Phong tục
Phong tục lì xì đã có từ lâu tại Việt Nam trong những ngày Tết nguyên đán. Tại miền Bắc người ta thường không dùng từ lì xì mà là mừng tuổi. Đây là một phong tục mang tính chất gia đình, khi mà vào ngày đầu năm mới người lớn trong gia đình tặng cho trẻ em những phong bì nhỏ, thường là màu đỏ, đổi lại những lời chúc thọ, sống lâu trăm tuổi.
Như vậy tên gọi mừng tuổi là đúng theo tính chất của phong tục này. Thế còn từ lì xì có nghĩa là gì theo cách dùng trong miền Nam? Có nhiều người tin rằng đây là ảnh hưởng của âm sắc tiếng Hoa của người Quảng Đông, vốn sống đông đúc và phồn thịnh trong các đô thị ở miền Nam Việt Nam. Một người Hoa gốc Quảng Đông giải thích Lì Xì có nghĩa là Lợi Sự, viết theo âm Hán Việt:
“Có nghĩa là người ta cho cái lợi, mọi sự đều có lợi, tức là người ta mong điều đó cho mình.”
Anh cũng nói thêm là bên Trung quốc, từ này thông dụng ở miền Nam, nơi cư dân dùng tiếng Quảng Đông. Còn ở phía Bắc Trung Quốc người ta dùng chữ Hong Pao, tức là cái phong bì màu đỏ. Từ Hong Pao đã được nhiều người nước ngoài sử dụng để chỉ phong tục này.
Người ta lợi dụng dịp Tết, thậm chí dịp lễ nữa, để người ta tham nhũng trá hình.<br/>-Ông Nguyễn Sự
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, sống tại Sài Gòn kể lại cảm giác bồi hồi của anh khi được những phong bì lì xì đầu tiên, của những ngày tháng xa xưa:
“Khi mà mọi thứ không tha hóa như hôm nay, thì chắc ai cũng nhớ những ngày tháng đầu năm của năm mới, khi chúng ta xếp hàng đợi cha mẹ gọi tên, gửi cho cái lì xì đầu tiên, và lúc đó, chúng ta bằng tấm lòng của mình gửi lời chúc đến cho cha mẹ, rồi nhận niềm vui từ cha mẹ gửi đến cho mình. Thật sự cái đó dạy cho con người lễ nghĩa, một cái cách để trình bày tình cảm của mình. Và người ta nhắc nhau là có thể vào ngày tháng đó, cha mẹ mình, ông bà mình, có một vị trí rất đực biệt trong gia đình như vậy. Chúng ta phải như thế nào? Thực sự đó là cảm giác rất bồi hồi, rất đặc biệt.”
Anh nói rằng những món tiền trong những phong bì lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, và có khi, nếu nó được bạn bè trao tặng nhau cũng là cách thể hiện sự quý mến nhau, mong mọi sự có lợi cho người bạn mình mà trong những ngày bình thường khi bị cuộc sống cuốn đi, người ta không có cơ hội bày tỏ.
Sự biến dạng của văn hóa trong sự tha hóa xã hội
Nhưng phong tục lì xì hay hong pao của hai quốc gia rất gần nhau về văn hóa là Việt Nam và Trung Quốc đang bị biến dạng. Báo chí phương Tây hay dùng chữ văn hóa Hong Pao để chỉ về tệ nạn đút lót hối lộ ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam cũng không tránh khỏi sự biến dạng này.
Ông Nguyễn Sự, người từng đứng đầu thành phố Hội An, một điểm du lịch rất thành công ở miền Trung nói với chúng tôi:
"Người ta lợi dụng dịp Tết, thậm chí dịp lễ nữa, để người ta tham nhũng trá hình, tặng quà cáp, tặng những phong bao có giá trị vật chất vô cùng lớn, mà có người cả đời không mơ tới được."
Nhạc sĩ Tuấn Khanh thì nhận xét là những dịp lễ Tết truyền thống, trong đó có Tết Nguyên Đán và cả Tết Trung Thu nữa đã trở thành những dịp qùa cáp nhau của người lớn. Và điều đáng ngại hơn, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh là ý nghĩa tinh thần của phong tục Lì Xì cũng biến mất nơi trẻ em:
“Có những đứa trẻ được cha mẹ dạy, hoặc là chính bản thân tụi nó trưởng thành quá nhanh trong một xã hội trọng vật chất hơn tinh thần như ngày hôm nay ở Việt Nam. Đôi khi tụi nó lập tức mở bao lì xì ra, thấy số tiền không lớn hoặc chỉ mang tính tượng trưng, nó sẽ bỉu môi hoặc bỏ qua một bên. Điều đó là một điều đáng buồn, và đôi khi mình nhìn những điều đó, mình nhớ những ngày xưa, nhớ ông bà cha mẹ mình, nhớ đến một truyền thống, thực sự phai nhạt, rất buồn.”
Có lẽ là nhận thức được sự nguy hiểm khi phong tục Lì Xì biến dạng thành một phương tiện để hối lộ và tham nhũng, trong những ngày giáp Tết nguyên đán năm nay, Đinh Dậu, 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra một sắc lệnh không cho phép các quan chức biếu xén quà cáp cho cấp trên. Ông Nguyễn Sự nhận xét:
"Những người lãnh đạo của đất nước này đã từng có những văn bản cấm điều này, nhưng nó chỉ là văn bản, không được kiểm tra, không được nhắc nhở, không được xử lý, rốt cuộc chỉ nằm trên giấy tờ thôi. Lần này Thủ tướng chính thức ông bố, tôi cho là điều này đúng, hoàn toàn phù hợp với lòng dân và mong ước của mọi người. Nhưng mà để cho một mệnh lệnh, một chỉ thị, một ý kiến đi vào thực tiễn, thì phải kiểm soát, phải giám sát, chứ không nó chỉ nằm trên giấy. Ai kiểm soát? Phải có cơ chế kiểm soát."
Ý nghĩa đầu tiên là tấm lòng với nhau, của ông bà cha mẹ đối với mình và mình với ông bà cha mẹ. Bên cạnh đó là niềm vui của một ngày Tết truyền thống.<br/>-Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tết năm nay cũng có lời đề nghị của ai đó bỏ hẳn Tết âm lịch, với lý do tiết kiệm thời gian cũng như bỏ đi những tục bị cho là lạc hậu, không tốt. Nhạc sĩ Tuấn Khanh vẫn nhớ lại những ngày tháng xưa cũ khi mà ông cho là xã hội không bị tha hóa như bây giờ. Ông nhấn mạnh một lần nữa ý nghĩa của phong tục cổ truyền:
"Ý nghĩa đầu tiên là tấm lòng với nhau, của ông bà cha mẹ đối với mình và mình với ông bà cha mẹ. Bên cạnh đó là niềm vui của một ngày Tết truyền thống. Người ta có nói nó là ảnh hưởng Tàu hay gì đó, chuyện đó khó nói lắm, còn tranh cãi nhiều. Nhưng lâu nay người ta bắt đầu thấy điều đó trở thành một sự lạm dụng của một nhà nước mà bên cạnh đó tất cả hệ thống xã hội phân hóa thành nhiều giai cấp khác nhau, nó trở thành mượn vấn đề đó để mua chuộc lo lót lẫn nhau."
Ông Nguyễn Sự cũng nói rằng khi người học trò tri ân thầy mình bằng một món quà nhỏ, thì đó là một điều cần hết sức trân trọng, cũng như tất cả những sinh hoạt gia đình xung quanh phong tục Lì Xì của ngày Tết.