Cả phòng im lặng nghe anh nói chuyện, với giọng thật nhẹ nhàng bảo thêm “đêm qua tới 4 giờ sáng tôi mới đi ngủ, cũng chỉ ngủ có đúng 4 tiếng rồi thức dậy và lúc nào trong đầu cũng nghĩ hôm nay là ngày đầu tiên mình không phải làm gì cả”.
Từ giả thao trường
Trước mặt anh em nhà báo chúng tôi là kình ngư Michael Phelps, người trong nhiều năm trời một mình làm chủ bể bơi thế giới. Dáng cao và gầy, dưới chân đi đôi giầy quá khổ, anh quyết định mở cuộc họp báo chỉ một ngày sau khi đoạt chiếc huy chương vàng bơi lội cuối cùng ở Olympic London 2012. Trước khi anh xuất hiện, mọi người đều nghe lời đồn đãi nói London sẽ là cuộc thi cuối cùng của anh, và hôm nay chính anh nói điều đó với mọi người.
“Từ ngày đầu mẹ tôi đã hết lòng ủng hộ mọi điều tôi làm, do đó khi nghe tôi bảo mình sẽ giã từ bể bơi, mẹ tôi bảo vậy thì con đóng trang sách cũ lại và mở một chương mới”, anh kể tiếp cho khoảng 600 nhà báo ngồi chật phòng báo chí của Olympic London. “Thật tình tôi chưa biết mình sẽ làm gì, nhưng chắc sẽ có nhiều thì giờ hơn để đi du lịch, sẽ nhận lời tham dự những buổi nói chuyện để động viên giới trẻ, nhất là những người trẻ yêu thể thao, muốn trở thành vận động viên olympic như
ước mơ của tôi lúc bé”.
Câu chuyện của cậu bé sinh trưởng và lớn lên ở thành phố Towson, tiểu bang Maryland, có thể được xem là câu chuyện của huyền thoại. Làm quen với bể bơi năm lên 7 “vì được chị em trong nhà khuyến khích”, dẫn cậu đi một tiệm bán quần áo thể thao “mua cho chiếc áo bơi để ủng hộ tinh thần”. Không ai ngờ cậu được chọn vào đội bơi của Hoa Kỳ dự Olympic Sydney 2000 năm mới 15 tuổi, không chiếm được chiếc huy chương nhưng vào tới chung kết môn bơi bướm 200 mét và về hạng 5.
Một năm sau đó, thế giới thật sự biết đến Michael Phelps khi anh xuất hiện ở đường đua của cuộc thi Bơi Lội Thế Giới tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản, khi anh chiếm huy chương vàng và tạo kỷ lục thế giới ở môn thi 200 mét bơi bướm và 400 mét bơi hỗn hợp. Tất cả những thành tích này anh tạo được lúc mới 16 tuổi, trở thành vận động viên bơi lội trẻ tuổi nhất vừa chiếm huy chương vừa ghi kỷ lục mới cho thế giới.
Thành công tại Nhật Bản chỉ khởi đầu cho một chuỗi thành công của Michael Phelps, đặc biệt sau ngày anh chiếm chiếc huy chương vàng đầu tiên ở Olympic Athen 2004. “Đó là chiếc huy chương vàng tôi quý nhất, chẳng bao giờ tôi quên chuyện mình thành công ngay ở cuộc tranh tài đầu tiên ở Hy Lạp”, anh vừa cười vừa trả lời câu hỏi của một nhà báo. Sau chiếc huy chương vàng đó là một loạt những chiếc huy chương vàng và kỷ lục thế giới khác, cho đến khi anh quyết định chia tay với thao trường và với khán giả ủng hộ khắp nơi.
“Cứ nghĩ đến chuyện tối hôm qua mình bơi thi lần cuối cùng là tôi như thấy điên. Khi nghe tôi loan báo tin giải nghệ, bạn bè tôi đứa nào cũng bảo đừng cố gắng quá mức, cứ bày tỏ tâm tư riêng, cứ việc khóc nếu thấy cần phải khóc”, anh bặm môi nói với chúng tôi. “Đến giờ tôi vẫn cố gắng hết sức để đừng khóc, đừng lộ nỗi buồn cho bất cứ ai biết”.
Lúc tôi mới bắt đầu, hầu như bể bơi là của nước Mỹ, nhưng bây giờ mặt hồ đã thuộc về thế giới chứ không phải chỉ của một mình tôi.
Michael Phelps
“Tôi đã làm được tất cả những gì mình muốn làm”, anh tiếp tục câu chuyện. “Lúc tôi mới bắt đầu, hầu như bể bơi là của nước Mỹ, nhưng bây giờ mặt hồ đã thuộc về thế giới chứ không phải chỉ của một mình tôi”. Anh nhắc lại chuyện không thể ngờ chứng kiến được hình ảnh vận động viên Trung Quốc phá kỷ lục thế giới ngay tại Olympic London 2012, và lấy làm tiếc khi thua Chad de Clos của Nam Phi ở cuộc thi chung kết 200 mét bơi bướm, là môn sở trường của anh. “Nếu có dịp làm lại, có lẽ đó là cuộc thi mà tôi sẽ tham dự”, vừa nói anh vừa cười và bảo ngay “tôi nói đùa đấy thôi, tôi sẽ không trở lại bể bơi nữa đâu. Tôi không bao giờ thay đổi quyết định mà tôi vừa thông báo cho các bạn”.
Không trở lại bể bơi thì kình ngư Michael Phelps sẽ làm gì? “Chắc chắn tôi sẽ đi bơi, nhưng hồ bơi của tôi bây giờ là đại dương. Bao nhiêu năm rồi tôi không có dịp đùa nghịch với sóng biển vì ngày nào cũng 6 giờ sáng phải rời nhà chạy đến sân tập, nhảy ùm xuống hồ bơi nước lạnh cóng. Từ hôm nay trở đi tôi không phải dậy sớm như thế nữa, tha hồ đi tắm biển” và “có thể đi đánh golf”.
Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ không thấy Michael Phelps ở Olympic Rio de Janeiro 2016? “Chắc chắn là không. Tôi tự hứa với mình là sẽ không dự bất cứ cuộc thi nào sau năm 30 tuổi. Tôi chẳng có ý chê bai tuổi 30, mà chỉ đặt ra mục tiêu cho chính mình thôi. Từ bây giờ đến đó còn 3 năm nữa, nhưng tôi nghĩ đã đủ rồi, tôi sẽ không dự bất kỳ cuộc thi nào nữa cả”.
Tôi đưa tay xin đặt câu hỏi, muốn biết điều gì quan trọng nhất mà anh muốn viết trên chương sách mới của một vận động viên lừng danh, rất trẻ, nhưng đã giải nghệ. Liệu đó có phải là chuyện anh sẽ lập gia đình hay có ý định làm huấn luyện viên cho một đội bơi nào đó chăng? Anh cùng với mọi người phá lên cười sau câu hỏi của tôi. Ngẫm nghĩ một lúc, anh trả lời “bây giờ tôi chưa tính gì hết, ngày hôm nay mới ngày đầu tiên tôi giải nghệ mà”.
Cuộc họp báo của Michael Phelps kết thúc ở đó. Theo yêu cầu của mọi người, anh đứng lại cho các ông phó nhòm làm việc, trên tay cầm chiếc huy chương vàng cuối cùng mà anh mới chiếm được buổi tối hôm trước. Chừng 2 phút sau, anh và các thành viên Ban Tổ Chức Olympic London 2012 rời phòng họp báo bằng chiếc cửa bên hông.
Theo dòng thời sự:
- Ai sẽ là người chạy nhanh nhất Olympic London 2012?
- Olympic London 2012 – Ngày 8
- Boxing Hoa Hỳ đi về đâu?
- Michael Phelps lập kỷ lục thế giới người nhiều huy chương Olympics nhất
- Olympic London 2012 – Ngày 7
- Olympic London 2012 - Chiếc huy chương và chuyện tiền bạc
- Olympic London 2012 – Ngày thứ 3
- ympic London 2012 – Ngày thứ hai
- huyện cô vận động viên bơi lội Ye Shiwen của Trung Quốc