Sáng nay hàng trăm nông dân từ các tỉnh An Giang, Long An, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội đến biểu tình tại trụ sở tiếp dân của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam tại số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, HN.
Một người lâu nay tham gia hoạt động chống tham nhũng tại Việt Nam là bà Lê Hiền Đức cũng đến và cho biết như sau:
Khoảng 3 đến 400 người…đông lắm thấy có chụp ảnh. Đông nhất là Văn Giang sau đến Nam Ninh, một số họ nằm ngoài vỉa hè suốt ngày đêm mà trời thì nóng 40 độ là dân An Giang, Long An này Thanh Hóa này Nghệ An….
Lý do của cuộc biểu tình là những nông dân này muốn đòi lại đất đai của họ bị cơ quan chức năng tịch thu để dùng vào các mục đích khác nhau.
Bản thân bà Lê Hiền Đức cho biết lý do vì sao bà lại có mặt tại cuộc khiếu kiện của những người dân trong ngày hôm nay ở Trụ sở Tiếp dân tại số 1 Ngô Thì Nhậm:
Sau khi có ý kiến của tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói trên đài là đi khiếu kiện có màu sắc chính trị là cho cưỡng chế đàn áp. Thế thì tôi có đặt 7 câu hỏi trên trang web của tôi Lê Hiền Đức là: Như thế nào là màu sắc chính trị mà có thấy trả lời gì đâu.Về phía dân tôi sợ, tôi e rằng ông ta sẽ cho áp dụng biện pháp cưỡng chế và đàn áp nên tôi hôm nay phải có mặt với dân.
Một người dân Văn Giang nói trình bày lại việc cơ quan chức năng nhận đơn và nguyện vọng của bà con:
Báo cáo nhận đơn nhưng chả biết có ăn thua gì không. Chúng tôi yêu cầu quốc hội giả lại chúng tôi…chúng tôi chỉ đòi lại ruộng thôi mà. Ruộng của mình thì mình giữ, dân nó đang giữ…lúa má đẹp lắm, bác cứ về mà thăm tốt lắm đẹp lắm..
Hồi ngày 24 tháng 4 năm ngóai, lực lượng cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đã sử dụng vũ lực khi người dân cương quyết giữ đất không để cơ quan chức năng thu nhằm giao cho công ty phát triển địa ốc Việt Hưng thực hiện dự án gọi là Khu đô thị Sinh thái EcoPark Văn Giang.
Luật đất đai ở VN qui định sở hữu đất đai là sở hữu tòan dân. Điều này được cho là đã tạo điều kiện để các cán bộ ở địa phương trục lợi bằng việc tịch thu đất với một số tiền đền bù ít ỏi rồi sau đó bán lại cho các chủ đầu tư với giá cao để kiếm lời.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi quyền sở hữu đất đai này trong Hiến pháp Việt nam thành đa sỡ hữu, và đề nghị không tịch thu đất đai cho các dự án kinh tế.
Quốc hội Việt nam hiện đang họp và ông Phan Trung Lý, trưởng ban sửa đổi hiến pháp của quốc hội vẫn khẳng định rằng Hiến pháp sẽ vẫn qui định sỡ hữu đất đai là sỡ hữu tòan dân.