Người đàn ông đánh bại ung thư phổi 38 năm

0:00 / 0:00

Ung thư là căn bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện đại và vẫn được coi là một trong những chứng nan y. Tiến bộ của khoa học đã giúp kéo dài tuổi thọ của nhiều người bị ung thư nhưng tỷ lệ người sống sót ở một số bệnh ung thư sau 5 năm là rất thấp, điển hình là ung thư phổi. Tuy nhiên có một người đàn ông đã đánh bại căn bệnh ung thư phổi 38 năm qua. Ông sẽ chia sẻ câu chuyện của mình trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách.

Con đường đến với liệu pháp thay thế

Đã từ 10 năm nay, ông Carl Helvie giữ thói quen đi bộ mỗi sáng sớm 30 phút từ 6 giờ rưỡi sáng trên bãi biển Chesapeake Bay, tiểu bang Maryland. Đây là một trong những bài tập thể dục mà ông duy trì trong nhiều năm để giữ sức khỏe, và đó cũng là một trong rất nhiều phương pháp mà ông đã áp dụng để đánh bại căn bệnh ung thư phổi mà ông được chẩn đoán cách đây 38 năm. Nhớ về kỷ niệm đầu tiên với căn bệnh ung thư phổi của mình, ông Carl Helvie cho biết:

“Tôi biết là tôi có một u nhỏ ở phần dưới phối phải của tôi và họ nói tôi sẽ chết trong vòng 6 tháng nếu không truyền hóa chất và mổ, nhưng kể cả như vậy họ cũng không đảm bảo bất cứ điều gì cho tôi. Tôi nghi là tôi có thể ở giai đoạn một hoặc hai theo cách phân loại bây giờ vì lúc đó tôi không thấy có triệu chứng gì. Thường những người có ung thư phổi chỉ thấy có các dấu hiệu biểu hiện ra ngoài vào giai đoạn 3 hoặc 4 sau khi ung thư đã bắt đầu di căn sang các phần khác. Tôi không có dấu hiệu nào lúc đó nên tôi nghĩ có thể tôi ở giai đoạn 1 hoặc 2 lúc đó.”

Vào năm 1974, năm ông bị phát hiện có ung thư phổi, người ta vẫn chưa chia ung thư thành các giai đoạn như hiện nay. Nhưng vốn là một tiến sĩ về ngành y tế cộng đồng, với những tài liệu y khoa mà ông có được, Carl Helvie có thể suy đoán giai đoạn ung thư của mình vào lúc đó so với cách chẩn đoán bây giờ.

Bác sĩ nói tôi sử dụng 2.000 mg của B17 và tôi ăn thêm từ 25 đến 30 nhân hạt mơ mỗi ngày. Tôi uống enzyme tuyến tụy…. giúp làm mềm các tế bào ung thư, giúp B17 thêm hiệu quả. <br/> -Ông Carl Helvie

Cũng bởi đã làm việc ở bệnh viện nhiều năm, ông đã phải chứng kiến những cái chết vì ung thư. Ông hiểu căn bệnh quái ác này có thể cướp đi sinh mạng của con người một cách nhanh chóng và đau đớn thế nào. Điều này đã khiến ông phải suy nghĩ rất kỹ khi lựa chọn cách điều trị cho mình.

“Là một y tá, tôi làm trong lĩnh vực sức khỏe, ở bệnh viện tôi làm việc, tôi thấy các bệnh nhân qua mổ mất toàn bộ hàm do bị ung thư, tôi thấy bà mẹ phải đau đớn sau khi chiếu xạ, có nhiều người đã phải chịu đau đớn mà vẫn chết. Tỷ lệ người bị ung thư phổi giai đoạn 4 còn sống sót sau 5 năm là 2% nếu dùng cách chữa trị thông thường là một tỷ lệ thấp. Tôi có đức tin mạnh mẽ, tôi nói với bác sĩ là tôi muốn về nhà suy nghĩ và cầu nguyện.”

Sau một thời gian suy nghĩ, cầu nguyện, tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến những người thân, Carl Helvie đã quyết định chọn cách chữa trị theo hướng tự nhiên, tức không sử dụng hóa chất như cách điều trị truyền thống. Đây là một quyết định không hề dễ dàng trong khi chính mẹ của ông, người đã từng bị ung thư trước đó và được điều trị khỏi bằng cách truyền thống, cũng khuyên ông nên đi mổ. Những bạn bè học cùng ông cũng cho rằng cách chữa trị truyền thống là hữu hiệu hơn cả.

Liệu pháp điều trị thay thế

Theo Viện Ung Thư Hoa Kỳ, liệu pháp điều trị ung thư thay thế là liệu pháp sử dụng các loại sản phẩm và cách điều trị không thuộc cách điều trị tiêu chuẩn. Bên cạnh liệu pháp thay thế còn có điều trị thay thế bổ xung tức là được sử dụng song song với các điều trị tiêu chuẩn. Cũng theo định nghĩa của Viện Ung thư Hoa Kỳ, các điều trị tiêu chuẩn là những điều trị dựa trên các bằng chứng của các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên Viện Ung thư Hoa Kỳ không thể xác nhận được mức độ an toàn của các liệu pháp thay thế. Hiện vẫn đang có những nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu về hiệu quả và độ an toàn của các liệu pháp thay thế điều trị ung thư.

Tin vào con đường mình đã chọn, Carl Helvie tìm đến một bác sĩ về ung thư ở Virginia để điều trị, bác sĩ James Forsythe. Nói về liệu pháp điều trị được áp dụng, Carl Helvie cho biết:

Một số loại thuốc dùng trong điều trị ung thư, ảnh minh họa chụp tại Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ tháng 8 năm 2005. AFP.
Một số loại thuốc dùng trong điều trị ung thư, ảnh minh họa chụp tại Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ tháng 8 năm 2005. AFP.

“Tôi sử dụng vitamin B17 hay còn gọi laetrile. Nguồn chính của B17 là từ nhân hạt mơ. Bác sĩ nói tôi sử dụng 2.000 mg của B17 và tôi ăn thêm từ 25 đến 30 nhân hạt mơ mỗi ngày. Tôi uống enzyme tuyến tụy…. giúp làm mềm các tế bào ung thư, giúp B17 thêm hiệu quả. Tôi dùng vitamin A liều cao, vitamin E và nhiều loại vitamin B, các khoáng chất và các chất kích thích tiêu hóa. Bác sĩ cho tôi một chế độ ăn như người ăn chay với 70% là các loại rau quả sống, và một số rau quả nấu cùng với các loại hạt, nhưng không có protein, không sữa, không thịt, không cá, không bánh kẹo, không có chất bột. Tức là khi bạn bị ung thư bạn không thể ăn các đồ đó. Bác sĩ của tôi đã rất mạnh tay. Tôi cũng thiền, cầu nguyện, tưởng tượng và tin tưởng, tập tha thứ và luôn giúp đỡ người khác. Tức là tôi sử dụng cách tiếp cận tổng thể và nó đã có hiệu quả với tôi.”

Sau khoảng 3 đến 4 tháng ăn kiêng triệt để, ông có thể bắt đầu ăn thêm một chút cá, và các sản phẩm từ sữa, nhưng vẫn tuyệt đối kiêng đường. Ông cũng uống bổ xung thuốc protein khi cần thiết.

Trong quá trình điều trị này, ông vẫn đến gặp bác sĩ gia đình của mình để theo dõi sự tiến triển của bệnh nhưng tuyệt đối không dùng thuốc tây y. Sau hai năm kiên trì cách điều trị, căn bệnh ung thư của ông đã hoàn toàn biến mất đến nỗi ngay chính bác sĩ gia đình của ông cũng phải nghi ngờ về sự chẩn đoán ban đầu của mình.

Mặc dù chỉ mất hai năm điều trị căn bệnh ung thư của mình, nhưng 36 năm sau đó, Carl Helvie vẫn tiếp tục theo đuổi một chế độ ăn uống, thể dục và làm việc hợp lý để tránh căn bệnh ung thư có thể quay lại và duy trì sức khỏe. Ông cho biết về kinh nghiệm của mình như sau:

“Tôi điều trị ung thư trong 2 năm, nhưng 36 năm sau đó ung thư vẫn không quay trở lại. Tôi đã 81 tuổi và tôi vẫn khỏe mạnh, không có bệnh kinh niên của người lớn tuổi, không phải uống các loại thuốc kê đơn. Tôi thức dậy vào 6 giờ sáng mỗi ngày và đi bộ 4 miles ở biển. Tôi sống trong căn nhà 3 tầng và tôi lên xuống cầu thang liên tục. Tôi tập thể dục. Nhưng tôi cho rằng sự khỏe mạnh và việc ung thư không quay lại là do tôi cầu nguyện mỗi ngày, tôi có đức tin lớn, tôi lạc quan, tôi rất cẩn thận với đồ ăn vào. Tôi không bao giờ ăn hot dog, không ăn hamburger, tôi không ăn đồ ăn BBQ, tôi cẩn trọng với nước tôi uống. Tôi nghĩ mọi người nên ăn các loại hạt.

Tôi không ăn thịt bò trong suốt 25 năm qua. Tôi ăn thịt gà và cá. Nhưng tôi cũng phải cẩn trọng với nồng độ thủy ngân có thể có trong thủy sản. Tôi cũng không ăn cá nuôi vì sợ các chất độc trong nuôi trồng. Ngoài ra, có một điều nữa là khi người ta bị ung thư, họ thường lo lắng rằng nó sẽ quay lại, nếu bạn bận rộn và dành thời gian giúp đỡ người khác thì bạn không có thời gian để lo lắng quá như vậy. Theo tôi đó là điều tốt, vì khi chúng ta bận rộn, giúp đỡ người khác, lo lắng cho họ thay vì bản thân mình, nó giúp bạn thêm lạc quan.”

Carl Helvie cũng có một chương trình radio của riêng mình nói về cách điều trị ung thư thay thế, nơi ông phỏng vấn những người đã sống sót nhờ cách điều trị thay thế. Công việc giúp ông bận rộn và yêu đời. Ông cũng đã bỏ hoàn toàn thuốc lá kể từ sau khi phát hiện mình bị ung thư phổi.

Tranh cãi về liệu pháp điều trị thay thế

Tôi thức dậy vào 6 giờ sáng mỗi ngày và đi bộ 4 miles ở biển. Tôi sống trong căn nhà 3 tầng và tôi lên xuống cầu thang liên tục. Tôi tập thể dục. <br/> -Ông Carl Helvie

Trong một cuốn sách mới được xuất bản gần đây về kinh nghiệm điều trị ung thư phổi của bản thân, Carl Helvie nhìn nhận ung thư là một căn bệnh khó điều trị trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao. Chỉ riêng trong năm 2002, đã có gần 11 triệu ca ung thư mới và có đến 6 triệu 700 ngàn người chết vì ung thư. Khoảng hơn 24 triệu người bị ung thư sống sót trong 3 năm sau khi bị chẩn đoán có ung thư. Trong tất cả các loại ung thư, ung thư phổi là loại phổ biến nhất với hơn 1 triệu 300 ngàn ca vào năm 2002. Đây cũng là ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất với hơn 1 triệu người.

Tại Mỹ, tỷ lệ những người bị ung thư phổi vẫn còn sống sau 5 năm là ở khoảng 14%.

Cũng theo những tìm hiểu được đưa ra trong cuốn sách, Carl Helvie cho biết tỷ lệ những người sống sau 5 năm do áp dụng liệu pháp thay thế cao hơn so với tỷ lệ những người áp dụng điều trị truyền thống là mổ và hóa trị. Theo con số thống kê được bác sĩ James Forsythe đưa ra trong cuốn sách, tỷ lệ những bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau năm năm do được điều trị theo liệu pháp thay thế hoặc hỗn hợp là từ 35 đến 40%.

Liệu pháp điều trị thay thế có nguồn gốc tự nhiên trên thực tế đã có từ lâu đời tại Mỹ, nhưng chỉ trở nên phổ biến vào những năm 1930 của thế kỷ trước. Nổi tiếng nhất vào lúc đó là liệu pháp Hoxsey. Đây là cách điều trị sử dụng dược thảo, tẩy độc cơ thể, bổ xung vitamin và thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên cơ quan thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cùng với nhiều tổ chức nghiên cứu ung thư ở Hoa Kỳ cho rằng không có bằng chứng nào về hiệu quả của liệu pháp này. Việc quảng cáo và bán các sản phẩm của liệu pháp Hoxsey còn bị cấm tại Mỹ vào năm 1960, và liệu pháp này bị gọi là lừa đảo. Hiện liệu pháp này vẫn được quảng cáo và bán chủ yếu trên internet. Bất chấp những cảnh báo của FDA, nhiều bệnh nhân bị ung thư vẫn lên mạng tìm mua sản phẩm này.

Theo Carl Helvie, rất nhiều công ty điều chế thuốc trị ung thư đã bỏ ra nhiều khoản tiền để quảng cáo thuốc và bán sản phẩm, vốn mang về doanh thu hàng tỷ đô la mỗi năm. Vì thế lẽ đương nhiên, các điều trị thay thế và các bác sĩ sử dụng các điều trị này thường bị cho là dối trá và lừa đảo.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi xung quanh liệu pháp điều trị thay thế và truyền thống, và rõ ràng là nhiều người bệnh bị ung thư vẫn chọn cách điều trị truyền thống hơn là điều trị thay thế, nhưng những người như Carl Helvie, những người đã sống sót chỉ bằng liệu pháp thay thế, tin rằng liệu pháp thay thế đã có tác dụng, ít nhất là đối với họ.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.