Vì sao tranh chấp đất đai kéo dài?

Sau 37 năm kể từ tháng Tư năm 1975, “đại nạn đất đai” xem chừng như ngày càng trầm trọng.

0:00 / 0:00

Nói theo lời nhà văn Võ Thị Hảo, “bom nổ ở Tiên Lãng, Hải Phòng chưa dứt thì gạch đá, khói lửa, máu đổ ở Văn Giang, Hưng Yên đã dâng lên” – và còn rất nhiều vụ nữa ở “phần chìm của tảng băng nổi”. Tại sao những thảm cảnh đất đai như vậy tiếp diễn?

Luật đất đai không rõ ràng

Hồi tháng Hai năm nay, cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ David Brown từng giữ nhiều chức vụ khác nhau ở Á Châu và có quan hệ khá đặc biệt với VN đã lưu ý tới luật đất đai vốn gây nhiều tranh cãi của VN, cho biết những khảo sát mới đây xác nhận quan điểm chung rằng tính cách mập mờ trong luật đất đai hiện hành, tình trạng thiếu minh bạch về thủ tục hành chính cùng lợi lộc mang lại nhanh chóng cho giới quyền thế khi cưỡng chế đất nông nghiệp rồi biến thành mục tiêu sử dụng khác là nguyên nhân chính của tệ nạn tham nhũng của các quan chức; và 90% vụ kiện cáo ra toà có liên quan vấn đề đất đai.

Hồi đầu năm nay, Đại sứ Đan Mạch tại VN John Nielsen cũng lưu ý rằng nạn tham nhũng liên quan đất đai hiện là thách thức nghiêm trọng cho VN.

Ký giả Ben Bland của tờ Fiancial Times ở Anh Quốc cũng nhận thấy vấn nạn đất đai tiếp diễn triền miên trên khắp VN là do luật sở hữu đất đai không rõ ràng, khiến ngày càng gây nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong xã hội; và rắc rối liên quan đất đai có vai trò chủ chốt trong quốc nạn tham nhũng ở VN.
Lên tiếng mới đây với Đài ÁCTD, LS Trần Đình Triển đề cập tới vấn đề này:

Người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được.

Một nông dân

"Tôi cho rằng Quốc hội cần phải xem xét lại Luật đất đai chứ nếu như thế này thì tình trạng phân hóa người giàu kẻ nghèo và chính trong lĩnh vực đất đai là nơi chứa nhiều yếu tố tham nhũng nhất."

Nhưng nếu đi tìm nguyên nhân cụ thể gây cảnh nhiễu nhương nói chung về đất đai hiện giờ khiến mới đây tạo nên biến cố Tiên Lãng, biến cố Văn Giang vốn chỉ là mặt nổi của tảng băng có phần chìm là vô số những vụ tranh chấp đất đai khác tiếp diễn trong nước qua mấy thập niên nay, thì “thủ phạm” chính hẳn là “sở hữu toàn dân’ trong Luật Đất Đai VN. Luật này khiến trước hết một nông dân phản ứng:

"Người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được."

Còn giới trí thức, chuyên gia thì sao ? Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, thì sự không rõ ràng về quyền sở hữu đất đai là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai; chính vì quy định “sở hữu toàn dân” nên nhà nước mới cho là có quyền thu hồi.

Qua bài tựa đề “đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật”, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học hàng đầu của VN, lưu ý rằng “ Lý do mấu chốt nhất là khái niệm ‘ đất đai thuộc sở hữu toàn dân’, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái ‘toàn dân’ ấy”.

TS Hà Sĩ Phu đề cập tới “Hãi hùng sở hữu toàn dân”, nêu lên câu hỏi rằng tại sao VN vẫn chủ trương “toàn dân hoá” sở hữu đất đai khi đảng CS đã chuyển sang chiến lược “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ? Tác giả nói thêm rằng chính cơ chế “ đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là ‘sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt mọi đám ‘cướp ngày’ ”, “là điều béo bở cho các quan nhưng là nỗi hãi hùng cho dân, nó biến cái CHUNG mạo danh Nhân dân thành cái RIÊNG của các quan, sở hữu ‘toàn dân’ biến thành sở hữu ‘toàn quan’ ”.

Nỗi đau của toàn xã hội

2012-04-20-09.16-250.jpg
Người dân Văn Giang biểu tình phản đối trưng thu đất. Photo courtesy of nguyenxuandien's blog (Người dân Văn Giang biểu tình phản đối trưng thu đất. Photo courtesy of nguyenxuandien's blog)

LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội kêu gọi giới cầm quyền VN hãy trả lại “quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm” cho người dân, đó là quyền sở hữu đất đai, và ông nhân tiện lưu ý rằng "Sở hữu toàn dân này bây giờ lại thuộc về sở hữu của một nhóm người có chức, có quyền ở trong chế độ này, từ địa phương tới trung ương... là nguyên nhân sâu xa của một chế độ tham nhũng tràn lan, kéo dài, không ngăn cản được".

Qua bài “Vấn đề nông dân VN đầu thế kỷ 21”, nhà báo Nguyễn Minh Cần, hiện cư ngụ tại Mascơva và từng là Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, không quên đề cập tới công lao vô lường từ nghìn xưa đến nay của người nông dân VN vốn chiếm trên 70% dân số cả nước đã nuôi sống cả dân tộc Việt và giúp VN trở thành nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng, từ trước đến nay, nông dân nước ta đã bị giới cầm quyền “ngược đãi, đối xử rất tàn tệ và, kể từ năm 1930 cho đến nay, họ luôn luôn là đối tượng của cái chính trị bị lừa bịp của đảng”. Sự lừa đó là gì ? Nhà báo Nguyễn Minh Cần cho biết:

“Quả lừa đầu tiên là cái khẩu hiệu “người cày có ruộng” mà Đảng đưa ra ngay khi mới ra đời, làm “bùi tai nông dân”, nhưng thực tế lại “quá phũ phàng” cho giới tay lấm chân bùn.

Quả lừa tiếp theo của đảng là “phát động cải cách ruộng đất” nhằm mục tiêu gọi là “tiêu diệt giai cấp địa chủ, tước đoạt ruộng đất của giai cấp này chia cho dân cày, trước nhất là bần cố nông”; nhưng thực chất, theo nhà báo Nguyễn Minh Cần, đó là một cuộc thảm sát có “tính diệt chủng” cùng nhiều hậu quả nguy hại khác ở nông thôn, từ việc phá vỡ truyền thống tốt đẹp, hiếu hoà, thương yêu, đùm bọc nhau của nông dân; phá hoại luân thường đạo lý mở đường cho lối sống giả dối, vô nhân, đạo đức băng hoại, cho tới việc phá huỷ cuộc sống tâm linh cùng chùa chiền, nhà thờ, những nơi thờ tự…"

Khẩu hiệu “người cày có ruộng” mà Đảng đưa ra ngay khi mới ra đời, làm “bùi tai nông dân”, nhưng thực tế lại “quá phũ phàng” cho giới tay lấm chân bùn.

Nhà báo Nguyễn Minh Cần

Và, nhà báo Nguyễn Minh Cần nhấn mạnh rằng quả lừa thứ ba này rất “vĩ đại”, đó là thông qua con đường hiến pháp, đảng đã chuyển quyền tư hữu đất đai của nông dân nói riêng và nhân dân nói chung sang cái gọi là “sở hữu toàn dân, mở đường để “đảng hữu hoá” ruộng đất của nông dân và nhân dân, dẫn tới “chuyện dài dân oan” trong hơn 3 thập niên nay – và thảm kịch ấy vẫn còn tiếp diễn, mà nổi bật nhất mới đây là biến cố Tiên Lãng và biến cố Văn Giang.

Tóm lại, theo nhà báo Nguyễn Minh Cần, suốt mấy chục năm nay, bi kịch người dân Việt bị cưỡng chiếm, tước đoạt ruộng đất đã trở thành “nỗi đau nhức nhối” của xã hội VN khiến biết bao dân oan và những người bênh vực cho dân oan đã và đang phải ngồi “rục xác trong tù”.

Opens in new window

Video: Việt Nam tuần qua 04-05-2012Opens in new window ]

Theo dòng thời sự: