Triển lãm cải cách ruộng đất ở Hà Nội nhằm tuyên truyền cho sự kiện mà đảng cộng sản Việt Nam cho là một thành công trong sự nghiệp cách mạng của họ, bị đóng cửa rất sớm chứ không kéo dài đến hết năm nay như dự tính. Nhiều người cho rằng sự tuyên truyền của đảng đã thất bại trong cuộc triển lãm này.
Mục đích của cuộc triển lãm
Chỉ sau 4 ngày mở cửa, triển lãm cải cách ruộng đất tại Hà Nội đóng cửa.
Cải cách ruộng đất là một sự kiện rất lớn ở miền Bắc Việt Nam sau năm 1954. Trên thực tế nó đã bắt đầu vài năm trước đó khi đảng cộng sản Việt Nam còn chưa giành được quyền cai trị trên miền Bắc. Cuộc cải cách được tiến hành nhằm lấy đất của tầng lớp địa chủ, phú nông chia cho nông dân nghèo. Rất nhiều người đã bị giết chết trong các phiên tòa sơ sài, hay còn gọi là các phiên đấu tố địa chủ. Việc này chính những người cộng sản Việt Nam cũng nói rằng đó là sai lầm của họ, và họ nói rằng họ đã xin lỗi trong một phiên họp quốc hội ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1950.
Cuộc triển lãm mở ra ở Hà Nội được ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng quốc gia nói là để giới thiệu thành tựu đạt được của cuộc cải cách ruộng đất. Ông còn nói thêm là cuộc triển lãm không nhằm mục đích nói về những sai lầm của đảng hay là những oan khuất của những người bị thiệt mạng.
Trên thực tế nhiều khách tham quan đã chú ý tới phần nói về những sai lầm của đảng cộng sản. Mà phần này lại được trưng bày rất sơ sài. Ba ngày sau khi triển lãm mở cửa, báo Vnexpress viết bài : Khoảng lặng bên trong cải cách ruộng đất. Trong bài viết này tờ báo có trích lời một khách tham quan cho rằng giai đoạn cải cách ruộng đất là một giai đoạn đau buồn của dân tộc. Báo Tuổi trẻ thì viết bài Triển lãm cải cách ruộng đất, cần sòng phẳng với lịch sử. Trong bài này có trích lời một đại biểu quốc hội là ông Lê Như Tiến, rằng chế độ cho những người bị oan sai chưa đầy đủ. Nhưng ông cũng nói thêm rằng chuyện tiến hành cải cách ruộng đất là đúng.
Cái chuyện này nó là một cái dấu vết không tốt đối với đảng, bây giờ ông ấy công khai để mà thanh minh, để mà biện minh. <br/> - Ông Hà Sĩ Phu
Dư luận trên mạng Internet thì chú trọng rất nhiều đến việc bắn chết nhiều người trong cải cách ruộng đất, và người ta cũng đặt ra câu hỏi về tính đúng đắn của cuộc cải cách ruộng đất.
Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến ở Đà Lạt nói về chuyện này:
"Cái chuyện này nó là một cái dấu vết không tốt đối với đảng, bây giờ ông ấy công khai để mà thanh minh, để mà biện minh. Cái câu biện minh rất là rõ đấy, tức là tuy có những sai lầm, nhưng về căn bản là đem lại ruộng đất cho người dân, ví dụ như thế. Ông ấy tưởng rằng một cái ngụy biện như thế có thể làm tình hình nó khá hơn, nhưng có biết đâu rằng cái sự việc này bản chất nó rất là tồi tệ, cho nên một cái câu như thế làm sao giải quyết vấn đề được. Đó là một thất bại vì bản thân cái chủ trương cải cách ruộng đất là một thất bại. Vì có lấy ruộng đất cho dân đâu, bắt vào hợp tác ngay đấy chứ."
Không lường hết phản ứng dư luận
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người có gia đình bị nhiều đau khổ trong cuộc cải cách ruộng đất cho rằng việc triển lãm cải cách ruộng đất ở Hà Nội lại là việc phơi bày ra những cái xấu gây bất lợi cho đảng cộng sản:
"Họ lờ đi một tội ác của cải cách ruộng đất. Đó chính là cái câu khẩu hiệu của chính đảng cộng sản Đông dương hồi năm 1930 là Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ. Họ lờ đi bản chất của cải cách ruộng đất là đấu tố địa chủ rất là khủng khiếp. Mà hầu hết những người địa chủ đó là yêu nước, đóng rất nhiều thuế nông nghiệ, thóc lúa cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ giết những ân nhân của mình, họ làm chuyện bất nhân.
Họ đã làm một chuyện dại dột, họ đã chọc vào tổ ong vò vẽ của dư luận, họ muốn nói với giới trẻ rằng cải cách ruộng đất rất tốt. Nhưng chúng tôi là những người chứng kiến cải cách ruộng đất, hàng vạn người như tôi lên tiếng phẫn nộ. Họ bị gậy ông đập lưng ông."
Cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất lại trùng vào thời điểm quyển sách Đèn cù của nhà văn Trần Đĩnh ra đời mà trong đó có nói nhiều đến những vụ giết hại khủng khiếp của cải cách ruộng đất. Vì vậy cũng có lời đồn đoán là cuộc triển lãm được đưa ra để phản công lại quyển sách đó. Nhưng nhiều người trong đó có nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì cho rằng đây cũng chỉ và việc tuyên truyền bình thường của đảng cộng sản mà thôi. Ông nói thêm về sự tuyên truyền ấy:
"Họ quan niệm tuyên truyền là lừa bịp, họ hay qui kết những người bất đồng chính kiến là tuyên truyền chống chế độ, thì bản thân họ nghĩ chuyện tuyên truyền là lừa dối, là bậy bạ rồi. Cho nên khi nghe tuyên tuyền của họ đều phải nghĩ ngược lại hết."
Ông Hảo cũng nói là cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất chứng tỏ sự vỡ trận của bộ phận phụ trách tuyên truyền của đảng:
"Cái này cũng là cái với trận trong sự vỡ trận về lý luận của họ, lý luận và truyên truyền của họ, tức là họ không còn phương cách nào nữa."
Ông Hà Sĩ Phu nói là những người thực hiện cuộc triển lãm đã không lường được sự phản ứng của dư luận. Bên cạnh đó ông cũng cho rằng sự tuyên truyền của đảng cộng sản vẫn còn ảnh hưởng tới một phận dân chúng:
Nhưng có biết đâu rằng trong thời đại thông tin này thì mọi thứ đều liên đới nằm trong kho tri thức của nhân loại rồi, người ta đâu có ngu đâu, đâu có đơn giản đâu."<br/> - Ông Hà Sĩ Phu <br/> <br/>
"Đối với nhân dân mà ít thông tin, nằm ở bên dưới thì cũng có người bị ảnh hưởng của cái tuyên truyền đó. Tức là họ nói rằng đấy cái động cơ cũng là ruộng đất về tay dân cày, về sau thì ruộng của địa chủ có chuyển về cho dân cày thật, đó là thắng lợi cơ bản, còn tổn thất thì nhỏ thôi. Họ nói như thế đấy. Nhưng có biết đâu rằng trong thời đại thông tin này thì mọi thứ đều liên đới nằm trong kho tri thức của nhân loại rồi, người ta đâu có ngu đâu, đâu có đơn giản đâu."
Cùng ý nghĩ với ông Hà Sĩ Phu, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người phát động phong trào dân sự Chúng tôi muốn biết nói rằng trong thời đại hiện nay, cũng chẳng có thể che được những tội ác trong quá khứ nữa.
Cuộc triển lãm được mở ra ngay chính giữa trung tâm đô hội của thủ đô Hà Nội, nhưng có lẽ những người tổ chức không mong đợi một loại khách tham quan đặc biệt là những người nông dân mất đất ở ngoại thành kéo vào xem triển lãm trong ngày 12/9. Đó là một điều trớ trêu vì mấy mươi năm sau sự kiện mà đảng cộng sản gọi là long trời lở đất với mục tiêu ruộng đất cho dân cày thì rất nhiều nông dân Việt Nam hôm nay vẫn không có ruộng để cày.
Nhiều nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện của nhóm người này là giọt nước cuối cùng làm cho giới chức có trách nhiệm đóng cửa cuộc triển lãm.