Tích tụ đất nông nghiệp đến giới hạn nào?

Trong tương lai không xa người dân có thể tích tụ ruộng đất không giới hạn để sản xuất trên diện tích lớn. Dự luật đất đai sửa đổi sẽ qui định điều này để Quốc hội xem xét.

0:00 / 0:00

Xu hướng tất yếu

Vào giữa năm 2013, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận biểu quyết. Ngày 12/6 vừa qua, với 88% phiếu thuận Quốc hội đã bác bỏ đề nghị xin lùi thời hạn để chính phủ hoàn thiện dự luật Đất đai sửa đổi.

Theo thể chế chính trị hiện hành, Trung ương Đảng Cộng sản chỉ đạo phương hướng sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ sẽ soạn thảo dự án luật và chuyển qua Quốc hội để thông qua. Trên thực tế chính phủ và Quốc hội không thể đi ngược lại chủ trương của Đảng mà trong trường hợp này là Luật Đất đai. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (7-15/5) đã tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người dân không có quyền sở hữu đất đai nhưng có quyền sử dụng và chuyển nhượng. Tại Hội nghị này Trung ương Đảng đồng ý khuynh hướng mở rộng giới hạn chuyển quyền sử dụng đất, cho phép tích tụ đất đai rộng rãi hơn. Về thời hạn sử dụng đất, Trung ương Đảng nhấn mạnh là vẫn cần qui định mức thời gian dù là mở rộng hơn trước.

Ông Nguyễn Vịnh, một chuyên viên tư vấn cho nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên nhận định:

“Hiện nay người nông dân lên làm ăn lớn, cầm một lượng diện tích nhất định thì họ cũng không đủ vốn đầu tư để làm cơ giới hóa, nó chỉ tập trung vào một số điền chủ thôi. Cho nên xu hướng tập trung đất đai là xu hướng mang tính chất tất yếu của xã hội, vấn đề còn lại là Nhà nước mở rộng hạn điền đến mức bao nhiêu và phải đợi Quốc hội quyết định. Xu hướng thâu tóm ruộng đất tập trung như gọi là cánh đồng mẫu lớn là chuyện mang tính tất yếu của xu thế, bởi vì không thể cơ giới hóa nông nghiệp trong một diện tích nhỏ.”

Xu hướng thâu tóm ruộng đất tập trung như gọi là cánh đồng mẫu lớn là chuyện mang tính tất yếu của xu thế, bởi vì không thể cơ giới hóa nông nghiệp trong một diện tích nhỏ. <br/> Ông Nguyễn Vịnh

Phát biểu với báo chí tại hành lang Quốc hội hôm 7/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là giới chức chính phủ đầu tiên hé lộ việc đất đai sẽ được sử dụng không giới hạn. Theo đó Việt Nam đang xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại. Điều kiện tiên quyết để thực hiện là phải tích tụ ruộng đất, nhưng việc này bị hạn chế trong Luật Đất đai hiện hành. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, khuynh hướng điều chỉnh Luật Đất đai sắp tới không còn đặt ra giới hạn về việc tích tụ đất đai nữa. Mặt trái của sự điều chỉnh này lại là khả năng lạm dụng để đầu cơ ruộng đất. Nhưng chính phủ trù liệu qui định chính sách thuế để phân biệt người sử dụng trực tiếp hay đầu cơ. Nói rõ hơn là đánh thuế lũy tiến theo mức độ diện tích.

Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp sản xuất lớn là điều hiển nhiên, nhưng nền kinh tế tiểu nông kéo dài hơn nửa thế kỷ qua cùng với thực tế lịch sử đã khiến nhiều người e ngại liệu tích tụ đất đai không giới hạn có trở lại thời kỳ địa chủ thu tô hay không.

LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM một người theo dõi sát về việc thực hiện Luật Đất đai, nhận định:

“Đến hàng trăm héc-ta thì là địa chủ rồi, nôm na người ta dùng từ đại gia. Tích tụ đất mà không quản lý được mà chỉ để kinh doanh, hàng trăm héc-ta thì làm sao quản lý được, Tôi nghĩ là nên có hạn mức theo khả năng của họ, hạn mức nên tính toán trên một cơ sở khoa học chứ nếu phóng lên hàng trăm héc-ta thì nó sẽ tạo ra tích tụ đất một cách không công bằng trong xã hôi. Theo tôi mục đích chuyển nhượng là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì nó sẽ phù hợp hơn còn nếu họ kinh doanh tích tụ đất đai thì nó sẽ tạo ra sự không công bằng và nó sẽ tạo ra những địa chủ mới.”

Cách làm của nông dân hiện nay

Những công nhân hái cà phê trên đường đi làm. AFP photo
Những công nhân hái cà phê trên đường đi làm. AFP photo (Những công nhân hái cà phê trên đường đi làm. AFP photo )

Trên quan điểm của người cận kề với nông dân ở Tây nguyên khu vực trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Vịnh chuyên viên tư vấn cho nông dân nhận định:

“Khi người nông dân họ canh tác không có hiệu quả thì họ tự nguyện “bán” đi, người khác thâu tóm cũng là tự nguyện “mua” và theo giá cả thỏa thuận. Trên góc độ nào đó nhà nước cũng không thể ngăn cản được. Tại sao anh có thể mở một công ty lớn, mở một nhà máy lớn thu dụng hàng ngàn công nhân, bây giờ tôi tập trung điền địa lớn thu dụng hàng trăm công nhân nông nghiệp thì cũng là chuyện bình thường có gì khác đâu.”

Các nhà hoạch định chính sách của Nhà nước đã nhiều lần xác định là Việt Nam phải từ bỏ phương cách sản xuất tiểu nông, dù chính với cách làm này mà Việt Nam từ chỗ thiếu ăn trong thập niên 1980 nay trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong mấy chục năm qua lợi tức của nông dân được xem là thấp kém nhất trong xã hội, để có thể phân chia lợi tức đồng đều hơn cho nông dân thì chuỗi giá trị sản xuất phải được nâng cao. Một trong những điều kiện cần có là phải gỡ bỏ những hạn chế về đất đai như hạn điền chẳng hạn.

Thật ra người nông dân ở nhiều nơi đã tự lách luật tích tụ đất đai hoặc dồn điền đổi thửa để có thể sử dụng cơ giới với chi phí tiết kiệm hơn, nhưng đó vẫn chỉ là những việc làm tự phát cá biệt, nay cần có điều kiện pháp lý để phát huy. GSTS Võ Tòng Xuân hiệu trưởng trường Đại học Tân tạo Long An, người có 4 thập niên nghiên cứu nông nghiệp nhận định:

Ở trong miền Nam thực sự người ta canh tác diện tích lớn mấy năm nay rồi. Nông dân họ cứ ngấm ngầm thôi, họ giao đất lại cho một người có khả năng quản lý tốt, kế đó họ lại làm mướn trên đất đó. <br/> GSTS Võ Tòng Xuân

“Ở trong miền Nam thực sự người ta canh tác diện tích lớn mấy năm nay rồi. Nông dân họ cứ ngấm ngầm thôi, họ giao đất lại cho một người có khả năng quản lý tốt, kế đó họ lại làm mướn trên đất đó. Như vậy họ lấy hai đầu tiền, một đầu là tiền cho mướn đất, đầu thứ hai là tiền làm mướn trên đất đó, dưới sự quản lý của một người nông dân có kinh nghiệm canh tác tốt hơn, có điều kiện đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa. Bây giờ đồng bằng sông Cửu Long có những ông nông dân quản lý giỏi đã làm 50 hec-ta, có người 100 héc-ta thậm chí có anh Sáu ức ở Tri Tôn canh tác 650 hec-ta luôn.”

Qui định việc tích tụ ruộng đất theo luật hiện hành chỉ cho phép tới 6 ha ở vùng đồng bằng đối với trồng cây hàng năm và 20 ha đối với trang trại trồng cây lâu năm, riêng trung du và miền núi diện tích trồng cây lâu năm là 50 ha. Quan niệm mới về việc tích tụ ruộng đất cho phép mở rộng diện tích không giới hạn, hứa hẹn mở ra một chương mới về tương lai phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Người dân vẫn không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng lâu dài, nhưng dù sao việc chuyển nhượng và tích tụ đất đai hợp pháp sẽ làm cho các đại gia nông dân và nhà đầu tư yên tâm hơn.