Malaysia truy lùng lao động bất hợp pháp

0:00 / 0:00

Bắt đầu từ ngày 1/9, chính phủ Malaysia đã tung ra một chiến dịch truy quét những lao động nhập cư bất hợp pháp tại Mã lai. Chiến dịch này kéo dài 3 tháng kể từ ngày 1 tháng 9 đến cuối tháng 11.

Bộ di trú cho biết chính phủ Malaysia sẽ huy động khoảng 135.000 nhân viên tham gia.

Bị bắt, bị đánh

Malaysia có khoảng 12 quốc gia cung ứng lao động, nhiều nhất là Indonesia, Bangladesh, ước tính có khoảng nửa triệu người nhập cư đang lao động bất hợp pháp. Ngay ngày đầu của chiến dịch này đã có hơn 2400 người bị bắt, nhiều nhất là người Indonésia, kế đó là Myanmar, Bangladesh, Việt Nam. Một công nhân nói :

«Bấy giờ hiện tại police, công an Mã lai đang truy lùng bắt những người không có giấy tờ, nó bắt nhiều lắm, em có mấy đưa bạn bị bắt hết ».

Đối tượng bị truy quét là những người đã không ra trình diện theo chiến dịch Ân Xá của chính phủ Malaysia phát động vào tháng 8 năm 2011. Trong chiến dịch ân xá năm 2011 đã có 1,3 triệu người ra đăng ký, trong đó có 500.000 người được cấp giấy phép làm việc, 330.000 người bị trục xuất, còn gần 500.000 người đã trốn ở lại và tiếp tục làm việc bất hợp pháp. Chiến dịch này nhằm truy lùng số người này cộng với số người trốn ra ngoài trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, việc bắt bớ xảy ra khá tuỳ tiện, một công nhân cho biết:

«Người có giấy tờ cũng bị bắt mà không có giấy tờ cũng bị bắt. Người có giấy tờ nó cũng bắt để kiểm tra, nó giam vài ngày nó mới thả. Có trường hợp còn bị đánh đập nữa, đôi khi người ta phải nhịn đói, ăn mấy miếng bánh mì khô, không có nước để uống, đòi hỏi thì bị đánh, bị mắng.»

Ngoài ra, người công nhân này cho biết có trường hợp cảnh sát Mã Lai đánh đập, hãm hiếp công nhân nữ :

«Chuyện hãm hiếp con gái là có thật. Những người con gái trốn ra ngoài hoặc con gái sang đây làm quán bar, làm nhà hàng mà không có giấy tờ, bị bắt hoặc lên xin giấy, xin thủ tục để về nước nhưng có những trường hợp đôi khi nó bắt ngủ với nó, nó hãm hiếp, những chuyện ấy không phải là tin đồn."

<br/>Có trường hợp còn bị đánh đập nữa, đôi khi người ta phải nhịn đói, ăn mấy miếng bánh mì khô, không có nước để uống, đòi hỏi thì bị đánh, bị mắng.<br/> - Một công nhân <br/> <br/>

Phần lớn là những công nhân không đồng ý với tiền lương hoặc bị chủ ngược đãi, làm nhục nên trốn ra ngoài. Một số qua Mã Lai bằng đường du lịch và trốn ở lại.

Công nhân Việt Nam do không biết tiếng và cũng vì do bản tính chịu đựng nên dễ bị bắt nạt. Bị đối xử bất công, bị đánh mắng là việc rất thường xảy ra cho công nhân Việt Nam như trường hợp chị Nga:

«Mỗi lần công ty nghỉ phép vài ngày thì người quản lý India không cho. Nó chửi, xong nó doạ đánh, nó dí tay vào mặt nó đánh. Một hôm em bệnh em điện vào công ty xin nghỉ 1 hôm. Tối về em vừa lấy nồi cơm điện đi nấu cơm thì nó xông vào nó đánh em, nó quẳng nồi cơm xong rồi nó đánh em, thế là em bỏ ra ngoài làm, em không về công ty nữa."

Sau hợp đồng 5 năm ở Malaysia, chị Mai trở về Việt Nam, 3 tháng sau, chị trở lại làm cho công ty linh kiện điện tử Chang quất ở Senai. Do bất mãn về tiền lương và bị chủ mắng chửi, chị bỏ ra ngoài, không có hộ chiếu, chị trở thành người bất hợp pháp. Qua công ty môi giới chị xin vào làm một công ty khác ở Johor. Tuy nhiên, chị vẫn mong muốn có giấy tờ trở lại để có thể làm việc hợp pháp.

«Em về Việt Nam được 3 tháng thì em qua lại công ty khác, quay trở sang thì em vào công ty Giang quất ở Senai. Làm việc ở công ty này thì rất mệt. Boss và leader không tôn trọng công nhân, rất chi là khổ. Nói thật giờ nói đến công ty em rớt nước mắt, người Việt Nam mình giờ chỉ còn lại mấy chục người, còn thì họ bỏ ra ngoài rất nhiều, họ bỏ ra ngoài tìm việc ở công ty khác hết. Em vẫn cố tình ở lại được 1 năm, đến năm 2013 thì toàn nước Mã Lai được tăng lương cơ bản 900 RM cho công nhân nhưng riêng công ty của cúng em thì không tăng."

Những dịch vụ "chui"

Công nhân nhập cư làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur. Photo by Tường An
Công nhân nhập cư làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur. Photo by Tường An (Công nhân nhập cư làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur. Photo by Tường An)

Sau khi trốn ra ngoài, họ tìm việc làm trong các quán ăn, làm osin hoặc có những công ty nhận các lao động bất hợp pháp này qua các môi giới, cảnh sát Mã Lai vào tận các công ty để truy quét, một công nhân cho biết nhiều bạn của cô đã bị bắt trong khi đang làm việc :

«Môi giới nó đưa người vào trong công ty, nó ăn của mỗi người 200RM đến 250 RM một người, bây giờ là bị bắt hết. Công an nó đến công ty từ chiều lúc 5 giờ, công nhân thì vẫn đang làm, nó đi rảo khắp các xưởng nọ, xưởng kia, bố trí hết cả. Boss biết hết mà không dám báo, không dám gì cả. Đến khoảng tầm 7 giờ , bọn em ra quét thẻ, đang lúc quét thẻ thì nó ô-lô-xô lại nó bắt đứng lại hết, thế là nó bắt.”

Công nhân đến Mã Lai là bị chủ tịch thu hộ chiếu nên khi trốn ra ngoài, họ trở thành bất hợp pháp, không giấy tờ: ban ngày đi làm, tối về họ phải trốn trong rừng hoặc ở nhờ bạn bè, lúc nào cũng sống trong tình trạng lo âu:

«Sáng đi làm, tối về đi trốn hết chỗ này đến chỗ nọ, nếu không may công an nó vào nó bắt thì phải chịu.»

<br/>Bây giờ nó bảo nộp 2000 RM thì nó cho về Việt Nam, còn đưa 4000 RM thì nó cho ở lại đây.<br/>- Một công nhân <br/>

Những người bị bắt có thể nộp đơn cho toà đại sứ để xin giấy tờ hồi hương, tốn khoảng 400-500 RM tuy nhiên thủ tục này mất rất nhiều thời gian, phạm nhân có thể bị chuyển đi nhiều nhà tù khác nhau, điều này đã làm nảy sinh ra những dịch vụ chui khác : các tay môi giới kết cấu với công an địa phương để bảo lãnh người ra khỏi tù : hoặc 2000 RM để có giấy tờ trở về Việt Nam nhanh chóng, hoặc 4000 RM nếu muốn có hộ chiếu giả để được ở Mã Lai bất hợp pháp, và cứ như thế, cái vòng lẩn quẩn : sống bất hợp pháp- làm chui- bị bắt- thả ra…. lại tiếp tục.

"Bây giờ nó bảo nộp 2000 RM thì nó cho về Việt Nam, còn đưa 4000 RM thì nó cho ở lại đây."

Malaysia là nước có số lao động nhập cư lớn nhất ở Á Châu với 1,9 triệu lao động chính thức và khoảng 2 triệu lao động bất hợp pháp ( thống kê giữa năm 2013).

Theo thống kê của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, hiện nay, ngoài 70.000 lao động làm việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động rải rác trên 12 tiểu bang của Malaysia, còn có khoảng 5.000 lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp. Chưa kể tình trạng buôn người ngày càng phát triển ở đất nước này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidit cảnh báo những người thuê, chứa chấp các đối tượng nhập cư bất hợp pháp nói trên có thể bị phạt tới 500.000 RM (tương đương 150.000 USD) và bị phạt tù lên tới 20 năm. Các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp cũng sẽ bị xử phạt nặng. Dự định cho đến cuối tháng 11 sẽ trục xuất 500.000 lao động nhập cư bất hợp pháp.