Quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới sẽ duy trì nền tảng kinh tế hộ gia đình nông dân hay phát triển đại điền để tăng hiệu quả.
Từ giã nền kinh tế hộ nông dân ?
Theo dõi báo chí, dường như Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho một thay đổi lớn về nhận thức phát triển nông nghiệp. Chưa khi nào lại có nhiều bài báo liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất như vậy.
Sau hai thập niên từ giã kinh tế hợp tác xã, bắt đầu lại với nền tảng kinh tế hộ gia đình nông dân, Việt Nam từ chỗ thiếu ăn đã có thể xuất khẩu đều đặn mỗi năm trên 6 triệu tấn gạo. Tuy lượng gạo xuất khẩu lớn như vậy nhưng lại là sự đóng góp của hàng triệu hộ nông dân.
Theo các chuyên gia, cả nước có 14 triệu hộ nông dân và 70 triệu thửa đất, mỗi hộ nông dân canh tác trên diện tích bình quân chưa tới 0,7 ha.
Trên thực tế việc tích tụ đất đai đã diễn ra từ nhiều năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên với nhiều biến tướng và chưa mang ý nghĩa sản xuất lớn. Người dân Việt Nam có nhiều cách để lách luật, né hạn điền như mô tả của một nông dân ở vựa lúa xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long:
“Ở đây có những người làm đến 50-60 héc-ta có khi 100 héc-ta nữa, thường những người cán bộ có đất và mượn người khác đứng tên, người ta làm nhiều lắm. Nếu làm 50 héc-ta người ta thuê 5-6 người trực tiếp làm cho người ta.
Còn số người có nhiều đất hơn nữa thì họ chia ra từng mảnh nhỏ cho muớn lại, vụ hè thu họ cho muớn giá 1 triệu đồng một công tầm nhỏ (1/10 ha), vụ đông xuân thì hai triệu đồng/1 công . Như vậy
mỗi công một năm họ thu vô 3 triệu, hợp đồng từng năm hai vụ.”
Tích tụ ruộng đất là cần thiết, là tất yếu phải đi theo, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đáp ứng tái cơ cấu ngành này.
Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
Vấn đề tích tụ ruộng đất nay được nói ra từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuối tháng 8, ông Trọng thực hiện chuyến làm việc thực tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở đâu ông cũng nói về chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và tích tụ ruộng đất là chìa khóa của chính sách này.
Tiếp đến buổi làm việc ngày 15/9 ở Hà Nội với Hội Nông dân và Bộ NN-PTNT, ông Trọng một lần nữa khẳng định chủ trương tích tụ ruộng đất.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 20/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tích tụ ruộng đất là cần thiết, là tất yếu phải đi theo, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đáp ứng tái cơ cấu ngành này.
Trong bài viết mang tựa ‘Tích tụ ruộng đất: còn xa đường đến giấc mơ đại điền’, Thời báo kinh tế Việt Nam nhận định rằng, tích tụ ruộng đất cũng được xem là một quá trình tất yếu của sản xuất nông ngiệp hàng hóa.
Tờ báo trích lời TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định rằng, quốc gia nào xử lý được được vấn đề tích tụ ruộng đất thì sẽ tiến hành công nghiệp hóa thành công, còn quốc gia nào không xử lý được, thì rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đối với vấn đề sản xuất lớn trên những cánh đồng xa tắp đến chân trời như trong phim ảnh, hay những đồn điền cà phê lớn hàng trăm héc-ta như ở các nước, một người dân vùng Tây nguyên phát biểu:
“ Người dân rất nghèo làm sao người ta có thể tiến lên trung điền đại điền, nhưng ngược lại nếu như anh quá giàu rồi bây giờ cho anh tập trung vô ruộng đất anh thao túng xã hội, anh biến người nông dân thành nô
lệ trong một sớm một chiều thôi. Cho nên người ta đang còn băn khoăn chuyện đó.”
Người dân rất nghèo làm sao người ta có thể tiến lên trung điền đại điền, nhưng ngược lại nếu như anh quá giàu rồi bây giờ cho anh tập trung vô ruộng đất anh thao túng xã hội, anh biến người nông dân thành nô lệ trong một sớm một chiều thôi.
Người dân Tây Nguyên
Saigon Tiếp Thị báo mạng khi tường thuật buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Hội Nông dân và Bộ NN-PTNT đã nhận định rằng cần phải hiểu đúng về tích tụ ruộng đất.
Theo đó vấn đề dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất có vai trò quan trọng để thực hiện nghị quyết tam nông, nhưng đến nay vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Tờ báo trích lời Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết, các địa phương báo cáo là có thành tích tốt trong vấn đề dồn điền đổi thửa. Nhưng ông Hùng cho rằng, dồn điền đổi thửa không phải là tích tụ ruộng đất, nếu hiểu hai cái là một thì đây là sự hiểu nhầm rất lớn.
Ông Hùng giải thích, có thể gộp bảy mảnh thành một mảnh, nhưng với mảnh gộp đó, diện tích bình quân của một hộ lao động ở nông thôn Việt Nam vẫn là 0,61 ha.
Theo lời Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, một thí dụ về tích tụ ruộng đất là hình thành trang trang trại lớn, phải làm sao cho mỗi hộ nông dân sử dụng diện tích cao hơn thí dụ là 50 ha hay 100 ha chẳng hạn.
Ông Hùng nhấn mạnh, muốn sản xuất lớn thì không một quốc gia nào lại không đi theo hướng tăng tích tụ ruộng đất lên, tức là để cho một người hay một nhóm người sử dụng diện tích lớn.
Muốn sản xuất lớn thì không một quốc gia nào lại không đi theo hướng tăng tích tụ ruộng đất lên, tức là để cho một người hay một nhóm người sử dụng diện tích lớn.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng
Về đâu người nông dân mất đất
Xem báo chí trích lời Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng ủng hộ mạnh mẽ chủ trương tích tụ ruộng đất, chúng tôi nhớ lại ý kiến của ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang cùng về vấn đề này.
Trên báo Thanh Niên Online cách nay khá lâu, ông Nhị nói rằng, nông nghiệp sản xuất lớn phải tích tụ đất đai, kinh tế thị trường phải tích lũy tư bản. Đó là qui luật tất yếu của sản xuất lớn bất kể dưới hình thức nào.
Tuy nhiên, ông Nhị nhấn mạnh là, tích tụ đất đai với điều kiện phải giải quyết tốt bốn hạn chế: hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, tình trạng phát canh thu tô trá hình và thất nghiệp đối với nông dân mất đất.
Ông Nhị cho là chỉ cần sửa luật đất đai thì sẽ giải quyết được 3 hạn chế về hạn điền, thời hạn sử dụng đất và phát canh thu tô trá hình nhưng vấn đề lớn nhất là khi người nông dân không còn đất, rời khỏi nông thôn mà ít chữ nghĩa, không có nghề thì làm gì để sống?
Vấn đề này đáng lý phải được giải quyết cách đây 23 năm, khi triển khai công tác giáo dục phổ thông dạy nghề cùng lúc với đổi mới quản lý nông nghiệp.
Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang kết luận,
giải quyết bài toán tích tụ-tập trung đất đai không khéo thì sẽ xảy ra sự cố như tai nạn của trò chơi tung hứng.
Có tung mà không có hứng. Người nông dân không đất nếu không được bố trí lao động phù hợp rất dễ trở thành một bài toán xã hội nan giải.
Ông Nguyễn Minh Nhị từ một nông dân trở thành một chủ tịch tỉnh và khi về hưu cũng trở về làm nông dân chân đất.
Ông Nhị từng là người khởi xướng ‘hợp tác bốn nhà’ nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, nhưng có lẽ ông đi sớm hơn đội hình, thời gian đó ông nói chẳng ai nghe.
Tiến trình tích tụ ruộng đất ở Việt Nam sẽ khó thực hiện, nhưng chủ trương ‘cánh đồng mẫu lớn’ đang chập chững ở đồng bằng sông Cửu Long có vẻ thực tiễn hơn, nhờ mang lại lợi nhuận tốt hơn cho người nông dân.
Diện tích đất của một hộ nông dân vẫn thế nhưng họ chung tay vào cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cùng một giống để sản phẩm có gía trị hơn và đồng nhất.
Giá thành lúa gạo sẽ hạ vì những cánh đồng lớn được sự hỗ trợ của một cụm dịch vụ lúa gạo, từ cung cấp vật tư tốt đúng giá cho đến xay xát tồn trữ. TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt nhấn mạnh:
“Chủ yếu nông dân còn sản xuất nhỏ rất nhiều, do vậy chúng tôi muốn có cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tốt có chất lượng cao hơn, thì phải làm trên diện rộng thay vì làm từng người nông dân một rất là khó khăn. Do vậy phải tổ chức lại sản xuất, làm cánh đồng mẫu lớn trong đó hàng ngàn nông dân cùng làm chung, cùng hưởng những dịch vụ, cùng hưởng những yếu tố kỹ thuật và sự đầu tư ngang nhau. Chắc chắn năng suất bình quân sẽ tăng lên.”
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiếc lược phát triển nông nghiệp nông thôn được Thời báo Kinh tế Việt Nam trích lời cho thấy chủ trương tích tụ đất đai khó diễn ra ở Việt Nam trong tương lai gần.
Trong trường hợp tốt nhất thì tích tụ đất đai có thể thực hiện ở miền Nam, nếu thị trường phát triển tốt, luật pháp cho phép nông dân tích tụ ruộng đất, giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn hiện nay.
Những tiên đoán như thế dù với điều kiện cách sẽ không thể xảy ra ở miền Bắc, nơi lao động nông nghiệp rời khỏi nông thôn không bước được vào thị trường lao động chính thức mà chỉ làm lao động tự do ít bền vững.
Do vậy nông dân miền Bắc sống chết cũng giữ mảnh ruộng của mình để phòng khi sa cơ lỡ vận. Mảnh đất đó vừa không sinh lợi lại không được tích tụ vào tay người thực sự sản xuất. TS Đặng Kim Sơn kết luận, đối với miền Bắc muốn xử lý thị trường đất đai thì phải xử lý được thị trường lao động.
Trong trường hợp tốt nhất thì tích tụ đất đai có thể thực hiện ở miền Nam, nếu thị trường phát triển tốt, luật pháp cho phép nông dân tích tụ ruộng đất, giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn hiện nay
TS Đặng Kim Sơn
Sửa đổi hiến pháp, định nghĩa lại quyền sở hữu đất đai, sửa luật đất đai để có thể tích tụ ruộng đất chưa kể vấn đề dạy nghề và kiếm việc làm cho nông dân mất đất, là những việc đầy khó khăn.
Thế nhưng ngay từ năm 2008, đã có chuyên gia như GS Đào Thế Tuấn đề xướng là không cần tích tụ ruộng đất mà chỉ cần tích tụ hoạt động kinh doanh, chế biến và tiêu thụ đầu ra.
Nhà nông học kỳ cựu của Việt Nam nhắc lại rằng, cải cách ruộng đất và việc quay lại nền kinh tế gia đình nông dân đã là thành tựu lớn của công cuộc phát triển của Việt Nam, đã đưa một nước đông dân và ít đất thành một nước đảm bảo đủ an ninh thực phẩm và xuất khẩu nông sản vào loại nhất nhì thế giới.
Vậy thì Việt Nam sẽ đi theo con đường nào cho tương lai sắp tới ?