Luật sư phản đối Thông tư 28 của Bộ Công an

0:00 / 0:00

Thông tư mang số 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự có nội dung chống bức cung, nhục hình…hôm nay 25 tháng 8 bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên sau khi thông tư được ký ban hành, nhiều luật sư lên tiếng văn bản luật này có những vi phạm cần phải chỉnh sửa.

Tiến bộ của Thông tư

Vấn đề điều tra truy đúng thủ phạm nhằm thực thi công lý, xử phạt công tâm những ai gây ra tội ác là yêu cầu trước tiên trong một vụ án. Tuy nhiên tại Việt Nam lâu nay cơ quan điều tra tội phạm luôn bị phê phán đã không làm tròn trách nhiệm. Tình trạng bức cung, mớm cung, sử dụng nhục hình để buộc nhận tội bị báo chí phanh phui thường xuyên, dù rằng những hành động như thế bị cấm theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự tại Việt Nam.

Thông tư 28 ban hành vào ngày 7 tháng 7 năm nay, và có hiệu lực thi hành vào ngày 25 tháng 8 này, được nói để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tổ chức Điều Tra Hình sự, cụ thể hóa những qui định đã có trong luật.

Xây dựng một thông tư mang tính qui phạm pháp luật của một bộ theo qui định trong quá trình dự thảo phải đăng trên trang web của cơ quan Bộ đó trong thời hạn 60 ngày để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến. Đồng thời phải có văn bản gửi cho các bộ, ngành có liên quan

LS.Trần Đình Triển

Những vi phạm, qui định hạn chế hoạt động của luật sư

Trong khi đó luật sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, thì cho rằng thông tư 28 có bốn vấn đề bị cho là sai phạm của văn bản pháp luật này. Ông trình bày:

Đầu tiên người ta phản đối vì việc xây dựng một thông tư mang tính qui phạm pháp luật của một bộ theo qui định trong quá trình dự thảo phải đăng trên trang web của cơ quan Bộ đó trong thời hạn 60 ngày để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến. Đồng thời phải có văn bản gửi cho các bộ, ngành có liên quan.

Thứ hai trong văn bản đó có nhiều nội dung vượt quá qui định thẩm quyền của một thông tư của bộ. Ví dụ, Viện Kiểm sát tham gia tố tụng với tư cách kiểm sát việc xét xử; thế nhưng trong thông tư qui định nếu ý kiến của Viện Kiểm sát mà trái với ý kiến của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra thì điều tra viên thực hiện theo ý kiến của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra. Như vậy theo tôi đây là việc đã hạ quyền của Viện Kiểm sát. Mà trong tố tụng cũng như trong luật của ổ chức kiểm sát là giữ vai trò công tố và vài trò kiểm sát việc điều tra, xét xử.

Đã xẩy ra nhiều vụ công an dùng nhục hình đánh chết nghi phạm (ảnh: gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại tòa)Báo dantri.com.vn
Đã xẩy ra nhiều vụ công an dùng nhục hình đánh chết nghi phạm (ảnh: gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại tòa)Báo dantri.com.vn (Báo dantri.com.vn)

Thứ ba liên quan đến tòa án, khi đã kết thúc điều tra, sang viện kiểm sát đã ra cáo trạng thì trong quá trình điều tra phải thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ. Có những vấn đề gì chuyển hóa chứng cứ phải chuyển hóa trở thành chứng cứ trong hồ sơ để trở thành chứng cứ kết tội hay không kết tội đối với một bị can. Nhưng trong thông tư lại qui định nếu trong trường hợp cần thiết thì cơ quan điều tra có ý kiến với tòa án, rồi tòa án lại gửi giấy mời điều tra viên đến tham dự phiên tòa.

Điều tra viên có quyền đi vào bất cứ trại nào kể cả nơi giam giữ và có thể lập biên bản đối với lãnh đạo trại bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng như thế là trao quyền quá lớn cho điều tra viên mà vừa qua tình trạng bức cung, mớm cung, nhục cung trong nhiều vụ án oan sai từ điều tra viên điều tra

LS.Trần Đình Triển

Và có vấn đề gì thì báo cáo để thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra bàn việc diễn ra. Tôi cho rằng làm như vậy, có những trường hợp bức cung, mớm cung, nhục cung, có điều tra viên ngồi tại phiên tòa, thử hỏi bị can, bị cáo đang bị giam giữ có dám khai ra sự thật hay không? Đây là việc chưa có tiền lệ tố tụng ở đất nước nào cả.

Điều nữa là văn bản dưới trái cấp trên: Pháp lệnh của Quốc hội về công an xã không cho phép công an xã được quyền hỏi cung, lấy lời khai của những người bị bắt trong trường hợp bị bắt quả tang hay có nghi vấn. Bởi vì công an xã là bán chuyên trách, hầu như không có đủ năng lực, trình độ. Do đó việc họ chỉ được làm hồ sơ ban đầu, nếu có vi phạm phải chuyền cho cơ quan điều tra để tiến hành các thủ tục tố tụng.

Nội dung gây phản đối từ giới luật sư đối với Thông tư 28 là điều 38 trong thông tư này; theo đó điều tra viên có quyền ghi âm, ghi hình luật sư khi làm việc với đối tượng đang bị điều tra.

Luật sư Võ An Đôn có ý kiến về điều này:

Cho điều tra viên ghi âm, ghi hình luật sư trong khi hỏi cung bị can, bị cáo có hạn chế ở chỗ nhiều khi điều tra viên đó không muốn cho luật sư tham gia vụ án đó có thể viện lý do này, lý do kia để từ chối luật sư.

Và ý kiến của luật sư Trần Đình Triển:

Luật sư hoạt động trước hết theo Bộ Luật Tố tụng hình sự qui định rất rõ, Luật sư và có Điều lệ Liên đoàn cũng như qui tắc, đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Những điều cấm đã được thể hiện trong pháp luật. Nhưng bây giờ thể chế hóa ra một điều trong Thông tư 28 cho điều tra viên làm những việc mà tôi cho rằng họ có thể xử lý luật sư bất cứ lúc nào. Ngược lại nếu trường hợp điều tra viên vi phạm về mặt tố tụng, luật sư cũng có quyền ghi âm, cũng có quyền chụp ảnh , có quyền lập biên bản. Theo tôi đó phải là quyền bình đẳng trong quá trình tố tụng để tránh oan sai.

Định hướng của Đảng là cải cách tư pháp để hạn chế quyền lực, vừa làm thế nào đấu tranh phòng chống được tội phạm, vừa tránh được oan sai, vừa bảo đảm được sinh mạng chính trị và quyền cơ bản của công dân thì tôi cho rằng việc sửa ( thông tư 28) sớm nay muộn cũng phải sửa

LS.Trần Đình Triển

Đồng thời Thông tư 28 cũng cho phép điều tra viên có quyền lập biên bản khi bị can, bị cáo có liên hệ với người A, B, C; nhưng không giải thích rõ điều này, vậy điều tra viên có quyền đi vào bất cứ trại nào kể cả nơi giam giữ và có thể lập biên bản đối với lãnh đạo trại bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng như thế là trao quyền quá lớn cho điều tra viên mà vừa qua tình trạng bức cung, mớm cung, nhục cung trong nhiều vụ án oan sai từ điều tra viên điều tra.

Lên tiếng

Một số luật sư tại Việt Nam đã lên tiếng về khả năng Thông tư 28 bị lạm dụng để gây trở ngại cho hoạt động tham gia bào chữa của luật sư trong vụ án. Đoàn luật sư Hà Nội lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo về Thông tư 28 hồi trung tuần tháng 8 vừa qua; thế nhưng ngày trước khi hội thảo diễn ra ban quản lý hội trường nơi sự kiện đó sẽ diễn ra thông báo hủy hợp đồng thuê chỗ.

Luật sư Trần Đình Triển, một trong những người tổ chức hội thảo, cho biết:

Đoàn luật sư Việt Nam đã có ý kiến với chủ tịch nước, đồng thời cũng đã mời bên Bộ Công an sang làm việc đưa những ý kiến của giới luật sư mà tôi cho rằng những ý kiến đó rất sâu sắc, rất xác đáng. Nếu chúng ta theo định hướng của Đảng là cải cách tư pháp để hạn chế quyền lực, vừa làm thế nào đấu tranh phòng chống được tội phạm, vừa tránh được oan sai, vừa bảo đảm được sinh mạng chính trị và quyền cơ bản của công dân thì tôi cho rằng việc sửa ( thông tư 28) sớm nay muộn cũng phải sửa.

Có ý kiến cho rằng Thông tư 28 ra đời sau khi Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn nhằm chứng tỏ với thế giới về thực tâm của Việt Nam trong lĩnh vực này; tuy nhiên với những vấn đề được giới luật sư nêu ra thì còn quá nhiều việc cần làm để có thể có được một qui trình tố tụng khách quan, và một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam.