Gỗ huỳnh đàn thuộc nhóm gỗ 1, hay còn gọi là nhóm đại danh mộc, quí hiếm và có khả năng phát ra năng lượng, mùi thơm. Thời xưa, gỗ huỳnh đàn dùng để chạm trổ, đóng ngai vàng, chỗ ngồi, tủ, giường… cho các bậc vua chúa. Hiện nay, chiếc ghế của các vua nhà Nguyễn ở thành nội Huế vẫn còn giữ được bản gốc bằng gỗ huỳnh đàn. Trong nhiều năm trở lại đây, các thương gia Trung Quốc sang Việt Nam lùng sục mua gỗ huỳnh đàn, điều này đã dẫn đến cơn sốt huỳnh đàn chưa từng thấy ở Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Nhà buôn lăng xăng
Ban đầu, gỗ huỳnh đàn được mua với giá vài trăm triệu động trên mỗi mét khối, nhưng dần về sau, mức giá đội lên đột ngột, tính bằng ký lô, gỗ nguyên phách sẽ được mua với giá từ 18 triệu đồng trên một ký lô cho đến 30 triệu đồng trên một ký lô, giá chênh lệnh do phụ thuộc vào phách gỗ lớn, nhỏ, dày, mỏng khác nhau và cũng phụ thuộc vào độ tuổi của gỗ.
Ban đầu, gỗ huỳnh đàn được mua với giá vài trăm triệu động trên mỗi mét khối, nhưng dần về sau, mức giá đội lên đột ngột, tính bằng ký lô, gỗ nguyên phách sẽ được mua với giá từ 18 triệu đồng trên một ký lô cho đến 30 triệu đồng trên một ký lô
Một người chuyên buôn gỗ huỳnh đàn ở Đại Lộc, Quảng nam, tên Bình, cho chúng tôi biết là giá gỗ huỳnh đàn còn lên cao nữa, hiện nay anh đang lùng mua với giá từ 7 đến 9 triệu đồng trên một ký lô gỗ cành và rễ, riêng thân cây, nếu phách gỗ to, sẽ được mua với giá từ 20 đến 30 triệu đồng trên mỗi ký lô. Vì đây là hàng quốc cấm, nghĩa là nhà nước cấm vận chuyển, mua bán loại gỗ này ra khỏi địa phương, nên cách thu mua cũng khá phức tạp và tinh vi.
Nói về vận chuyển, Bình cho biết thêm là thường một người đi mua gỗ huỳnh đàn phải có ít nhất sáu vệ tinh theo dõi, tìm hiểu, thẩm định tuổi của gỗ và chốt hàng. Nghĩa là Bình chỉ có mỗi việc bỏ tiền ra trả lương cho tay chân bộ hạ đi tìm gỗ, khi nào phát hiện được gỗ, sẽ có một người đến thẩm định chất lượng, làm giá và thỏa thuận mua. Việc mua – bán diễn ra rất nhanh, trong chốc lát, nếu hai bên vừa mua, thuận bán, bên mua sẽ rút tiền chồng tại chỗ, có khi con số lên đến vài tỉ đồng. Mua xong, việc còn lại, bên bán phải giao hàng đúng giờ, đúng điểm. Thường là giờ chạng vạng, bên bán gỗ sẽ chở gỗ đến điểm tập kết, bỏ lên xe cho bên mua, bên mua chở gỗ đi được một đoạn thì sang xe, việc sang xe diễn ra ít nhất là 5 lần trong một chuyến hàng.
Cũng có nhiều trường hợp bị kiểm lâm bắt, tịch thu mất gỗ, như trường hợp Hùng Tà, một tay khét tiếng trong giới giang hồ buôn gỗ huỳnh đàn ở Quảng Ngãi. Hùng Tà kể với chúng tôi rằng mới tháng Giêng năm nay, anh bị bắt mất hai trăm ký gỗ huỳnh đàn loại phách có qui cách, mỗi ký mua vào đã mất 15 triệu đồng, nếu trot lọt, bán ra lãi gấp đôi, nhưng bị kiểm lâm bắt giữa đường nên bỏ gỗ chạy lấy người. Sau này anh mới phát hiện chính nhóm kiểm lâm bắt gỗ của anh lại mang số gỗ này đi bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ bèo. Hùng tỏ ra tức giận vì bị nhóm kiểm lâm này ăn chặn, anh tuyên bố nhất định bọn họ phải trả giá cho chuyện này.
Tháng Giêng năm nay, anh bị bắt mất hai trăm ký gỗ huỳnh đàn loại phách có qui cách, mỗi ký mua vào đã mất 15 triệu đồng, nếu trot lọt, bán ra lãi gấp đôi, nhưng bị kiểm lâm bắt giữa đường ...Sau này anh mới phát hiện chính nhóm kiểm lâm bắt gỗ của anh lại mang số gỗ này đi bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ bèo.
Dân đi rừng liều lĩnh
Đó là chuyện của người buôn gỗ huỳnh đàn, với dân đi rừng, việc phát hiện ra một cây huỳnh đàn cũng đồng nghĩa với cả một núi vàng đang chất ngất, ngả ngớn trước mặt họ. Ông Nguyễn Văn Trỗi, một người có thâm niên ba mươi mấy năm đi gỗ rừng, khét tiếng trong giới lâm tặc ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, kể với chúng tôi rằng trong cuộc đời ông, có một lần ông triệt hạ một cây gỗ huỳnh đàn ở Phước Sơn, Quảng Nam, lúc ông triệt hạ, giá gỗ huỳnh đàn chưa cao lắm, chừng 5 triệu trên một lý lô. Nhưng với ông, đó là kỉ niệm đáng sợ và khó phai.
Vì loại gỗ này giống như có ma, hễ ai hạ được nó, không kịp mang ra khỏi rừng trong vòng ba ngày, cách gì cũng gặp rủi ro, nếu không bị đồng nghiệp đến cướp thì cũng bị kiểm lâm đến bắt, thậm chí có khi còn mất mạng vì mấy khúc gỗ này. Nhưng một cây gỗ to như vậy, làm sao mà mang ra khỏi rừng cho trót, trong khi đây là loại gỗ rất nặng, không nổi trên mặt nước. Nghĩ mãi một lúc, ông quyết định lấy một ít mang về, số còn lại sẽ giấu xuông lòng suối, nơi có thác, vì chỉ có đáy thác sâu hoắm mới che được tầm mắt của các đồng nghiệp.
Chỉ có những cán bộ kiểm lâm mới có nhiều gỗ huỳnh đàn, trầm, da động vật quí hiếm cất trong nhà, chứ dân đi rừng, luôn đối mặt với nguy hiểm, muỗi rừng, rắn rết và tù tội... cái ngon rơi vào tay cán bộ nhà nước hết rồi, chính cán bộ nhà nước mới là những lâm tặc số một bây giờ
Mang số gỗ này về bán xong, ông không xuất hiện ở khu vực giấu gỗ suốt mấy tháng sau đó, một phần sợ bị bắt, một phần sợ bị giết. Hơn bốn tháng sau, ông Trỗi quay lại chỗ cũ, lặn xuống đáy thác tìm số gỗ đã giấu, nhưng không tìm thấy số gỗ mình giấu mà chỉ tìm được một hộp sọ người mà theo ông phỏng đoán thì cũng là của dân đi rừng trước đây, có vẻ như người này bị giết và giấu xác sau một vụ thanh toán nhau vì chia trầm hoặc chia vàng gì đó. Cũng từ cái lần lặn tìm gỗ ra hộp sọ ấy, ông Trỗi bỏ luôn nghề đi rừng, quay về mở quán cà phê, buôn bán nhỏ lẻ sống qua ngày.
Một người chuyên đi gỗ khác ở Quảng Nam, yêu cầu giấu tên, nói với chúng tôi rằng hiện nay, ông biết được chỉ có một người đang làm đội trưởng đội kiểm lâm ở Hiệp Đức là có nhiều gỗ huỳnh đàn trong tay nhất vì ông này từng hạ một cây gỗ huỳnh đàn cổ thụ, ước chừng sáu tấn gỗ, và mang về những súc gỗ qui cách rất lớn. Ông này nói thêm là năm ngoái, ông trạm trưởng kiểm lâm kia đã bán đi một số gỗ huỳnh đàn tương đương với hai chục tỉ đồng, mua sắm nhiều thứ. Nhưng số gỗ kia là rất nhỏ so với lượng gỗ mà ông trạm trưởng đang cất giữ trong nhà làm của hồi môn.
Người đàn ông này lắc đầu, nói thêm, chỉ có những cán bộ kiểm lâm mới có nhiều gỗ huỳnh đàn, trầm, da động vật quí hiếm cất trong nhà, chứ dân đi rừng, luôn đối mặt với nguy hiểm, muỗi rừng, rắn rết và tù tội, có giỏi lắm thì cũng kiếm được ba tí gỗ tạp, mang về đồng bằng làm vốn, cái ngon rơi vào tay cán bộ nhà nước hết rồi, chính cán bộ nhà nước mới là những lâm tặc số một bây giờ. Cán bộ càng cao cấp, các loại danh mộc càng chất nhiều trong nhà của họ.
Gần đây, những tay lâm tặc bắt đầu thuê đất trồng gỗ huỳnh đàn, ở một số nơi, đất rừng được thuê để trồng gỗ huỳnh đàn dày đặt, cây dó bầu, cây lim, cây gụ bị triệt hạ để trồng huỳnh đàn. Không biết rồi đây, chuyện cây gỗ huỳnh đàn có giống như chuyện cây sanh, ốc bươu vàng hay cây bù ngót rừng?! Xin hẹn quí thính giả ở một bài viết khác đề cập đến những loại vừa nêu!