Indonesia có sai khi kết án tù ngư dân Việt Nam?

Indonesia mới đây vừa kết án tù 5 ngư dân Việt Nam vì cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng nước của Indonesia. Tuy nhiên các ngư dân Việt Nam một mực cho rằng mình không vi phạm vùng biển của Indonesia. Vùng đánh bắt cá của các ngư dân Việt Nam được xác định là khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia. Hiện hai nước vẫn đang trong quá trình đàm phán để phân định vùng chống lấn gần quần đảo Natuna. Để tìm hiểu tính pháp lý liên quan đến việc Indonesia phạt tù các ngư dân Việt Nam, đài Á châu Tự do phỏng vấn thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông về vấn đề này. Trước hết nhận định về tính pháp lý trong việc xử tù các ngư dân với khả năng các ngư dân đánh bắt tại vùng chồng lấn, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết:

Hoàng Việt : Đúng là họ đang đánh cá ở vùng chồng lấn. Luật quốc tế quy định về vùng chồng lấn không rõ ràng. Nó phụ thuộc vào các bên tự thỏa thuận với nhau. Trong các điều 74 và 83 của Công ước luật biển 1982 có quy định là khi mà chưa tiến hành được phân định, các bên có nghĩa vụ đàm phán thỏa thuận không gây phương hại và không làm phức tạp thêm tình hình. Nó chỉ nói chung chung như vậy. Luật quốc tế không đưa ra quy định cụ thể mà do các bên tự xử lý. Việt Nam và Indonesia tuy đã phân định được vùng thềm lục địa nhưng chưa phân định được vùng đặc quyền kinh tế và đó là vấn đề xảy ra. Đến bây giờ cái khó nhất là không bên nào xác định được một cách chính thức vị trí đánh bắt ở khúc nào. Đương nhiên ngư dân Việt Nam cho rằng họ đánh bắt ở vùng biển không thuộc Indonesia mà Indonesia thì cho rằng đó là vùng biển của Indonesia. Nên đó là vấn đề rất khó xác định. Còn giả định đó là vùng chồng lấn, nếu trong vùng chồng lấn đó mà nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia thì đương nhiên ngư dân Việt Nam vi phạm, còn nếu không có khả năng là ngư dân Việt Nam không vi phạm. Nhưng chắc ăn nhất thì ngư dân Việt Nam nên đánh bắt ở vùng 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì an toàn hơn.

RFA: Ngay chỗ đầu anh nói là đó là vùng chồng lấn, anh dựa vào thông tin nào xác định là các ngư dân đã đánh bắt cá ở vùng chồng lấn?

Hoàng Việt: Vùng này theo như báo chí đưa thì đó là vùng chồng lấn vì đó là vùng Indonesia và Việt nam chưa giải quyết xong vấn đề phân định nên đó là vùng chồng lấn. Trong Công ước về luật biển có quy định là những vùng biển đối diện và tiếp liền thì sẽ có vùng chồng lấn, thông thường như vậy, khả năng là như vậy. Còn nếu ngư dân đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Indonesia đã không có cơ sở nào để làm được điều này.

Nói tóm lại là hai bên đều đồng ý phân định nhưng lập trường để phân định tức là căn cứ đưa ra để phân định thì hai bên vẫn chưa có đồng thuận với nhau.- Thạc sĩ Hoàng Việt

RFA: Hiện tại ở vùng đó thì Việt Nam và Indonesia đã đàm phán rất nhiều lần, theo anh khó khăn lớn nhất nào giữa Indonesia và Việt Nam trong việc phân định vùng đó.

Hoàng Việt: theo tôi biết đến bây giờ hai quốc gia đã đến vòng thứ 8 để đàm phán phân định. Cái khó nhất là chọn đường phân định bằng biển nào, lấy đường nào làm ranh rới phân định. Việt Nam muốn căn cứ đường sử dụng cho thềm lục địa kéo thẳng lên cho vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng Indonesia không chịu. Indonesia cho rằng với đặc trưng địa lý của Indonesia và Indonesia là một quốc gia quần đảo thì có lẽ là Indonesia muốn tìm một lợi ích khác lớn hơn. Nói tóm lại là hai bên đều đồng ý phân định nhưng lập trường để phân định tức là căn cứ đưa ra để phân định thì hai bên vẫn chưa có đồng thuận với nhau.

RFA : theo anh việc Indonsia kết án ngư dân Việt Nam như vậy, điều này nói lên cái gì, thưa anh?

Hoàng Việt: Bà Bộ trưởng về ngư nghiệp của Indonesia có chính sách là kiên quyết bảo vệ ngư trường của Indonesia. Chúng ta đã biết là với sự phát triển của các đội tàu trên rất nhiều quốc gia và nhu cầu thủy hải sản càng ngày càng tăng dẫn đến tình trạng đánh bắt càng ngày càng lớn và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản. Chính vì vậy mỗi quốc gia đều tìm cách bảo vệ nguồn hải sản của mình. Indonesia kiên quyết muốn bảo vệ nguồn của họ và họ làm những việc ngăn chặn và kiên quyết với các tàu cá họ cho rằng vi phạm. Chính sách này không phải là bây giờ mà từ mấy năm trước. Trước đây thì họ còn sử dụng chính sách cứng rắn là đánh chìm tàu. Đó là điều tất yếu thôi vì mỗi quốc gia phải dựa trên luật quốc tế và bảo vệ nguồn cá nằm trong vùng mà họ được hưởng quyền tài phán và quyền chủ quyền. Tuy nhiên cái khó nhất vẫn là xác định như thế nào vì biên giới trên biển rất khó xác định. Thứ hai là chạy theo luồng cá. Chẳng hạn luồng cá đang bơi mà tàu cá chạy theo mà bảo dừng lại vì bên kia là vùng biển của Indonesia rồi thì cũng rất là khó. Cho nên xu thế là hai quốc gia Việt nam và Indonesia phải ngồi lại với nhau để nếu chưa phân định được vùng đặc quyền kinh tế thì cũng đưa ra được thỏa thuận chung về khai thác cá. Tôi biết trong năm 2010, hai bên cũng đã có được một bản ghi nhớ về việc này và nó đã hết hiệu lực vào năm 2015 và điều này cũng phải xúc tiến trong thời gian tới. Nếu Việt Nam muốn phát triển về hải sản thì Việt Nam cũng phải có kế hoạch phát triển và bảo vệ nguồn cá của mình. Việt Nam cũng phải có chính sách đàm phán với các quốc gia khác để tạo ra các vùng đánh cá an toàn cho ngư dân. Thứ hai cũng đảm bảo việc đánh bắt không hủy diệt để bảo vệ nguồn cá.

RFA: Xin cảm ơn anh