Đó là dấu hiệu một thời kỳ khó khăn trầm trọng về kinh tế tại Mỹ và châu Âu, mà thế giới khó tránh được ảnh hưởng. Việt-Long phỏng vấn nhà tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, quanh đề tài này.
Việt-Long: Thưa ông. Thị trường Hoa Kỳ và châu Âu đảo lộn có phải chỉ đơn thuần vì sự lượng giá của S&P hay còn những lý do khác?
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ một phần lý do căn bản là nền kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ đang có nguy cơ suy trầm nặng. Hoa Kỳ bị đụng đáy hai lần. Trong hoàn cảnh đó lại có va nợ nần của nước Mỹ và cách giải quyết của giới lãnh đạo chính trường Mỹ, mang tính cách chắp vá không có căn bản lắm.
Vì vậy hôm thứ sáu S&P đã hạ điểm tín dụng của Mỹ, và hôm thứ hai thị trường Hoa Kỳ rõ ràng có triệu chứng hốt hoảng. Hôm thứ ba thị trường Mỹ lên được một chút, thì đêm thứ ba rạng sáng thứ tư thị trường châu Âu rúng động, các cổ phiếu các ngân hàng Pháp rớt giá vì tin Standard &Poor có thể đánh giá tín dụng các ngân hàng Pháp từ AAA xuống AA+.
Trong khi đó tình hình cho thấy bối cảnh chung về kinh tế không mấy sáng sủa, cộng thêm chuyện không giải quyết được nợ nần, bị hạ điểm tín dụng, và trong có một tuần nếu hai nước trong số có 13 nước thôi, mà bị hạ điểm như vậy thì khắp nơi đều hốt hoảng.
Việt-Long: Ông đánh giá thế nào về viễn ảnh kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, khi mà cả giới dân cử cũng như giới kinh tế Mỹ đều có ý kiến là sự thỏa hiệp giữa hành pháp với lập pháp Mỹ về giới hạn nợ công chẳng phải là kết quả để giải quyết, mà chỉ là khởi đầu của một thời kỳ khó khăn tiếp tục và trầm trọng hơn cho kinh tế Mỹ?
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ, như tôi hay trình bày, là có cái “Nhân”. Có nguyên do sâu xa lâu dài khiến nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như châu Âu gặp khó khăn trong giai đoạn trước mắt, ví dụ như vấn đề khủng hoảng hệ thống tài chính châu Âu, đặc biệt là đồng Euro, mà lúc đầu người ta lầm tưởng là do hiệu ứng cuộc khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ.
Thật ra từ tháng 9-2008 châu Âu đã gặp nhiều khó khăn nội tại. Phia Hoa Kỳ cũng có những yếu tố đưa đến suy trầm, rất ngắn hạn thôi, từ tháng 12-2007 đến tháng 12-2009. Nhưng sau đó trong 2 năm liền không phục hồi, mức thất nghiệp cao, trong khi lãnh đạo nước Mỹ quay đi làm chuyện khác. Tôi gọi đó là “cải tạo xã hội”, mất 18 tháng để tranh luận về hồ sơ có đặc tính xã hội, là bảo dưỡng y tế. Và đã bị bội chi trong khoảng 2, 3 năm, lên đến mức kinh khủng, nhiều hơn cả hai nhiệm kỳ của ông Bush trước đó.
Những việc đó là cái “nhân” đưa đến cái “quả” ngày hôm nay, kinh tế không sáng sủa, thất nghiệp càng cao. Cùng lúc đó thì hệ thống chính trị ở Mỹ giải quyết vấn đề bội chi ngân sách quá dở, có lẽ đa số đều chú trọng đến cuộc tranh cử năm tới. Đó là giọt nước tràn ly, không phải vụ đánh giá thấp tín dụng gây ra khủng hoảng. Tín dụng hạ thấp như vậy trong khi trái phiếu vẫn lên giá, phân lời xuống, chứng tỏ người ta vẫn tin tưởng vào thị trường Hoa Kỳ. So với các thị trường đi vay khác trên thế giới thì nơi này vẫn là thị trường an toàn nhất.
Nhưng chìm bên cái”nhân”, yếu tố kinh tế mới gây ra sự hốt hoảng. Người ta càng hốt hoảng khi thấy vấn đề chính là kinh tế, công ăn việc làm không có. Và nếu không tăng trưởng thì không thể thu được thuế, như hiện nay thuế c
ủa nước Mỹ đang ở mức thu rất thấp, dưới 15%
Việt-Long: Và trong hoàn cảnh không giảm chi được tới 4 ngàn tỉ, cũng không giảm được tỉ lệ thất nghiệp, không gia tăng được sức sản xuất, cũng không thu được thêm thuế cho đáng kể, thì ông có thấy phương cách nào giải quyết được cho nền kinh tế Mỹ? Ông có thấy tia sáng nào cuối đường hầm hay không?
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ, thực sự, rất khó. Hy vọng, nếu có, là một phản ứng dữ dội của người dân, đưa đến một kết quả tranh cử, bầu cử khác vào năm tới, có một hệ thống lãnh đạo khác để nhìn vào và giải quyết những vấn đề thật từ năm 2013. Từ nay đến đó tôi cho là ta còn nhìn thấy cổ phiếu lên xuống như yo-yo. Lạc quan lắm thì mỗi quý giảm được mức thất nghiệp chừng 0,5%, đó cũng gần như môt phép lạ. Và trong trường hợp đó thì phải ba bốn năm nữa ta mới thấy lại mức thất nghiệp ở khoảng 7%, là lúc trước khi Tổng thống Obama nhậm chức.
Việt-Long: Câu hỏi cuối cùng, thưa ông, Riêng thị trường địa ốc là nơi có nhiều người Việt kinh doanh và có liên quan, thì có gì xấu hơn hay tốt hơn so với những lĩnh vực kinh tế khác?
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ sẽ vẫn đình trệ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất không tăng, vì số nhà xây không tăng, lãnh vực xây cất không hồi phục, công ăn việc làm vẫn kém.
Việt-Long: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.