Đất đai thuộc về giai cấp mới - giai cấp cộng sản

0:00 / 0:00

Tầng lớp nông dân Việt Nam hiện đang bị mất đất, bị bóc lột trong chính một chế độ mệnh danh là đấu tranh cho giai cấp công nông. Một giai cấp mới đã được hình thành sau khi cuộc cách mạng cộng sản thành công.

Cờ đỏ búa và liềm

Biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền vẫn là lá cờ búa và liềm màu vàng trên nền đỏ, một biểu tượng cho liên minh công nhân và nông dân, xưa cũ gần 100 năm. Biểu tượng này được cho là có một hiệu quả vô song trong việc thu hút tầng lớp dân cày trong những năm đầu tiên của cuộc cách mạng Nga năm 1917. Những người dân cày vốn ít học, không thể hiểu những triết lý phức tạp về kinh tế chính trị của các ông Karl Marx, Engel,…khi thấy cái liềm gặt thiết thân của cuộc đời họ, bèn đứng lên đi theo đảng Bolsevik lúc ấy ở Nga, và những đảng cộng sản sau này trên khắp thế giới.

Về nguyên tắc, các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, nếu không xuất thân từ hai giai cấp công nhân và nông dân, thì cũng là đại diện cho họ, đấu tranh cho quyền lợi của họ. Đặc biệt trong tình hình cụ thể của xã hội Việt Nam, với đại đa số dân chúng là nông dân thì hình ảnh cái liềm trên lá cờ đảng càng có giá trị lớn lao, ngay từ khi đảng cộng sản Đông Dương mới thành lập hồi năm 1930 cho đến nay.

Biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền vẫn là lá cờ búa và liềm màu vàng trên nền đỏ, một biểu tượng cho liên minh công nhân và nông dân...Biểu tượng này được cho là có một hiệu quả vô song trong việc thu hút tầng lớp dân cày

Bên cạnh biểu tượng lưỡi liềm, các đảng cộng sản cũng đề ra các khẩu hiệu dễ hiểu rất dân túy để cổ vũ tầng lớp nông dân. Năm 1930 được biết đến cuộc nổi dậy của nông dân tại Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu nổi tiếng, Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, tức là tiêu diệt hết những giai cấp khác ngòai nông dân; hay sau đó là Ruộng đất cho dân cày. Người nông dân khắp nơi đã kéo nhau theo đảng cộng sản tiến hành cuộc chiến tranh giai cấp cho Đảng, với hy vọng có được ruộng đất để mà sử dụng cái liềm vàng đẹp đẽ trên lá cờ đỏ màu máu cách mạng.

Ruộng đất cho dân cày. Người nông dân khắp nơi đã kéo nhau theo đảng cộng sản với hy vọng có được ruộng đất
Ruộng đất cho dân cày. Người nông dân khắp nơi đã kéo nhau theo đảng cộng sản với hy vọng có được ruộng đất (Files photos)

Với một đảng chính trị có tổ chức chặt chẽ, cùng với sự hậu thuẫn của hàng triệu nông dân, những người cộng sản đã nắm chính quyền, nắm một cách độc tôn. Và ở Việt Nam, họ đã thực hiện lời hứa với những người dân cày bằng cuộc cải cách ruộng đất diễn ra sau năm 1954. Trong trận chiến giai cấp này, các khái niệm trừu tượng của kinh tế chính trị Marxism đã biến thành các con số phần trăm trong dân chúng là địa chủ ở mỗi làng để cách mạng tiêu diệt. Nhiều người đã chết dù không có một tấc đất nào trong tay. Người địa chủ nổi tiếng ở miền Bắc là bà Nguyễn Thị Năm, người ủng hộ tiền tài nhân lực cho đảng của ông Hồ Chí Minh, nằm trong những người bị xử bắn đầu tiên.

Những người chết rồi cũng bị quên đi trước những khó khăn vất vả của đời thường, của hợp tác xã nông nghiệp, và của các tập đòan sản xuất tại miền Nam sau ngày đất nước được thống nhất. Tất cả mọi người dường như đã trở thành chung một giai cấp công nông, dường như cuộc đấu tranh giai cấp đã thành tựu.

Giai cấp cộng sản và những đặc quyền

Nhưng giai cấp đã không mất đi. Milovan Djilas, nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư, đã viết vào năm 1957 rằng: Một giai cấp mới đã hình thành, và cả hệ thống cộng sản được xây dựng để bảo đảm cho quyền làm chủ và bóc lột của giai cấp mới này. Đó chính là giai cấp cộng sản cầm quyền.

Một giai cấp mới đã hình thành, và cả hệ thống cộng sản được xây dựng để bảo đảm cho quyền làm chủ và bóc lột của giai cấp mới này. Đó chính là giai cấp cộng sản cầm quyền

Nếu đặc quyền của giai cấp mới vào những năm chiến tranh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chỉ là vài cân thịt ngon ở cửa hàng Tôn Đản, hay vài thước vải đẹp cung cấp theo tiêu chuẩn, thì từ năm 1986 trở đi, năm mà đảng cộng sản quyết định kết hôn ý thức hệ công nông của mình với kinh tế thị trường tự do, nó đã trở nên trù phú hơn. Bây giờ là nhà xưởng sản xuất công nghiệp để thu lợi trên sự bóc lột giá trị thặng dư của người công nhân theo lý thuết của Karl Marx, và đất đai.

Milovan Djilas viết tiếp, Dù về mặt pháp lý tài sản là của xã hội, của quốc gia, nhưng trên thực tế chỉ có một nhóm nhỏ kiểm sóat và thu lợi từ đấy.

Khi người cộng sản lấy lại đất từ người nông dân...Files photos
Khi người cộng sản lấy lại đất từ người nông dân...Files photos (RFA files)

Tài sản quan trọng nhất đối với đại đa số dân chúng Việt Nam chính là đất đai, và nay nó thuộc sỡ hữu tòan dân, tức là do cái nhóm nhỏ cộng sản cầm quyền kiểm sóat.

Cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp tục nhưng không được hô hào nữa. Hàng đòan nông dân mất đất đi khiếu nại, thưa kiện từ Nam ra Bắc, vì đất đai của họ bị tịch thu, dưới danh nghĩa dùng cho các dự án phát triển kinh tế xã hội của những công ty, mà trên thực tế nhiều đảng viên cộng sản, hoặc những người có quan hệ chặt chẽ với bộ máy quyền lực của đảng, nắm giữ. Các cuộc biểu tình này thường xuyên bị chính quyền cộng sản của giai cấp công nông Việt Nam dẹp đi. Chưa có thống kê nào về số lượng các cuộc biểu tình đòi đất hàng năm, nhưng chỉ trong vài năm gần đây, có thể nêu nhiều vụ xảy ra liên tiếp, vụ nông dân lõa thể giữ đất ở Cần Thơ, vụ Văn Giang, vụ Dương Nội, rồi đỉnh cao là vụ Đòan Văn Vươn ở Hải Phòng nơi mà súng đã nổ thay cho luật pháp. Và trong khi những dòng chữ này đến với quý độc giả thì hàng trăm nông dân làng Trịnh Nguyễn, Từ Sơn Bắc Ninh đang dầm mưa giải nắng giữ đất.

Luật gia Lê Hiếu Đằng, người từng trải qua kinh nghiệm với đảng cộng sản suốt mấy mươi năm đã phát biểu,

Chưa có cuộc cách mạng nào hứa hẹn nhiều và thực hiện ít như cuộc cách mạng cộng sản

Milovan Djilas

“Trước kia nông dân nghe theo Đảng để mong có ruộng đất. Cái chuyện nông dân ly tán, khổ đâu vì mất đất là do đâu? Là do cái quy định đất đai là sở hữu tòan dân!”

Lời phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng như một bức tranh tổng kết những gì những người cộng sản đã hứa hẹn khi họ còn hàn vi ngày xưa đến khi họ trở thành giai cấp mới ngày nay.

Còn những người nông dân đã tự nguyện đứng dưới lá cờ của giai cấp công nông thì nghĩa gì?

Bà Ngô Thị Đức, một nông dân ở làng Trịnh Nguyễn, có 47 tuổi đảng và bị đảng của bà khai trừ vì bà đấu tranh cho quyền lợi của những người nông dân, nói với chúng tôi,

“Tôi nhiều năm phấn đấu để vào đảng, nay họ làm sai, tôi thấy cũng chả cần. Sợ mất dân hơn là mất Đảng. Phần mình mình phải lo, ai mà lo tới mình thì mình đã toi rồi.”

Có phần chắc là bà Ngô Thị Đức và những người nông dân làng Trịnh Nguyễn không biết Milovan Djilas là ai, chỉ biết rằng… “họ” tức những người cộng sản cầm quyền đã làm sai. Họ đã trở thành một giai cấp mới, cũng bóc lột như trong những cuốn sách lý thuyết cộng sản mà đảng cộng sản phát cho các đảng viên của mình.

Điều khá mỉa mai, là khi những người nông dân Trịnh Nguyễn giữ đất chống giai cấp mới, họ vẫn trương cờ đỏ búa liềm, và khi Đòan Văn Vươn nghe lời tuyên án vẫn nói lời cảm ơn đảng cộng sản, đảng của một giai cấp mới.

Có lẽ để kết thúc, chúng tôi mượn lời cựu phó chủ tịch đảng cộng sản Nam Tư, Milovan Djilas, " Chưa có cuộc cách mạng nào hứa hẹn nhiều và thực hiện ít như cuộc cách mạng cộng sản ."