Mô hình cánh đồng mẫu lớn

0:00 / 0:00

Cần những cánh đồng lớn

Thống kê của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn đưa ra hồi cuối tháng 11 vừa rồi cho thấy vụ lúa đông xuân năm 2011-2012, mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai trên diện tích gần 20 ngàn héc ta tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Ninh.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được nói nhằm có thể giúp người nông dân khắc phục nhiều hạn chế của tình hình đồng ruộng manh mún hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau Thu hoạch, thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông thôn nói về tình hình thực tiễn ruộng đất nhỏ bé tại Việt Nam, nhất là ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:

"Hiện nay đây là một vấn đề nan giải trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Do diện tích đất đai ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung còn manh mún. Riêng ở Đồng bằng Sông Cửu Long diện tích đất trung bình cho mỗi nông hộ chỉ là 1,1 héc ta. Theo tính toán của các nhà kinh tế nông nghiệp, với một diện tích đất cho một nông hộ như thế thì người nông dân chỉ làm cố gắng đủ ăn thôi chứ không thể nào có thể làm giàu trên sản xuất của họ được. Người ta tính toán ít nhất, mỗi nông hộ phải có ít nhất 2 héc ta mới có thể sống và sản xuất trên mảnh đất đó được."

Theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn, vấn đề ruộng đất nhỏ hẹp đó nay đã có một hướng ra, đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn:

"Để giải quyết vấn đề đó không phải dễ dàng. Tuy nhiên trong một chừng mực nào đó, trong khuôn khổ nhất định, chúng ta có thể giải quyết được. Hiện nay Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn có đề nghị một mô hình là 'cánh đồng mẫu lớn'; tức người nông dân bây giờ không phải sản xuất riêng lẻ mà cần liên kết thành nhóm nông dân. Nhóm nông dân này sẽ ký một 'contract farming' với các công ty chế biến lương thực, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực để có gắn kết giữa đầu vào là lúa và đầu ra là chế biến gạo xuất khẩu.

Như thế mô hình mới này phát triển bền vững, và khi người nông dân làm ăn với nhau rồi, người ta có thể 'ban bờ'. Ban bờ để có thể đưa những thiết bị nông nghiệp vào làm việc một cách có hiệu quả chứ không phải quay vòng nhiều, tốn chi phí nhiên liệu, và thời gian ... Như thế cần cánh đồng lớn."

Tuy nhiên theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn thì trong việc ban bờ để có được những cánh đồng lớn như mong muốn vẫn còn có trở ngại:

Ban bờ để có thể đưa những thiết bị nông nghiệp vào làm việc một cách có hiệu quả chứ không phải quay vòng nhiều, tốn chi phí nhiên liệu, và thời gian ... Như thế cần cánh đồng lớn.<br/>TS Phạm Văn Tấn

"Hiện nay ở miền nam người ta chưa chịu 'ban bờ' vì còn lo ngại chuyện làm ăn có hiệu quả hay không, rồi sau này khi không còn ranh giới nữa mà muốn tách ra thì không còn ranh giới để đắp bờ lại. Thế nhưng ở một số nơi tại miền Trung và miền Bắc, người ta cũng vận động được nông dân ban bờ để những thửa ruộng nhỏ thành những thửa ruộng lớn, và máy móc vào rất thuận lợi."

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn đưa ra giải pháp cho trở ngại ban bờ:

"Theo tôi để có thể vận động nông dân ban bờ, cần sử dụng công nghệ chụp hình từ trên không nguyên trạng của các thửa ruộng; rồi ban bờ. Nhưng khi có vấn đề gì mà người nông dân không muốn làm ăn chung nữa thì họ vẫn có hình ảnh chụp từ không gian xuống như thế để có thể tạo dựng lại bờ ranh, bờ thửa giữa các thửa ruộng với nhau. Như thế người nông dân rất an tâm trong việc ban bờ."

Nông dân chưa tin tưởng

Mục tiêu của mô hình cách đồng mẫu lớn được nói nhằm tăng năng suất đem thu nhập cao hơn cho người nông dân. Tuy vậy, một nông dân tại Đồng Tháp, ông Huỳnh Kim Hải, người từng có viết một số bài đăng trên các báo và mạng Internet, bày tỏ hoài nghi với mô hình đó.

Nông dân quận Ô Môn (Cần Thơ) đang thu hoạch lúa. Photo courtesy of giaoduc.vn
Nông dân quận Ô Môn (Cần Thơ) đang thu hoạch lúa. Photo courtesy of giaoduc.vn (Nông dân quận Ô Môn (Cần Thơ) đang thu hoạch lúa. Photo courtesy of giaoduc.vn)

Ông nêu ra lý do cho lập luận đó:

"Nói ngắn gọn thế này, cái mà nông dân cần là giá lúa để tăng thu nhập thì lại dính đến bán gạo xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp muốn mua giá cao cho nông dân thì họ phải bán được giá cao mới mua được. Mô hình nào mà gắn kết được giá lúa với giá gạo xuất khẩu thì mô hình đó mới tốt đẹp. Còn mô hình 'cánh đồng mẫu lớn' hiện nay chỉ có các công ty bảo vệ thực vật tham gia mà thôi. Các công ty này khi tham gia họ có lợi là bán được thuốc sâu của họ và quảng cáo cho công ty. Ngoài ra, như tôi đã phản ảnh trên báo Kinh tế Sài Gòn, là Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang còn bắt nông dân phải mua giống lúa xác nhận với giá rất cao. Điều đó làm tăng chi phí chừng 2 triệu/một héc ta. Như vậy mô hình này chỉ là đặc thù của các công ty bảo vệ thực vật thôi, thì không thể lớn được, không thể tăng lên được."

Theo nông dân Huỳnh Kim Hải thì cần có sự tham gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, VFA, hiện là đơn vị ‘khuynh loát’ hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam lâu nay. Ông này cho rằng Việt Nam nên theo mô hình hiện nay Thái Lan đang thực hiện là chính phủ nước này đóng vai trò trong việc định được giá bán xuất khẩu.

Ông này nêu ra thực tế của mô hình cánh đồng mẫu lớn tại địa phương ông ở:

"Hiện nay ngay chỗ tôi ở, khi công ty bảo vệ thực vật vào làm họ cũng không cần cánh đồng mẫu lớn, họ chỉ yêu cầu nông dân nhận giống của họ về xạ thôi. Nông dân làm 'da beo' với nhau thôi."

Ông Huỳnh Kim Hải cho rằng một người sở hữu 30 héc ta, và 10 nông dân mỗi người có 3 héc ta cùng xạ chung một giống lúa; thì chưa chắc người có 30 héc ta sẽ có chất lượng lúa tốt hơn. Lý do được ông nêu ra:

Mô hình nào mà gắn kết được giá lúa với giá gạo xuất khẩu thì mô hình đó mới tốt đẹp. Còn mô hình 'cánh đồng mẫu lớn' hiện nay chỉ có các công ty bảo vệ thực vật tham gia mà thôi. <br/>Huỳnh Kim Hải, nông dân

"Lý do người ta có ít thì chăm sóc tốt, còn người có 30 héc ta lại chăm sóc không bằng. Còn nói về lợi nhuận tức hiệu quả thu được trên diện tích, thì 10 người sẽ thu cao hơn."

Phản bác lại lập luận cần phải tích tụ ruộng đất để có thể cơ giới hóa, thì ông Huỳnh Kim Hải ở Đồng Tháp có ý kiến:

"Kể cả cơ giới hóa cũng không cần xáo trộn đất đai; đó là 'mấy ổng' lý luận vậy thôi. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay cơ giới hóa thoải mái vì một máy gặt bề ngang 2 mét có thể hoạt động trên một thửa ruộng 3000 mét vuông."

Dù đã vươn lên vị thế một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; nhưng cuộc sống của đa số nông dân trồng lúa vẫn còn rất khó khăn. Theo những nông dân như ông Huỳnh Kim Hải thì thực sự các chính sách đề ra không phải vì nông dân mà vì lợi ích của các nhóm khác ngoài người trực tiếp đổ mồ hôi trên đồng ruộng.