Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International River) nói chính phủ Lào đang vận động và tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC) để thông qua dự án đập thủy điện Xayaburi tại cuộc họp cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra vào ngày 7/12 ở tỉnh Siem Reap của Campuchia.
Cuộc vận động và tìm kiếm sự ủng hộ nói trên đã bắt đầu sau khi chính phủ Lào có được một báo cáo của công ty Thụy Sĩ Poyry Energy AG cho rằng đập thủy điện Xayaburi không gây tác động đến môi trường, không gây hại đến người Lào, và những người dân của các nước láng giềng sống dựa vào sông Mekong.
Báo cáo này còn khuyến cáo nên được xây dựng đập vì mối quan tâm của các nước láng giềng về dự án đã được giải quyết.
Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế bà Ame Trandem nói với RFA ngày 10/11 rằng báo cáo của công ty Poyry là một báo cáo thiếu khoa học và dựa vào phỏng đoán. Đó là một cơ sở không phù hợp để ra quyết định về đập Xayaburi.
Công ty Poyry tuyên bố rằng dự án phù hợp với hướng dẫn của Ủy hội sông Mekong, mặc dù danh sách trên 40 nghiên cứu khoa học và kỹ thuật chủ yếu vẫn cần phải được hoàn thành. Điều này sẽ cho thấy phần nào là vô trách nhiệm của chính phủ Lào và các quốc gia láng giềng nếu hỗ trợ đập Xayaburi dựa trên những tuyên bố sai lầm của báo cáo nói trên. Bà Ame Trandem nói:
“Trước đó cả Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tác động của dự án. Chúng tôi đã có rất nhiều bằng chứng khẳng định rằng đập Xayaburi vẫn chưa thể khởi công lúc này vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của dân, tác động rất mạnh đến môi trường, làm giảm hệ sinh thái, nguồn tài nguyên cá…
Điều này chúng ta đều biết chính phủ Campuchia và Việt Nam từng lên tiếng yêu cầu Lào hoãn lại dự án trước đây và tôi tin rằng tại cuộc họp sắp tới chính phủ Campuchia và Việt Nam sẽ thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình liên quan đập Xayaburi.”
Chúng tôi đã có rất nhiều bằng chứng khẳng định rằng đập Xayaburi vẫn chưa thể khởi công lúc này vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của dân, tác động rất mạnh đến môi trường, làm giảm hệ sinh thái, nguồn tài nguyên cá…
Bà Ame Trandem
Theo tổ chức Sông ngòi quốc tế, hiện nay Lào đang tiến hành xây dựng đập Xayaburi, bất chấp sự cáo buộc chính phủ đang đơn phương phá vỡ Hiệp định Mekong năm 1995 giữa các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mekong gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Bà Ame Trandem hy vọng tại cuộc họp cấp Bộ trưởng sắp tới, các quốc gia thành viên sẽ yêu cầu Lào gia hạn thêm thời gian tham vấn ít nhất 10 năm nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án trên trước khi đi đến quyết định chung.
Được biết, Dự án Xayaburi là một trong số 12 dự án đập thủy điện nằm trên dòng sông Mekong. Đập dự kiến dài 810 mét, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW và hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD sẽ bán cho Thái Lan.
Theo dòng thời sự:
- Dân Thái phản đối Lào xây đập thủy điện Xaraburi
- VN lên tiếng về đập Xaraburi trên dòng Mêkông
- Kêu gọi Lào hủy bỏ công trình thủy điện Xayabury
- Các dự án xây đập thủy điện đe dọa sông MeKong
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
Mời các bạn tìm hiểu cội nguồn sông Mekong qua video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.