Trong một xã hội dân sự thì các doanh nghiệp hoạt động không vì lợi nhuận mà vì lợi ích cộng đồng, hướng tới các tầng lớp yếu thế trong xã hội, cũng là một bộ phận quan trọng. Hiện một điều luật về các doanh nghiệp này đang được soạn thảo ở Việt Nam.
Khái niệm doanh nghiệp xã hội
Trung tuần tháng ba năm 2014, trang thông tin điện tử của chính phủ có một bài viết về dự luật doanh nghiệp sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo. Nội dung chính của bài viết này là về một điểm mới được bộ luật đang chỉ sửa này đề cập đến, đó là khái niệm doanh nghiệp xã hội. Theo bà Phạm Kiều Oanh Giám đốc trung tâm sáng kiến hỗ trợ cộng đồng thì doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp phi lợi nhuận, có đối tượng phục vụ là các tầng lớp khó khăn trong xã hội. Cũng theo bà Oanh thì hiện các doanh nghiệp hoạt động theo hướng phi lợi nhuận không có được ưu đãi gì để thực hiện sứ mạng xã hội của họ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người thành lập Diễn đàn xã hội dân sự Việt Nam hồi năm ngoái, đồng thời cũng là một doanh nhân, đón nhận tin này với nhiều hy vọng, và đồng thời ông giải thích rõ thêm về doanh nghiệp xã hội:
“Nếu mà trong luật doanh nghiệp có đưa ra khái niệm doanh nghiệp xã hội vào thì tôi nghĩ rất là tốt. Bởi vì có những doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nó có tất cả các động lực các khuyến khích mà thị trường tạo ra, nhưng nó không hoạt động vì mục đích lợi nhuận, tức là nó không lấy lời của nó để chia cho các ông chủ, mà nó chỉ để phát triển các doanh nghiệp đấy mà thôi, tức là nó cũng phải hoạt động có lời mà cái lời ấy không chia cho người chủ mà để phục vụ xã hội. Có thể liệt vào đấy các loại không chỉ là doanh nghiệp mà còn là các tổ chức như là trường học, bệnh viện, đều có thể phân vào các loại như thế.”
Nếu mà trong luật doanh nghiệp có đưa ra khái niệm doanh nghiệp xã hội vào thì tôi nghĩ rất là tốt. <br/> - Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Ông Nguyễn Quang Thạch, một nhà hoạt động xã hội thường xuyên cổ vũ sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam, đồng thời ông cũng đã và đang thực hiện chương trình đưa sách về nông thôn nhằm chấn hưng dân trí. Ông nói với chúng tôi:
“Có rất nhiều doanh nghiệp xã hội hoạt động mấy năm nay rồi, chẳng hạn như nhà hàng KoTo của anh Jimmy Phạm Việt kiều ở Úc, hay các nhóm trẻ như nhóm tự lực sống của Công Hùng mất cách đây hai năm, các bạn ấy hoạt động như là doanh nghiệp xã hội bao năm nay rồi. Nay họ đưa ra doanh nghiệp xã hội để chính thức hóa thì tôi nghĩ đó là một bước tiến tốt anh ạ, định danh để tạo ra các cơ chế pháp lý cho các doanh nghiệp xã hội hoạt động giúp giải quyết những vấn đề xã hội.”
Việc giải quyết những vấn đề xã hội như ông Thạch nêu cũng đã được bà Phạm Kiều Oanh nhấn mạnh rằng luật về doanh nghiệp xã hội sẽ tạo điều kiện giải quyết những vấn đề xã hội bằng cơ chế tư nhân. Cũng theo bà Oanh thì hiện các doanh nghiệp xã hội vẫn còn bị các cấp chính quyền nhìn với con mắt nghi ngại. Một trong các nghi ngại ấy là việc lừa đảo , trốn thuế. Khi được hỏi về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Việc như anh vừa nói thì chắc chắn sẽ xảy ra và ở đâu nó cũng xảy ra chứ không riêng gì Việt nam. Cái việc kiểm soát giám sát minh bạch như thế nào đó để cho cái khả năng lạm dụng nó ít đi là một điều rất là cần thiết. Và muốn làm cái điều đó thì không những trong luật doanh nghiệp phải qui định mà cái sự giám sát của toàn xã hội, nhất là báo chí,và bản thân xã hội dân sự là rất quan trọng.”
Luật chồng chéo
Một trong những mảng lớn mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề cập đến trong phần đầu bài viết này là các trường học. Từ khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều trường tư thục, cả bậc phổ thông lẫn đại học, được thành lập. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, người từng là Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia TP HCM, thì hiện các trường tư thục vẫn bị xem là các doanh nghiệp, mặc dù lĩnh vực hoạt động của chúng mang tính xã hội cao. Khi nghe nói có dự thảo về doanh nghiệp xã hội bà nói với chúng tôi:
“Nếu có những doanh nghiệp đặc biệt tạm gọi là doanh nghiệp xã hội và có những lợi ích như thế thì có lẽ đó là trùng với mong muốn của các trường ngoài công lập hay là trường tư.”
Nhưng bà cũng hoài nghi việc áp dụng dự thảo luật doanh nghiệp xã hội cho các trường học:
Có rất nhiều doanh nghiệp xã hội hoạt động mấy năm nay rồi...Nay họ đưa ra doanh nghiệp xã hội để chính thức hóa thì tôi nghĩ đó là một bước tiến tốt anh ạ...<br/> - Ông Nguyễn Quang Thạch<br/> <br/>
“Mặt khác nếu có ra cái luật đó thì nó cũng sẽ vướng luật giáo dục đại học ra đời năm 2012 và được áp dụng từ năm 2013. Trong đó có qui định rõ ràng lợi nhuận và phi lợi nhuận. Nếu phi lợi nhuận thì sẽ không đóng thuế một chút nào hết, nhưng mà nếu là lợi nhuận thì được đối xử như một doanh nghiệp bình thường không có chữ xã hội hay không xã hội gì ở đây cả. Nếu luật doanh nghiệp xã hội ra đời thì nó có áp dụng cho đại học hay không, và nếu áp dụng trong bối cảnh có luật giáo dục đại học thì tôi thấy nó rất rắc rối.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì khái niệm phi lợi nhuận rộng hơn khái niệm doanh nghiệp xã hội. Trong trường hợp các trường đại học tư thục thì sẽ có khả năng sẽ nằm dưới hai bộ luật của hai bộ khác nhau là Bộ kế hoạch và đầu tư và Bộ Giáo dục. Việc các bộ luật chồng chéo lên nhau cũng không phải là hiếm ở Việt nam.
Tuy vậy, theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì nếu luật về doanh nghiệp xã hội ra đời thì cũng là một bước tiến của xã hội dân sự, vì xã hội dân sự không chỉ bao gồm các nhóm có hơi hướng chính trị mà thôi, mà các doanh nghiệp có lý tưởng phục vụ xã hội cũng rất quan trọng.