Gia tăng cách biệt về tuổi thọ phụ nữ giữa nước giàu và nghèo

0:00 / 0:00

Một báo cáo mới được công bố vào hồi đầu tháng 9 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tuổi thọ của phụ nữ từ 50 trở lên trên toàn thế giới đã tăng lên so với 30 năm về trước. Tuy nhiên cách biệt về tuổi thọ của phụ nữ giữa các nước nghèo và nước giàu cũng gia tăng. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này? Việt Hà phỏng vấn bác sĩ John Beard, Giám đốc phòng tuổi thọ của WHO.

Nguyên nhân

Việt Hà: Thưa bác sĩ, báo cáo mới đây của WHO cho thấy tuổi thọ của phụ nữ từ 50 tuổi trở lên đã gia tăng. Đâu là nhân tố chính dẫn đến kết quả này?

BS. John Beard: Tôi nghĩ điều chúng ta nhìn thấy trên toàn cầu là phụ nữ lớn tuổi ngày nay đang sống lâu hơn, nhưng khiêm tốn hơn ở các nước nghèo nếu so với các nước phát triển. Nguyên nhân chính khiến phụ nữ lớn tuổi ngày nay sống lâu hơn là vì những cải thiện trong việc tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, và nhất là sự thay đổi trong cách sống, đặc biệt là giảm hút thuốc. Về sự cách biệt về tuổi thọ, từ trước đến nay luôn luôn có sự cách biệt giữa nước giàu và nước nghèo. Người già ở các nước phát triển thường sống lâu hơn so với người già ở các nước nghèo.

Việt Hà: Vậy nguyên nhân vì sao lại có sự cách biệt gia tăng này?

BS. John Beard: Tôi nghĩ lý do khiến các nước nghèo không có tuổi thọ cao như các nước giàu vì một phần là do việc tiếp cận với dịch vụ y tế. Ví dụ một người bị phát hiện có ung thư vú và cần phải được điều trị thì việc điều trị ở nước nghèo không tốt như ở nước giàu. Ngoài ra cũng có lý do về thói quen, ví dụ như thói quen hút thuốc ở các nước nghèo.

Ở nước giàu chúng ta thấy có nhiều biện pháp ảnh hưởng đến thói quen này như cấm hút thuốc tại các nơi công cộng…Chúng ta cần phân biệt các nước giàu, nghèo và nước có thu nhập trung bình. Ở các nước nghèo, chúng ta vẫn thấy phụ nữ và em gái tử vong, họ có thể bị tử vong khi sinh nở, và những rủi ro khác trong cuộc sống. Trong khi đó ở các nước giàu phụ nữ sống lâu hơn và thường chết vì các bệnh không lây nhiễm như tim mạch và tiểu đường.

Tôi nghĩ lý do khiến các nước nghèo không có tuổi thọ cao như các nước giàu vì một phần là do việc tiếp cận với dịch vụ y tế.<br/> - Bs. John Beard

Các nước có thu nhập trung bình bị nằm kẹt giữa hai xu hướng. Ví dụ như Trung Quốc, chúng ta vẫn thấy tỷ lệ tử vong cao ở độ tuổi trẻ, trong khi đó chúng ta cũng thấy xu hướng tử vong sau này với các bệnh không lây nhiễm giống như ở các nước giàu nhưng khác là họ chết trẻ hơn so với phụ nữ ở các nước giàu. Vì thế các nước có thu nhập trung bình chịu hậu quả của cả hai xu hướng giàu và nghèo.

Ở các nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ phụ nữ chết ở tuổi còn nhỏ vẫn còn cao, nhưng thêm vào đó là họ có tỷ lệ người chết vì các bệnh kinh niên khi lớn tuổi hơn. Lý do một phần là vì mặc dù họ có các dịch vụ y tế nhưng không đủ để đáp ứng, trong khi đó các thói quen gây tác hại cho sức khỏe như hút thuốc và một số thói quen khác vẫn tiếp tục được duy trì.

Việt Hà: Vậy vấn đề chính tại các nước nghèo hiện này là gì trong việc đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của phụ nữ từ 50 trở lên?

BS. John Beard: Điều mà chúng tôi nói là cho tới lúc này, ở những nước nghèo chúng ta thường nhìn vào người phụ nữ dưới góc độ sinh nở. Chúng ta chú ý đến sức khỏe của họ chủ yếu là để đảm bảo họ sống sót sau sinh đẻ. Nhưng khi phụ nữ sinh đẻ nhiều hơn, chúng ta còn phải chú ý đến những vấn đề tiếp theo sau đó. Tại các nước nghèo, chúng ta vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này. Chúng ta cần các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe phụ nữ không chỉ riêng về vấn đề sinh sản. Nếu chúng ta không làm điều này thì rất nhiều phụ nữ sẽ có thể bị ung thư vú, tiểu đường và tim mạch mà không có dịch vụ y tế đủ để chăm sóc sức khỏe cho họ. Hậu quả là khoảng cách giữa nước giàu và nghèo tiếp tục gia tăng.

Giải pháp cho nước nghèo

Phụ nữ Afghanistan, ảnh minh họa. AFP photo
Phụ nữ Afghanistan, ảnh minh họa. AFP photo (Phụ nữ Afghanistan, ảnh minh họa. AFP photo)

Việt Hà: Theo báo cáo mới, tuổi thọ của phụ nữ từ 50 trở lên ở những nước nào được cho là gia tăng đáng kể nhất và nước nào còn thấp?

BS. John Beard: Tôi biết ở Nhật bản, nước có người dân sống lâu nhất thế giới, phụ nữ từ 50 trở lên, có thể sống thêm 38 năm nữa đến 88 tuổi. Nếu nhìn vào Nam Phi, một phụ nữ 50 tuổi có thể sống thêm đến 74 tuổi, tức là sự chênh lệch là trên 10 năm. Ở các nước khác, phụ nữ ở độ tuổi 50 có thể sống thêm khoảng 27 năm, đó là mức trung bình trên toàn thế giới. Đây là một tin tốt nhưng điều mà chúng ta cần làm là đảm bảo trong tương lai không có sự gia tăng cách biệt về tuổi thọ giữa nước giàu và nước nghèo.

Khoảng 30 năm về trước, phụ nữ 50 tuổi có thể sống thêm được khoảng 25 năm nữa, tức là bây giờ tuổi thọ của họ đã tăng thêm được khoảng 2 năm. Nhưng ở các nước như Nhật bản thì mức gia tăng lớn hơn so với trung bình của thế giới, còn ở các nước như Trung Quốc thì con số cũng gần với mức trung bình của thế giới, tức là tăng khoảng 2 đến 3 năm. Nhật bản tốt hơn so với liên bang Nga và Nam Phi, nhất là ở Nam phi nơi có dịch HIV/AIDS.

Việt Hà: Ở những nước nghèo và đang phát triển, chính phủ có thể nói là họ thiếu nguồn lực hay tiền để có thể đầu tư một lúc vào nhiều lĩnh vực, họ có rất nhiều cái phải ưu tiên. Theo ông thì WHO có thể làm gì giúp các nước này trong việc tìm cách đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của phụ nữ từ 50 trở lên?

<br/>Điều mà chúng ta cần làm là thay vì chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó, chúng ta cần giúp các nước phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện đề cập đến một loạt các rủi ro về sức khỏe trong toàn bộ cuộc đời. <br/> - Dr. John Beard<br/> <br/>

Bs. John Beard: Theo tôi điều mà chúng ta cần làm là thay vì chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó như tỷ lệ tử vong sau sinh, và các bệnh lây nhiễm, chúng ta còn cần giúp các nước phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện đề cập đến một loạt các rủi ro về sức khỏe trong toàn bộ cuộc đời. Người ta có thể tranh cãi là bạn cần phải lựa chọn giữa trẻ em và người lớn tuổi hay giữa người mẹ và người phụ nữ có ung thư vú.

Chúng tôi lập luận bây giờ không phải là lựa chọn giữa trắng và đen mà là cả một hệ thống đáp ứng tất cả các vấn đề thay vì chỉ một vài bệnh, vì nếu chỉ là một vài bệnh thì sẽ không đủ. Và chúng ta sẽ nhìn thấy hiệu quả của cách tiếp cận rộng lớn hơn vì chi phí không hẳn đã là quá lớn. Tôi cũng muốn chỉ ra rằng nhiều nước mà chúng ta thường coi là nghèo, giờ đây đã chuyển lên thành nước có thu nhập trung bình và đang đạt tới mức mà GDP của họ cũng tương đương như khi nước anh đưa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc trước kia.

Trung Quốc bây giờ có thu nhập còn nhiều hơn Anh quốc khi Anh đưa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc. Indonesia bây giờ cũng có thu nhập lớn hơn Mỹ khi Mỹ đưa và hệ thống an sinh. Như vậy là các nước trên thế giới lúc này đã đến một điểm để họ có thể xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn bộ, dựa vào những ví dụ trong quá khứ. Điều mà họ cần làm là thay đổi cách nghĩ.

Việt Hà: Các nước nghèo và đang phát triển có thể học được gì từ bài học của các nước nơi phụ nữ từ 50 trở lên có tuổi thọ cao hơn, như Nhật Bản chẳng hạn?

Bs. John Beard: Chúng ta cần phải bỏ đi những định kiến. Trước mọi người thường nghĩ phụ nữ sống lớn tuổi quá thường là gánh nặng. Tất cả mọi người đều muốn sống lâu. Khi người phụ nữ sống lâu thì đó là dấu hiệu phát triển của xã hội. Họ có thể là người chăm sóc những người khác trong xã hội, là những người có kinh nghiệm, hiểu biết để những người khác tìm đến xin ý kiến, và họ có thể tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, ngay cả ở Nam phi. Cho nên trước hết chúng ta cần phải xây dựng nhận thức người lớn tuổi là dấu hiệu tốt không phải là dấu hiệu xấu. Chúng ta cần phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho họ vì khi có sức khỏe tốt họ cũng có thể làm không kém những phụ nữ trẻ tuổi. Chỉ khi họ không có sức khỏe thì mới có nhiều khó khăn. Với các nước như Việt Nam, China, điều thường xảy ra ở các nước đang có nền kinh tế phát triển là tỷ lệ tử vong ở trẻ và mẹ giảm. Các nước này sẽ có sự gia tăng những người ở độ tuổi lao động. Đó là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Người ta ước tính đến 30% của sự bùng nổ kinh tế trong một thập kỷ qua ở châu Á là do kết quả của sự đóng góp của những người vào độ tuổi lao động. Nhưng họ cũng sẽ già và chúng ta có 20 năm để chuẩn bị cho điều này. Các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn độ đều đang trong giai đoạn cần phải đầu tư vào hệ thống y tế vào lúc này. Họ có thể đưa rá các chính sách hạn chế hút thuốc, kiểm soát về huyết áp. Đó là những chính sách không tốn nhiều tiền nhưng nếu họ không làm bây giờ thì hậu quả sau này là rất nặng nề.

Việt Hà: Xin cảm ơn bác sĩ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa