Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa

Giá lúa đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục hạ giảm không chỉ với lúa cấp thấp mà cả lúa chất lượng cao cũng bị ảnh hưởng. Chuyên gia và nông dân nói gì về tình trạng thị trường ế ẩm hiện nay.

0:00 / 0:00

Trúng mùa – Xuất khẩu ít

Trong bối cảnh hợp đồng xuất khẩu quá ít và sự kiện trái lệ thường là từ đầu năm đến nay Việt Nam chưa xuất bán được 1 tấn gạo cấp thấp nào, khiến cho giá lúa 50404 và những loại lúa làm ra gạo 25% tấm bị ế ẩm tụt giá chỉ còn quanh quẩn 4.000đ/kg lúa tươi, lúa khô thì cũng dưới 5.000đ/kg. Như vậy so với cao điểm hồi tháng 11 năm ngoái, lúa cấp thấp đã giảm khoảng 3.000đ/kg.

TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long ước tính là trong vụ đông xuân hiện nay nông dân đã làm khoảng 30%-40% các giống lúa ngắn ngày năng suất cao, trong đó giống 50404 khoảng 20%. Ông nói:

Vụ đông xuân năm nay rất trúng mùa dự kiến đạt 10,5-11 triệu tấn. Tôi vừa cùng Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đi khảo sát thì hiện nay đang có thu hoạch mà việc tiêu thụ lại khó khăn.

TS Lê Văn Bảnh

“Vụ đông xuân năm nay rất trúng mùa dự kiến đạt 10,5-11 triệu tấn. Tôi vừa cùng Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đi khảo sát thì hiện nay đang có thu hoạch mà việc tiêu thụ lại khó khăn, giá lúa chất lượng cao khoảng trên 6.000đ còn lúa 50404 khoảng dưới 5.000đ/kg. Sáng nay tôi được tin là Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA đã trình chính phủ để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Hiện nay gạo chất lượng cao rất nhiều, đầu vụ thu hoạch rộ mà đầu ra xuất khẩu chưa tốt nên thành ra thương lái không mua lúa 50404 nữa.”

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long ngán ngẩm tình trạng giá lúa bấp bênh mất ổn định, chỉ cần một tin đồn doanh nghiệp không mua gạo là thương lái ngừng mua hoặc ép giá lúa. một nông dân Cần Thơ phát biểu:

“Làm rồi phải giải quyết mắc rẻ gì cũng phải bán để thanh toán tiền vật tư nông nghiệp xoay xở lo mùa sau thấy số đông là như vậy…riêng tôi giá này chắc không chấp nhận bán. Lúa chất lượng cao giá 6.100đ/kg so với năm rồi thì thua, năm rồi bán 6.800đ tới 7.200đ/kg, năm nay giá này thấp quá, có vốn trữ lại cũng gồng mình chứ không dư giả gì, rẻ quá phải gồng mình trữ lại, nếu được giá 7.000đ trở lên thì bán.”

024_138532-305.jpg
Cày ruộng ở ĐBSCL, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.

Năm 2011 lần đầu tiênViệt Nam xuất khẩu vượt qua ngưỡng 7 triệu tấn gạo trị giá 3,5 tỷ USD, trong đó 70% là gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Tuy vậy những tháng cuối năm 2011 Việt Nam bị mất thị trường gạo cấp thấp ở các nước Châu Phi và giảm thị phần ngay tại Đông Nam Á vì bị Ấn Độ và Pakistan cạnh tranh.

Gạo Việt Nam từng nổi tiếng là rẻ nhất thế giới vì công lao động thấp và nông dân hưởng lợi không tương xứng công sức bỏ ra. Thế thì vì lý do gì mà không thể cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Pakistan. TS lê Văn Bảnh nhận định về vấn đề này:

“Điều này rất rõ, gạo 25% tấm của Việt Nam bán từ 430-450 USD/tấn, trong khi gạo Ấn Độ, Pakistan họ bán có 330 USD/tấn. Bởi vì gạo Việt Nam là gạo tươi, nghĩa là gạo sau khi thu hoạch từ đồng ruộng vô thì các doanh nghiệp thu mua, đem chà, đóng gói và bán, các nước trên thế giới gọi là gạo tươi.

Cái gì khó khăn vất vả thì nông dân chịu, còn phần lợi nhuận cao của mấy ông công ty thì nông dân không được chia sẻ.

Nông dân ĐBSCL

Còn gạo Ấn Độ Pakistan là gạo tồn trữ cũng giống như Cục Dự trữ Quốc gia của Việt Nam vậy, tồn trữ là để lo an ninh lương thực bởi vì họ cũng hay bị thiên tai bão lũ hạn hán. Thành ra họ nhập vô kho đến ba năm sau mới xuất ra, Pakistan Ấn Độ bán giá thấp vì đây là gạo cũ ba năm về trước, một số nước nghèo bất kể gạo ngon gạo dở gì thấy giá thấp là người ta mua. Do vậy Việt Nam bị mất thị trường gạo chất lượng thấp.”

Ai dự báo thị trường?

Đối với người nông dân chân lấm tay bùn đổ mồ hôi trên đồng ruộng góp phần làm ra 6-7 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm, trách nhiệm dự báo thị trường và điều hòa tiêu thụ là của chính phủ và của Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, tổ chức được giao đảm trách vai trò xuất khẩu. Trước vụ đông xuân, VFA và ngành nông nghiệp đã có cảnh báo nông dân hạn chế diện tích lúa 50404.

024_138526-250.jpg
Một cánh đồng lúa ở An Giang, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.

Tuy vậy nông dân đã nhiều năm mất lòng tin, vì những năm trước cũng có khuyến cáo tương tự, nhưng lúa chất lượng thấp vẫn bán được và nhiều khi có lời hơn lúa chất lượng cao. Lý do là giá mua có thấp hơn nhưng năng suất lại cao hơn và dễ trồng, nhất là cho đại đa số nông dân nghèo chỉ có diện tích vài công đất, vài ngàn mét vuông.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Cái gì khó khăn vất vả thì nông dân chịu, còn phần lợi nhuận cao của mấy ông công ty thì nông dân không được chia sẻ. Đồng lời nông dân rất mỏng so với siêu lợi nhuận của các doanh nghiệp bán phân bón thuốc trừ sâu. Nếu cho nông dân lời 50% cũng chẳng ăn thua gì vì ít đất quá, nếu mà làm vài ba công đất thì so với dân lao động công nhân cũng còn thua nữa…”

Việt Nam công bố chính sách tam nông, nông nghiệp-nông dân- nông thôn với chủ đích nâng cao đời sống nông dân và cải thiện bộ mặt nông thôn. Nhưng khi các chủ trương lớn mang tính chiến lược chưa biết được đích tới, thì người nông dân không trông mong gì hơn là những vụ mùa bội thu cả về năng suất lẫn giá tiêu thụ. Chính phủ Việt Nam không thể không biết điều này.

Opens in new window

Bản tin truyền hình sáng 23.02.2012

Theo dòng thời sự: