Mất đất, không được đền bù còn bị sách nhiễu

Sau khi đến văn phòng chính phủ tại số 210 Võ Thị Sáu để kiến nghị yêu cầu giải quyết đất đai bị nhà nước cưỡng chế nhưng không đền bù thỏa đáng, một số người trở về nhà đã bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

0:00 / 0:00

Trong số đó có bà Bùi Thị Thành một dân oan nhiều năm kêu nài trường hợp gia đình bà bị thu hồi đất nhưng không hề được đền bù.

Mặc Lâm có cuộc trao đổi với bà Thành để tìm hiểu thêm sự việc.

Không cho ra khỏi nhà

Mặc Lâm: Thưa chị, chúng tôi mới nhận được tin là chị vẫn bị công an và chính quyền địa phương sách nhiễu bằng nhiều cách, chị có thể kể lại cho biết cụ thể như thế nào không ạ?

Công an mặc sắc phục, mặc thường phục, rồi dân quân đến mười mấy hai chục người, họ không cho chúng tôi ra khỏi nhà, thậm chí không cho đi ra chợ, không cho ra mua bất cứ một cái gì.

Bà Bùi Thị Thành<br/>

Bà Bùi Thị Thành: Dạ, chào anh Mặc Lâm và các thính giả nghe đài. Trước đây, trong 8 tháng trời công an bố ráp ở trước cửa nhà, không cho đi đâu, thậm chí 12 tuần không cho đi lễ nhà thờ, sau đó được Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ can thiệp thì họ không bố ráp nữa, nhưng mà mới đây trong 3 ngày liên tiếp em bị mất nhà mất cửa thành ra em phải đi đòi nhà cùng với bà con ở đường Võ Thị Sáu, tham gia biểu tình cùng với bà con ở 210 đường Võ Thị Sáu để đòi nhà, trong 3 ngày liên tiếp cùng với bà con.

Tối hôm qua, lúc 10 giờ tối, về đến nhà 10 giờ đêm thì họ bố ráp ở nhà rất là đông. Công an mặc sắc phục, mặc thường phục, rồi dân quân đến mười mấy hai chục người, họ không cho chúng tôi ra khỏi nhà, thậm chí không cho đi ra chợ, không cho ra mua bất cứ một cái gì.

Mời lên phường

worldpress-250.jpg
Bà con kéo nhau lên thành phố yêu cầu chính quyền trả lại đất đai cho họ. Photo courtesy of wolrdpress.com.

Mặc Lâm:Vâng. Xin hỏi chị là lực lượng đến nhà chị để khống chế gia đình, không cho chị đi ra khỏi nhà họ có đưa ra một văn bản nào của tòa án khép chị vào một tội nào đó hay không? Hay là họ có nói tại sao họ làm như vậy hay không, thưa chị?

Bà Bùi Thị Thành: Dạ, họ không nói năng gì hết. Khi trời sáng em đi ra thì thấy họ ngồi đó. Có một tên công an là Huỳnh Ngọc Khánh Di, công an phường Hiệp Bình Chánh, mặc áo công an có hẳn quân hàm đỏ, nhưng lại khoác một cái áo sẩm ra ngoài làm như là không dám phô trương sắc phục công an của mình. Tên đó ngồi cạnh cùng bàn với mấy tên nữa cũng là công an, tức là an ninh, vì những tên này đều trơ mặt trong 8 tháng bố ráp gia đình tôi nên tôi rành họ lắm rồi, với lại có cả dân phòng ngồi đó. Khi thấy em đi ra thì họ hỏi: "Bà đi đâu?".

Em hỏi: "Các ông lấy lý do gì mà các ông hỏi tôi? Nếu mà các ông là người tốt thì tại sao các ông không yêu cầu chính quyền trả nhà đất lại cho dân đi? Các ông làm chuyện này sợ càng ngày càng gây rối rắm thêm. Các ông ngăn cản không cho tôi đi chứ gì?" Thì tên công an đó nói: "Biết vậy sao còn nói, còn hỏi?". Rồi nó móc trong túi áo nó ra một cái giấy và nói: "Đây là giấy mời bà lên phường này."

Em mới hỏi: "Lên phường vì tội gì?" Thì nó không nói gì hết. Rồi nó nói: "Bà mà đi là tôi sẽ cho xe hốt bà". Em nói: "Mời thì ông đưa giấy đây. Còn đi hay không là quyền của tôi. Còn các ông bắt là chuyện của các ông". Thì mấy tên công an này mới trả lời là nó không có quyền giải quyết trả lại nhà đất cho dân. Em mới hỏi: "Thế các ông có quyền gì? Các ông chỉ có quyền hù dọa nhân dân. Các ông bắt bớ, các ông đàn áp nhân dân, phải không?"

Thế là các tên đó hùm hùm hổ hổ quát đuổi em vô nhà.

Mặc Lâm: Dạ vâng. Chị vừa mới nói là trước đây thì Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ đã có liên lạc với chị hay ai đó để lắng nghe và chia sẻ về những khiếu kiện, những bức xúc của người dân. Chị có thể cho biết việc này cụ thể như thế nào hay không ạ?

Bà Bùi Thị Thành: Dạ. Cái này em chỉ nghe được qua các mục sư. Họ cho biết là có một mục sư qua điều trần bên Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, xong rồi thì tự nhiên thấy những tên canh gác tự nhiên biến hết luôn.

Lời nói không đi đôi với việc làm

wolrdpress-250-1.jpg
Một lần biểu tình của dân oan đòi đất khu vực phía Bắc. Photo courtesy of worldpress (Một lần biểu tình của dân oan đòi đất khu vực phía Bắc. Photo courtesy of worldpress)

Mặc Lâm: Dạ vâng. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ chị tham gia sinh hoạt tôn giáo hay là bắt đầu từ chỗ chị đòi hỏi về đất đai? Bắt đầu từ lúc nào, thưa chị?

Bà Bùi Thị Thành: Dạ. Bắt đầu từ chỗ em đi đòi nhà đất vì em có căn nhà ở mặt tiền đường Kha Vạn Cân, họ không có giải quyết khiếu nại mà họ cứ thế họ cưỡng chế và họ không trả một đồng tiền bồi thường nào hết. Họ đã ủi san bằng căn nhà đó rồi nên không còn vết tích gì nhà cửa nữa. Mà khiếu kiện lên thành phố thì thành phố đẩy về quận, mà quận thì họ bảo lên hỏi thành phố, rồi lại về phường thì phường nó lại cho công an với dân quân với lại thanh tra xây dựng đuổi ra.

Bây giờ em bị bế tắc, chẳng còn đường nào hết cũng như bao nhiêu bà con dân oan khác cùng tình trạng như vậy, thành ra chỉ có biết đi ra chỗ 210 Võ Thị Sáu là chỗ Văn Phòng Chính Phủ để đòi nhà đất, họ không trả nên bà con giăng băng-rôn để yêu cầu trả lại cho bà con. Thấy bà con đi đòi như vậy thì nó không tiếp mà nó cũng không cho đi, rồi nó cũng không cho đi nhóm luôn.

Trong khi đó thì một mặt đài, báo, tivi cứ nói là giải quyết đơn khiếu nại cho dân, nhưng mà trên thực tế không giải quyết. Mà dân bị oan ức, dân đi đòi thì họ ngăn cản, bố ráp, rồi thậm chí bắt bớ, bắt lên phường đủ thứ, sách nhiễu đủ kiểu.

Bà Bùi Thị Thành

Mặc Lâm: Dạ vâng. Thưa chị, khi họ ủi khu nhà của chị thì căn nhà của chị có giấy tờ gì của chính phủ đã cấp cho chị trước đây không?

Bà Bùi Thị Thành: Dạ có. Có giấy của phường công nhận nhà của em ở từ năm 1988. Có giấy xác nhận căn nhà là hợp pháp, có đóng dấu mộc đỏ luôn của ủy ban phường Hiệp Bình Chánh, anh ạ. Trong khi đó thì một mặt đài, báo, tivi cứ nói là giải quyết đơn khiếu nại cho dân, nhưng mà trên thực tế không giải quyết. Mà dân bị oan ức, dân đi đòi thì họ ngăn cản, bố ráp, rồi thậm chí bắt bớ, bắt lên phường đủ thứ, sách nhiễu đủ kiểu. Như vậy thì lời nói và thực tế không có khớp nhau ạ.

Mặc Lâm: Vâng. Xin cảm ơn chị. Và chúng tôi cũng xin chia sẻ khó khăn của chị và cũng xin chúc chị may mắn ạ.

Bà Bùi Thị Thành: Dạ. Xin cảm ơn anh đã có chú ý và quan tâm.