Lê Hiếu Đằng: Một biểu tượng suốt đời tranh đấu

0:00 / 0:00

Trong thời gian 5 năm gần đây tiếng nói của một cán bộ cao cấp từ trong nước trên các đài phát thanh quốc tế đã như một làn gió mới thổi tung sự bưng bít thông tin sau nhiều chục năm cố gắng của Hà Nội, ông là Lê Hiếu Đằng vừa qua đời sau nhiều chục năm liên tục đấu tranh cho công bằng dân chủ và tư do cho Việt Nam.

Mặc Lâm tổng hợp hoạt động của ông qua bạn bè và những chia sẻ ông đã dành cho RFA trong nhiều năm qua.

Thời trai trẻ

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ chí Minh, người từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xử tử hình khiếm diện khi tham gia vào Liên Minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam với chức vụ Phó Tổng thư ký. Lý do ông bị xử tử hình vì tổ chức này là lực lượng thứ ba nằm giữa Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Miền nam do Đảng Cộng sản Việt Nam vận động thành lập.

Tính tới ngày tuyên bố rút ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2013 ông Lê Hiếu Đằng đã có 45 năm là đảng viên Đảng CSVN. Ông là một trong các “lãnh tụ” sinh viên trước đây trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn trước năm 1975, và do đó không ít người cho rằng ông đã tiếp tay cho miền Bắc đánh phá miền Nam.

úc hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên học sinh thì lúc đó tụi tôi ở lứa tuổi thanh niên mà. Anh Lê Hiếu Đằng là người rất nhiệt tình, điểm thứ hai ảnh rất trực tính thấy đúng sai là nói liền

Ông Lê Công Giàu

Ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh một người bạn từ lúc còn là thanh niên với ông cho biết:

-Lúc hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên học sinh thì lúc đó tụi tôi ở lứa tuổi thanh niên mà. Anh Lê Hiếu Đằng là người rất nhiệt tình, điểm thứ hai ảnh rất trực tính thấy đúng sai là nói liền. Thời gian trước 75 giống như tụi tôi trong việc đấu tranh thì ảnh rất quyết liệt và có thể nói rất trung thành với lý tưởng của mình cho dù gặp rất nhiều rất khó khăn ví dụ như bản án tử hình khiếm diện ...khi ảnh nghe tin như vậy ảnh cũng tỉnh queo không có vần đề gì...lứa tuổi thanh niên thời đó nó vậy rất là sôi nổi. Có thể nói tới giờ phút này ảnh đã đi theo con đường của ảnh và giữ vững tới bây giờ đó là giải phóng dân tộc để được độc lập, thứ hai tranh đấu cho xã hội tốt đẹp, một đất nước giàu mạnh văn minh công bằng có dân chủ tự do.

Không những biểu tình chống Mỹ ông còn chống cả Trung Quốc ngay khi đang làm việc trong vai trò Phó Chủ tịch MTTQ. Trong những ngày cả nước sôi nổi với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 7 năm 2012, một lần nữa ông là người luôn đi đầu như ngày xưa đã từng làm bất kể tuổi cao sức yếu.

Anh Lê Hiếu Đằng, lúc 14g30 ngày 22 tháng 1 năm 2014 trong bộ Lê Hiếu Đằng: những tấm ảnh cuối cùng đăng trên bauxite VN
Anh Lê Hiếu Đằng, lúc 14g30 ngày 22 tháng 1 năm 2014 trong bộ Lê Hiếu Đằng: những tấm ảnh cuối cùng đăng trên bauxite VN (bauxite VN)

Nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn Bên Thắng cuộc viết trên trang facebook của ông "nhiều người mới biết ông Lê Hiếu Đằng qua những tuyên bố gần đây nhưng ngay từ đầu thập niên 1990, ông Đằng, với tư cách là một đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã luôn thể hiện sự chính trực của mình. Ông đã giúp các nhà báo tiếp cận với nhiều thông tin bị bưng bít lúc đó, giúp chúng tôi cùng đoàn đại biểu của ban Pháp chế HĐND "sục" vào các trại giam, nơi cho đến năm 1989 vẫn còn rất nhiều những người bị "tạm giữ" từ... năm, bảy năm trước đó. Ông đã sống cuộc đời của một người luôn xả thân cho lý tưởng mà mình tin là đúng"

Ông đã giúp các nhà báo tiếp cận với nhiều thông tin bị bưng bít lúc đó, giúp chúng tôi cùng đoàn đại biểu của ban Pháp chế HĐND "sục" vào các trại giam, nơi cho đến năm 1989 vẫn còn rất nhiều những người bị "tạm giữ" từ... năm, bảy năm trước đó

Nhà báo Huy Đức

Ông Huỳnh Kim Báu, Tổng thư ký Hội Trí thức thành Phố cũng là một người đồng hành với ông từ thời trai trẻ kể lại:

-Sau 75 anh Đằng vẫn tiếp tục ở lại trong bộ máy nhà nước, bộ máy đảng và với vị trí của mình là Phó chủ tịch Mặt trận ảnh đã tiếp tục đấu tranh, dùng cương vị đó để đấu tranh để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của nhân dân. Khi ảnh làm Hội đồng Nhân dân cụ thể là ai bị ức hiếp liên quan đến chính quyền mà ảnh thấy bất công thì trong vị trí Phó chủ tịch ảnh đấu tranh bảo vệ quyền lợi người ta. Cụ thể như cái vụ bệnh viện Bình Dân thì ảnh là người khởi xướng và chủ xị cho cái vụ đó.

Ra khỏi đảng cộng sản

Là luật gia ông là một trong 72 nhân sĩ trí thức ký vào kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Ông kêu gọi thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ Xã hội nhằm đối trọng với nhà nước như một đảng đối lập với chủ trương bất bạo động.

Vào tháng 8 năm 2013, trong bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh", ông đã công khai nói lên việc đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng mà họ từng nêu lên trong thời kỳ đầu thành lập đảng, họ đã phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ. Đây là những lời được xem là mạnh mẽ khuấy động dư luận xã hội trong lúc phong trào xã hội dân sự trỗi lên khắp nơi.

Ông (Lê Hiếu Đằng) đã công khai nói lên việc đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng mà họ từng nêu lên trong thời kỳ đầu thành lập đảng, họ đã phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ

Ông Lê Công Giàu kể về bức thư này:

-Như ảnh đã có viết trong thư tuyên bố thì đảng này nó không còn như hồi trước nữa mà nó đã biến đổi không còn giống như khi ảnh đi theo đảng và vào đảng do đó ảnh ra khỏi đảng. Việc này ảnh có trao đổi với anh em

Những nhận xét của ông Lê Hiếu Đằng về các chính sách của nhà nước đã luôn được người dân quan tâm vì nó trực tiếp mổ xẻ các vấn đề của họ cũng như của đất nước, xã hội và tự do dân chủ của Việt Nam. Về vấn nạn tham nhũng và cách mà đảng cộng sản đối phó theo ông chỉ là làm cho qua và không có kết quả nào. Trong một lần phòng vấn trước đây ông nói với chúng tôi:

-Trong những năm gần đây tệ nạn tham nhũng thật ra đâu phải là trong đảng phát hiện, mà là do báo chí và người dân người ta phát hiện. Điều đó chứng minh rằng những sinh hoạt nội bộ kiểu phê và tự phê không còn hiệu quả nữa mà phải có những biện pháp để lôi ra công luận những việc đó thì Đảng mới chú ý, chứ còn trong nội bộ thì dứt khoát là không.Vai trò hiện nay của báo chí, của các hệ thống thông tin kể cả các mạng internet là rất quan trọng, và đó là cái quyền được thông tin của người dân

Trong những năm gần đây tệ nạn tham nhũng thật ra đâu phải là trong đảng phát hiện, mà là do báo chí và người dân người ta phát hiện. Điều đó chứng minh rằng những sinh hoạt nội bộ kiểu phê và tự phê không còn hiệu quả nữa mà phải có những biện pháp để lôi ra công luận những việc đó

Ông Lê Hiếu Đằng

Vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay nhất vẫn là sở hữu đất đai. Ông chia sẻ những nguyên nhân làm cho xã hội bùng nổ những đơn thư và biểu tình khiếu kiện:

-Với tất cả các nước người ta đều có 3 quyền là sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân về đất đai. Tại sao ở thành phố anh công nhận quyền sở hữu về tư liệu sản xuất như là máy móc, nhà cửa đối với những người công thương, mà ở nông thôn nông dân vốn là người đã hy sinh rất nhiều trong chiến tranh, chịu rất nhiều thiệt thòi mà bây giờ lại không có quyền, một cái quyền hết sức quan trọng và cơ bản, đó là quyền sở hữu về đất đai? Nơi cha ông họ đã dổ mồ hôi nước mắt ra để xây dựng vậy mà bây giờ bổng nhiên trở thành của nhà nước.

Nó sẽ làm cho người dân bất bình, gây nên vấn đề bức xúc cực kỳ cho người dân, làm cho người ta khiếu kiện tụ tập là chuyện đương nhiên. Thái độ hành xử của chính quyền dùng lực lượng công an, quân đội để đàn áp thì lại là một sai lầm nữa. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp lòng dân, nhất là nông dân vốn là những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vừa qua.

Ngày 14 tháng 12 năm 2013 ông Lê Hiếu Đằng lâm vào tình trạng nguy kịch vì di chứng ung thư nhưng đã vượt qua được thần chết. Thế nhưng vào lúc 22 giờ ngày 22 tháng 1 năm 2014 ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 115, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giờ phút cuối trước khi lìa đời ông Lê Hiếu Đằng đã làm gì? Ông Huỳnh Kim Báu kể:

-Giờ phút trước khi lâm chung ảnh dành hết sinh lực của đời người tức là trí tuệ và tâm lực để viết tâm thư gần như một thông điệp gởi lại cho tuổi trẻ, thanh niên sinh viên học sinh Việt Nam. Trong thông điệp đó ảnh kêu gọi thanh niên hãy tiếp tục truyền thống hào hùng của nhân dân tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, hòa bình, tự do và những quyền lợi chính đáng của người dân ví dụ như ruộng đất phải trả quyền sở hữu ruộng đất về cho người nông dân. Ảnh không viết di chúc nhắn nhủ gì cho vợ con hay cho bản thân ảnh, ảnh chỉ viết cái đó thôi.

Vợ ông là bà Giang Thị Hồng cho biết những giây phút cuối của chồng bà:

-Ảnh ra đi từ từ vậy đó chỉ thờ hắt hơi ra rồi đi không đau đớn gì cả. Bây giờ đang trên đường đưa quan tài về chùa Xá Lợi cho đến sáng ngày 26 tây thì di quan đi hỏa thiêu ờ Bình Hưng Hòa còn tro cốt thì đem rải sông. Cái này thiệt ra thì mình không bàn cụ thể với ảnh nhưng có trao đổi với ảnh thì ảnh nói thiêu rồi thì bỏ đi, không có vấn đề gì. Vậy là gia đình biết ảnh chấp nhận như vậy.

Hơn 50 năm tranh đấu trong cả hai chế độ để giành lại dân chủ, tự do và công bằng xã hội đã biến ông thành một tính cách, một biểu tượng không khuất phục cường quyền, bạo lực. Sự ra đi của ông là một mất mát khó thể bù đắp cho tiến trình tranh đấu cho nền dân chủ tại Việt Nam.