Nguyễn Khanh của Đài chúng tôi hiện đang có mặt tại London sẽ cùng với Vũ Hoàng ở Washington D.C. gửi đến quý vị câu chuyện ngày thứ 11 của cuộc tranh tài thể thao lớn nhất và ấn tượng nhất thế giới.
Ngày "mưa huy chương"
Nguyễn Khanh: Tuần trước chúng ta có ngày mưa huy chương, với 25 chiếc huy chương vàng dành cho các cuộc thi thì hôm nay cũng là ngày mưa huy chương, với 21 chiếc được trao cho người thắng giải ở nhiều sân vận động khác nhau. Ở sân Velodrom, các cuộc thi dành cho môn xe đạp nước rút đã bước vào vòng chung kết, những con ngựa sắt thế giới sẽ tranh nhau 3 chiếc huy chương vàng gồm 1 nam, 2 nữ và 3 chiếc khác dành cho giải toàn đội.
Tại sân Hyde Park, cuộc đua Trathlon cũng sẽ bắt đầu, các vận động viên dự tranh môn thể thao khó khăn này phải bơi 1 cây số rưỡi, sau đó đạp xe trên đoạn dường dài 43 cây số và kết thúc với cuộc chạy bộ dài 10km. Ở sân Olympic Stadium, nữ vận động viên Sally Pearson của Australia cùng với 2 vận động viên khác của Hoa Kỳ là Kellie Wells và Lolo Jones tiếp tục nuôi hy vọng chiếm đỉnh cao của môn 100 mét nhảy rào. Cũng ở sân này, chúng ta sẽ thấy nhiều vận động viên gắng sức bảo vệ chiếc huy chương vàng họ đã lấy được ở Bắc Kinh 2008, chẳng hạn như anh Asbel Kiprop của Kenya, người đang giữ vị trí vô địch thế giới của môn chạy 1500 mét, hay anh Andrey Silnov của Liên Bang Nga, từng được xem là vận động viên không đối thủ của môn nhảy cao.
Tối hôm qua, thế giới đã biết được danh tánh 2 đội tuyển vào chung kết giải bóng đá nữ, đó là Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong khi cuộc tranh tài môn bóng rổ vẫn diễn ra và không ai ngạc nhiên khi thấy đội tuyển Hoa Kỳ làm chủ sân. Chuyện lịch sử thể thao cho nước chủ nhà cũng vừa diễn ra tối ngày hôm qua, khi đội tuyển bóng rổ Anh Quốc thắng đội tuyển Trung Quốc với tỷ số 90-58. Tính từ năm 1948 đến giờ thì đây là lần đầu tiên các vận động viên bóng rổ của Anh thắng một trận tranh tài ở Olympic.
Vũ Hoàng: Cám ơn anh Nguyễn Khanh cho bản tóm lược tin tức Olympic trong ngày. Về chuyện huy chương thì đến bây giờ Trung Quốc vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng, kế đến là Hoa Kỳ, nước chủ nhà đứng hạng 3 và vị trí hạng tư vẫn là Nam Hàn. Tổng cộng đã có 61 quốc gia có huy chương ở cuộc thi Olympic lần này, và điểm đáng chú ý nhất là khuya hôm qua ở cuộc đua chạy 400 mét, vận động viên Kirani James của Grenada đã đem chiếc huy chương đầu tiên cho đảo quốc nhỏ bé này với thành tích 43,94 giây.
Cuộc đua này chỉ sôi nổi ở 200 mét đầu tiên, trước anh vận động viên mới 19 tuổi bứt phá và từ đó trở đi không một đối thủ nào có thể bắt kịp anh. Về nhì là Luguelin Santos cũng 19 tuổi của Cộng Hòa Dominican, và Lalonde Gordon của Trinadad đứng thứ ba. Cũng ở cuộc đua này, Vũ Hoàng thấy vận động viên Chris Brown của Bahamas vẫn là người kém may mắn: đứng hạng tư ở Bắc Kinh 2008 và cũng đứng hạng tư ở London 2012, không có cơ hội nhận huy chương.
Trở lại với anh Nguyễn Khanh ở London, không biết liệu có quá sớm để nói đến chuyện Olympic lần tới sẽ được tổ chức ở Rio de Janeiro của Brazil hay chưa? Ý Vũ Hoàng muốn hỏi anh là anh có nghe Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC hay các nhà báo bạn nói chuyện về Olympic 2016 không?
Nguyễn Khanh: Câu trả lời là có. Một phái đoàn hùng hậu quy tụ các thành viên của Ban Tổ Chức Olympic Rio 2016 đang có mặt tại London để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm của cuộc tổ chức lần này.
London cũng là nơi có gần 200,000 người Brazil cư ngụ, cộng đồng này cũng háo hức chờ ngày đón ngọn đuốc thiêng thế vận hội. Nếu có mặt ở London, bạn sẽ thấy cờ Brazil ở rất nhiều nơi, nếu buổi tối đi chơi khuya, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng nhạc của Brazil vang lên ở nhiều địa điểm. Một trong những bản nhạc mà tôi được nghe nhiều nhất ở khu vực của người Brazil là bản L.O.V.E Banana với tiếng hát của Lovefoxxx. Nghe mãi cũng thành quen, nhưng bạn Vũ Hoàng đừng bắt tôi phải hát đấy nhé.
Vũ Hoàng: Vũ Hoàng không may ngày nào cũng phải nghe tiếng hát của anh Khanh rồi, nên biết rất rõ trình độ hát hò của anh ra sao, chắc chắn không bắt anh hát đâu, vì anh Khanh mà cất tiếng hát thì làm phiền lòng quý thính giả ngay. Thay vì hát, không biết anh Khanh có câu chuyện vui Olympic nào để kể cho quý thính giả và Vũ Hoàng nghe được không?
Chuyện vui bên lề
Nguyễn Khanh: Cám ơn bạn Vũ Hoàng đã dùng giải pháp kể chuyện vui bên lề Olympic London 2012 để tôi không phải hát. Chuyện vui trong ngày thì rất nhiều, hầu như giờ nào, phút nào cũng có. Một trong những câu chuyện mà anh em cánh nhà báo chúng tôi thường nói với nhau nhất là chuyện anh vận động viên Kim Collins của xứ nhỏ bé mang tên là St. Kitts Và Nevis bị trưởng đoàn phạt không cho dự cuộc đua nước rút 100 mét tối Chủ Nhật vừa rồi. Lý do là vì đêm hôm trước anh ta trốn khỏi làng thế vận, ra hotel ngủ với vợ, và sáng hôm sau khi mò trở về làng thì nghe tin bị phạt.
Phát ngôn viên của đoàn nói với chúng tôi là trước ngày sang London, tất cả các vận động viên đều đã được dặn dò phải thuân theo luật lệ mà đoàn đặt ra, chuyện trốn khỏi làng để ra ngoài là điều không thể chấp nhận được và hình phạt là không cho dự thi. Anh vận động viên này thì cãi lại, bảo rằng ngay chính vợ của tù nhân còn được chính phủ cho phép thăm chồng, chuyện vợ chồng gặp nhau sao lại bị cấm cản. Anh cãi thế nào thì cứ cãi, đoàn vẫn giữ nguyên quyết định đã đưa ra, nhất quyết không thay đổi.
Mỗi đoàn có một quy định khác nhau, có đoàn cho phép vận động viên ra ngoài đi chơi và gia đình, có đoàn quy định chỉ được tiếp gia đình ở nhà khách của làng thế vận. Điều đáng buồn cho anh Collins là tập dượt 4 năm trời, đến ngày thi thì bị cấm chỉ vì anh đã phạm quy định mà đoàn đặt ra.
Vũ Hoàng: Cám ơn anh Nguyễn Khanh cho câu chuyện Olympic London 2012 hôm nay. Hẹn gặp lại anh cũng giờ này, ngày mai.
Nguyễn Khanh: Cám ơn bạn Vũ Hoàng và cám ơn quý thính giả.