Tuyệt thực và công du

0:00 / 0:00

Blogger Điếu Cày tuyệt thực đã bước sang ngày thứ 32 và cũng là ngày đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước chân xuống đất Mỹ và có những gặp gỡ với giới chức chính phủ nước này. Liệu cuộc tuyệt thực này có gây trở ngại gì cho nỗ lực kết nối quan hệ giữa hai nước hay không?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này gặp khó khăn hơn người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết rất nhiều. Bên cạnh hồ sơ của hơn 160 tù nhân chính trị, hầu như báo chí và các tổ chức nhân quyền thế giới đều theo dõi cách ông giải thích với công luận Hoa Kỳ, nhất là với Tổng thống Barack Obama trong cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam tại Nhà Trắng về trường hợp tuyệt thực của nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Tại sao Điếu Cày tuyệt thực?

Ký giả Luke Hunt của tờ The Diplomat viết rằng tình trạng tuyệt thực và sức khỏe của Điếu Cày đã trở thành những đề tài hàng đầu của hầu hết báo chí khắp thế giới trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang chuẩn bị cuộc đối thoại với Tổng thống Barak Obama tại Nhà trắng. Luke Hunt cũng nhấn mạnh tới việc 46 nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam đã bị bắt giam trong 6 tháng đầu năm nay.

Tác giả bài báo nhắc lại blogger Điếu Cày là người từng được Tổng thống Barak Obama lấy làm điển hình là một nhà báo tự do bị đàn áp trong phát biểu trước đây nhân dịp ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Tin tuyệt thực của người blogger nổi tiếng này do anh Nguyễn Trí Dũng con trai của Điếu Cày thuật lại lần gặp mặt mới nhất của anh với cha vào ngày 20 tháng Bảy:

Bố tuyệt thực bởi vì họ ra cái quyết định biệt giam bố theo điều 27 khoản 2 mục DE tức là những mục dành cho người bị tâm thần, bệnh truyền nhiễm. <br/> -Nguyễn Trí Dũng

"Bố tôi nhanh chóng bám vào khung cửa kính và hai tay đỡ đầu của ông lên và ông nói rằng họ sẽ cho gặp rất nhanh thôi nên con nghe bố nói cho rõ, bố đã tuyệt thực qua 27 ngày rồi. Bố tuyệt thực bởi vì họ ra cái quyết định biệt giam bố theo điều 27 khoản 2 mục DE tức là những mục dành cho người bị tâm thần, bệnh truyền nhiễm và những tù nhân vi phạm nội quy trại giam nhiều lần. Họ ra yêu sách bố phải ký vào giấy nhận tội thì họ mới ngừng cái việc đó lại. Cán bộ trại giam yêu cầu không nói là ông Hải tuyệt thực mà ông Hải chỉ không ăn đồ của trại gửi vào. Bố chỉ nói thêm một lúc nữa rằng ngày 24 tháng 6 bố tôi đã làm đơn ra Viện kiểm sát nhân dân Nghệ An để khiếu nại việc giam giữ không đúng pháp luật nhưng mà cho đến nay bố tôi tuy đã tuyệt thực để chờ Viện ki m sát trả lời nhưng không có bất kỳ ai trả lời hết."

Hãy chuẩn bị 12 chiếc còng cho chúng tôi!

Sau nhiều lần tới Viện Kiểm sát Nghệ An đòi hỏi xác nhận có nhận được đơn của ông Hải hay không nhưng không thành công, sáng ngày 24 tháng 7, chị Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày cùng con trai Nguyễn Trí Dũng tiếp tục đến Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An để yêu cầu giải quyết tình trạng tuyệt thực của cha và chồng của họ. Tại đây theo lời anh Dũng kể lại với chúng tôi điều lạ lùng đã xảy ra mặc dù Viện Kiểm sát Nghệ An vẫn mở cửa nhưng tất cả các phòng đều khóa trái cửa lại trong giờ làm việc.

Những người ủng hộ Blogger Điếu Cày bên ngoài Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An nơi giam giữ tù nhân chính trị blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, hôm 22/7/2013. Citizen Photo.
Những người ủng hộ Blogger Điếu Cày bên ngoài Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An nơi giam giữ tù nhân chính trị blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, hôm 22/7/2013. Citizen Photo.

Hai mẹ con quyết định quay về tại giam số 6 để hỏi về lá đơn này. Đi chung với hai người là những bạn bè hay có cảm tình với anh Hải. Mười người này từ Hà Nội và những nơi khác nhau cùng hướng về trại giam 6 Thanh Hóa. Công an trại giam đã tỏ ra bối rối vì không biết giải quyết trường hợp này ra sao. Trại giam đã kéo dài thời gian bằng những lý do rất thô thiển và gặp phản ứng mạnh mẽ của mười hai con người này. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, một trong những người bạn của Điếu Cày có mặt trước cửa trại giam số 6 kể lại:

"Chúng tôi chờ đợi mãi rồi, 1 giờ 30 phút chiều họ bảo còn 27 phút nữa vì đồng hồ xê dịch một cách nào đấy có nghĩa là 2 giờ mới được gặp. Sau đấy đúng 2 giờ thì lính gác cổng lại bảo 2 giờ là giờ báo thức còn làm việc thì phải tới 2 giờ 15. Hết 15 phút này đến 15 phút kia không có ai ra tiếp chúng tôi cả cho tới hơn 3 giờ chiều bức xúc quá chúng tôi cùng đồng thanh nói: Nếu cán bộ trại giam không tiếp chúng tôi thì chúng tôi sẽ xông thẳng vào trại giam để gặp giám thị, chúng tôi sẽ vào tù cùng với anh Nguyễn Văn Hải. Mang đủ 12 cái còng ra đây.

Sự bức xúc và lo lắng cho anh Hải làm cho mọi người phản ứng như vậy nhưng tất nhiên là trại giam họ có đầy đủ người và phương tiện để ngăn chúng tôi lại."

Giam “bóc tách” hay biệt giam?

Trước sự phản đối mãnh liệt của mười hai người, trại giam số 6 Thanh Hóa đã phải nhượng bộ cho chị Tân và anh Dũng vào gặp Phó giám thị trại giam là ông Thái Văn Thủy. Ông Thủy cũng chính là người ký lệnh biệt giam ông Điếu Cày vào ngày 22 tháng 7. Anh Nguyễn Trí Dũng kể lại cuộc gặp này:

Ông Thái Văn Thủy nói bài ngữa với tôi luôn rằng họ có ra quyết định giam bóc tách riêng ông Nguyễn Văn Hải, tức là họ không dùng từ biệt giam. <br/> -Nguyễn Trí Dũng

"Ông Thái Văn Thủy nói bài ngữa với tôi luôn rằng họ có ra quyết định giam bóc tách riêng ông Nguyễn Văn Hải, tức là họ không dùng từ biệt giam, giam riêng ông Hải vào một khu và một phòng bởi vì ông Hải vi phạm nội quy trại giam. Cụ thể nội quy như thế nào thì ông này cũng nói y như cán bộ khác rằng chỉ trả lời trước cơ quan chức năng có trách nhiệm mà không trả lời với gia đình để xác nhận có làm quyết định giam vào ngày 22 tháng 6. Ông Thủy cũng nói thẳng có nhận được đơn khiếu nại của ông Hải nhưng họ không chuyển đi vì lá đơn có nội dung xuyên tạc và vu cáo giám thị trại."

Bên cạnh các tổ chức như Human Rights Watch, Reporter Without Borders (Phóng viên không biên giới) hay Freedom-House liên tục lên tiếng về cuộc tuyệt thực của Điếu Cày, những tờ báo lớn tại Mỹ như The Washington Post, The Washington Times hay các hãng tin AP, FoxNews, Reuters, AFP và hầu như báo chí các châu lục đều xuất hiện các bài viết, đưa tin về sự tuyệt thực của Điếu Cày.

Từ Úc có tờ The Australian, Ấn Độ có Millennium Post, The Hindu. Tại Qatar xứ sở của các nước Ả Rập có tờ The Peninsular, ngay cả Phi Châu cũng không chịu kém, tờ News Kenya cũng xuất hiện hình của Điếu Cày trong số báo mới nhất trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước xuống phi trường Andrew của nước Mỹ.

Báo chí cả thế giới đều biết chuyện Điếu Cày tuyệt thực chỉ có báo chí Việt Nam là không biết để đưa tin dù chỉ là một tin tức thuộc hàng tội phạm.

Blogger Điếu Cày từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2012, khi nhắc tới những cây bút bị tù đày vì anh đã can đảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Đối với Điếu Cày ông nói: "Chúng ta không được quên các nhà báo như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 cùng với một số lượng đàn áp các nhà báo công dân rất lớn ở Việt Nam".

Những khẳng định ấy ngày hôm nay chẳng những trở thành khó xử cho Tổng thống Mỹ mà còn làm cho Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang ngượng ngùng trong bàn đối thoại. Từ ngữ "bóc tách" thay vì "biệt giam" tuy rất sáng tạo nhưng chỉ chứng minh thêm tính cách luồn lách của các nhà giam Việt Nam và tiếc rằng những luồn lách này khó thể che đậy cuộc tuyệt thực của Điếu Cày trước sự vào cuộc đồng loạt của báo chí thế giới.