Việt Nam và TQ loại sạch bệnh uốn ván sơ sinh

Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO vừa chính thức công bố Trung Quốc đã loại sạch bệnh uốn ván sơ sinh. Mặt khác, theo Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, Việt Nam đã giảm tỷ lệ uốn ván sơ sinh xuống mức thấp nhất tính từ 2005 đến giờ.

Hôm 30 tháng Mười 2012 vừa qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO loan báo Trung Quốc đã loại trừ được bệnh uốn ván nơi mẹ và sơ sinh căn cứ trên số liệu khảo sát cũng như tỷ lệ uốn ván mẹ và sơ sinh mức thấp tại những tỉnh đông dân nhất mà Quảng Đông và Quảng Tây là điển hình.

Ông Dale Rutstein, giám đốc ngoại vụ và liên lạc của UNICEF Trung Quốc, cho biết:

“Loại trừ được bệnh uốn ván nơi mẹ và trẻ sơ sinh là thành quả bao năm làm việc cũng như phối hợp giữa Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, các cơ quan y tế khác của Liên Hiệp Quốc cùng với nước sở tại là Trung Quốc.”

Theo tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ông Dale Rutstein giải thích, một quốc gia được coi là sạch bệnh uốn ván nơi mẹ và sơ sinh khi đạt tỷ lệ 1/1000, nghĩa là một nghìn ca đẻ mới có một trường hợp nhiễm khuẩn uốn ván, và Trung Quốc đã duy trì được tiêu chuẩn đó tính đến hết tháng Mười 2012.

Nhiễm khuẩn uốn ván nơi mẹ và nơi trẻ so sinh xảy ra lúc sản phụ lâm bồn và lúc trẻ vừa lọt lòng mà không may tiếp xúc phải dụng cụ y khoa bị nhiễm bẩn bởi vi khuẩn gây chứng Tetanus tức bệnh uốn ván.

Các thai phụ chờ đợi để kiểm tra y tế tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương tại tỉnh An Giang hôm 09/7/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam.
Các thai phụ chờ đợi để kiểm tra y tế tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương tại tỉnh An Giang hôm 09/7/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam.

Uốn ván nơi mẹ và trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể phòng tránh nếu mẹ khi mang thai năng đi khám định kỳ và được chủng ngừa đúng cách. Nơi trẻ mới sinh, do tiếp xúc với dụng cụ y khoa bẩn, chẳng hạn dao cắt rốn nhiễm khuẩn tetanus, thì sẽ bị uốn ván rốn, còn gọi là uốn ván sơ sinh, dẫn đến tử vong từ những ngày đầu.

Theo bác sĩ Phạm Nhật An, phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, uốn ván rốn nơi trẻ sơ sinh là nguy cơ đáng sợ hơn dù có thể can thiệp và thanh toán được bằng chữa trị để tránh tử vong:

“Vì người mẹ còn có kháng thể, còn ở sơ sinh thì dễ bị nhiễm và có nhiều nguy cơ hơn . Trẻ sơ sinh đẻ ra mà bị cắt rốn bằng dụng cụ bẩn chẳng hạn, thì nó bị nhiễm bằng đường rốn chứ không phải cứ mẹ bị là trẻ bị đâu.

Biểu hiện đầu tiên của uốn ván rốn là bị cứng hàm, ngoài ra còn những triệu chứng khác nhưng quan trọng nhất là những cơn co giật và co cứng mà có thể gây nên ngừng thở. Trước khi có những cơn co giật và co cứng thì dấu hiệu của nó là cứng hàm, người lớn thì không há được miệng và không nhai được, trẻ sơ sinh thì môi nó chum chím lại nó không bú được.

Uốn ván rốn thì hiện nay Việt Nam coi như cũng đã thanh toán rồi, hiện cả năm nay bệnh viện mình không có trường hợp nào bị uốn ván rốn nữa.”

Bác sĩ Nguyễn Huy Du, chuyên gia sức khỏe bà mẹ trẻ em, làm việc trong Chương Trình Phát Triển Vì Sự Sống Còn Của Thiếu Nhi trong Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF Việt Nam:

BS Nguyễn Huy Du

“Việt Nam đã loại trừ được uốn ván sơ sinh từ 2005. Ở Việt Nam thì UNICEF cộng tác với các tổ chức UN, đặc biệt với Tổ Chức Y Tế Thế Giới và sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam từ rất lâu rồi, và thành quả đạt được là năm 2005 Việt Nam đã loại trừ được uốn ván sơ sinh.

Sau giai đoạn 2005 đến giờ thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thành quả này. Loại trừ uốn ván sơ sinh là một trong những mục tiêu của Việt Nam với chương trình tiêm chủng quốc gia có sự hỗ trợ của UNICEF và Tổ Chức Y Tế Thế Giới.”

Tại Việt Nam hầu hết những ca sinh nở và đỡ đẻ đều thực hiện tại bệnh viện khoa sản hoặc những phòng sản khoa tại cơ sở y tế địa phương với phương tiện và thiết bị an toàn cũng như vô trùng.

Nhưng thực tế chuyện sinh đẻ tại nhà và tự cắt rốn cho trẻ vẫn xảy ra tại một số cộng đồng các dân tộc miền núi hoặc những vùng sâu vùng xa trong nước, khiến không ít trẻ vừa lọt lòng đã chết thảm vì nhiễm khuẩn gây uốn ván sơ sinh, một biến chứng có thể tránh được nếu áp dụng vệ sinh thường thức đúng cách. Vẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Du của UNICEF Việt Nam:

“Bộ Y Tế Việt Nam cung cấp gói đỡ đẻ sạch cho cán bộ y tế thôn làng, trong đó có găng tay, có lưỡi dao vô khuẩn, và có cồn Đi Ốt để cắt rốn. Trường hợp người mẹ bắt buộc phải đẻ ở nhà thì nhân viên y tế từ trạm y tế sẽ gởi gói đỡ đẻ sạch đến để hỗ trợ bà mẹ. Khi đẻ tại nhà thì gói đỡ đẻ sạch đấy sẽ hạn chế rất nhiều trường hợp nhiễm trùng uốn ván rốn, góp phần duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh . Báo cáo tiêm chủng mới nhất của 2011 Việt Nam vẫn duy trì được thành quả giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh trong tiêu chuẩn quốc tế.”

Số liệu chính thức, do bác sĩ Nguyễn Huy Du từ UNICEF Việt Nam cung cấp, cho thấy chỉ có 31 trường hợp nhiễm khuẩn uốn ván sơ sinh trên toàn quốc Việt Nam năm 2011.

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.

Theo dòng thời sự: