng chế phải phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế.

TT Nguyễn Tấn Dũng

Một người dân ở Văn Giang bị hàng chục công an và bọn xã hội đen đánh tới tấp. Youtube screen capture
Một người dân ở Văn Giang bị hàng chục công an và bọn xã hội đen đánh tới tấp. Youtube screen capture (Youtube screen capture)

Những gì ông Nguyễn Tấn Dũng nói trong hội nghị trực tuyến 2/5, hoàn toàn khác hẳn cách mà chính quyền Văn Giang sử dụng lực lượng ngàn người, để quyết thu hồi 5,8 héc-ta đất của 166 hộ dân Văn Giang.

Từ sự kiện có đến 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai, theo Đất Việt Online tại Việt Nam chỉ có 9% đất bị thu hồi là được đền bù xấp xỉ giá thị trường. Đây là kết quả khảo sát trên phạm vi toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh được công bố sáng 3/5 tại Hà Nội. Khảo sát này được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) chủ trì và phối hợp thực hiện cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng.

Nguyên nhân nào khiến cho việc đền bù đất thu hồi gần như không theo giá thị trường, phải chăng do chính quyền địa phương áp dụng sai luật đất đai, cán bộ hành động vì tư lợi hay do sự khiếm khuyết của khung pháp luật. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:

“Theo quan điểm của tôi, vấn đề ở đây sự khiếm khuyết về pháp lý là nhiều hơn, thí dụ có nhiều địa phương áp dụng khung giá đất theo qui định nhưng đất đó sau thu hồi thì đem bán với giá gấp 5 gấp 6 lần giá đền bù cho nên người dân không đồng tình. Tôi cho rằng, giá trị quyền sử dụng đất và giá thị trường không gặp nhau một điểm. Chính vì vậy mà người dân khiếu nại.”

Cần sửa lại luật đất đai

Để sau này không còn những vụ Tiên Lãng Hải Phòng, Văn Giang Hưng Yên, Việt Nam phải hoàn thiện pháp luật đặc biệt về vấn đề đất đai, dù đã có luật đất đai và được sửa đổi nhiều lần. LS Nguyễn Văn Hậu tiếp lời:

Nhà của ông Đoàn Văn Vươn ở ngoài pham vi cưỡng chế cũng bị phá ủi sập.Nguồn PL-TPHCM
Vụ Tiên Lãng. Nhà của ông Đoàn Văn Vươn ở ngoài pham vi cưỡng chế cũng bị phá ủi sập.Nguồn PL-TPHCM (Nguồn PL-TPHCM)

“Tôi cho rằng phải sửa luật đất đai lại, sửa một cách cơ bản thì mới tránh được tình trạng khiếu kiện tràn lan. Thí dụ bây giờ muốn thu hồi đất thì phải cho đấu thầu giá đất đó, làm vậy khi thu hồi và đền bù sẽ bớt các vụ khiếu kiện đi. Nhưng luật đất đai phải được sửa đổi toàn diện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Người được giao đất phải được sử dụng ổn định lâu dài và đồng thời phải coi đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt. Khi thu hồi đất thì giá đền bù phải bằng hoặc tốt hơn giá thị trường thì như vậy người dân mới thoải mái giao đất cho nhà nước.

Đất bị thu hồi có thể có nhiều lý do, thí dụ phục vụ công cộng thì phải thu hồi đất, nhưng làm sao tạo cho người bị thu hồi đất một nơi ăn chốn ở ổn định. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những vụ khiếu kiện đó sẽ không còn nữa.”

Nhưng đất đai hiện nay được hiến pháp qui định là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Không chỉ luật đất đai mà nhiều bộ luật khác cũng đều bị chi phối từ hiến pháp, do vậy làm thế nào để có thể sửa đổi luật đất đai toàn diện khi chưa sửa Hiến pháp. LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Trong tình hình hiện nay khi hiến pháp đang được chuẩn bị lấy ý kiến sửa đổi thì có thể sửa đổi ngay luật đất đai mà không cần sửa đổi hiến pháp. Trước đây chúng ta qui định đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước làm chủ sở hữu, bây giờ qui định việc giao đất một cách ổn định và lâu dài. Ngoại trừ thu hồi công cộng ngoài ra người được giao đất được sử dụng đất vĩnh viễn. Tôi cho rằng có thể sửa luật đất đai trong khi không cần sửa đổi hiến pháp, Quốc hội có thẩm quyền làm việc này để cho nó phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.”

Ý kiến của LS Nguyễn Văn Hậu rất đáng chú ý vì trước đây các chuyên gia thiên về ý kiến phải sửa hiến pháp trước thì mới có thể sửa Luật Đất đai một cách toàn diện mà không lập lại tình trạng chắp vá giải quyết thực tế trong một giai đoạn nào đó.

Phải sửa luật đất đai lại, sửa một cách cơ bản thì mới tránh được tình trạng khiếu kiện tràn lan.

LS Nguyễn Văn Hậu

Nông dân ngoại tỉnh phía Bắc biểu tình về đất đai bị mất bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012. AFP
Nông dân các tỉnh phía Bắc tập trung khiếu kiện đất đai trước văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012. AFP (AFP)

Trở lại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 2/5 về khiếu nại tố cáo. Theo Đất Việt Online và VnExpress, lãnh đạo Hưng Yên đã báo cáo vụ cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24/4 với một số luận cứ khó hiểu. Phó chủ tịch UBND Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào nói nguyên văn:

“Vụ việc ở Văn Giang có móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu không bôi nhọ chính quyền”.

Trả lời Việt Hà đài Á Châu Tự Do, luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nhận định:

“Luận điểm của các vị quan chức trong chính quyền khi có một vụ đấu tranh của nhân dân thì luôn cho rằng là có kẻ xấu và bọn phản động xen vào chứ không thấy được nguyên nhân chính là những chủ trương chính sách và các việc làm không đúng của các cấp ủy đảng, của các cấp chính quyền đã gây nên sự bất bình trong người dân và người dân đứng lên đấu tranh. Thực ra thì nếu mà có kẻ xấu đi chăng nữa mà dân người ta không đồng tình thì làm sao người ta đi theo kẻ xấu được.”

Khi có một vụ đấu tranh của nhân dân thì luôn cho rằng là có kẻ xấu và bọn phản động xen vào chứ không thấy được nguyên nhân chính là những chủ trương chính sách và các việc làm không đúng của các cấp chính quyền đã gây nên sự bất bình trong dân.

Ô. Lê Hiếu Đằng

Bản tin của VnExpress ghi nhận là ông Nguyễn Khắc Hào phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã không đề cập đến việc những phần tử chống đối trong và ngoài nước đã móc nối như thế nào.

Báo cáo của ông Hào cũng không nhắc đến thông tin do người phát ngôn của tỉnh thông báo trước đó rằng, công an đã phải dùng “hai quả đạn khói” để giải tán những người tụ tập, cản đường không cho xe, máy vào công trường, 2 cảnh sát cơ động bị thương do sự phản kháng của những người chống đối.

Báo chí đứng bên lề

Vẫn theo VnExpress, bình luận về thông tin liên quan tới vụ cưỡng chế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào nói nguyên văn: “Các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm, trong khi các mạng xã hội phản ứng nhanh đưa tin liên tục.” Nhà báo VnExpress đã lập lại thông tin, một ngày trước khi cưỡng chế, ông Bùi Huy Thanh Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đã họp báo yêu cầu các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để “bảo đảm tuyệt đối an toàn”.

Nhận định về việc báo chí Việt Nam đã quay 180 độ, nếu phản ứng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong vụ Tiên Lãng thì nay rất dè dặt với vụ cưỡng chế Văn Giang, ông Nguyễn Quốc Thái một nhà báo đã nghỉ hưu ở TP.HCM phát biểu:

“Chúng tôi cũng ngạc nhiên khi báo chí im lặng và vụ việc này chỉ được thông tin rất nhiều và đầy đủ trên các trang mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng có thể có một chỉ thị nào đó làm báo chí im lặng hoặc chưa thuận tiện nêu vấn đề trên báo trong hoàn cảnh hiện nay.”

Việc báo chí đứng bên lề vụ Văn Giang có thể là không khó hiểu lắm. Theo một số nhà quan sát chính trị, quyền lực của chế độ đã bị thử thách trong vụ Tiên Lãng Hải Phòng. Nay chính quyền Hưng Yên sử dụng lực lượng vũ trang 1.000 người để cưỡng chế đất với sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND Hưng Yên thì hẳn phải có cơ sở vững chắc.

Nhân vật am tường luật đất đai từng lên tiếng nhiều trong vụ Tiên Lãng là GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường, đã xác định với Đài BBC là Văn Giang cưỡng chế không sai luật, theo đó bất cập của dự án Ecopark chủ yếu thuộc về khung pháp luật mà không thuộc về phần thực thi pháp luật.

Thế nhưng đối với nhà báo Nguyễn Quốc Thái, vụ cưỡng chế Văn Giang đã vi phạm thứ pháp luật lớn lao hơn nhiều, đó là luật đạo đức không được sử dụng vũ lực để trấn áp nhân dân và xâm phạm mồ mả của những người quá cố trên cánh đồng cưỡng chế.

Theo dòng thời sự: