Thêm một vụ cưỡng chế đất tại huyện Bù Đăng

Một vụ cưỡng chế đất tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước diễn ra trước tết Dương lịch và kéo dài trong vòng 10 ngày. Người dân xã này nói gì về việc này? Quỳnh Chi tường trình trong phần sau:

0:00 / 0:00

Lệnh: “làm trước tính sau”

Ngày 20 tháng 12 năm ngoái, UBND huyện Bù Đăng bắt đầu thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại tiểu khu 174, 175, 176, 177 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Việc cưỡng chế được thực hiện trong vòng 10 ngày đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Bốn tiểu khu này nằm trên địa bàn 5 xã: Đak Nhau, Bom Bo, Bình Minh, Thọ Sơn, và Phú Sơn với hàng trăm hộ gia đình đang làm ăn sinh sống. Anh Quý, một người dân sinh sống tại xã Phú Sơn kể lại:

“Lớp thì ủi, lớp thì phá nhà, lớp thì chặt cây...làm ghê lắm.
“Họ xô nhà hết. Coi như là đau lắm chứ.
“Họ đâu có thông báo gì đâu. Họ chỉ xô nhà, chặt điều...rồi bỏ đi chứ không hề nói đến việc bồi thường hay tái định cư cho dân gì cả”.

<i>Họ đâu có thông báo gì đâu. Họ chỉ xô nhà, chặt điều...rồi bỏ đi chứ không hề nói đến việc bồi thường hay tái định cư cho dân gì cả.</i> <br/>

Dân oan bị cướp đất kéo về Hà Nội khiếu kiện. Ảnh minh họa (Source damlambao)
Dân oan bị cướp đất kéo về Hà Nội khiếu kiện. Ảnh minh họa (Source damlambao) (Source damlambao)

Theo nguồn tin RFA nhận được, có ít nhất là 100 cảnh sát mặc sắc phục, cùng những người mặc thường phục tự xưng là được thuê đến thực hiện cưỡng chế. Chó săn, dùi cui, hơi cay, máy cưa, máy ủi đất...được sử dụng để phục vụ công tác cưỡng chế này. Qua trao đổi với RFA, bà con không được đọc lệnh cưỡng chế. Ngược lại, những người thực hiện cưỡng chế cho biết “làm trước tính sau”. Bà Nguyễn Thị Lộc bức xúc nói:

“Mấy chục chiếc máy ủi cùng công an và nhiều người khác. Họ lấy máy cưa chặt điều, chặt cây. Máy ủi đi sau ủi hết. Bây giờ chỉ còn là bãi đất trắng.

“Không có một cái lệnh cưỡng chế nào cả. Khi có người đứng ra hỏi lệnh thì họ nói làm trước tính sau và cầm loa kêu mọi người bắt đầu. Sau đó thì bắt đầu họ cưa cây và giật sập nhà.

“Người ta có súng, có bình xịt hơi cay, và cưa...nên không ai đứng ra nói gì được. Đàn bà, con nít thì kêu khóc. Nhưng họ vẫn nói làm trước tính sau”.

<i>Không có một cái lệnh cưỡng chế nào cả. Khi có người đứng ra hỏi lệnh thì họ nói làm trước tính sau và cầm loa kêu mọi người bắt đầu. Sau đó thì bắt đầu họ cưa cây và giật sập nhà.</i> <br/>

Khoảng vài tiếng đồng hồ sau khi bắt đầu, những người thực hiện cưỡng chế cho vài người dân xem một văn bản từ máy vi tính mà họ cho biết là lệnh cưỡng chế của Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng. Tuy nhiên, những người được xem văn bản này cũng không xác định được đó có phải là quyết định cưỡng chế đất không. Ông Lý A Nanh là một trong vài người được nhìn thấy văn bản ấy, tuy nhiên, ông cũng không nhớ văn bản ấy nói gì:

“Chúng tôi cũng không kháng cự nhưng có một người đứng ra đòi giấy quyết định cưỡng chế. Mấy tiếng đồng hồ sau họ có tìm được một văn bản lưu trong mấy vi tính. Họ nói đó là quyết định của chủ tịch UBND huyện Bù Đăng. Đọc lệnh xong thì họ kêu phá nhà. Tôi nói với họ là thôi để tôi tự dỡ chứ phá hết rồi sau này làm sao làm lại. Họ vẫn tiếp tục đập phá nhà và tôi tiếp tục xin họ. Họ thấy như vậy mới không đập nữa mà để tôi tháo nhà xuống”.

“Bao nhiêu năm nay công sức tôi bỏ ra. Có được một số đất và dành dụm xây được căn nhà. Bây giờ coi như trắng tay. Họ ủi hết. Bây giờ trống hết”.

Sau khi bị thu đất hàng trăm người bị đẩy ra ven đường sống vất vưởng ở Bình Phước
Sau khi bị thu đất hàng trăm người bị đẩy ra ven đường sống vất vưởng ở Bình Phước. Source nld.com (Source nld.com)

Theo lời dân nơi đây, đa số họ không dám phản kháng vì lực lượng cảnh sát khá đông. Tuy nhiên, một số người tỏ ra bức xúc và xảy ra va chạm với cảnh sát. Anh Hoàng Văn Đàm cũng bị cảnh sát còng tay. Anh nói:

“Họ xô xát tôi. Họ lôi tôi ra khỏi nhà nhưng tôi không chịu nên họ đánh tôi, còng tay tôi và đưa tôi lên xe. Khi họ ủi hết nhà cửa xong thì chiều hôm đó họ thả tôi ra”.

Không thể coi thường nguyện vọng người dân

Dân ở khu vực bị thu hồi đất chủ yếu là người tứ xứ đến đây lập nghiệp từ năm 2000. Sau khi người dân tộc ở đây khai khẩn đất hoang, họ đã mua lại để canh tác và sinh sống. Bà con ở đây sống nhờ vào việc “lấy ngắn nuôi dài”. Nghĩa là họ trồng khoai mì để thu hoạch mỗi năm lấy tiền trồng cây cao su, cà phê, cây điều... Hầu hết cư dân nơi đây chỉ có hộ khẩu nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc thuê đất.

Một số người trình bày với RFA, trong nhiều năm họ xin đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết. Như vậy xét về mặt pháp lý, hầu hết họ gần như không thoả điều kiện được xem là có quyền sử dụng đất vì họ không canh tác từ trước năm 1993.

<i>Họ phá hết rồi, kể cả những thửa điều mà tôi canh tác. Tôi nói với họ là phải bồi thường nhưng họ nói là chặt xong rồi bồi thường. Tôi không đồng ý và nói rằng nếu đã chặt xong thì chứng cứ đâu mà bồi thường</i> <br/>

Tuy nhiên, việc cưỡng chế mà không có lệnh cũng như không thực hiện liệt kê tài sản trước khi cưỡng chế là sai qui trình thu hồi đất được qui định theo pháp luật Việt Nam. Ông Lý A Nanh nói thêm:

“Đất này cũng không có giấy tờ gì cả. Nói chung người dân tộc đã khai hoang trước đó và chúng tôi đến mua lại từ họ.”

“Họ phá hết rồi, kể cả những thửa điều mà tôi canh tác. Tôi nói với họ là phải bồi thường nhưng họ nói là chặt xong rồi bồi thường. Tôi không đồng ý và nói rằng nếu đã chặt xong thì chứng cứ đâu mà bồi thường”.

Vào tháng 6 năm 2011, người dân ở các tiểu khu nằm trong diện bị thu hồi đất nhận được thông báo mời họp về việc cưỡng chế đất dự tính diễn ra vào ngày 15 tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc họp diễn ra một cách chóng vánh và cấp xã không giải quyết được thắc mắc, cũng như bức xúc của bà con.

Sau đó, bà con đã có đơn cứu xét với nhiều chữ ký gởi đến UBND huyện Bù Đăng, UBND tỉnh Bình Phước và Trung Ương để nêu lên hai nguyện vọng. Thứ nhất là được thuê đất để tiếp tục canh tác và sinh sống. Thứ hai là cho hoãn thời hạn cưỡng chế vào thời gian khác vì tháng 11 là tháng bà con thu hoạch nông sản. Anh Hoàng Văn Đàm trình bày:

<i>Lúc trước tôi có gởi đơn lên Huyện và Tỉnh để khiếu nại xin cứu xét thuê đất và xin thu hoạch. Nhưng họ không giải quyết. Họ chỉ trả lời bằng miệng là họ không xem xét. Ông phó chủ tịch Huyện cũng nói như thế</i> <br/>


“Lúc trước tôi có gởi đơn lên Huyện và Tỉnh để khiếu nại xin cứu xét thuê đất và xin thu hoạch. Nhưng họ không giải quyết. Họ chỉ trả lời bằng miệng là họ không xem xét. Ông phó chủ tịch Huyện cũng nói như thế”.

Ông Lý A Nanh cũng cho biết:

“Họ không giải quyết gì cả. Chúng tôi đã lên trên tỉnh nằm đó vì mỗi lần đi là mấy ngày. Sau đó, có một công văn từ Hà Nội yêu cầu giải quyết cho bà con thỏa đáng nhưng Tỉnh không lo đến. Chúng tôi hẹn gặp ông Chủ tịch tỉnh Bình Phước nhưng ông không gặp”.

Như vậy, văn bản mời họp vào tháng 6 năm ngoái là công văn duy nhất để người dân biết được đất của mình sẽ bị cưỡng chế. Sau đó, không có một văn bản nào của các cấp từ trung ương đến địa phương thông báo về kế họach cưỡng chế thu hồi đất. Và dĩ nhiên, cũng không có một hoạt động nào liên quan đến kế hoạch bồi thường tài sản trên đất.

Hiện tại, cả mấy trăm hộ tại 5 xã bị cưỡng chế đã mất trắng nhà cửa, ruộng vườn, gia súc cùng đồ đạc. Họ nhặt lại từng mảnh gỗ còn sót lại để dựng bạt sống tạm bợ vì cũng chưa biết đi đâu. Bà Nguyễn Thị Lộc cho biết:

<i>Gia đình tôi mua đất này của người dân tộc. Bây giờ nhà nước lấy lại thì tôi cũng chịu trả nhưng mà tôi muốn cho tôi thuê lại như công ty thuê vậy đó. Để cho dân mình làm chứ lấy hết đất rồi thì dân có gì mà làm?</i> <br/>

“Nhà cửa bị ủi hết. Tết tới nhà bà con đói lạnh. Bây giờ thì bà con vẫn ở trên đất đã bị ủi rồi. Nhưng mà gió đến là lạnh lắm”.

Trong số hàng trăm hộ dân nằm trong diện bị cưỡng chế, anh Đàm Văn Lững đang bị công an tỉnh Bình Phước tạm giam từ tháng 11 năm ngoái mà chưa được thăm nuôi. Anh bị bắt sau khi cùng bà con lên tỉnh trình bày nguyện vọng của mình là được thuê đất làm ăn. Vợ anh Lững, chị Em cho biết:

“Sau khi cùng bà con đi xin cứu xét vấn đề cưỡng chế đất về, anh đi Sài Gòn khám bệnh thì bị bắt. Trại giam nói là trong vòng điều tra và không cho gặp mặt”.

“Gia đình tôi mua đất này của người dân tộc. Bây giờ nhà nước lấy lại thì tôi cũng chịu trả nhưng mà tôi muốn cho tôi thuê lại như công ty thuê vậy đó. Để cho dân mình làm chứ lấy hết đất rồi thì dân có gì mà làm?”

Qua trao đổi trên đường dây nóng của một công ty chuyên tư vấn luật đất đai tại Việt Nam, đài RFA được cho biết vì những người dân này đến canh tác sau năm 1993 và không có giấy đăng ký sử dụng đất, muốn biết việc cưỡng chế có trái pháp luật không thì còn phụ thuộc vào dự án qui hoạch được ra đời lúc nào.

Và theo luật, người dân có thể tham gia hùng vốn trong dự án mới. Cũng theo vị luật sư này, mặc dù tính pháp lý quyền sử dụng đất của người dân tiểu khu 174, 175, 176, 177 không được rõ ràng, nhưng việc cưỡng chế cũng phải diễn ra minh bạch, đúng qui trình và họ phải được bồi thường tài sản trên đất bị thu hồi theo thoả thuận.

Theo dòng thời sự: