Mặc dù, chính phủ Lào thông báo cho các nước thành viên Ủy hội sông Mekong là nước này trì hoãn tiến trình xây dựng để tham vấn thêm, tuy nhiên Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho biết Lào âm thầm xây dựng con đập vừa nói. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International River) ra thông cáo cho biết hôm 4/8 rằng chính phủ Lào đang âm thầm tiến hành xây dựng công trình đập thủy điện Xayaburi, một dự án trị giá 3,5 tỷ USD, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng.
Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế bà Ame Trandem, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự do rằng trong một chuyến đến khu vực dự kiến xây dựng đập Xayaburi tại Lào vào ngày 23 tháng 7 vừa qua đã thấy có ít nhất khoảng vài trăm công nhân đang xây dựng con đường vào đập và chuẩn bị trại lao động gần làng Ban Talan.
Vi phạm Hiệp Định Mekong 1995
Một con đường dẫn xuống đập được xây dựng và một số khu đất đã bị ủi sạch mà không bồi thường cho các chủ sở hữu. Chính phủ Lào có vẻ như đang đơn phương phá vỡ Hiệp định Mekong 1995 giữa các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Bà Ame Trandem cho biết, "Lào là một trong những thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC). Chính phủ Lào đang là nước đơn phương quyết định xây dựng đập Xayaburi. Việc này, Lào vi phạm luật pháp quốc tế và các cam kết của mình theo Hiệp định Mekong 1995. Bằng cách xây dựng đập này, Lào bất chấp các cam kết khu vực và đang gây tác động trực tiếp đến tương lai của hàng triệu người trong khu vực dựa vào sông để sinh kế và an ninh lương thực."
Việc này, Lào vi phạm luật pháp quốc tế và các cam kết của mình theo Hiệp định Mekong 1995.
Bà Ame Trandem
Theo Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, đại diện từ các quốc gia nói trên đã lên kế hoạch để thảo luận vấn đề đập Xayburi tại thủ đô Phnom Penh, bên cạnh thảo luận những vấn đề trước mắt, họ sẽ thúc giục chính phủ Lào tôn trọng Hiệp định Mekong, tuy nhiên cuộc họp này đã bị hoãn lại mà không có giải thích.
Trước đó, Tổ chức Sông ngòi quốc tế đã đệ trình các chính phủ Ủy hội sông Mekong (MRC) ngăn cản bất kỳ quyết định đơn phương nào đe dọa sự cân bằng sinh thái của con sông hoặc tác động các nhu cầu của những người dựa vào sông. Trong lúc bốn thành viên của Ủy hội sông Mekong chưa thể tìm ra một kết luận chung, đập thủy điện Xayaburi nên được gia hạn thêm thời gian tham vấn vì còn những thiếu sót cần được làm rõ.
Bà Ame Trandem bày tỏ quan ngại rằng đập Xayaburi sẽ là cánh cửa cho một kỳ xây dựng hàng loạt đập thủy điện khác trên dòng sông Mekong, làm giảm hệ sinh thái, nguồn tài nguyên cá, tác động với môi trường và xã hội, đặc biệt dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người dân hạ nguồn.
Điều phối viên của Mạng lưới bảo vệ ba sông (Sesan, Srepok, Sekong) ông Meach Mean bày tỏ rằng trong quá trình trì hoãn để tham vấn, các nước thành viên Ủy hội sông Mekong chưa tìm ra một kết luận chung, thì chính phủ Lào nên nghiên cứu lại trong yêu cầu kỹ thuật và cần nghiên cứu toàn diện về những tác động có thể xảy ra từ con đập. Ông nhấn mạnh, trong báo cáo ảnh hưởng môi trường, đập thủy điện là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên, sự phân phối nguồn nước không đều, thiên tai và biến đổi khí hậu…v.v.
Ông Meach Mean nhận định thêm hầu hết lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD, công suất dự kiến 1.260 MW này sẽ bán toàn bộ cho Thái Lan. Điều này đồng nghĩa, người dân sống ở hạ nguồn là những nạn nhân của đập Xayaburi.
Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Campuchia là ông Sing Ny Ny cũng cho hay cho đến giờ này các thành viên của Ủy hội sông Mekong đã chưa tìm được tiếng nói chung về tiến trình tham vấn đối với dự án Xayaburi, điều này khiến thành viên của Ủy hội sông Mekong đẩy vấn đề này lên Hội nghị cấp Bộ trưởng. Ông cho rằng thông tin trên có thể có thật vì nhóm chuyên gia kỹ thuật của Lào đang hối thúc xây dựng dự án này.
Bằng cách xây dựng đập này, Lào bất chấp các cam kết khu vực và đang gây tác động trực tiếp đến tương lai của hàng triệu người trong khu vực dựa vào sông để sinh kế và an ninh lương thực.
Bà Ame Trandem
Tuy nhiên, trước khi Hội nghị cấp Bộ trưởng diễn ra và đưa ra quyết định, nếu Chính phủ Lào tiến hành xây dựng công trình vừa nói, thì có nghĩa nước này đang chà đạp Hiệp định Mekong 1995. Campuchia sẽ yêu cầu chính phủ Lào làm rõ tại cuộc họp cấp Bộ trưởng, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2011.
Theo Hiệp định Mekong 1995 được ký kết giữa bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã ghi rõ bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Các quốc gia có chung lưu vực sông quốc tế không được áp dụng nguyên tắc chủ quyền tuyệt đối để tùy ý sử dụng nguồn nước trong lãnh thổ của mình mà có thể gây tác hại hoặc ảnh hưởng đến quyền sử dụng nước của các quốc gia cùng chung lưu vực. Các thành viên của Ủy hội sông Mekong bắt buộc phải trải qua quá trình tham vấn mỗi khi có dự định xây dựng đập thủy điện trên dòng sông Mekong.
Theo dòng thời sự:
- Ai sẽ chịu trách nhiệm thiệt hại nếu đập Xayaburi gây ra? (phần1)
- Ai sẽ chịu trách nhiệm thiệt hại nếu đập Xayaburi gây ra? (phần 2)
- Lào quyết định tạm ngưng xây đập thủy điện Xayaburi
- Hoãn xây đập Xayaburi chưa phải đã hết lo
- Các nước láng giềng phản đối Lào xây đập Xayaburi
- Phiên họp đặc biệt về dự án đập Xayaburi của VUSTA
- Kêu gọi Lào hủy bỏ công trình thủy điện Xayabury
- Khánh An, phóng viên RFA
- Thủy điện bức hại sông MeKong