Từ bỏ một lý tưởng (phần 1)

0:00 / 0:00

Phần một: Chủ nghĩa cộng sản, ảo tưởng và bi kịch

Ngày 30 tháng tư năm nay đánh dấu 40 năm ngày đảng cộng sản Việt nam nắm quyền thống trị trên toàn bộ nước Việt nam. Dưới chế độ độc đảng, xã hội Việt nam được qui định chỉ có một hệ tư tưởng duy nhất mà thôi đó là chủ nghĩa cộng sản. Song người ta thấy rằng những người không đồng tình với chủ nghĩa này càng đông, đồng thời họ cũng không đồng ý rằng đảng cộng sản Việt nam độc quyền cai trị đất nước.

Những người đầu tiên

Trong chương trình kỷ niệm Ký ức 40 năm, chúng tôi xin điểm lại sự hình thành và phát triển của dòng ý tưởng trái chiều đó ở Việt nam. Bài đầu tiên nói về những người đầu tiên chống lại sự độc quyền tư tưởng.

Vùng lên hỡi những nô lệ ở thế gian

Vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn

…….

Đó là lời ca trong bài Quốc tế ca xuất phát từ phong trào cộng sản quốc tế vào cuối thế kỷ 19, nói lên niềm hy vọng xây dựng một xã hội lý tưởng của loài người. Đó là lý tưởng cộng sản và cốt lõi đấu tranh giai cấp của nó.

Năm 1930 đảng cộng sản Việt nam thành lập và từng bước nắm quyền trên toàn cõi đất nước. Đảng này thiết lập một hệ thống toàn trị với vài triệu đảng viên kiểm soát hết mọi cơ cấu tổ chức trong xã hội, từ cấu trúc cầm quyền tối cao cho đến những chi bộ ở thôn ấp, làng xã.

Nhưng ngay bước đầu tiên cầm quyền của nó, sự không tưởng đã lộ ra với một thực tế đẫm máu của cải cách ruộng đất, về mặt lý thuyết cộng sản là được tiến hành để tạo công bằng xã hội.

Bi Kịch

Ông Nguyễn Minh Cần, một đảng viên cao cấp thời cách mạng tháng tám 1945, nhớ lại:

"Từ sau cuộc cải cách ruộng đất, đầu óc tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi cảm thấy là vì sao một cái đảng nhân danh nhân dân, nhân dân lao động mà lại đi đàn áp, giết chóc, những người lao động, những người nông dân, những người rất là bình thường một cách tàn bạo như vậy. Và cũng từ đó càng ngày tôi càng suy nghĩ hơn, rồi tiếp theo là cái cuộc đấu đá anh chị em trong phong trào Nhân văn giai phẩm, thì tôi thấy một sự bất công rất rõ rệt, nó bắt buộc tôi phải suy nghĩ lại vì sao?"

Từ sau cuộc cải cách ruộng đất, đầu óc tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi cảm thấy là vì sao một cái đảng nhân danh nhân dân, nhân dân lao động mà lại đi đàn áp, giết chóc, những người lao động, những người nông dân, những người rất là bình thường một cách tàn bạo như vậy

Ông Nguyễn Minh Cần

Ông Nguyễn Minh Cần tị nạn ở nước Nga từ những năm 1960, từ bấy đến nay ông không một lần về thăm quê hương, điều đó ông cho là một sự đau khổ và bi kịch.

Bi kịch cũng được một đảng viên cao cấp giấu tên đề cập đến.

"Trước đây có những người yêu nước, có lòng với nhân dân, nhưng không có chổ nào, có một chổ đó thì người ta vào. Cái đảng theo mô hình Lê Nin này nó lợi dụng nhân dân làm công cụ, đánh cắp lòng yêu nước của nhân dân để thực hiện chế độ đảng trị. Tôi thấy đó là một bi kịch."

Việc nhận ra tính bi kịch của chủ nghĩa cộng sản tại Việt nam đến với những số phận khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Mấy mươi năm sau khi ông Nguyễn Minh Cần tị nạn chính trị tại Nga, sau ngày 30/4/1975, người cha của luật sư Lê Công Định, một cán bộ cộng sản cao cấp tại Sài gòn vỡ mộng về thực tại cộng sản. Luật sư Định kể lại:

"Ba tôi là một người cộng sản xuất thân từ miền Nam, có một sự tranh chấp về mặt nội bộ với những đảng viên từ Hà nội vào. Họ là những người đi vào đây với tư thế của những người đi chiếm đóng. Còn ba tôi là một người cộng sản với tư cách của một người đang xây dựng một xã hội mới, một hệ thống mới."

Sau khi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp về, mình thấy rõ hơn về mặt chính trị, là cái hệ thống cộng sản nó vướng những mâu thuẫn rất là căn bản

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Người đảng viên đó bị bắt giam, được thả ra, rồi người ta dự định phục hồi danh dự cho ông với điều kiện ông phải làm bảng kiểm điểm. Ông khước từ và nói rằng công cuộc đi theo đảng của ông đã là một bảng kiểm điểm vĩ đại.

Con đường Đông Âu

Có một con đường đi của những tư tưởng không cộng sản đến Việt nam là từ chính những quốc gia cộng sản từ rất sớm. Nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa vào năm 1967 được sang Tiệp Khắc du học. Gia đình ông là một gia đình tham gia cách mạng cộng sản từ những năm 1930. Tại Tiệp khắc ông chứng kiến mùa xuân Prague 1968, được nghe kể cuộc nổi dậy Hungary 1956, được các bạn đồng học kể cho nghe câu chuyện sinh viên Tiệp tự thiêu phản đối Hồng quân Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc.

"Dù Tiệp Khắc cũ là một xã hội cộng sản đóng nhưng cũng có hở, có phim ảnh, rồi những tờ báo ca ngợi cuộc sống ở Mỹ ở Đức, rồi dần dần tôi thấy phải suy nghĩ lại tư tưởng của mình, phải có ý thức về chính trị."

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người đã có những suy nghĩ về sự bất hợp lý của mô hình cộng sản ngay khi bắt đầu nghiên cứu khoa học tại Việt nam trong những năm 1960, khẳng định được những điều đó sau khi ở Tiệp khắc trở về.

"Sau khi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp về, mình thấy rõ hơn về mặt chính trị, là cái hệ thống cộng sản nó vướng những mâu thuẫn rất là căn bản."

Con đường Sài gòn

30/4/1975, Sài gòn và Việt nam Cộng hòa sụp đổ. Nhưng những giá trị của nó không mất đi, mà tác động ngược lại lên những người đến từ miền Bắc. Vài ngày sau cái ngày lịch sử ấy Tiến sĩ Hà Sĩ Phu vào Sài gòn.

"Đó là một cú chuyển biến rất mạnh. Tức là nhảy vào Sài gòn thì mình thấy nó phát triển, đầy đủ mà trước đây mình không biết. Trước đây miền Bắc tuyên truyền rằng miền Nam đau khổ. Tôi vẫn còn nhớ bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hà rằng

Và không chỉ là vấn đề khoa học, mà khi tôi đi quan hệ ngoài xã hội, tôi thấy con người miền Nam họ sống với lễ giáo phương Đông rất là nền nã, chứ không bị pha tạp, bị hủy hoại như ở miền Bắc

Tiến sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang

Hôm nay em mặt đôi áo mới

Màu áo nâu non hồng tươi

Chúng ta có cơm và áo rồi

Nhưng trong Nam còn đang rối bời

Mong sao rồi đây cơm áo được khắp Bắc Nam cùng vui.

Tôi tưởng miền Nam khổ lắm."

Miền Nam Việt nam cũng gây ấn tượng cho Tiến sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, người từng đi bộ đội Việt minh thời chiến tranh chống thực dân Pháp. Khi tiếp xúc với các đồng nghiệp người miền Nam ông thấy rằng họ là những nhà khoa học thực thụ, và ông còn thấy những điều khác trong lần đầu ông vào miền nam.

"Và không chỉ là vấn đề khoa học, mà khi tôi đi quan hệ ngoài xã hội, tôi thấy con người miền Nam họ sống với lễ giáo phương Đông rất là nền nã, chứ không bị pha tạp, bị hủy hoại như ở miền Bắc."

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những người đầu tiên trong giới khoa học ở miền Bắc sang Mỹ tham dự hội thảo khoa học. Ông nhớ lại:

"Tôi vỡ nhẽ ra rằng những điều tôi được nhồi sọ từ trường phổ thông tới đại học là không đúng. Họ bảo rằng tư bản giãy chết, xã hội tư bản đầy dẫy những xấu xa. Lúc bấy giờ thì trong đoàn có năm người, trong đó có ông Phạm Quốc Tường là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, tôi vỡ nhẽ ra và nói với ông ấy rằng anh ơi đây mới chính là xã hội chủ nghĩa chứ không phải là Liên Xô đâu anh!"

Vào giữa những năm 1980 Tiến sĩ Hà Sĩ Phu công bố bài viết của mình mang tên Dắt tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ, một bài viết chống lại sự áp đặt của tư tưởng cộng sản. Ông bị bắt giam sau đó.

Những bi kịch của những người cộng sản còn có thể kể ra trường hợp ông Bùi Tín, Đại tá cộng sản Việt nam có mặt tại Sài gòn vào ngày 30/4. Sau khi tị nạn chính trị tại Pháp, ông viết Hoa Xuyên Tuyết, để nói lên niềm hy vọng của ông là những đóa hoa bé nhỏ sẽ xuyên thủng bức màn che đậy tư tưởng vô minh của chế độc độc tài.

Một người khác là Thiếu tướng Trần Độ, người từng nói với các sĩ quan Pháp sau trận Điện Biên Phủ rằng binh lính Việt Minh của ông bừng bừng khí thế chiến đấu vì căm thù giai cấp và dân tộc bị áp bức, đã kết thúc cuộc đời với tư cách tội đồ trong tay những người đồng chí cũ.

Trong phần tiếp theo của loạt bài này chúng tôi xin điểm lại sự chuyển biến nhận thức của những người trẻ tuổi hơn, hoặc những người nhận thức trễ hơn về một ý tưởng xã hội khác với cộng sản. Xin mời quí vị theo dõi.