Với thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho các mặt hàng túi nilon, đối tượng chịu thuế này phải chịu mức thu từ 30,000 – 50,000 đồng/kg. Mục đích của việc đánh thuế nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi nilon, thế nhưng, do sự tiện dụng, rẻ tiền của những chiếc túi có giá thành trung bình chỉ khoảng 200 đồng, khiến cho đại đa số cả người bán lẫn người mua hàng vẫn không hề giảm bớt việc sử dụng.
Mức tiêu thụ không giảm
Theo báo chí và các phóng sự trong nước cho thấy, mức tiêu thụ túi nilon trong việc mua bán tại các chợ và hàng quán vẫn không thay đổi. Mặc dù, đó chỉ là những gì diễn ra với các tiểu thương nhỏ lẻ, tuy nhiên, xét về mặt toàn xã hội, từ ngành công nghiệp sản xuất nhựa, cho tới các nhà phân phối sử dụng túi nilon để bảo quản hàng hóa thì câu chuyện về chiếc túi nilon không còn là chuyện nhỏ.
Theo thông tin ghi nhận từ cơ quan môi trường, mỗi người Việt Nam trung bình 1 năm sử dụng ít nhất 35 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa và mỗi ngày Việt Nam xả vào môi trường rác nhựa lên tới 2,500 tấn. Túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, có nguồn gốc từ xăng dầu, khi thải vào môi trường, phải mất hàng chục đến hàng trăm năm mới phân hủy được hoàn toàn. Vì vậy, đánh thuế nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon là cần thiết.
Rắc rối
Thế nhưng, những văn bản pháp lý áp thuế lại đang gây ra nhiều bất cập đối với ngành nhựa Việt Nam - một ngành công nghiệp tạo ra việc làm cho hơn 200,000 lao động, và đóng góp gần 8 tỷ đô la vào GDP Việt Nam năm qua. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết các doanh nghiệp sản xuất nhựa và bao bì nilon đang gặp nhiều rắc rối vì các thông tư hướng dẫn, vị này nói:
“Hơn một tháng qua, thị trường nhựa Việt Nam hết sức hỗn loạn, vì khi thuế ban hành họ chỉ nói là đánh vào túi xốp thôi, PE là túi mình đi siêu thị. Tinh thần của luật là như vậy nhưng khi nghị định ban hành, thì người ta nêu ra là cả túi màng mỏng, có nguồn gốc từ HDPE, LDPE là bị đánh thuế, trừ bao bì đóng sẵn hàng hóa và túi thân thiện với môi trường.
Rồi sau đó là thông tư hướng dẫn cũng không rõ ràng và chi tiết, nên các doanh nghiệp rất hiểu lầm và cơ quan thuế cũng hiểu nhầm. Bây giờ không chỉ các doanh nghiệp sản xuất các loại túi xốp cho các bà đi chợ bị đánh thuế, mà hầu hết tất cả các mặt hàng có nguồn gốc từ PE là đều bị đánh thuế.”
Bây giờ không chỉ các doanh nghiệp sản xuất các loại túi xốp cho các bà đi chợ bị đánh thuế, mà hầu hết tất cả các mặt hàng có nguồn gốc từ PE là đều bị đánh thuế.
Một đại diện của Hiệp hội Nhựa VN
Theo vị này giải thích, thì một hệ lụy lớn của thuế đánh vào túi nilon PE là nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ quay sang nhập khẩu bao bì nilon đóng gói từ các nước ASEAN để họ tránh phải trả thêm mức thuế mới này. Vì theo luật thuế áp dụng, chỉ các mặt hàng nilon sản xuất trong nước là chịu thuế, còn nilon nhập khẩu thì miễn thuế hoàn toàn. Do vậy, chính sự bất cập này sẽ khiến ngành nhựa Việt Nam gặp nhiều xáo trộn và thua thiệt, đại diện của Hiệp hội Nhựa cho biết tiếp:
“Hiện tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, từ trước đến nay, người ta mua bao bì đó tại Việt Nam rồi đóng hàng xuất khẩu đi nước ngoài, hiện tại những doanh nghiệp này đều phải chịu thuế thêm 40,000 đồng/ký, trong khi người ta nhập khẩu những bao bì đó từ nước ngoài về Việt Nam, trong ASEAN thôi, thì người ta chịu thuế 0%.”
Ngoài ra, đại diện Hiệp Hội Nhựa còn cho biết thêm, với mặt hàng sử dụng đến nhiều túi nilon để bảo quản và phân phối là ngành thủy sản đông lạnh, cần có đến 5 lớp nilon khác nhau, trong đó có nhóm nilon PE, thì biểu thuế mới áp dụng càng khiến phức tạp thêm chi phí bao bì cho mặt hàng này.
Đánh thuế người mua
Mặc dù khâu phân phối và bán hàng sử dụng túi nilon đang gặp khó khăn như vậy, nhưng xét ở chiều ngược lại, từ phía người tiêu dùng, thì xem ra thuế nilon lại không gây ảnh hưởng gì, vì toàn bộ chi phí này, phía người bán đã chịu. Mục đích chính là giảm việc tiêu thụ túi nilon xem chừng chưa có tác dụng. Ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung Tâm Ứng dụng Biến Đổi Khí hậu nhận xét:
“Mức thuế còn rất nhỏ nên người bán sẵn sàng chấp nhận bao cho người mua luôn thuế đó, thành ra, người tiêu dùng không có cảm nhận vì không bị động chạm gì, nên ý thức của người ta không hề nâng lên. Cho nên tôi cho rằng việc đánh thuế từ 1/1 vừa rồi chưa có tác động mong muốn.”
Quan điểm của chúng tôi là tác động ở khâu tiêu dùng trước, khâu sản xuất sau thì như thế mới có tác dụng bởi vì dưới sức ép của người tiêu dùng thì nhà sản xuất mới thay đổi.
Ô. Vũ Trung Kiên
Theo quan điểm của ông Kiên, thì để biện pháp thuế hiệu quả hạn chế người tiêu dùng sử dụng túi nilon là phải làm sao chuyển dần gánh nặng thuế đó sang phía người tiêu dùng. Đồng thời, ông Kiên cũng cho rằng quan điểm của phía bảo vệ môi trường là làm sao tác động được đến người tiêu dùng trước, vì chính những người tiêu dùng mới là những người quyết định trực tiếp đến khối lượng sử dụng bao túi nilon.
“Quan điểm của chúng tôi là tác động ở khâu tiêu dùng trước, khâu sản xuất sau thì như thế mới có tác dụng bởi vì dưới sức ép của người tiêu dùng thì nhà sản xuất mới thay đổi. Nếu chúng ta tác động từ người sản xuất thì rất khó để người tiêu dùng thay đổi và hiệu quả rất thấp.”
Ở các nước phương Tây và Hoa Kỳ, khi muốn giảm thiểu việc sử dụng một mặt hàng nào đó thì người ta trực tiếp đánh thuế vào chính mặt hàng đó. Thí dụ, tại Hoa Kỳ cũng có thuế rác thải nilon, nhưng người ta đánh trực tiếp vào người mua, khi mua hàng phải trả thêm một khoản tiền nhất định, nếu muốn có túi đựng nilon. Trong khi tại Việt Nam, thì việc áp dụng thuế lại đánh theo chiều ngược lại, tức là đánh vào nhà sản xuất và người bán hàng, trong khi đối tượng chính là người tiêu dùng lại không hề bị đụng chạm.
Ý thức người dân
Ở góc độ khác, vì sao cho đến giờ này, người tiêu dùng vẫn dửng dưng với hành vi sử dụng túi nilon. Câu trả lời có thể thấy ngay là Việt Nam chưa có một giải pháp thay thế hiệu quả và ít tốn kém cho mặt hàng này. Quay lại với ông Vũ Trung Kiên, ông cho biết, hiện nay, Trung tâm của ông đang khuyến khích người dân sử dụng túi sinh thái, là loại túi không thấm nước, có thể tái sử dụng được nhiều lần và tự hủy được trong một thời gian ngắn.
Có thể nhận thấy, việc đánh thuế đối với các sản phẩm túi nilon nhằm định hướng người tiêu dùng sang các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường là hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có tiêu chí và đối tượng chịu thuế rõ ràng để việc đánh thuế này không gây tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nhựa đang hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam cũng phải có các biện pháp tuyên truyền đi kèm để người tiêu dùng nhận thức được sản phẩm thay thế và thân thiện với môi trường. Bởi nếu, dù có đánh thuế cao mà người dân không ý thức được vấn đề môi trường, thì những quy định mới vừa gây thiệt hại kinh tế lại vừa không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo dòng thời sự:
- Các công ty sản xuất túi ny-lông gặp khó khăn với mức thuế mới
- Chiến dịch "Ngày không túi nylon"
- Luật thuế môi trường cần quy định rõ các đối tượng chịu thuế
- Việt Nam phản đối Hoa Kỳ khởi kiện chống trợ cấp mặt hàng túi đựng hàng bán lẻ
- Bảo vệ môi trường: thay thế túi nylon bằng loại túi nhựa tự hủy
- Cảnh báo rác thải tràn ngập nông thôn
- Hoa hậu Trái Đất 2010: hãy chung tay cứu Mẹ Thiên Nhiên