Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa được thành lập vào ngày 2/3 tại An Giang hứa hẹn giải quyết tình trạng bất ổn trong nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ban chấp hành Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2015 qui tụ 47 đại biểu, với Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng kiêm nhiệm Chủ tịch Hiệp hội, 4 phó chủ tịch là các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản VASEP và giới chức Phòng Thương mại Công nghiệp. Vai trò của Hiệp hội được mô tả hết sức to lớn như phát triển ổn định bền vững nghề nuôi cá tra, điều hòa cung cầu, giá cá nguyên liệu bảo đảm người nuôi có lời. Hiệp hội cũng sẽ cầm trịch việc tái lập trật tự trong khâu chế biến xuất khẩu, chấm dứt tình trạng gian lận chất lượng và phá giá.
Người dân trông đợi gì
Hiệp hội cũng hứa hẹn thực hiện một chủ trương nói đến từ lâu, đó là tổ chức mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi, doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính quyền địa phương.
Thứ nhất mấy ông làm sao cho tụi tôi có lời, lời ít ít thôi. Thứ nhì xin giúp một chuyện thôi là yêu cầu công ty mua tiền mặt cho người nuôi. Nông dân ĐBSCL
Người nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long trông đợi gì ở Hiệp hội Cá tra Việt Nam mới thành lập. Nông Dân thả cá ở Cần Thơ phát biểu:
“Thứ nhất mấy ông làm sao cho tụi tôi có lời, lời ít ít thôi. Thứ nhì xin giúp một chuyện thôi là yêu cầu công ty mua tiền mặt cho người nuôi, còn nếu hợp đồng thì phải đúng hợp đồng, thí dụ một tháng thì phải đúng một tháng. Hiện nay công ty hẹn một tháng mà ba tháng, năm tháng, bảy tháng chưa trả, tụi tôi đâu phải tiền nhà nội đóng lãi không cũng đã lỗ… Hiệp hội nó lo cho nó không lo cho dân đâu.
Nhược điểm của người nuôi bây giờ nuôi thì được, nhưng giá cả thì bấp bênh, tôi mới bán một đợt cá, vốn cũng 23.000đ/kg lãi suất nữa là 24.000đ/kg mà bán được có 22.000đ. Nhưng mà không biết tiền có lấy được hay không nữa. Đa số công ty mua cá trả tiền theo kiểu lúc nào muốn trả thì trả. Ở nông thôn tụi tui mười người nghỉ hết tám rồi, còn hai người là những người còn tiền còn của cải, những khu nào 5 bảy hào lớn là công ty mướn hết, nó nuôi nó bán cho phe nó có lời. Nông dân yêu cầu Nhà nước cho công ty vay tiền phải ràng buộc cách làm sao để công ty trả tiền mua cá cho nông dân.”
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Hội Nghề cá, trước xu thế các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đi mua ao, thuê ao nuôi cá để tự cân đối nguồn nguyên liệu, những hộ nuôi nuôi cá tra còn gắn bó với nghề cần tự cứu mình trước:
"Những cơ sở nuôi không có khả năng phát triển, mắc nợ ngân hàng đã phải bán ao nuôi và doanh nghiệp chế biến đã mua lại. Những doanh nghiệp xuất khẩu, có một xu thế rất mạnh là không dùng tiền để phát triển nhà máy nữa vì nhà máy vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu cũng gặp khó khăn. Cho nên họ tập trung cho nguyên liệu, đầu tư sản xuất con giống, lập trại giống, đầu tư cơ sở sản xuất thức ăn, sau đó nuôi cá và lượng cá này trước tiên để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy của chính họ. Những hộ nhỏ lẻ phải cùng nhau tạo thành một chuỗi liên kết đảm bảo cân đối giữa thức ăn, con giống, nuôi và đặc biệt quan trọng là phải tìm được đầu ra."
Hiệp hội Cá tra có đủ quyền lực?
Con cá tra đồng bằng sông Cửu Long đem về gần 2 tỷ USD mỗi năm, nhưng không ít doanh nghiệp phá sản, người nuôi ngập trong nợ, hộ nông dân phải cho doanh nghiệp thuê ao sống cầm hơi. Năm 2012 được xem năm cuối của cuộc khủng hoảng cá tra kéo dài 5 năm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2008 khủng hoảng thừa nguyên liệu, năm 2009 khủng hoảng thiếu nguyên liệu, năm 2010-2011-2012 một phần ba doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phá sản do xuất khẩu dưới giá thành, cũng như đường đi lòng vòng của tín dụng ngân hàng và hậu quả đầu tư ngoài ngành.
Những hộ nhỏ lẻ phải cùng nhau tạo thành một chuỗi liên kết đảm bảo cân đối giữa thức ăn, con giống, nuôi và đặc biệt quan trọng là phải tìm được đầu ra. Nguyễn Tử Cương
Sự không minh bạch của ngành ngân hàng cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng kéo dài của ngành cá tra. Năm ngoái Ngân hàng Nhà nước từng công bố tổng tín dụng cho vay cá tra tính đến tháng 9/2012 là 38.000 tỷ đồng. VASEP sau đó đã phản bác đòi làm rõ vì mức dư nợ đó tương đương 1,9 tỷ USD trong khi cả năm 2012 kim ngạch cá tra xuất khẩu chỉ đạt 1, 74 tỷ USD. VASEP cho rằng nếu doanh nghiệp và nông dân thực sự được vay tiền để hoạt động cho nghề nuôi và chế biến xuất khẩu thì sản xuất đã không đình trệ, doanh nghiệp nợ tiền cá nông dân kéo dài hàng năm.
Liệu Hiệp hội Cá tra Việt Nam có đủ quyền lực để giải quyết những vấn nạn kéo dài trong ngành cá tra. Trước đây VASEP đã bó tay khi doanh nghiệp và nông dân không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, VASEP cũng không giải quyết được việc các nhà xuất khẩu xé rào, bán hàng không đủ tiêu chuẩn chất lượng với giá hạ gây ảnh hưởng toàn ngành.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có cây đũa thần nào, để chấm dứt tình trạng nguyên liệu cá tra lúc thừa lúc thiếu, tổ chức lại cộng đồng doanh nghiệp để chỉ xuất khẩu cá tra đủ tiêu chuẩn. Quan trọng hơn hết là bảo vệ quyền lợi người nuôi cá qua ấn định giá sàn và tổ chức mua tạm trữ khi tồn đọng?
Hiệp hội mới ra đời nhưng nhiều nông dân đã cho rằng, nghề cá tra có lẽ sẽ chỉ còn những người giàu nuôi cá, khi xu thế sản xuất khép kín doanh nghiệp xuất khẩu tự nuôi cá, chế biến nguyên liệu và cuối cùng xuất khẩu. Mặt tích cực được cho là công nhân nhà máy chế biến có việc làm, bảo đảm sản lượng và kim ngạch. Tuy vậy sẽ có không ít hộ nông dân nuôi cá tra trở thành người làm thuê trên ao cá của mình.